Ôn tập kiến thức và hướng dẫn tự học.
Câu 1. Tìm đọc thêm các truyện ngắn giàu chất thơ như các văn bản truyện đã học trong Bài 1; ghi lại các câu văn, đoạn văn giàu chất thơ trong khi đọc.
Trả lời:
– Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam:
+ “Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: “Cây hoàng lan”, mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn….
+ …Thanh dắt nàng đi thăm vườn; cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan. Nhưng hoa lan chưa rụng, vẫn còn tươi trên cành, Nga bảo Thanh: – Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.
+ Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào vai hai người, nhưng dưới chân đất vẫn mát như xưa….
– Truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” của Thạch Lam:
+ Người ở phố chợ là bảy, tám gia đình nghèo khổ không biết quê quán ở đâu, mà người dân trong huyện vẫn gọi một cách khinh bỉ: những kẻ ngự cư. Họ ở những đâu đến kiếm ăn trong mấy năm trời làm đói kém, làm những nghề lặt vặt:… Những gia đình này đều giống nhau ở chỗ cùng nghèo nàn như nhau cả.
+ Mùa rét năm ấy đến, gió lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm…
+ Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét, khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm mà chịu khổ một mình, không than thở với láng giếng hàng xóm, bơits vì ai nấy đều biết cũng nghèo khổ như nhau….
Câu 2. Sưu tầm những bài viết kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội.
– Bài viết số 1:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” – Đó là những lời trong bài “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lời hát đã giúp em hiểu được ý nghĩa của lòng tốt.
Hằng năm, sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, trường em sẽ phát động nhiều hoạt động từ thiện, trong đó có phong trào giúp đỡ trẻ em nghèo trên vùng cao. Cô giáo tổng phụ trách đã có một buổi sinh hoạt để phổ biến cho học sinh toàn trường. Chúng em có thể ủng hộ bằng hiện vật hoặc một số tiền nhỏ (trích từ số tiền mừng tuổi của mình). Thời gian tiếp nhận ủng hộ diễn ra trong vòng một tuần.
Đối với lớp của em, cô giáo chủ nhiệm đã giao cho lớp trưởng và lớp phó lao động phụ trách giám sát công việc. Hai bạn đã phân công đến tổ trưởng việc tiếp nhận, thống kê lại những đồ vật hay số tiền ủng hộ. Thời gian tiếp nhận chỉ trong ba ngày: thứ hai, thứ ba và thứ tư. Các bạn trong lớp tham gia rất tích cực.
Rất nhiều quần áo, đồ dùng học tập đã đã được đem đến. Các bạn tổ trưởng sẽ có một cuốn sách để ghi lại danh sách món đồ, số lượng hay số tiền của từng bạn. Trước đó, các món đồ được yêu cầu phải sắp xếp gọn gàng trong túi nên việc kiểm tra, phân loại rất dễ dàng. Với riêng em, em đã trích một khoản từ tiền mừng tuổi để mua những món đồ dùng học tập như: bút mực, tập vở hay cặp sách. Ngoài ra, em còn xin phép mẹ đem một số bộ quần áo còn mới, nhưng không mặc vừa nữa để đem đi ủng hộ. Mẹ đã đồng ý, còn giúp em giặt sạch quần áo, gấp lại gọn gàng và bỏ vào túi. Sáng hôm sau, em mang đến nộp cho bạn tổ trưởng.
Sau một tuần tiếp nhận ủng hộ, lớp em đã quyên góp được năm mươi bộ quần áo, một trăm quyển vở, hai mươi chiếc bút mực, năm cái cặp sách và một triệu đồng tiền mặt. Vào tiết sinh hoạt, bạn tổ trưởng đã tổng hợp và báo cáo lại cho cô giáo chủ nhiệm. Cô đã tuyên dương cả lớp rất tích cực trong phong trào ủng hộ.
Sau đó, tất cả sẽ được đem nộp lên cho nhà trường để chuyển lên vùng cao cho các bạn học sinh. Em hy vọng rằng những món quà này sẽ giúp đỡ phần nào cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả các thành viên trong lớp đều rất vui vì đã làm được một việc có ý nghĩa.
Những việc tốt sẽ giúp lan tỏa điều tốt đẹp. Em tự hứa sẽ cố gắng làm thêm được nhiều những công việc có ích cho cuộc sống hơn nữa.
