Đọc sách mỗi ngày và Lớn lên cùng sách

“LỚN LÊN CÙNG SÁCH” 

Đọc sách mỗi ngày là việc tôi thường làn. Và dĩ nhiên, tôi sẽ bắt đầu vào ngày đầu tuần.

Thứ hai là ngày đầu tuần, tôi thường đến trường sớm. Tôi thích đọc sách Vạn vật trong ngày đầu tuần nhưng thầy giáo tôi lại bắt đọc sách văn học theo lịch đọc sách thầy đã sắp xếp cho lớp. Đọc sách văn học cũng rất thú vị. Tôi thường tìm các truyện ngắn của Nam Cao, hoặc tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Thích nhất là khi đọc Tuyển tập truyện ngắn của Adecxen. Một thế giới cổ tích mở ra trước mắc tôi lung linh sắc màu kì diệu. Từ những câu chuyện đã làm tôi hiểu hơn về nhân vật “Cô bé bán diêm”, hiểu hơn về nhà văn Andecxen và thế giới cổ tích trong tác phẩm của ông.

Tôi thường đọc các sách khoa học vào ngày thứ ba. Thầy giáo tôi bảo những ngày đầu tuần, trí tuệ minh mẫn nhất, nên đọc sách khoa học. Đọc sách mỗi ngày nên bắt đầu bằng tri thức khoa học để thức tỉnh những “mầm non thiên tài” trong trí não. Thầy nói thế mà thầy còn bắt lớp tôi đọc sách văn học vào thứ hai. Thầy thật là khó hiểu.

Buổi chiều tôi cố gắng đọc vài trang cuốn “10 vạn câu hỏi vì sao”  hoặc quyển “Bí ẩn vũ trụ” trước khi đi học. Đúng thật, khoa học giúp tinh thần ta sáng suốt hơn. Tôi thường vận dụng các kiến thức khoa học đã đọc được vào các trò nghịch ngợm của tôi. Mấy hôm trước, tôi đã giúp em gái tôi đạt được 10 điểm bài thực hành công nghệ với mô hình gấp giấy Nhật Bản. Nó cảm ơn tôi rối rít còn tôi thì cho điều đó là bình thường. “Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh”Lê nin đã nói thế mà.

Thứ tư, tôi rất hứng thú với những câu chuyện nhỏ trong “Hạt giống tâm hồn” có trong thư viện trường. Tôi lựa chọn và chỉ đọc một câu chuyện rồi nói chuyện với bạn bè. Bạn tôi cũng rất hào hứng lắm và tranh luận với tôi sôi nổi. Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Sau mỗi cuộc tranh luận tôi nhận thấy mình mạnh mẽ hơn, tinh thần dạt dào niềm tin tưởng vào những điều chân thiện.

Thứ năm, tôi không đọc gì cả. Người ta nói số 5 là số xui mà. Tôi muốn có một ngày giữa tuần thật thảnh thơi. Tôi sẽ để cho tâm hồn trống rỗng, giảm bớt áp lực học tập để hồi phục sinh lực. Mà thực tế là bạn không thể duy trì việc đọc sách từ ngày này qua ngày khác với một kế hoạch chặt chẽ được đâu. Buổi chiều tôi thường dạo bộ quanh bờ kênh, hít thở không khí trong lành. Chà chà, không khí trong lành trong thành phố quả thật rất quý giá.

Thứ 6, tôi đọc sách lịch sử, địa lí, khảo cổ học hoặc nghiên cứu “Truyền thống văn hóa các dân tộc trên thế giới”. Hơn hai tháng tôi chăm lo đọc quyển “Lịch sư các nền văn minh thế giới” mà vẫn chưa đọc xong. Càng đọc nhiều tôi càng thấy tri thức đúng là vô tận. Có thể đến nghìn năm đọc sách tôi vẫn không thể đọc hết những gì có ở trong sách. Tri thức xã hội học cho tôi hiểu hơn về xã hội loài người và càng thêm yêu mến, quý trọng cuộc sống này.

Sáng thứ 7, sau giờ học tôi thường sang chơi nhà ngoại. Việc đọc sách tạm thời gác lại. Cuối tuần, biết tôi về, thế nào ngoại cũng làm bánh cho tôi. Ngoại tôi khéo tay, làm bánh ngon lắm.

