Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

but-phap-lang-man-trong-chu-nguoi-tu-tu-cua-nguyen-tuan

Bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

  • Mở bài:

Nguyễn Tuân là một trong những cây bút lớn nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ông có phong cách nghệ thuật độc đáo và mới lạ, có cái tinh thần ham mê sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái duy mỹ xung quanh cuộc sống. Chữ người tử tù là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách lãng mạng của nhà văn giai đoạn trước cách mạng tháng Tám.

  • Thân bài:

1. Bút pháp lãng mạn thẻ hiện trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật.

* Huấn Cao thuộc kiểu nhân vật tướng cướp – nhân vật nổi loạn.

– Soi vào văn học lãng mạn Việt Nam chúng ta thấy, Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân cũng mang dáng dấp của nhân vật nổi loạn. Huấn Cao thuộc loại nhân vật chân dung – tư tưởng. Đây là một chân dung sắc sảo được xây dựng theo lối lý tưởng hóa của một ngòi bút lãng mạn. Vì vậy, Huấn Cao nổi lên với vẻ đẹp phi thường, khác lạ. Cả tài hoa, thiên lương, lẫn khí phách của ông đều rất phi thường. Huấn Cao là một hào kiệt kiên cường, bất khuất, dám đứng lên chống lại triều đình phong kiến. Việc lớn không thành, ông bị bắt và sắp bị hành hình. Nhưng ông vẫn ung dung, bình thản, thể hiện khí phách hiên ngang, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Huấn Cao đã không hề run sợ, mà dồn hết tài hoa, thiên lương để cảm hóa, đưa quản ngục trở về với cuộc sống lương thiện.

– Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp: trên đời này không chỉ có quyền lực của nhà tù, mà còn có quyền uy của cái đẹp, đó chính là cái đẹp “nổi loạn”. Huấn Cao có nguyên mẫu từ Cao Bá Quát, một danh sĩ ở thế kỉ XIX, nổi tiếng hay chữ và viết chữ đẹp. Ông được tôn là “thánh Quát”, và là niềm tự hào của thời đại trong vế đối: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”. Cao Bá Quát cũng là người nổi tiếng phóng túng, ngông ngạo, khao khát đổi thay xã hội trong hoàn cảnh triều đình nhà Nguyễn bảo thủ, trì trệ. Cuối cùng ông đã đi làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương chống lại triều đình. Đó là một con người tài hoa, khí phách ngang tàng và nhân cách cao đẹp. Nguyễn Tuân đã thể hiện khuynh hướng của trào lưu lãng mạn, phủ định thực tại xã hội đương thời bằng cách quay về ngợi ca vẻ đẹp của một thời đã qua nay chỉ còn vang bóng. Đồng thời, tác giả cũng bộc lộ lòng yêu nước thầm kín khi ca ngợi lãnh tụ khởi nghĩa Huấn Cao, gửi gắm sự ngưỡng mộ của mình với những anh hùng, hào kiệt dám đứng lên chống Pháp bằng gươm súng.

* Huấn Cao là nhân vật được nhà văn khắc họa mang ba vẻ đẹp tài năng, khí phách, thiên lương.

– Huấn cao là một nho sĩ tài hoa:

+ Trong cái tài văn của Huấn Cao, tác giả tô đậm tài viết chữ đẹp. Trong tác phẩm, sự tài hoa trong nghệ thuật thư pháp của Huấn Cao được nhắc đến vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Thứ nhất, qua lời đồn mang tính chất tụng ca, mang tính chất huyền thoại của nhân dân vùng tỉnh Sơn vẫn khen tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp. Cái tài viết chữ ấy được truyền tụng đến nỗi dầu chưa gặp người, chưa thấy chữ nhưng viên quản ngục và thầy thơ lại ở cái huyện nhỏ hẻo lánh đã đem lòng ngưỡng mộ. Quản ngục đã bất chấp nguy hiểm vì không những quyết tâm, kiên trì và công phu, việc đối xử với một tử tù như thế đòi hỏi sự cam tâm lớn, quên đi cái tôi kiêu hãnh của bản thân. Quản ngục đã vượt qua tất cả. Bằng cách miêu tả đối thoại giữa quản ngục với thầy thơ lại, lối thể hiện nội tâm của quản ngục…Nguyễn Tuân đã tạo ra một Huấn Cao tài hoa hiếm có. Thứ hai, sự tài hoa của Huấn Cao còn được thể hiện rất rõ và trực tiếp qua cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có. Một cảnh tượng được Nguyễn Tuân trân trọng dụng công miêu tả tỉ mỉ để xứng tầm với sự tài hoa của Huấn Cao và cái tâm của quản ngục.