– Bài viết số 2:
“Thương người như thể thương thân” – đạo lý đó luôn nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vào sáng thứ bảy tuần trước, lớp em đã có buổi từ thiện đến trường tiểu học Hùng Sơn thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Khi nghe thầy cô phổ biến về điều kiện khó khăn trong học tập cũng như trong kinh tế của gia đình các em học sinh trường tiểu học Hùng Sơn. Lớp em đã có kế hoạch quyên góp các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như quần áo, đồ dùng học tập như bút, thước, sách vở… Tuy là những món đồ cũ nhưng chúng em luôn hi vọng rằng sẽ giúp một phần nào đó cho cuộc sống của các bạn nơi vùng cao.
Đúng sáu giờ sáng có mặt và tập trung tại trường, chúng em với niềm hăm hở và háo hức hơn so với ngày thường khi ngồi trên xe đi đến một miền đất mới, được gặp các bạn mới. Ngồi ở trên xe, cả lớp hát những bài hát vui nhộn và quen thuộc như “Lớp chúng mình”, “Em là búp măng non”… tạo nên không khí thật náo nhiệt và “độ nóng” cho chuyến đi. Sau gần hai tiếng ngồi trên xe, tuy có hơi mệt một chút vì đường gồ ghề và nhiều ổ gà nhưng nụ cười luôn nở trên môi các bạn. Được thông báo trước, các thầy cô và các bạn ở đây đã chuẩn bị rất chu đáo và đón tiếp đoàn chúng em rất nhiệt tình và niềm nở. Các bạn mặc bộ quần áo đẹp hơn. Sân trường, lớp học được quét dọn sạch sẽ, bảng đen được lau chùi kĩ càng, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn.
Mọi thứ thật tươm tất và sẵn sàng để đón những vị khách từ xa đến. Ngoài kia, những vườn rau xanh tươi tốt của những lớp học bán trú được chăm sóc và làm cỏ sạch sẽ. Luống rau sạch sẽ mang lại những bữa ăn đạm bạc nhưng giàu tình đoàn kết và sự che chở lẫn nhau của các bạn ở vùng cao phải sống xa cha mẹ. Trước khi đến đây, chúng em được biết gia đình các bạn rất khó khăn, đồng thời điều kiện đi lại rất nguy hiểm. Những lúc trời mưa thì lũ quét, bùn lầy, trời nắng thì đất nứt nẻ, khô cằn. Và có thể, chính những điều đó đã tôi luyện cho các bạn học sinh nơi đây sự chăm chỉ, chịu khó.
Sau khi gửi lời chào và lời hỏi thăm tới các thầy cô và các bạn, đoàn chúng em mang những thùng mì tôm, những bao gạo, tập sách vở… từ trên ô tô xuống. Các thầy cô rất vui và xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc. Các bạn học sinh thì rất hăm hở, cẩn thận nhận món quà từ chúng em. Khi phát quà xong, trời cũng đã trưa. Mọi người chia nhau đi hái rau và nấu cơm. Mọi người đều vui vẻ trò chuyện và sẻ chia công việc với nhau giúp chúng em cảm thấy rất thân thiết và gần gũi. Bữa cơm tuy rất đơn giản, nhưng mọi người ăn rất ngon miệng với tiếng cười rôm rả.
Những việc nhỏ nhoi mà bản thân có thể làm nhưng có thể đem đến niềm vui cho người khác làm bản thân mình cảm thấy có ích hơn đối với xã hội, với cuộc sống. Ở cuộc sống này có những con người đang cần lắm những tấm lòng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”.
Khi đã thu dọn xong mọi thứ, chúng em chuẩn bị ra về cho buổi học ngày mai. Trước khi ra về, mọi người đều lưu luyến, bịn rịn chẳng muốn rời. Buổi từ thiện đã để lại cho em những kỉ niệm khó quên và có những người bạn mới thật thú vị. Hy vọng rằng sau này em có thể tham gia nhiều hoạt động từ thiện hơn nữa để làm những việc có ích.
Em rất thích những cuộc từ thiện ở quê hương, hay trường học của em, những buổi tình nguyện từ thiện giúp em rất nhiều trong cuộc sống. Đó là những bài ngoại khóa, hay những bài học thực tế để em có thể hiểu cuộc sống này nhiều hơn nữa.
Xem thêm:
Để lại một phản hồi