Nghị luận: Tấm gương là một người bạn trung thực, không bao giờ biết xu nịnh

nghi-luan-tam-guong-mot-nguoi-ban-trung-thuc-khong-bao-gio-biet-xu-ninh

Nghị luận: “Tấm gương là một người bạn trung thực, không bao giờ biết xu nịnh”

  • Mở bài:

Người xưa thường nói: “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Những gì chân thực thường không tỏ ra quyến rũ mắt nhìn, tai nghe còn những gì giả dối lại rất xinh đẹp và ngọt ngào. Thế nhưng, cuối cùng, cái giả dối sớm muộn gì cũng hiện nguyên hình xấu xí và bỏ đi, còn những gì chân thực vẫn mãi ở lại với con người. Bàn về điều đó, có ý kiến cho rằng: “Tấm gương là một người bạn trung thực, không bao giờ biết xu nịnh”.

  • Thân bài:

Ý nghĩa câu nói: “Tấm gương là một người bạn trung thực, không bao giờ biết xu nịnh”.

“Tấm gương” là vật dùng để soi chiếu. Con người thường soi mình trong gương để làm đẹp và để quan sát, sửa soạn cho bản thân. “Người bạn trung thực” là người bạn không bao giờ giả dối, xu nịnh hay phản bội mình. Mượn hình ảnh tấm gương, câu nói khuyên chúng ta phải biết chấp nhận bản thân dù mìn có như thế nào, chớ vì danh vọng, vật chất mà giả dối, xu nịnh, sống thiếu lòng trung thực.

Mỗi người ai cũng có hai tấm gương: một là tấm gương soi thủy tinh tráng bạc và tấm gương soi chiếu lương tâm của chính mình. Tấm gương đều là người bạn trung thực của con người. Nhưng nhiều người chỉ mãi mê soi mình vào tấm gương thủy tinh tráng bạc mà quên mất tấm gương thứ hai – tấm gương của cuộc đời, của lương tâm và đạo đức, để rồi lãng quên chính mình, chạy theo những giá trị tầm thường và giả dối.

Hãy sống trung thực, thật thà, chớ giả dối, xu nịnh người khác:

Tấm gương là người bạn trung thực của mọi người, mọi nhà. Những tấm gương bằng thủy tinh tráng bạc phản ánh một cách trung thực hình thức bề ngoài của mỗi cá nhân. Gương giúp ta tự điều chỉnh và tự tin hơn trong sinh hoạt, trong giao tiếp. Gương không hề nói dối, dù đó là kẻ giàu sang hay kẻ đầy uy quyền.

Có gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà không phải hổ thẹn. Tấm gương thủy tinh tráng bạc phản ánh trung thực dáng vẻ bên ngoài của chúng ta, và rõ ràng “Có gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc”. Nhưng nếu ai đó soi gương mà thấy xấu thì chớ buồn bởi vì vẻ đẹp tâm hồn mới là giá trị thực của bạn.

Tấm gương soi chiếu thẳm sâu trong tâm hồn bạn là tấm gương lương tâm – người bạn trung thành ấy sẽ chỉ ra những khiếm khuyết của bản thân, giúp con người hướng thiện. Tấm gương lương tâm đó sẽ soi vào góc khuất trong tâm hồn của chúng ta để ta tự thức tỉnh, tự quay về với điều tốt đẹp. Gương không biết xu nịnh một ai nhưng bạn đừng xu nịnh chính mình. Hãy gạt bỏ thói xu nịnh, sống một cách dang hoàng và nhận thức rõ giá trị của bản thân.

Xu nịnh là thói xấu nhưng không ngừng lan rộng trong đời sống. Những kẻ tài hèn, sức mọn, đức kém, văn hóa “lùn” lại muốn bay cao, vươn xa, thăng quan tiến chức hoặc kiếm cách trục lợi tiền bạc thường là những kẻ xu nịnh. Kẻ xu nịnh chính là những kẻ đạo đức giả, nhưng lại tỏ ra rất đạo đức để lừa dối người khác và vụ lợi cho bản thân.

