Nghị luận: Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người…

bat-re-o-cuoc-doi-hang-ngay-tieng-noi-van-nghe

“Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn” (“Tiếng nói văn nghệ” – Nguyễn Đình Thi)

Bằng việc phân tích một vài tác phẩm văn chương trong chương trình Ngữ văn, em hãy làm sáng tỏ nhận định của Nguyễn Đình Thi.

  • Mở bài:

Từ khi biết nhận biết về cái đẹp, con người không ngừng dùng cái đẹp để làm phong phú thêm cuộc sống của mình. Trong những vẻ đẹp ấy, văn chương đêm lại cho đời sống con người cái đẹp muôn hình vạn trạng. Xuất phát từ ý thức con người, văn chương quay trở lại phục vụ và làm đẹp thêm cuộc sống. Bởi thế, nhận xét về văn chương, trong Tiếng nói văn nghệ, Nguyễn Đình Thi có viết: Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn

  • Thân bài:

Ý kiến của Nguyễn Đình Thi nêu lên nguồn gốc của văn nghệ (nghệ thuật) – trong đó có văn học – cũng như vai trò, ý nghĩa, tác động của văn nghệ (nghệ thuật) đối với tâm hồn người tiếp nhận, thưởng thức. Văn nghệ “bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con ngườinghĩa là các tác phẩm văn học, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực. Người nghệ sĩ lấy chất liệu sáng tác từ đời sống hàng ngày.

Văn nghệ “tạo được sự sống cho tâm hồn con người”, đồng thời làm “mở rộng khả năng của tâm hồn”. Văn học, nghệ thuật giúp đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú hơn. Nó làm giàu có thêm tâm hồn với những tình cảm vui – buồn, yêu thương – căm giận…  “Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”. Văn nghệ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp thế giới tinh thần của người thưởng thức, tiếp nhận.

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Văn chương con được gọi với tên gọi khác là văn nghệ. Đôi khi văn học cũng được đồng nhất với văn chương. Trước hết, văn chương là một loại hình nghệ thuật đặc thù của con người. Văn chương “bắt rễ ở cuộc đời” không chỉ về khái niệm nguồn gốc mà còn ở nội dung phản ánh. Từ khi con người biết dùng ngôn ngữ để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống tình cảm thì văn chương xuất hiện. Không ở đâu khác, nó hiện hình ngay trong đời sống, xuất phát từ nhu cầu trình bày, thể hiện và thưởng thức của con người.

Từ những sản phẩm văn chương có giá trị đã được tạo thành, nó được lưu giữ và lưu truyền trong xã hội. Từ cảm xúc của một người, văn chương tạo cảm xúc cho nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều thời đại. Văn chương tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Đọc một tác phẩm hay, ta không khỏi rung động và mường tượng về những gì được biểu đạt trong đó. Người đọc có thể khóc, cười, khổ đau hay hạnh phúc cùng nhân vật. Người đọc thấy thật hạnh phúc khi nhân vật tốt đẹp có được hạnh phúc sau khi trải qua nhiều bi kịch, nhiều khổ đau. Người đọc cũng thấy thật hả hê khi kẻ xấu, kẻ ác bị trừng trị thích đáng, thấy thõa mãn khi công lí được bảo vệ, điều chân thiện được gìn giữ.

Nghệ thuật lại có thể mở rộng khả năng của tâm hồn. Nó làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn. Nó làm cho tai mắt ta biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị. Nó giúp ta sống được nhiều hơn. Từ một điểm nhìn hạn hẹp, thông qua nghệ thuật, con người không ngừng mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh. Nó giúp ta vượt không gian, thời gian, chạm đến những thế giới xa xôi nhất trong vũ trụ và cả trong thế giới mờ ảo của nội tâm con người.

Không ở đâu khác, Truyện Kiều “bắt rễ ở cuộc đời” này. Toàn bộ thi liệu và cảm hứng của tác giả bắt nguồn từ trong sâu thẳm cuộc đời. Nguyễn Du mang một trái tim đầy rung cảm. Tuy xuất phát là một nhà Nho, con nhà quyền quý, lại làm quan to nhưng ông sống gắn bó và gần gũi với người dân hiền lành trong một thời gian dài. Những số phận nghèo khó, những mảnh đời nghiệt ngã khiến ông không ngừng suy nghĩ. Ông suy nghĩ về tình đời, tình người và kiếp người phù sinh nhỏ bé trong dòng đời nghiệt ngã. Từ cuộc đời lận đận, gian truân của mình, ông trải niềm tâm cảm cùng với nhân gian.

Cuộc đời và số phận sóng gió ba đào của nhân vật Thúy Kiều đâu chỉ riêng gì của Thúy Kiều. Mà đó là số phận của biết bao con người phụ nữ Việt Nam trong thời đại phong kiến. Tiếng khóc bi thương của Thúy Kiều cũng là tiếng khóc của trần gian trong khổ đau, bế tắc. Họ đã cố vươn lên tìm kiếm con đường sống. Họ vật vả với số phận khắc nghiệt và không ngừng mong mỏi một cuộc đời tốt đẹp. Nhưng càng gắng gượng, họ càng khổ đau, bế tắt. Đó là hiện thực đen tối của xã hội Việt Nam thế kỉ 18.