Buổi tối, tôi thường nói chuyện với bố. Tôi hỏi bố tất cả những câu hỏi tôi đã để dành trong một tuần. Nhiều lúc bố cũng bí, không trả lời được những câu hỏi ngược đời của tôi (vì tôi nghe lời thầy tôi: “luôn hỏi ngược để phám phá toàn diện thế giới” mà). Bố thường khoe tôi mấy quyển sách dạy kinh doanh gì gì đó. Nhưng tôi không mấy quan tâm vì đọc chẳng hiểu gì cả. Bố tôi hơi buồn. Nhưng tôi đã hứa với bố sau này lớn lên tôi sẽ đọc.

Chủ nhật, cả ngày đều vui. Tôi thường ngủ đến 8 giờ mới dậy. Ăn sáng xong là cặm cụi đọc hết mấy tập truyện tranh Doraemon hay Shin cậu bé bút chì, thấy hứng thú vô cùng. Buổi chiều, tôi cùng mẹ đi mua sắm hoặc cùng bố chơi cờ tướng. Bố nói, cờ tướng rèn ta tính kiên nhẫn và mưu lược. Tôi cũng ngờ ngợ thấy như thế vì tôi luôn thua mà.       

Đó là kế hoạch đọc sách của tôi trong một tuần đấy. Cứ thế nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua tôi vẫn duy trì thói quen ấy. Và dĩ nhiên loại sách cũng thay đổi theo thời gian. Đọc sách là việc không thể vội vàng được bởi cần có nhiều thời gian để tri thức được tiếp nhận. Đọc mà sơ sài, thiếu trách nhiệm thì thà không đọc.

Giờ tôi đã tích lũy kha khá tri thức, biết được các hiện tượng trong cuộc sống. Tôi cũng đã giải thích được những gì diễn ra quanh ta và làm văn đã tốt hơn. Thầy giáo vẫn thường chê tôi thiếu tưởng tượng, thiếu ý tưởng, sáng tạo kém. Tôi thấy đúng vì tôi thường hay nghĩ lung tung chứ chưa biết làm cho suy nghĩ tập trung, nhất quán. Tôi sẽ cố gắng. Nhất định là như thế rồi. Lớn lên cùng sách.


Bài viết cảm nhận:

“Đại thắng mùa xuân 1975, sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình”

Lịch sử đã đi qua nhưng những trang sách vẫn còn ở lại. Đối với tôi, tôi luôn muốn biết những vị anh hùng đã cầm súng bảo vệ quê hương như thế nào, để chúng tôi có được một đất nước thanh bình, tiến bộ như ngày hôm nay. Cuốn sách mang tên : “Đại thắng mùa xuân 1975, sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình” của Bộ quốc phòng do Nhà xuất bản Quốc gia  ấn hành mà tôi đã đọc ở thư viện nhà trường đã cho tôi hiểu điều đó..

Lịch sử nước ta là lịch sử giữ nước và chống giặc ngoại xâm. Sau thời kì đô hộ của thực dân Pháp, nước ta lại bước vào thời kì xâm lược của đế quốc Mỹ. Với vũ khí tối tân và tiềm lực kinh tế hùng mạnh, đế quốc Mỹ nhanh chóng chiếm lấy miền Nam Việt Nam và lập ra chế độ ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa – một chính phủ bù nhìn với âm mưu lấy người Việt trị người Việt.

Sài Gòn lúc bây giờ mang tên Gia Định dường như bị đồng bộ hóa thành phong cách kiểu Tây.  Tây phục tràn khắp đường phố. Rồi xe hơi, thời trang kiểu Mỹ, lối sống Mỹ trở nen phổ biến. Nhiều phát minh của người Mĩ đã mang đến đây. Dù có phát minh cho nước ta nhiều như vây nhưng chủ yếu là phục vụ cho người Mỹ. Chúng khai thác tài nguyên nước ta chuyển về đất nước họ. Chúng thực hiện chế độ “ngu dân” không cho người dân đi học, để dân ta không đủ trình độ đứng dậy chống lại chúng. Chúng còn thẳng tay đàn áp đẫm máu các phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ của nhân dân ta.

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng XHCN ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; đứng vào hàng ngũ các quốc gia, dân tộc tiên phong trên thế giới.

Đọc những trang sử hào hùng của dân tộc tôi tự ngẫm lòng mình rằng đã bao giờ mình làm gì có ích cho đất nước hay chưa? Hay những thời gian chơi điện tử tại sao ta không tập trung vào việc học hay sáng tạo một điều gì đó? Liệu mình có phụ lòng các thế hệ cha anh đã không ngần ngại ngã xuống, hi sinh xương máu để giữ hòa bình cho tổ quốc tươi đẹp hôm nay?