Những biểu hiện của nịnh nọt bây giờ không còn chất phác, thô và phô như ngày xưa mà nó trở nên nhuần nhuyễn, khôn khéo, hiện đại, thực dụng và tinh vi hơn nhiều. Trước hết điểm qua vài cụm ngôn từ trau chuốt, mỹ miều phổ thông dành riêng cho bề trên như: “Anh quá tinh ý!”, “Tầm nhìn xa, chiến lược của anh thật không còn gì đáng bàn!”, “Không có anh, cơ quan không biết trông cậy vào đâu!”, “Hình như vượng khí của sếp đang phất”,  “Dạo này chị trẻ quá, da cứ căng đẹp mịn màng!”,…

Thói nịnh nọt đâu chỉ ở lời nói, mà trong hành vi cũng hết sức rõ ràng như xun xoe, khúm núm, tặng quà biếu, hối lộ… cấp trên. Bởi thế, kẻ nịnh nọt thường được cấp trên chú ý đến, thăng tiến nhanh chóng. Còn lại, những người cần cù, chăm chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm và tận tâm cống hiến thì không bao giờ được cất nhắc, trọng dụng, dẫn đến mất lòng tin, không còn hứng thú sáng tạo trong công việc nữa. Thậm chí, nhiều người vì bất mãn mà bỏ việc.

Thói nịnh bợ gây ra những tai hại lớn cho bản thân và đối với người khác. Lời nịnh nọt không nhưng có thể làm cho người lãnh đạo thiếu sáng suốt và công bằng, thiên vị cảm tính, không khách quan, lúc nào cũng tự hài lòng về bản thân mà còn làm thoái hóa dần trí tuệ rồi mắc sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng.

Kẻ nịnh bợ thường nêu gương xấu cho xã hội với hệ lụy không cần học hành, phấn đấu, cố gắng làm gì cho mệt, chỉ cần mài gối, uốn lưỡi rèn luyện kỹ năng nịnh ắt thành công. Thói xu nịnh có thể làm đảo lộn các chuẩn mực xã hội, biến trái thành phải, trắng thành đen, người chân chính bất mãn, thậm chí bị gièm pha, hãm hại.

Kẻ nịnh bợ dù có lúc thành công, đắc ý nhưng sớm muộn gì cũng lộ chân tướng, bị trừng trị thích đáng. Nhận thức được điều ấy, mỗi chúng ta cần tự mình soi lại bản thân mình mà không ngừng sửa chữa, tránh xa thói nịnh bợ xấu xí và nguy hại. Hãy lao động chân chính, sống có đạo đức, giữ gìn lương tâm trong sáng, biết tôn trọng người khác, say mê sáng tạo trong công việc, cống hiến nhiều hơn là thụ hưởng, không tham danh lợi,… trong cuộc dời mình.

Phê phán:

Nhiều người soi gương cả ngày, săm soi hình thức bên ngoài, chỉ chú trọng hình thức, bề ngoài; không biết trau dồi tri thức, rèn luyện phẩm chất, vì thế, soi gương suốt đời vẫn không nhận ra được chính mình.

Bài học nhận thức và hành động:

Tấm gương cuộc đời là tấm gương soi lớn, vĩ đại, có bất kì nơi nào ta đến. Đó chính là các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội; những mặt tốt, mặt xấu của chúng ta sẽ được ân cần, chỉ bảo, để từ đó tự điều chỉnh sống tốt. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là tấm gương của lương tâm, khi soi vào, ta sẽ nhận ra mình rõ hơn ai hết. Đừng vì lời xu nịnh của ai đó mà phạm phải sai lầm.

  • Kết bài:

Có gương mặt đẹp soi vào gương là hạnh phúc, nhưng người có một tâm hồn đẹp soi vào sẽ hạnh phúc hơn. Vì vậy, hãy chăm chút cho vẻ đẹp tâm hồn hơn là quá chú trọng hình thức. Đừng bao giờ xu nịnh người khác. Nên nhớ rằng: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Những gì chân thực mới tồn tại mãi với thời gian.

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: ý nghĩa của lối sống chân thật - Thế Kỉ
  2. Trọn bộ 10 đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn cần đọc ngay - Thế Kỉ
  3. Nghị luận về tác hại của gian lận trong thi cử của học sinh ngày nay - Theki.vn
  4. Trung thực là gì? Rèn luyện lòng trung thực như thế nào? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.