Phân tích bộ mặt gian xảo của Mã Giám Sinh qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

bo-mat-gian-xao-cua-ma-giam-sinh-qua-doan-trich-ma-giam-sinh-mua-kieu

Phân tích bộ mặt gian xảo của Mã Giám Sinh qua đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”.

  • Mở bài:

Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” thể hiện nổi bậc nhất bút pháp nghệ thuật tả người bậc thầy của thiên tài Nguyễn Du. Từng câu chữ rắn rỏi làm hiện lên bức chân dung kịch cỡm, đê tiện và tởm lợm của Mã Giám Sinh, một tay buôn thịt bán người, đã câu kết với Tú Bà lừa đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh lần thứ nhất.

  • Thân bài:

Nhân vật Mã Giám Sinh là một thành công của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nguyễn Du khắc họa đậm nét nhân vật này trước hết ở diện mạo, cử chỉ. Hắn ăn nói cọc lốc, vô văn hoá theo lối của con nhà vô học. Giọng điệu hết sức xấc xược:  “hỏi tên”, “hỏi quê”, câu trả lời nhát gừng không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi:

“Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách[1] tìm vào vấn danh
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”. 

Diện mao của Mã Giám Sinh lộ rõ sự lố bịch, chứa đầy mâu thuẫn:

“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang”. 

Dù đã ngoài bốn mươi cái tuổi: “quá trạc ngoại tứ tuần” nhưng Mã Giám Sinh vẫn cố tỏ ra trẻ trung để đi cưới vợ. Hắn trau chuốt vẻ bề ngoại một cách giả tạo. kịch cỡm: “mày râu nhẵn nhụi”, ăn mặc “bảnh bao”, đỏm dáng, chải chuốt thái quá kiểu trai tơ. Có thể nói là diêm dúa, lố bịch, giả dối đến chướng tai gai mắt, không có dáng của một bậc chính nhân quân tử.

Cảnh thầy tớ nhăng xi, nhâng nháo: “trước thầy sau tớ lao xao”. Có lẽ đây đều hiểu là học sinh trường Quốc Tử Giám, cũng có thể là chức giám sinh mua được của triều đình. Không rõ hắn thuộc loại nào nữa. Chỉ biết hắn tự giới thiệu là “viễn khách” nhưng khi hỏi quê lại nói “cũng gần”. Như vậy, rõ ràng hắn đã hai lần nói dối để che giấu tung tích và dễ bề lừa gạt. Đến tướng mao, tính danh cũng giả dối. Tuổi tác đã nhiều nhưng lại cố tỏ ra tô vẽ cho trẻ hơn, ra vẻ thư sinh phong lưu. Tôi tớ không rõ hạng nào mà lao xao, nhốn nháo không còn tôn ti trật tự. Rõ ràng đó chỉ là một nhóm ô hợp, vô tổ chức, giả mạo và vô lại.

Bản chất bất nhân vì tiền của Mã Giám Sinh bộc lộ qua cảnh mua bán Thuý Kiều:

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra… “

Thái độ hách dịch, vội vã, lại thêm kiểu mua bán kiết sỉ của gã buôn người sừng sỏ:

“Đắn đo cân sức cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”

Bất nhân trong hành động, thái độ đối xử với Thúy Kiều. Chúng tỏ ra lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đớn đau, tủi hờn, nhan sắc, tài hoa của Kiều. Hắn chỉ coi Kiều như một món hàng hiếm có; coi sắc, tài của nàng chỉ như giá trị của hàng hoá – cái có thể khiến hắn kiếm lòi.

Sau khi đã đắn đo cân sắc cân tài, ép tài đàn (ép cung cầm nguyệt), thử tài thơ (thử bài quạt thổ), bằng lòng vừa ý, hắn mới “tùy cơ dặt dìu”. Bất nhân trong tâm lý lạnh lùng, vô cảm trước gia cảnh của Kiều và tâm lý mãn nguyên, hợm hĩnh: “tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”.

Lời nói của Mã Giám Sinh lúc đầu nghe có vẻ văn hoa, lịch sự, biết người biết của: “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều. Sinh nghe xin dạy bao cho tường”. Nhưng cũng chỉ được có một câu và sự mua bán vẫn lộ liễu. Với con buôn, tiền nong là chuyện sinh tử nên đến lúc này hắn buộc phải nói nhiều để mặc cả, dìm giá, tìm cách mua hàng với giá “hời nhất”:

“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”. 

Cách gợi giá khéo léo, ép chặt, lựa thế bức ép kẻ khó của gã thật đê tiện, bỉ ổi. “Cò kè bớt một thêm hai”, mãi đến “giờ lâu” mới “ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Cái giá ấy với Thúy Kiều, một tuyệt thế giai nhân quả là quá rẻ rúng.

Câu thơ gợi cảnh kẻ mua, người bán đưa đẩy món hàng, túi tiền được cởi ra, thắt vào, nâng lên, đặt xuống. Chi tiết mặc cả một cách ti tiện và trắng trợn vừa thể hiện thực chất màn kịch “lễ vấn danh” chỉ là cảnh buôn thịt bán người trắng trợn, vừa tố cáo Mã Giám Sinh đích thỉ là kẻ buôn người lọc lõi, thật đáng ghê tởm. Cái mặt nạ hỏi vợ của hắn lúc đầu đã rơi tuột từ lúc nào trong thật tởm lợm và khỉnh bỉ tột cùng.

Nhân vật phản diện Mã Giám Sinh được miêu tả bằng ngôn ngữ trực diện, bút pháp hiện thực. Nguyễn Du kết hợp nghệ thuật kể chuyện với miêu tả ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật hoàn hảo cả về diện mạo và tính cách, rất cụ thể sinh động, mang ý nghĩa khái quát về một hạng người giả dối, vô học, bất nhân trong xã hội. Tất cả làm nổi bật bản chất con buôn lọc lõi của hắn. Vì tiền, y sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm con người lương thiện.

  • Kết bài:

Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một bức tranh hiện thực về xã hội; đồng thời thể hiện tấm lòng nhân dao của Nguyễn Du trên cả hai phương diện: vừa lên án các thế lực xấu xa, tàn bạo vừa thương cảm, xót xa trước sắc đẹp, tài năng, nhân phẩm của người phụ nữ bị trà đạp. Văn bản còn cho thấy tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du: miêu tả nhân vật phản diện bằng ngòi bút hiện thực, khắc hoạ tính cách nhân vật qua diện mạo, cử chỉ (khác với nhân vật chính diện bằng bút pháp ước lộ lý tưởng hoá nhân vật).

5 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đóng vai Mã Giám Sinh kể lại cảnh mua Kiều - Thế Kỉ
  2. Đọc hiểu văn bản "Mã Giám Sinh mua Kiều" (trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du) - Theki.vn
  3. Dàn bài phân tích đoạn trích "KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH" (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du). - Theki.vn
  4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện Kiều thông qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Mã Giám Sinh mua Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích - Theki.vn
  5. Phân tích nghệ thuật khắc họa nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều qua các đoạn trích Ngữ văn 9 - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.