ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT
MÔN NGỮ VĂN.
|
Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt đi những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người.
Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa thêm những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả. Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà tự đánh mất dàn mối quan hệ với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn.
Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt.Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.
(Cho đi là còn mãi – Azim Jamal & Harvey McKinno)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh “những cái kén người” trong câu “cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình”? (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/ chị có đồng ý với quan điểm “Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt.”? Vì sao? (1,0 điểm)
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn ( 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về nhận định “Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó”được gợi ra ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã khắc họa đậm nét hình ảnh
Sông Đà, trong đó có đoạn:
- “Tiếng nước thác nghe như oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.”
Và:
- “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hếncủa Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.”
(Nguyễn Tuân – Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 187-188 và 191)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn trên. Từ đó, hãy làm rõ cái tôi tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân.
—————————HẾT————————
ĐÁP ÁN:
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
Phần I | ĐỌC HIỂU. | 3.0 | |
Câu 1 | Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận | 0.5 | |
Câu 2 | Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt. | 0.5 | |
Câu 3 | Hình ảnh “ Những cái kén người” được dùng để chỉ những người tự tạo cho mình một lớp vỏ an toàn, sống khép mình, sợ hãi với tất cả mối quan hệ xung quanh mình. | 1.0 | |
Câu 4 | – Học sinh có thể trả lời đồng tình/ không đồng tình – Học sinh có thể lí giải nhiều cách khác nhau miễn là hợp lí, thuyết phục. | 1.0
| |
Phần II | LÀM VĂN. | 7.0 | |
Câu 1 | Dựa vào nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó”. | 2.0 | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức của đoạn văn | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận. | 0.25 | ||
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể viết đoạn theo định hướng sau: * Giải thích: Câu nói trên nhấn mạnh thái độ/ cách ứng xử của con người khi đối diện với những khó khăn, thử thách của cuộc sống. * Phân tích: – Cuộc sống quanh ta luôn có những biến động, những biến cố – do chủ quan hay khách quan – có thể bất ngờ ập đến, khi chúng ta giữ thái độ chủ động, lạc quan đối diện, chúng ta sẽ dễ dàng đối mặt và vượt qua được. – Không có yếu tố khách quan nào có thể mang lại cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc hay tốt đẹp, mà chỉ có cách nhìn mới quyết định sự cảm nhận hạnh phúc hay thành công trong cuộc sống. * Bình luận: – Phê phán những người thụ động, luôn bi quan chán nản trước những khó khăn thử thách. Họ luôn thấy điều tiêu cực, chán nản và mất niềm tin vào cuộc sống mà quên đi giá trị của bản thân sau những lần vấp ngã đó. – Bài học nhận thức và hành động: Luôn chủ động đối mặt, đón nhận những thách thức của cuộc sống, cần có thái độ lạc quan, cái nhìn tích cực… | 1.0 | ||
d. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. | 0.25 | ||
e. Sáng tạo: cách diễn đạt mới mẻ, có suy nghĩ riêng, hợp lí về vấn đề nghị luận | 0.25 | ||
Câu 2 | Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của Sông Đà (Nguyễn Tuân) qua hai đoạn văn được nêu. Từ đó, hãy làm rõ cái tôi tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân. | 5.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận Mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề. | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận | 0.5 | ||
c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản, cần đảm bảo những vấn đề sau: | |||
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò Sông Đà và vấn đề nghị luận | 0,5
| ||
Cảm nhận về vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn: * Đoạn 1. – Nội dung: Sông Đà ở thượng nguồn với vẻ hùng vĩ, hung bạo, dữ dội, nguy hiểm. + Tiếng thác nước: ghê rợn, uy hiếp tinh thần con người. + Đá mai phục lòng sông, hiếu chiến và nguy hiểm. – Nghệ thuật: Nhân hóa, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ, độc đáo. * Đoạn 2. – Nội dung: Sông Đà với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, đầy gợi cảm. + Sông Đà như người thiếu nữ với áng tóc trữ tình, quyến rũ và đầy sức sống. + Sắc nước sông Đà biến đổi theo mùa như tính khí thất thường của chính con sông. – Nghệ thuật: Thủ pháp so sánh, liên tưởng bất ngờ, độc đáo; câu văn dài với âm điệu nhịp nhàng, nhiều tầng bậc, giàu hình ảnh, đầy chất thơ. | 2,0 | ||
* Nhận xét về cái tôi tài hoa của Nguyễn Tuân: Thể hiện ở việc nhân hóa con sông; ở cách so sánh, liên tưởng nhiều tầng bậc, bất ngờ, độc đáo; câu văn biến đổi linh hoạt, uyển chuyển, đầy chất thơ, chất họa… | 0,5 | ||
* Đánh giá chung: + Hai đoạn văn cùng nêu bật vẻ đẹp đa dạng mà thống nhất của Sông Đà – biểu tượng cho chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc. + Thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước và phong cách tài hoa, uyên bác, độc đáo của Nguyễn Tuân – nhà tùy bút hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. | 0,5 | ||
d. Sáng tạo: bài viết có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện suy nghĩ, mới mẻ, sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, giàu cảm xúc… | 0.5 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0.25 | ||