cam-nhan-bai-tho-dong-chi-cua-chinh-huu

Cảm nhận bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Cảm nhận bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

  • Mở bài:

Chính Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ kháng chiến. Với lời thơ chân chất, tràn đầy tình cảm, bài thơ đã để lại bao cảm xúc trong lòng người đọc. Ông làm thơ từ năm 1947 và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Bài thơ Đồng chí là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Với những lời thơ mộc mạc, chân thành, nhà thơ đã khắc họa đậm nét vẻ đẹp hiên ngang, anh dũng và lòng yêu nước thiết tha của người lính thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

  • Thân bài:

Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội keo sơn gắn bó giữa những người chiến sĩ quân đội nhân dân trong cuộc sống chiến đấu gian khổ. Họ là những người xuất thân từ nhân dân lao động chỉ quen việc “cuốc cày” ở những vùng quê nghèo khác nhau, vì có chung tấm lòng yêu nước, họ đã gặp nhau từ xa lạ bỗng trở thành thân quen. Chính Hữu đã kể về những con người ấy bằng lời thơ thật xúc động :

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Họ đều xuất thân từ những vùng đất khô cằn, nghèo khổ “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”. Từ “xa lạ” gặp nhau. Thật là thú vị, nhà thơ không nói hai người xa lạ mà là “đôi người xa lạ”, vì thế ý thơ được nhấn mạnh, mở rộng thêm. “Hai người” cụ thể quá. Đôi người là từng “đôi” một – nhiều người. Trong đơn vị quân đội ấy, ai cũng thế. Hình ảnh những con người chẳng hẹn quen nhau nói lên một sự thật. Những con người vốn xa lạ khi tham gia kháng chiến, đã cùng nhau chiến đấu, cùng nhau chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau. Vì thế họ trở thành thân nhau, hiểu nhau, thương nhau và gọi nhau là “đồng chí”.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!

Tình cảm ấy thật thân thương, thật tha thiết. Giọng thơ đang liền mạch nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình, bỗng ngắt nhịp đột ngột. Từ Đồng chí lại được tách ra làm câu riêng, một đoạn riêng. Với cấu trúc thơ khác thường ấy tác giả đã làm nổi bật ý thơ. Nó như một nốt nhấn của bản nhạc, bật lên âm hưởng gây xúc động lòng người. Câu thơ chỉ có một từ Đồng chí – một tiếng nói thiêng liêng. Đồng chí – một tiếng reo, một sự cảm kích chất chứa nhiều đổi thay trong quan hệ tình cảm.

Tình cảm ấy lại đựơc biểu hiện cụ thể trong cuộc sống chiến đấu kể cho nhau nghe chuyện quê nhà. Chuyện “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày”, “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”,  cả chuyện “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”... Từ những tâm tình ấy, ta hiểu, các anh chiến sĩ mỗi người đều có một quê hương, có những kỉ niệm thân thiết gắn bó với quê nhà và khi ra đi họ mang theo hình bóng quê hương. Các miền quê tuy khác nhau nhưng đều có những nét gần quí nhau. Các anh cùng chia sẻ ngọt bùi, cùng chịu gian khổ bên nhau.

Trong gian lao vất vả họ tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong mối tình đồng chí. Làm sao các anh có thể quên được những lúc ướt mồ hôi, cùng chịu với nhau từng cơn ớn lạnh. Cuộc sống bộ đội nghèo vất vả nhưng không thiếu niềm vui. Dẫu áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá… dẫu trời có buốt giá thì miệng vẫn cười tươi. Tình cảm chân thành tha thiết ấy không diễn tả bằng lời mà lại thể hiện bằng cách nắm lấy bàn tay. Thật giản dị và cảm động. Không là vật chất của cải, không là lời hoa mĩ phô trương. Những người chiến sĩ biểu hiện tình đồng chí “tay trong tay”. Chính đôi bàn tay nắm chặt đã nói lên tất cả ý nghĩ thiêng liêng cao đẹp của mối tình đồng chí.

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo

Đoạn thơ kết vừa tả cảnh thực vừa mang nét tượng trưng. Tác giả tả cảnh những người lính phục kích chờ giặc trong đêm sương muối giữa đèo núi cao. Vầng trăng lơ lửng giữa trời như treo trên đầu ngọn súng. Đồng thời “Đầu súng trăng treo” còn mang ý nghĩa tượng trưng. Vừa thực, vừa mơ, vừa xa vừa gần, vừa mang tính chiến đấu vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Đây là hình ảnh đẹp tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời chiến đấu. Hình ảnh thật độc đáo gây xúc động bất ngờ, thú vị cho người đọc. Nói lên đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của mục đích lí tưởng chiến đấu và mối tình đồng chí thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ.

  • Kết bài:

Bằng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh chân thực gợi tả có sự khái quát cao. Bài thơ là niềm xúc động về tình cảm cách mạng của người lính trong chiến đấu chống kẻ thù chung. Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh thơ từ những chi tiết thực của cuộc sống đời thường của người chiến sĩ, không phô trương, không lãng mạn hóa, thi vị hóa. Chính những nét thực đó tạo nên sự thành công của tác phẩm. Bài thơ đánh dấu một bước ngoặt mới trong phương pháp sáng tác và cách xây dựng hình tượng người chiến sĩ trong thơ thời kì chống Pháp.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang