Bài thơ: Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư) (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

van-ban-ngau-nhien-viet-nhan-buoi-moi-ve-que-hoi-huong-ngau-thu-day-du-ngu-van-7

Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư)
(Hạ Tri Chương)

Phiên âm:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

Dịch nghĩa:

Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trong thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?

Dịch thơ:

Trẻ đi già trở lại nhà
Giọng quê không đổi sương pha mái đầu
Gặp nhau mà chẳng biết nhau
Trẻ cười hỏi: Khách từ đâu đến làng?

(Trần Trọng San dịch)

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?

(Phạm Sĩ Vĩ dịch)

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Qua tiêu đề bài thơ, có thế thấy sự biểu hiện tình quê hương ở bài thơ này có gì độc đáo

Câu 2: Chứng minh hai câu đầu đã dùng phép đối trong câu (còn gọi là tiểu đối, tự đối). Nêu tác dụng của việc dùng phép đối ấy.

Câu 3: Câu thơ 1 và 2 sử dụng các phương thức biểu đạt nào?

Câu 4: Sự biểu hiện tình quê hương ở hai câu trên và hai câu dưới có gì khác nhau về giọng điệu

II. Luyện tập

So sánh hai bản dịch thơ.


* Soạn bài:

Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư)
(Hạ Tri Chương)

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1:

– Lí do để bài thơ ra đời là một nghịch lí ngậm ngùi bị gọi là khách ngay trên chính quê hương mình trong ngày đầu tiên trở về.

– Khác với Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch ở xa quê nhớ quê nên mới viết về quê.

Câu 2:

Hai câu đầu của bài thơ này có hình thức tiểu đối: Thiếu tiểu li gia / lão đại hồi, Hương âm vô cải / mấn mao tồi. Hai câu đối, mỗi câu hai vế, mỗi vế có hai bộ phận đối nhau rất chỉnh. “Li gia” đối với “hồi”, “hương âm” đối với “mấn mao” là chỉnh cả ý lẫn lời; “thiếu tiểu” đối với “lão đại”, “vô cải” đối với “tồi”. Tuy có hơi chênh về lời song về ý rất chỉnh (thiếu tiểu: còn nhỏ; lão đại: về già; vô cải: không thay đổi; tồi: chỉ sự thay đổi). Xét về ý nghĩa ngữ pháp, “thiếu tiểu” và “lão” đều là chủ ngữ cũng như “vô cải” và “tồi” đều là vị ngữ, hai câu đối đọc lên nghe rất hài hoà.

Hình thức tiểu đối trong hai câu này đã giúp nhà thơ thể hiện những ý nghĩa rất khái quát trong một lượng câu chữ ít ỏi. Câu thơ đầu nói về quãng thời gian gần suốt cả cuộc đời xa quê đồng thời hé lộ tình cảm quê hương của nhà thơ. Câu thơ thứ hai dùng một yếu tố thay đổi (mái tóc) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi (tiếng nói quê hương). Nói “hương âm vô cải” là đã động đến phần tinh tế trong sâu thẳm tâm hồn (người thấy tiếng nói quê hương không thay đổi qua mấy chục năm trời hẳn là người luôn nghĩ về quê hương).

Câu 3:

Phương thức biểu đạt Tự sự Miêu tả Biểu cảm Biểu cảm qua tự sự Biểu cảm qua miêu tả
Câu 1 X X X
Câu 2 X X X

Tuỳ từng cách giải thích (căn cứ và dấu hiệu ngôn ngữ hoặc căn cứ vào tình cảm và mục đích biểu hiện của bài thơ) mà có thể đưa ra cách lựa chọn theo ý kiến của mình.

Câu 4: Sự khác nhau về giọng điệu biểu đạt ở hai câu trên và hai câu dưới:

– Hai câu trên:

Trẻ đi, già trở lại nhà
Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu

Giọng điệu miêu tả, tự sự và thoáng chút ngậm ngùi, tâm sự của người con xa quê lâu ngày nay mới được trở về.

– Hai câu dưới:

Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?

– Giọng điệu hóm hỉnh, bi hài:

+ Sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ.
+ Hoàn cảnh trớ trêu, bị gọi là khách ngay trên quê nhà.
+ Cảm giác bơ vơ, lạc lọng khi trở về quê không còn người thân thích, quen biết, nỗi ngậm ngùi đau xót.
+ Câu hỏi hồn nhiên của các em nhỏ làm cho tác giả vừa vui, vừa buồn.

II. Luyện tập.

So sánh hai bản dịch thơ :

– Giống: đều dịch theo thể lục bát và sát với bản dịch nghĩa.

– Khác: Bản của Phạm Sĩ Vĩ không có hình ảnh tiêu biểu (trẻ cười), còn bản dịch của Trần Trọng San âm điệu câu cuối không được mềm mềm mại, hơi hụt hẫng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.