Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội (Bài 1, Ngữ văn 8, tập 1, Cánh Diều)

ke-lai-mot-chuyen-di-hoac-mot-hoat-dong-xa-hoi-ngu-van-8

Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội.

I. Định hướng.

1. Khái niệm:

Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội là kể lại một sự kiện đã diễn ra, để lại cho bản thân người tham gia nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc. Người viết phải là người tham gia trực tiếp, sử dụng ngôi kể thứ nhất (xưng “tôi” hoặc “chúng tôi”,…), kể lại những gì mình đã chứng kiến (sự việc, phong cảnh, thiên nhiên, con người,…), những hoạt động mình đã tham gia, thực hiện,…Trong khi kể, có thể kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả hay biểu cảm.

– Chuyến đi có thể là đi du lịch cùng gia đình; đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè; đi thăm quê hương, gia đình của bạn bè trong dịp nghỉ;…Hoạt động xã hội có thể là các sinh hoạt đoàn, đội; các việc làm công ích, tình nguyện như hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người già neo đơn;…

2. Để viết bài văn kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội, các em cần lưu ý:

– Chọn viết về một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc.

– Trước khi viết, cần tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn ý.

– Viết bài văn tự sự, kể theo ngôi thứ nhất (xưng “tôi”, “em” hoặc “chúng tôi”, “chúng em”,…)

– Cần kết hợp kể lại sự việc và miêu tả không gian, cảnh vật, thiên nhiên, con người; phát biểu những nhận xét, cảm nghĩ của bản thân.

II. Thực hành.

1. Thực hành viết.

Đề tài: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia.

a) Chuẩn bị:

– Đọc kĩ và tìm hiểu đề để biết các thông tin chính trước khi viết:

+ Trọng tâm cần làm rõ: một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa.

+ Kiểu văn bản chính: tự sự (kể lại).

+ Phạm vi kiến thức cần huy động: kiến thức thực tế, các hoạt động xã hội gần gũi với học sinh; kiến thức lịch sử, địa lí và thơ văn liên quan.

– Nhớ lại những sự việc, con người, cảnh vật,…và những ấn tượng, cảm xúc đặc sắc trong hoạt động xã hội mà em đã tham gia, chứng kiến.

– Tìm đọc và tham khảo các bài viết kể về một hạot động xã hội.

– Ghi chép những nội dung liên quan và chuẩn bị tranh ảnh, tư liệu,…(nếu có) về hoạt động xã hội mà em đã tham gia, chứng kiến.

b) Tìm ý và lập dàn ý.

– Tìm ý: Ngoài cách tìm ý bằng việc đặt câu hỏi, sách Ngữ văn 8 cung cấp thêm một số cách khác. Tùy vào yêu cầu của mỗi đề văn, các em lựa chọn cách tìm ý và lập dàn ý cho phù hợp. Chẳng hạn, với đề văn nêu trên, có thể tìm ý dựa vào cách suy luận từ khái quát đến cụ thể như sau:

+ Xác định vấn đề (ý khái quát): một hoạt động xã hộ giàu ý nghĩa.

+ Phát triển ý cụ thể cấp 1 (ý lớn): có thể xác định một số ý lớn như mục đích của hoạt động, hình thức tổ chức, quá trình hoạt động,…

+ Phát triển ý cụ thể cấp 2 (ý nhỏ): từ mỗi ý lớn, triển khai, phát triển thành các ý nhỏ. Ví dụ: Mục đích của hoạt động có thể là giúp đỡ đối tượng nào đó, làm từ thiện,…

Từ các ý đã tìm được, các em có thể trình bày bằng một sơ đồ gồm ý trọng tâm (Hoạt động xã hội giàu ý nghĩa); ý phát triển là các nhánh lớn (ý cấp 1) và các nhánh nhỏ (ý cấp 2) như sau:

– Lập dàn ý: Trên cơ sở các ý đã tìm được, có thể lập dàn ý theo bố cục ba phần:

  • Mở bài

– Giới thiệu khái quát: nêu tên một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia.