+ Cái tài của Huấn Cao là cái tài mang tính văn hóa, nghệ sĩ, chỉ những người trí thức có chí lớn mới tu dưỡng rèn luyện mà gìn giữ được. Những con chữ ấy đâu chỉ là vật vô tri. Nó “nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người”. Cũng chính cái tài đó của Huấn Cao đã có sức cảm hóa, giúp cho viên quản ngục thay đổi cả hành động, tâm hồn và quan niệm sống; làm bừng sáng cái quan hệ vốn đối nghịch thành hòa hợp tri kỉ, tri âm giữa Huấn Cao và thầy trò quản ngục.

– Huấn Cao là một trang anh hùng có dũng khí, hiên ngang, bất khuất:

+  Đối với những con người có chí khí, nét chữ không đơn thuần là những kí hiệu ngôn ngữ mà còn là sự thể hiện toàn bộ nhân cách con người. Chính Huấn Cao đã nói “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Ở đây phong cách nét bút – con người – được thể hiện một cách trọn vẹn.

+ Những nét chữ như được đúc bằng khối vuông vắn được viết ra từ bàn tay, tâm hồn con người có khí phách cứng cỏi, lẫm liệt, hào hùng. Lẽ ra, với tài văn chương ấy, nếu chịu quy thuận triều đình, Huấn Cao có thể trở thành vị quan quyền cao chức trọng, bổng lộc đủ đầy; với nhân cách cao đẹp có thể là bậc thầy của bao kẻ khác trong thiên hạ. Cái tài, cái tâm của Huấn Cao rực rỡ, chiếu sáng lên toàn bộ cuộc đời ông, chi phối hành động lớn nhỏ của ông. Không chịu quỵ lụy vào luồn ra cúi, không chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, ông nổi dậy chống lại triều đình bất công. Sự nghiệp anh hùng không thành, ông bị bắt, bị khép vào tội đại nghịch và phải lãnh án chém. “Hùm thiêng thất thế sa cơ cũng hèn”, người đời thường nói thế, song Huấn Cao, tuy sa cơ, thất thế, ông vẫn sống những ngày ung dung, đàng hoàng.

+ Huấn Cao là người có “tài bẻ khóa, vượt ngục”. Như vậy, cái dũng khí phá bỏ gông xiềng của ông Huấn cũng vang dội, loan truyền trong vùng như một huyền thoại khiến những con người nắm giữ gông xiềng phải nể sợ.

+ Huấn Cao xem thường cường quyền. Hành động rỗ chiếc gông nặng đánh thuỳnh một cái của Huấn Cao và các bạn thể hiện khí phách bất khuất của kẻ sĩ vượt lên trên cái tầm thường, vươn tới cái lí tưởng đầy sắc thái tự do, ngang dọc. Sau đó ông đi vào tù một cách thản nhiên, lạnh lùng. Đó là phong thái của đấng trượng phu dám làm dám chịu, không hề sợ hãi. Trong những ngày bị giam, ông không thèm đếm xỉa đến bọn lính, xem những kẻ đại diện quyền lực thống trị là “tiểu nhân thị oai”.

+ Huấn Cao là người không thẻ bị mua chuộc. Nhận được rượu thịt của quản ngục, ông bình thản ăn “coi như đó là việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Lúc viên quản ngục tỏ ý nương nhẹ ông cũng chẳng một chút nao lòng. Ông tỏ ra khinh bạc, nói những lời ngạo nghễ “ta chỉ muốn một điều, ngươi đừng đặt chân đến đây” đầy dụng ý. Ở câu nói khinh bạc đến điều ấy thể hiện cái tâm trong sáng của Huấn Cao. Hành động ấy, câu nói ấy là một phép thử. Nếu quản ngục là một người hướng thiện, quyết định cho chữ của ông sau này là một sự gửi trao. Đồng thời bảo vệ viên quản ngục trước cái nhìn ranh mãnh của bọn lính gác tránh được những nguy hiểm về mặt tính mạng. Nếu câu nói xúc phạm ấy khiến quản ngục phải dùng đến bạo lực trị ông thì đó là bản chất của bọn thống trị không có gì đáng để quan tâm.

