Bánh đúc
Bánh đúc là một trong những món ăn dân dã, mang đậm hồn quê Việt Nam. Tuy chỉ là thứ quà quê bình dị của người nghèo nhưng tinh tế và khó quên với những ai đã từng một lần gắn bó.
Bánh đúc thường được làm bằng bột gạo (tại miền Bắc và miền Trung) hoặc bột năng (miền Nam) với một số gia vị. Bánh được làm thành tấm to, khi ăn thì cắt nhỏ thành miếng tùy thích.
Là món ăn dân dã thịnh hành khắp ba miền, bánh đúc ăn giòn, mát, mịn, no bụng mà lại dễ tiêu, dễ làm và giá thành cũng rất rẻ. Không chỉ được ăn như một thức quà quê, bữa ăn sáng mà điển hình là bánh đúc chấm tương, bánh đúc cũng có thể ăn kèm với canh riêu cua, rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích. Từ loại bánh đúc thuần túy chỉ được bằng bột gạo pha với nước vôi trong ngai ngái mùi vôi, bánh đúc cũng đã có nhiều biến tấu như bánh đúc cẩm thạch, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc ngô v.v.
Chế biến món bánh đúc không khó nhưng để bánh đúc ngon lại đòi hỏi đôi chút kỳ công. Kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu là gạo tẻ, đặc biệt phải là loại gạo cũ, để khi bánh thành phẩm lúc nóng thì dẻo, lúc nguội thì cứng lại, là hạt lạc vỏ tươi, mẩy đều. Và một trong những bí kíp làm bánh đúc ngon nằm ở vôi – thiếu vôi thì nát, thừa vôi thì nồng. Quấy bánh đến lúc sắp bắc ra mới cho chút nước muối – để vừa giữ ẩm vừa làm bánh thêm dẻo.
Người làm bánh ngâm gạo vài ngày trong nước, sau đó vớt gạo ra để ráo rồi xay thành bột. Bột gạo lại được hòa vào nước vôi trong giúp bánh dẻo, dai. Lượng nước vôi pha vào bột gạo vừa đủ để bánh khỏi bị nồng, nát. Trước khi nấu, tráng một lớp mỡ mỏng vào nồi nấu tạo vị béo cho bánh. Đổ bột vào quấy đều đến khi bột trong nồi quánh lại, trở nên trong mượt, hớt một đũa bột lên thấy bột chảy xuống không dính đũa là bánh đã chín.
Trước đây, người dân làm bánh đúc để “ăn cho no”. Sau này, nhiều người đã biến tấu món bánh đúc nấu kèm với lạc, ăn cùng với nhiều loại thức ăn mặn khác nhau. Bên cạnh bánh đúc nhân lạc, người chế biến còn sáng tạo ra nhiều loại bánh đúc như bánh đúc nóng, bánh đúc sốt, bánh đúc riêu cua… Bánh đúc khi ăn có vị giòn, mát, bùi bùi của lạc và chất dân dã khó quên của hương gạo tẻ quê nhà.
Ngoài loại bánh đúc làm từ bột gạo, còn có loại bánh đúc bình dân hơn, được chế biến từ bột ngô (bắp), ăn không ngon bằng bánh đúc bột gạo nhưng mùi vị và hương thơm cũng rất lạ.
Đó là hương vị bánh đúc miền Bắc. Ở miền Nam cũng có bánh đúc, dân gian thường gọi là bánh đúc cẩm thạch. Công thức và cách làm cũng không khác gì bánh đúc thông thường, chỉ khác một chút là trong khi pha bột làm bánh, người ta có pha thêm nước cốt dừa, cho nên bánh ăn có vị béo và thơm.
Không nên nhầm lẫn giữ bánh đúc miền Bắc với bánh bèo miền Trung và bánh khọt miền Nam. Các loại bánh đều được làm từ bột gạo tẻ, nhưng cách làm khác nhau. Bánh đúc được trải hấp từng mảng lớn, khi ăn cắt ra từng miếng. Bánh bèo được hấp cách thủy trong khuôn chén. Bánh khọt được chiên hấp trong khuôn. Cách chế biến khác nhau nên mùi vị cũng khác nhau.
Xưa, bánh đúc được bày bán nhiều ở chợ quê trên các sàng, các mẹt của các bà các mẹ, hay trên những gánh hàng rong khắp tận cùng ngõ ngách làng quê. Nay, bánh đúc không còn được người dân làm nhiều nữa. Món bánh đúc cũng vì thế ít còn phổ biến trong đời sống văn hóa ẩm thực người Việt Nam.
Xem thêm:
- Thuyết minh cách làm món bánh xèo miền Nam.
- Thuyết minh về chiếc bánh chưng trong ngày tết cổ truyền của dân tộc ta