  • Thân bài:

– Nêu mục đích của hoạt động, lí do em tham gia hoạt động đó.

– Kể về hình thức tổ chức hoạt động (thành phần tham gia, thời gian, địa điểm,…).

– Kể về quá trình tiến hành hoạt động (bắt đầu, hoạt động chính, kết thúc).

– Nêu kết quả của hoạt động (về vật chất và về tinh thần).

  • Kết bài:

– Khẳng định ý nghĩa và bài học sau khi tham gia hoạt động xã hội.

c) Viết.

Dựa vào dàn ý để viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội. Trong khi viết, chú ý vận dụng cách viết mở bài và kết bài. Bài văn (viết trên lớp hoặc ở nhà) cần lưu ý:

– Đủ cấu trúc ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.

– Có thể mở bài bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

– Thân bài gồm các đoạn văn, mỗi đoạn văn là một ý lớn.

– Kết bài cần tổng hợp được các ý đã nêu ở thân bài.

* Bài viết mẫu tham khảo:

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nó đã để lại bao đau thương và mất mát về cả mặt tinh thần lẫn vật chất đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là những đứa trẻ mất đi gia đình, người thân của mình, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thật tình cờ khi em đọc được những bài báo liên quan đến thông tin đó, em đã đăng kí tham gia và may mắn trở thành viên của dự án “True love” gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi, khó khăn do dịch Covid-19 tại Hồ Chí Minh.

Biết được chiến lược của ban Tổ chức đề ra, em đã vô cùng cảm thấy thích thú và hi vọng trải nghiệm quý báu này sẽ góp công sức nhỏ bé để giúp đỡ các em bé mồ côi, khó khăn thêm động lực, tiếp sức mạnh hướng về tương lại phía trước. Ngoài ra, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa các thông điệp tích cực; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, văn minh, nghĩa tình của người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nhằm giúp đỡ, chăm lo cho thanh thiếu nhi, người dân bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19, các tấm gương kiên trì vượt qua khó khăn; đồng thời, tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, người hâm mộ thể thao, bóng đá trong nước và quốc tế. Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM dự kiến sẽ gây quỹ và hỗ trợ được ít nhất 1.500 trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Theo Ban Tổ chức, Đội hình huyền thoại của CLB Borussia Dortmund sẽ tới Việt Nam thi đấu với Các ngôi sao Việt Nam (Vietnam All Stars). Trận đấu diễn ra trên Sân vận động Thống Nhất (TPHCM) vào 19 giờ 00 ngày 28/9. Sau khi kết thúc trận đấu, số tiền gây quỹ được sẽ trao đến địa phương nơi có những em bé mồ côi, gặp khó khăn. Và khi đó, những học sinh tham gia tự nguyện như chúng em sẽ theo các đoàn đến từng điểm nhà các em, động viên, hỏi thăm và trao các phần quà để ủng hộ tinh thần các bé.

Trong suốt quá trình chuyến đi thiện nguyện, em vẫn nhớ mãi hình ảnh em bé Trần Mai A với đôi mắt rưng rưng khi nhắc về khoảng thời gian khó khăn mất cả cha lẫn mẹ, em phải sống với bà nội già yếu, không còn khả năng làm ra kinh tế. Việc phải chăm lo cho bà, vừa phải đi nhặt đồng nát kiếm ăn, thật quá sức với một trẻ nhỏ mới 8 tuổi. Em bé có nói một câu mà khiến tim em như ngưng lại, nghèn ngào lúc ấy. Em nói “Em chỉ ước cha và mẹ sống lại”. Tham gia những hoạt động này, em mới thấm thía được nhiều bài học về những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đại dịch Covid diễn ra quá nặng nề và đau thương, cướp đi rất nhiều “bờ vai” vững chắc của các em nhỏ, mà không có gì có thể đánh đổi lại được. Cuộc sống của các em thật khắc nghiệt và khó khăn. Những nỗi đau mà các em phải trải qua chắc sẽ không bao giờ quên được.