Tôi đã từng bị đứt tay, cũng từng bị đau đớn. Nhưng có là gì so với sự đau thương, mất mát của các chiến sĩ trên mặt trận chống kẻ thù. Nhủ trong lòng rằng khi lớn lên tôi sẽ du học sang nước ngoài học hỏi cái tiến bộ rồi sẽ trở về đem hết sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều lần tôi tự hứa phải sống xứng đáng với máu xương của lớp lớp người đã ngã xuống để gìn giữ nền hòa bình này .

Có nhiều bạn trẻ cho rằng đọc sách là một việc nhàm chán, không có gì thú vị. Đó là một nhận thức hết sức sai lầm. Nếu ta đọc sách bằng trái tim thì ta sẽ cảm nhận được nhịp đập của biết bao trái tim trong khắp cõi đời này.

Thầy giáo tôi luôn bắt chúng tôi đọc sách vì thầy mong muốn chúng tôi nhận ra được tầm quan trọng của công việc này đối với sự phát triển của dân tộc. Nếu bạn suy nghĩ sách chỉ là một sách thì bạn đã không nhận ra giá trị của nó. Sách có tâm hồn đấy. Tôi nhận thấy sách là người bạn, là người thầy vĩ đại.

Suy nghĩ sâu hơn về cuốn sách bạn đang đọc có lẽ bạn sẽ thấy chính bản thân của mình trong ấy. Và nếu bạn chưa bao giờ từng thích đọc sách thì hãy sống chậm lại và đọc hoàn thiện một cuốn sách. Nó sẽ hình thành nhân cách của bạn lại, không còn sống vội vàng nữa. Hãy thật chậm rãi như những đường kiếm Ka-ta-na của võ sĩ Sa-mu-rai Nhật Bản. Tĩnh lặng nghĩ sâu về nó.

Sách không chỉ là sách nếu bạn dành cho nó một tình yêu mến. Sách đôi khi là một chiếc gương phản lên những sai lầm của mình trong ấy nếu bạn nhìn thật kĩ và thấu hiểu. Hãy liên tưởng đến cuộc đời mình, trong những lần đọc sách .

Tôi nghĩ mình cần tìm đọc thật nhiều sách hơn. Vì những điều tôi chưa biết dường như là bất tận. Mãi mãi ở một vùng đất nào đó với những cuốn sách là bậc thang giúp tôi bước tới, để ngày nào đó mình được thấy những khả năng mà mình chưa có từ đó hoàn thiện bản thân hơn. Người Thầy ấy tôi vẫn sẽ không quên được. Nếu bạn là một con người quan trọng hình thức điểm số thì bạn không thể hiểu sâu lòng thầy. Thầy cũng là người thay đổi bản thân tôi với nhận thức sai lầm về sách .

 Hãy đến với sách. Hãy ở gần sách. Sẽ không bao giờ là nhàm chán nếu ta thật lòng yêu mến sách. Sách là “chiếc gương thần kì diệu” soi sáng đường ta bước tới tương lai.


Sản phẩm sáng tạo:

CHIẾC GƯƠNG THẦN KÌ DIỆU!

Hãy mở sách và cùng tôi đi tới
Những khu vườn, ngọn núi, con sông
Những nơi mà bạn chưa từng đến
Để nghe đất trời chuyển hóa cơn giông.

Nghe gió thổi qua từng khe lá nhỏ
Nghe mưa rơi xa tít tận mây nguồn
Nghe dế gọi trong bụi lau, khóm cỏ
Nghe hạc về dìu dặt phía đêm sương.

Nghe tiếng khóc phía bên kia thế giới
Những cuộc đời chưa hẳn đã đầy vui
Nghe nước mắt của muôn người chảy ngược
Trước phong ba, đau khổ đường đời.

Hãy mở sách và cùng tôi đi tới
Tương lai ta đang vẫy gọi từng ngày
Trái tim cùng trái tim hòa nhịp thở
Đất nước mình kết chặt triệu vòng tay.

Tôi nghe gió thì thào với muôn cây
Trong bóng lá, có đôi chim líu ríu
Hãy mở sách và rồi bạn sẽ hiểu:
“- Chiếc gương thần! Chiếc gương thần kì diệu”.


BÀI THUYẾT MINH SẢN PHẨM SÁNG TẠO:

  • Một cuộc thi bất ngờ

Chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ làm được bài thơ. Thậm chí là một câu thơ ra hồn. Cho đến khi tôi tham gia cuộc thi “Lớn lên cùng sách” này. Thật kì diệu, nó ở đâu đó, đột ngột tràn về choáng ngợp tâm hồn tôi mãnh liệt vô cùng. Nó nhanh chóng chiếm lĩnh tâm hồn tôi như một nguồn nước mát.

