Thực hành Tiếng Việt Bài 5: Biện pháp tu từ: So sánh, ẩn dụ, nhân hóa. (Bài 5, Ngữ văn 6, tập 1, Kết nối tri thức)

bai-5-thuc-hanh-tieng-viet-bien-phap-tu-tu-ngu-van-6-ket-noi-tri-thuc

Thực hành Tiếng Việt:

Biện pháp tu từ: So sánh, ẩn dụ, nhân hóa.

Câu 1. Đọc các câu sau và trả lời câu hỏi:

– Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng.

– Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén.

a. Những từ ngữ in đậm trên các câu trên nhằm chỉ những sự vật nào?

b. Trong những câu trên tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

a. Những từ ngữ in đậm trong các câu trên để diễn tả:

– Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ: mặt trời.

– mâm bạc: bầu trời.

– mâm bể: mặt biển.

– chất bạc nén: bình minh dần tỏa sáng cho cảnh vật.

b. Biện pháp tu từ:

+ So sánh: đường kính mâm rộng bằng cả cái chân trời.

+ Ẩn dụ: “quả trứng hồng hào” ẩn dụ cho mặt trời, “mâm bạc” ẩn dụ cho bầu trời, mâm bể ẩn dụ cho biển cả, “chất bạc nén” ẩn dụ cho bình minh đang dần lên tỏa sáng cảnh vật.

– Tác dụng:

+ Tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho câu văn.

+ Sử dụng những từ đặc tả đó, tác giả đã khiến cho cảnh tượng mặt trời mọc trên đảo Cô Tô thật sự rực rỡ, tráng lệ. Đây là một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc kỳ ảo nhưng lại chân thực và sống động.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của những biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong những câu sau:

a. Mỗi viên cát bắn vào má vào gáy lúc này buốt như một viên đạn mũi kim.

b. Hình như gió bão chờ chúng tôi lọt hết vào trận địa cánh cung bãi cát, rồi mới tăng thêm hỏa lực của gió.

Trả lời:

a. Biện pháp tu từ so sánh: Tác giả so sánh mỗi viên cát bắn vào như một viên đạn.

→ Hình ảnh trở nên đặc sắc, thể hiện sự khốc liệt, mạnh mẽ, giống như cảnh tượng của một cuộc chiến trường.

b. Biện pháp tu từ nhân hóa: Gió giống như con người, bài binh bố trận một trận địa vô cùng khốc liệt.

→ Làm cho thiên nhiên hiện lên sinh động, có hơi thở, linh hồn như một con người. Qua đó cũng giúp văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn và nhấn mạnh sự khốc liệt của cơn bão.

Câu 3. Trong Cô Tô, Nguyễn Tuân sử dụng nhiều hình ảnh so sánh sinh động. Hãy tìm những câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong văn bản này và nêu tác dụng trong từng trường hợp.

Trả lời:

– Trong Cô Tô, Nguyễn Tuân sử dụng nhiều hình ảnh so sánh sinh động. Một số câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong văn bản này và tác dụng của chúng trong từng trường hợp:

+ Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi.

+ Tròn trĩnh như một quả trứng thiên nhiên đầy đặn

+ Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thưở biển Đông.

– Tác dụng: Làm cho cảnh tượng Cô Tô thêm sinh động, gợi hình gợi cảm, nhấn mạnh sức mạnh và vẻ đẹp của Cô Tô sau trận bão.

Câu 4. Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về một cảnh đẹp thiên nhiên trong đó có sử dụng biện pháp tu từ so sánh hoặc ẩn dụ.

Bài làm 1:

Cảnh đẹp thiên nhiên gây ấn tượng trong em là khung cảnh dòng sông quê hương. Con sông nhỏ nằm dọc theo sườn đê. Dòng sông ấy đã chứng kiến và nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ lớn lên, trưởng thành. Những mùa phù sa đỏ rực, dòng sông như giận dữ, giận dữ nên mặt đỏ phừng phừng. Nhưng cũng dịu êm, hiền hòa trong những ngày trời lặng. Từng gợn sóng lăn tăn vỗ vào bờ, từng con thuyền nhỏ trôi sông. Những ngày nước trong, ngỡ tưởng nhìn thấy đáy, nhìn vào mênh mông vô tận của dòng sông quê hương. Tuổi thơ em in dấu bóng dòng sông quê, sông quê hương như người mẹ hiền ôm và lưu giữ bao kí ức đẹp trong đời mỗi đứa trẻ nông thôn chúng em.

Chú thích:

– Câu gạch chân: so sánh.

Bài làm 2:

Buổi sáng nhờ ánh mặt trời dịu dàng chiếu xuống, dòng sông như cô gái điệu đà được khoác lên mình chiếc áo dát vàng lung linh, lấp lánh. Trưa, những tia nắng rủ nhau xuống bơi khiến cho dòng sông hoe vàng, rực rỡ. Chiều về, nó lại trở lại với dáng vẻ ngày thường cùng chiếc áo màu đỏ hồng giản dị. Lúc này cũng là lúc vang lên tiếng của những đứa trẻ í ới rủ nhau đi tắm sông, các bà mẹ đi giặt quần áo. Cả một vùng sông rộn vang tiếng cười đùa vui vẻ. Buổi tối, màu đen huyền ảo đã ôm gọn một khoảng không gian rộng lớn. Dòng sông lúc này lấm tấm ánh vàng của mặt trăng, tô điểm cho mặt nước thêm lung linh, lấp lánh. Khi có gió thổi nhẹ qua, sông cựa mình nũng nịu vỗ bờ như đứa trẻ đòi được mẹ vỗ về.

Chú thích:

– Câu gạch chân: so sánh.

Bài làm 3:

Càng ra xa bến cảng, cảnh dòng sông càng thanh bình và êm đềm. Mặt sông uốn lượn như một tấm vải lụa trải dài đến xa tít chân trời, vắng bóng tàu thuyền nên sông cũng ít sóng đi, chỉ nghe soàn soạt vài tiếng sóng vỗ bờ. Những cụm lục bình đâu rồi nhỉ ? Có lẽ chúng thấy mình quá nhỏ bé trước cảnh sông nước bao la nên đã trốn đi. Mặt trời đã chiếu những tia nắng gay gắt, mặt sông lấp lánh như được dát muôn ngàn viên pha lê .Ô kìa, những chiếc thuyền đánh cá, chở hàng buôn bán lặng lẽ đậu giữa dòng sông nhuu đang ngẫm nghĩ điều gì đó. Bến cảng đã thưa dần, thấp thoáng đây đó những ngôi nhà cao tầng trong làn sương mờ mờ ảo ảo. Bên kia, nhà cũng ít lại, những vườn cây trái xanh um chạy dài ven bờ sông. Giò lùa qua lá cây xào xạc, tràn xuống mặt nước mát rượi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.