Thông qua dự án này, em cũng hy vọng bản thân mình đã góp sức và lan tỏa được niềm hạnh phúc, động lực sống giúp cho những em bé được an ủi phần nào. Cũng nhờ việc làm đó mà em cảm thấy đáng sống và cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Mong rằng trong tương lai gần, em sẽ có cơ hội tham gia nhiều chuyến đi, nhiều dự án thiện nguyện hơn nữa để góp phần làm đẹp cho đời.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa.

Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với mục 1. Định hướng và yêu cầu đã nêu ở các bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:

– Kiểm tra về nội dung và hình thức (bố cục, diễn đạt, trình bày).

– Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.

– Tự đánh giá kết quả viết.

Ví dụ, cách kiểm tra bài đã viết:

Phương diện kiểm tra Câu hỏi kiểm tra
Nội dung
  • Mở bài:

– Đã giới thiệu khái quát nội dung bài viết chưa? (Ở bài viết này là kể về một hoạt động xã hội.)

  • Thân bài:

– Có nêu được các nội dung cụ thể làm rõ cho nội dung khái quát đã nêu ở mở bài không? (Ở bài viết này là kể lại được chi tiết về một hoạt động xã hội theo một trình tự thống nhất.)

– Nội dung cụ thể có sinh động, đặc sắc, giàu sức thuyết phục không?

– Đã kết hợp được các phương thức biểu đạt khác trong khi viết hay chưa? (Ở bài viết này là kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm trong khi kể.)

– Có nêu được những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc không?

  • Kết bài:

– Đã nêu được ý nghĩa của đề tài, nội dung bài viết hay chưa? (Ở bài viết này là ý nghĩa hoặc bài học thu được sau khi tham gia hoạt động xã hội.)

Hình thức – Bài viết đã có đủ ba phần chưa? Nội dung (độ dài) các phần có cân đối chưa?

– Bài viết đã đủ ý chưa? Các ý có phù hợp với vấn đề nghị luận và luận điểm không? Có những ý nào trùng lặp nhau không?

– Bài viế có mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả,…không?

Đánh giá chung – Bài viết đáp ứng yêu cầu đạt mức độ nào?

– Em thấy hứng thú hoặc khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?

2. Rèn luyện kĩ năng viết mở bài và kết bài.

a) Cách thức:

Mở bài trực tiếp: Người viết mở đầu bằng cách nêu trực tiếp vấn đề trọng tâm của bài (không có các câu dẫn dắt).

Mở bài gián tiếp: Người viết bắt đầu bằng một số câu dẫn dắt, từ đó, nêu vấn đề trọng tâm của bài viết.

Kết bài: Người viết tổng hợp lại các nội dung đã trình bày ở thân bài và thể hiện bằng một đoạn văn để kết thúc bài viết. Nội dung đoạn kết bài thường nêu lên suy nghĩ của người viết về ý nghĩa và bài học từ vấn đề đã viết.

b) Bài tập.

Hãy viết mở bài hoặc kết bài cho đề văn: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia, chứng kiến.

Bài làm:

Mở bài: Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nó đã để lại bao đau thương và mất mát về cả mặt tinh thần lẫn vật chất đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là những đứa trẻ mất đi gia đình, người thân của mình, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Thật tình cờ khi em đọc được những bài báo liên quan đến thông tin đó, em đã đăng kí tham gia và may mắn trở thành viên của dự án “True love” gây quỹ ủng hộ trẻ em mồ côi, khó khăn do dịch Covid-19 tại Hồ Chí Minh.

Kết bài: Thông qua dự án này, em cũng hy vọng bản thân mình đã góp sức và lan tỏa được niềm hạnh phúc, động lực sống giúp cho những em bé được an ủi phần nào. Cũng nhờ việc làm đó mà em cảm thấy đáng sống và cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Mong rằng trong tương lai gần, em sẽ có cơ hội tham gia nhiều chuyến đi, nhiều dự án thiện nguyện hơn nữa để góp phần làm đẹp cho đời.

Xem thêm: 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.