Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lý

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lý.

  • Mở bài:

– Giới thiệu bài thơ Sang thu và cảm hứng chủ đạo: cảm nhận tinh tế về khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu ở miền bắc Việt Nam

  • Thân bài:

1. Sang thu là khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng.

– Mở đầu bài thơ ta nhận ra sự chuyển biến nhẹ nhàng nhưng rõ rệt của thời tiết và thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa bằng đôi mắt tinh tế và tâm hồn nhạy cảm:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

+ Những tín hiệu sang thu: hương ổi, gió se, làn sương…

+ Cảm xúc nhà thơ ngỡ ngàng bâng khuâng, đón nhận những tín hiệu sang thu bằng các giác quan: khứu giác, thị giác, xúc giác,và bằng cả tâm hồn “hình như”…

+ Nghệ thuật: sử dụng từ láy, nhân hóa…

Khổ thơ thể hiện được cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những tín hiệu chuyển mùa của thiên nhiên trong không gian làng quê lúc thu sang, đồng thời bộc lộ nét sang thu trong hồn người với tâm trạng bâng khuâng lưu luyến.

– Những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự chuyển mùa của thiên nhiên trong không gian đất trời:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

+ Tín hiệu chuyển mùa: sông dềnh dàng, chim bắt đầu vội vã, đám mây mùa hạ…

+ Nghệ thuật: đối, nhân hóa… Hình ảnh mùa thu thể hiện duyên dáng và thì thầm ở câu: “Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu…

+ Cảm nhận của nhà thơ hết sức tinh tế, tâm hồn nhạy cảm thể hiện sự gắn bó giao hòa với thiên nhiên và tình yêu tha thiết đắm say của thi nhân trước vẻ đẹp của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa.

2. Sang thu là lời thì thầm triết lý về cuộc đời.

– Những cảm nhận về sự chuyển mùa của thiên nhiên và những suy ngẫm của nhà thơ:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.

+ Những tín hiệu mùa thu được cảm nhận bằng những kinh nghiệm và suy tư sâu lắng bằng những hình ảnh vừa mang nghĩa tả thực vừa mang nghĩa ẩn dụ “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”…

+ Ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” chỉ những vang động bất thường của ngoại cảnh của cuộc đời; “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người đã từng trải. Từ đó nhà thơ muốn nói con người lúc sang thu không còn bồng bột mà sâu sắc chín chắn hơn có bâng khuâng, bồi hồi nhưng bình tĩnh, chín chắn trước những giông tố cuộc đời.

Khổ thơ cuối không chỉ khắc họa bức tranh giao mùa từ hạ sang thu, thể hiện sự quan sát, cảm nhận và sự trưởng thành của tư duy, tâm hồn con người mà còn ẩn chứa những suy tư sâu sắc về quy luật cuộc đời, con người. Thiên nhiên vào thu, hồn người cũng sang thu.

Tính triết lí và suy nghĩ: Từ khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng, bài thơ giúp ta nhận ra rằng khi con người đã từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những tác động của ngoại cảnh, của cuộc đời.

3. Nhận xét:

– Với thể thơ 5 chữ, cách ngắt nhịp linh hoạt, giọng điệu tự nhiên nhẹ nhàng, ngôn ngữ hình ảnh trong sáng, giàu sức biểu cảm, sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ… “Sang thu” của Hữu Thỉnh là một thi phẩm hay viết về mùa thu trong văn học Việt Nam.

– Bài thơ phác họa bức tranh thiên nhiên đẹp ở thời điểm giao mùa, thể hiện tình yêu tha thiết với thiên nhiên và những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời. Bài thơ bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước cho mỗi người Việt Nam.

  • Kết bài:

“Sang thu” là khúc giao mùa nhẹ nhàng, đầy mộng mơ khiến lòng ta không khỏi khắc khoải, vừa thấy yên bình lại thấy bâng khuâng. Bài thơ mang đến cho ta những suy ngẫm về cuộc đời, về tuổi trẻ và thời gian, để từ đó thêm ý thức hơn về lẽ sống đời mình, thêm yêu và trân trọng mọi vẻ đẹp của đất nước, của thiên nhiên.

Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang