Kiến thức Ngữ văn Bài 1: Truyện ngắn, Tưởng tượng trong tiếp nhận tác phẩm văn học, Trợ từ và thán từ (Ngữ văn 8, tập 1, Cánh Diều)

bai-1-kien-thuc-ngu-van-truyen-ngan-tuong-tuong-trong-tiep-nhan-tac-pham-van-hoc-tro-tu-than-tu-ngu-van-8-canh-dieu

Kiến thức ngữ văn:

Truyện ngắn, Tưởng tượng trong tiếp nhận tác phẩm văn học, Trợ từ và thán từ.

1. Truyện ngắn.

– Truyện ngắn là thể loại cỡ nhỏ của tác phẩm văn xuôi hư cấu, thường phản ánh một “khoảnh khắc”, một tình huống độc đáo, một sự kiện gây ấn tượng mạnh, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhân vật.

+ Kết cấu truyện ngắn không chia thành nhiều tuyến.

+ Bút pháp trần thuật thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, lối hành văn mang nhiều hàm ý.

+ Có truyện ngắn khai thác cốt truyện kì lạ, lại có truyện ngắn viết về câu chuyện giản dị, đời thường; có truyện ngắn giàu tính triết lí, trào phúng, châm biếm, hài hước, lại có truyện ngắn rất giàu chất thơ.

2. Tưởng tượng trong tiếp nhận tác phẩm văn học.

Tưởng tượng là tạo ra trong tâm trí hình ảnh những cái không có trước mắt hoặc chưa hề có. Tưởng tượng gắn với nhiều công việc và lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống con người. Hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, các nhà văn sáng tác phải vận dụng trí tưởng tượng để tạo ra cuộc sống như thật trong tác phẩm của mình.

Chẳng hạn, thế giới sống động và vô cùng phong phú của loài dế được tái hiện trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí hoàn toàn do nhà văn Tô Hoài tưởng tượng ra. Cuộc đời và số phận của cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên cũng hoàn toàn do nhà văn An-đéc-xen (Andersen) tưởng tượng và kể lại. Tất cả các nhân vật như Thánh Gióng, Rùa Vàng, Thạch Sanh, cô Tấm,…trong truyện truyền thuyết, cổ tích,…đều đã được tạo nên nhờ có trí tưởng tượng tuyệt vời của tác giả dân gian.

Không chỉ các nhà văn mà độc giả khi đọc văn bản văn học cũng phải tưởng tượng. Nhờ có tưởng tượng mà tất cả những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hình khối,…của một sự vật, sự việc, con người, cảnh sắc,…được tác giả miêu tả trong tác phẩm đều có thể hiện lên trước mắt chúng ta như thật. Nhờ tưởng tượng, ta như nhập vào được cảnh sắc yên ả, thanh bình và hòa cùng tâm trạng náo nức, nôn nao của nhà văn Thanh Tịnh trong truyện Tôi đi học: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.”.

3. Trợ từ và thán từ.

Trợ từ.

– Trợ từ là những từ được thêm vào câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ, tình cảm, sự đánh giá hay mục đích phát ngôn của người nói (người viết). Trợ từ gồm hai nhóm:

+ Trợ từ đi kèm các từ ngữ trong câu (chính, đích, ngay cả, chỉ, những,…).

Ví dụ: Từ chính trong câu “Chính mắt con trông thấy nó.” (Nguyễn Công Hoan) nhấn mạnh vào sự vật nêu ở chủ ngữ (mắt con). Trong câu “San ăn những hai quả chuối.” (Nam Cao), từ những biểu thị sự đánh giá về số lượng sự vật: ăn hai quả chuối là nhiều.

+ Trợ từ ở cuối câu (à, ạ, ư, nhỉ, nhé, nào, cơ, cơ mà, thôi,…).

Ví dụ: Từ nhé trong câu “Em thắp đèn lên chị nhé?” (Thạch Lam) vừa thể hiện mục đích hỏi, vừa biểu thị tình cảm thân mật của người nói.

Thán từ.

– Thán từ là những từ dùng để biểu lộ tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường được dùng ở đầu câu nhưng cũng có thể được tách ra thành một câu đặc biệt. Thán từ gồm hai nhóm:

+ Thán từ biểu lộ tình cảm, cảm xúc (a, ái, a ha, ối, ô hay, than ôi,…).

Ví dụ:

“Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn.” (Tạ Duy Anh)

“Ô hay! Mợ giận tôi đấy à?” (Nguyễn Công Hoan).

+ Thán từ gọi đáp (này, ơi, dạ, vâng, ừ,…).

Ví dụ: “Vâng! Ông giáo dạy phải!” (Nam Cao).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.