“Bắt rễ ở cuộc đời”, Truyện Kiều lại “tạo được sự sống cho tâm hồn con người”. Mấy ai đọc Truyện Kiều mà không cảm phục cái tài, cái tình và cái tâm của đại thi hào Nguyễn Du. Mỗi câu, mỗi chữ trong Truyện Kiều có khả năng đánh thức những cảm xúc chìm ẩn, tưởng chừng như đã ngủ quên từ lâu trong tâm hồn ta. Nó khiến cho từng tế bào rung rung. Nó khiến cho lí trí ta biết cảm nhận, trái tim ta biết yêu biết ghét, biết căm hờn và cảm thương. Nó mở rộng khả năng của tâm hồn ta, làm cho ta vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn. Nó khiến cho tai mắt ta biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị và trái tin được sống được nhiều hơn. Đọc Truyện Kiều là được tìm thấy mình trong cội nguồn nguyên thể của dân tộc.

Chiếc lược ngà”của Nguyễn Quang Sáng lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống. Hoàn cảnh chiến tranh ác liệt tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ là cội rễ sản sinh ra tác phẩm Chiếc lược ngà”. Không cần cố công tìm kiếm, Nguyễn Quang Sáng hiển nhiên nhìn thấy ý tưởng ngay trong hiện thực chiến tranh khốc liệt. Cuộc đời của anh Sáu cũng là cuộc đời chung của biết bao anh em đồng chí cách mạng. Đó cũng là cuộc đời chung của con người Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ anh dũng, kiên trung với đất nước. Vì sự nghiệp giải phóng đất nước, họ sẵn sàng rời bỏ gia đình đi chiến đấu. Họ sẵn sàng từ bỏ tình riêng, cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp lớn của Cách mạng, của đất nước.

Bắt nguồn từ cuộc sống, hình ảnh anh Sáu chân thực và sinh động như cuộc sống vốn có. Từ hình tượng nghệ thuật ấy, tác phẩm không ngừng “tạo được sự sống cho tâm hồn người”“mở rộng khả năng của tâm hồn” người đọc. Đọc Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, người đọc sao khỏi bâng khuân nhung nhớ khi nghĩ về nỗi nhớ con của anh Sáu ở chiến khu. Ra đi lúc con gái chưa đầy một tuổi. Bảy năm đằng đẵng chờ đợi. Trái tim người cha rộn ràng mỗi khi nghe vợ kể về con và khao khát được trở về ôm con vào lòng. Trái tim người cha có thể vỡ tung nếu ngày đó anh không trở về.

Dõi theo nhân vật ông Sáu, người đọc cũng không khỏi rưng rưng khi cha con ông nhận ra nhau. Buổi sáng chia tay trên bến sông quả thực đặt ra một thách thức quá lớn. Tình cảm gia đình có thể nào khiến ông quên nhiệm vụ? Tình yêu thương con và khát khao hạnh phúc có thể nào làm lu mờ lý tưởng người lính? Ông Sáu nghẹn ngào hôn chia tay con. Ông quyết định lên đường dù hạnh phúc ngọt ngào vừa mới ùa về. Ông vội vã, vồ vập tận hưởng nó trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Và đó cũng là lần cuối cùng ông gặp con.

Đọc tác phẩm, người đọc được cùng tác giả nghẹn ngào trước tình cha con trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh và tình đồng chí của những người cán bộ cách mạng. Chính nó đã mở rộng khả năng của tâm hồn người đọc. Nó làm cho người đọc vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn. Đó không chỉ là tình cảm muôn thủa, có tính nhân bản bền vững, nó còn được khắc sâu bằng hoàn cảnh ngặt nghèo và éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng. Vì thế, tình cảm ấy càng đáng trân trọng. Đồng thời, nó cũng cho thấy những nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống bình thường của mọi người. Chiếc lược ngà – Một kỉ vật đơn sơ mà vô giá, đã nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người, nối kết tác phẩm và người đọc. Nhưng, vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu. Một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này. Ấy là tiếng “ba” của bé thu. Tiếng “ba” vỡ ra từ sâu thẳm cõi lòng cô bé. Còn đối với người cha, đó là tiếng gọi “ba” đầu tiên và cũng là những tiếng cuối cùng ông nghe được từ con!

  • Kết bài:

“Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Các tác phẩm trên là tác phẩm của những tác giả khác nhau, tuy ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng đều là minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, nghệ thuật và người thưởng thức văn nghệ. Nhận định của Nguyễn Đình Thi đúng đắn và có tầm khái quát cao. Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có” (Hoài Thanh).

Nghị luận: Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học (Tố Hữu)

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Chứng minh: "Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng" - Theki.vn
  2. Nghị luận: Nhiệm vụ của văn nghệ đối với cuộc sống - Theki.vn
  3. Qua truyện ngắn "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu, hãy làm sáng tỏ ý kiến: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”. - Theki.vn
  4. Nội dung phản ánh của văn nghệ là gì? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.