Khi nghe thầy giáo thông báo về cuộc thi tôi không mấy hứng thú. Vì tôi không hiểu rằng tham gia cuộc thi thì mình sẽ làm những gì. Bài học đã quá nhiều rồi, tôi cũng không muốn gánh vác thêm vai trò nào nữa. Một buổi tối, tôi nhận được tin nhắn của thầy. Thầy đề nghị tôi và Thượng Hỷ – lớp phó học tập của lớp, tham gia cuộc thi này. Tôi miễn cưỡng nhận lời.

  • Một cảm hứng bất tận

Nhưng thật bất ngờ. Nhờ sự hướng dẫn của thầy, tôi dần nhận ra điều thú vị của cuộc thi này. Thầy yêu cầu tôi đọc kĩ một quyển sách và viết cảm nhận về quyển sách đó sau khi đọc xong nó. Tôi nhanh chóng chọn luôn quyển “Đại thắng mùa xuân 1975, sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình” của Bộ quốc phòng do Nhà xuất bản Quốc gia ấn hành. Vì tôi đang đọc dở dang quyển sách ấy nên sẵn tiện đọc cho hết luôn. Quyển sách mang đến cho tôi một cảm hứng tuyệt vời. Nó khơi mở trong tôi một niềm tự hào sâu sắc về lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng, bất khuất của dân tộc.

Thế rồi, tôi viết bài cảm nhận như ở trên, tổng kết toàn bộ những suy nghĩ mà tôi đã hình dung được khi đọc quyển sách. Tôi viết một mạch ba trang A4 trong tâm thế đầy hứng khởi. Tất cả cảm xúc tràn về rộn ràng trong tâm trí tôi, cuồn cuộn như cơn bão tố khiến tôi muốn thét lên. Vừa viết tôi thầm cảm ơn thầy đã tận tình động viên, nhắc nhở bấy lâu để tôi học hành tiến bộ. Tôi chợt hiểu ra vì sao thầy lại bắt chúng tôi đọc sách mỗi tuần một buổi vào giờ ra chơi ở thư viện trường.

Khi thầy đọc bài viết của tôi, thầy bảo hình ảnh “chiếc gương thần kì diệu” ở cuối bài thật đẹp và yêu cầu tôi viết thành một bài thơ. Đó có lẽ là một yêu cầu “sock” nhất trong nhiều năm qua mà tôi từng nghe thấy.

  • Khi trái tim biết rung cảm và tin tưởng, điều kì diệu sẽ tới 

Nhưng nếu bạn có đủ quyết tâm và niềm cảm hứng tôi tin bạn cũng sẽ làm được. Tôi lại cặm cụi suy nghĩ. Tôi vẽ ra một ý tưởng ban đầu đơn sơ và giản dị đến hồn nhiên. Rồi khi bài thơ hình thành nó đã đi quá xa với ý nghĩ ban đầu ấy. Nếu hình ảnh chiếc gương thần kì diệu ở bài cảm nhận chỉ là một hình ảnh ngẫu nhiên thì giờ đây nó hiện hình ngay trong tôi. Nếu bạn bằng một tình yêu mến vô hạn, bước vào trong sách và rồi từ trong sách bước ra bạn sẽ thấy tâm hồn bạn là một chiếc gương phản chiếu tất cả thế giới.

Tôi hình dung về những gì nhân loại đang trải qua. Tôi lắng nghe tiếng vọng về từ những miền xa xôi của thế giới. Trái đất vẫn đang quay. Dòng sông vẫn đang chảy. Và trong bóng đêm, tôi lắng nghe muôn loài thì thầm kể chuyện. Tôi nghĩ về Tổ quốc đang kết chặt triệu vòng tay. Tôi ghi nhận thật nhanh bằng những câu thơ vụng về. Nhưng tôi nghĩ đó mới là chính tôi: vụng về và hết sức hồn nhiên. Bài thơ là một lời kêu gọi hãy cùng tôi đọc sách, cùng tôi khám phá thế giới kì diệu ấy.

Thầy giáo đã giúp tôi hoàn thiện bài thơ. Tôi nghĩ bài thơ không thật hay. Nhưng đó là tất cả những gì tôi muốn nói và gửi đến các bạn. Xin cảm ơn Sách! Xin cảm ơn Thầy! Cảm ơn các bạn đã đến với tôi và đồng hành cùng tôi trên con đường đi đến tương lai!

3 bình luận

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Bài thi mẫu: "Lớn lên cùng sách" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.