+ Có thể nói, Huấn Cao dù thất thế nhưng vẫn hiên ngang, thân xác bị xiềng xích nhưng tinh thần hoàn toàn tự do. Đó là phong thái của người anh hùng xem cái chết nhẹ như lông hồng, chẳng vì biệt đãi mà bị lung lạc hay vì quyền thế mà run sợ. Đúng là nhân cách lí tưởng mà người đời hàng ngàn năm vẫn ước.

– Huấn Cao là một người có “thiên lương trong sáng”:

+ Phía sau một con người cứng cỏi, tự kiêu, ngạo mạn, Huấn Cao không phải sống với cái cao ngạo của kẻ có tài mà sống với thiên lương trong sáng. Đó chính là nhân vật có cái tâm bên cạnh cái tài, có tâm hồn đầy xúc động đằng sau vẻ khinh bạc lạnh lùng. Huấn Cao chỉ ngạo mạn trước bạo lực, chỉ khinh thị những kẻ có nhân cách tầm thường. Con người tưởng như đúc bằng thép ấy lại tinh tế trong đối xử với con người. Đối với viên quản ngục, lúc đầu ông tỏ ra khinh bạc. Nhưng sau hiểu ra ngọn ngành, ông đã quyết định cho chữ. Ông cho chữ viên quản ngục không phải để trả ơn người đã biệt đãi mình, đã dâng rượu thịt cho mình trong những ngày cuối cuộc đời. Bởi ông có tài viết chữ đẹp, nhưng chỉ tặng những bạn bè, tri âm tri kỉ, chứ “không vì vàng bạc hay quyền thế mà ép mình cho chữ bao giờ”. Ông cho chữ viên quản ngục vì cảm động và trân trọng một nhân cách cao quý. “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ ông ít cho chữ”. Cho chữ, ông đã liệt quản ngục vào hàng tri kỉ của mình. Bởi vì ông đã nhận ra ở viên quản ngục như một đóa sen trong bùn, ông nói thành thật: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết một người như thầy quản đây mà lại có cái sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Ông đã đem tấm lòng tri âm để đáp lại một bậc tri kỉ. Phát hiện thấy một nhân cách cao quý giữa chốn tối tăm, ông không nỡ để cho nhân cách ấy hoen ố đi. Ông chân thành, ân cần dặn dò viên quản ngục những lời tâm huyết sau khi cho chữ “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chỗ ở đi…Ở đây…khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhốc cả một đời lương thiện đi”.

+ Vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao thực sự tỏa sáng một cách toàn diện, hài hòa trong cảnh ông viết chữ. Đây là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”, nó diễn ra dưới ngòi bút lãng mạn như một câu chuyện huyền thoại, đầy kịch tính.

+ Huấn Cao là hình tượng mang vẻ đẹp lãng mạn, kết tinh của những phẩm chất phi thường, cao đẹp, vẻ đẹp hài hòa của nhân – trí – dũng. Khác với các nhân vật trong “Vang bóng một thời” HC có trách nhiệm với thời cuộc. Qua đó tác giả bộc lộ quan niệm về cái đẹp: cái tài phải đi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau.

2. Bút pháp lãng mạn trong nghệ thuật tương phản trong xây dựng hình tượng nhân vật.

a. Tương phản trong một nhân vật.

– Chúng ta không thể không kể đến nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đó là sự kết hợp giữa một nghệ sĩ tài hoa và một anh hùng “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Nhân vật Viên Quản Ngục làm nghề và môi trường sống với những cái tàn bạo và xấu xa nhưng ông lại là người” biết biệt nhỡn liên tài” có sở thích thanh tao.

b. Tương phản giữa hai nhân vật.

– Trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, bút pháp tương phản đã góp phần tạo nên tình huống truyện độc đáo, đầy oái oăm và bi kịch: cuộc kì ngộ của hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục. Trên bình diện chính trị xã hội, họ là những kẻ đối địch, có địa vị hoàn toàn đối lập với nhau. Một người là tên “đại nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn chống lại triều đình, nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp truờng để chịu tội. Còn người kia lại đại diện cho bộ máy cai trị trong xã hội đương thời, có nhiệm vụ quản thúc, hành hạ tử tù của triều đình. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, cả hai nhân vật này đều là những con người có tâm hồn nghệ sĩ, họ là tri âm, tri kỉ với nhau. Một người có tài viết chữ đẹp – một nhà thư pháp nổi tiếng, người kia suốt đời ngưỡng mộ cái tài ấy, bất chấp cả sự an nguy về tính mạng của mình và gia đình mình, miễn là có chữ của Huấn Cao để thỏa lòng mong ước.

– Ở một khía cạnh khác, tình huống này còn là sự đối mặt giữa hai kiểu nhà tù, hai kiểu tù nhân. Huấn Cao – một người hoàn toàn tự do về nhân cách nhưng đã mất mọi quyền, kể cả quyền sống. Quản ngục hoàn toàn tự do về thân thể, nhưng lại bị cầm tù về nhân cách. Hoàn toàn có thể coi đây là cuộc gặp gỡ giữa một tử tù Huấn Cao và người bị cầm tù chung thân ngay trong môi trường sống của mình. Chọn tình huống này, nhà văn đã đặt quản ngục vào một sự lựa chọn có tính xung đột: hoặc làm tròn bổn phận của một ông quan thì phải chà đạp lên tấc lòng tri kỉ, hoặc muốn trọn đạo tri kỉ thì phải phản lại bổn phận của một viên quan, bất chấp phép tắc nhà tù, và những quy định của luật pháp triều đình. Quản ngục hành động theo hướng nào, tư tưởng của truyện sẽ nghiêng theo hướng ấy. Theo cách thứ nhất, chiến thắng sẽ thuộc về sự tầm thường, đê tiện, độc ác. Theo cách hai, thì cái đẹp sẽ chiến thắng. Liệu quản ngục có dám thủy chung với tấc lòng tri kỉ, có dám coi thường bổng lộc và sự an toàn tính mạng của cá nhân và gia đình mình hay không? Quản ngục có thể thoát khỏi cái nhà tù vô hình vẫn cầm tù nhân cách của mình hay không? Có dám sống đúng là mình hay không? Tình huống truyện có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc tiếp tục theo dõi câu chuyện.

– Như vậy, nghệ thuật tương phản có vai trò quan trọng trong việc tạo tình huống và khắc họa chân dung nhân vật.

c. Tương phản giữa nhân vật và hoàn cảnh.

– Đọc “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đôi khi chúng ta chỉ chú ý tới nhân vật trung tâm – Huấn Cao mà lãng quên nhân vật quản ngục. Bởi vậy, nhiều người đã không nhận ra rằng quản ngục cũng là hình tượng mà nhà văn đã dồn rất nhiều tâm huyết để khắc họa. Quản ngục là nhân vật nghiêng về chân dung và được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ở nhân vật này, có sự tương phản giữa cái tâm trong sáng với môi trường sống bẩn thỉu, và cái nghề thất đức. Quản ngục phải sống trong một môi trường đầy oái oăm, trớ trêu – nơi mà “người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”. Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điển tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Tuy nhiên, vượt lên trên hoàn cảnh, quản ngục vẫn là một người có tâm điển tốt, tiềm ẩn những phẩm chất đáng quý, “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Ông đã dám sống đẹp, dám làm chính mình và luôn hiện lên là một người tri kỉ với Huấn Cao. Là một người có sở thích cao quý. Mong mỏi suốt đời của quản ngục là “một ngày kia được treo ở nhà riêng của mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”.

– Vẻ đẹp của quản ngục hiện lên ở thái độ sùng kính Huấn Cao, qua hành vi chắp tay vái người tù một cái, nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Có cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người trở nên đê tiện. Nhưng cũng có cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên cao cả hơn, sang trọng hơn. Đó là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Viên quản ngục vái lạy Huấn Cao gợi chúng ta liên tưởng tới cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.

– Như vậy, những dẫn chứng sinh động đã phân tích ở trên cho chúng ta thấy, nghệ thuật tương phản có ý nghĩa to lớn trong việc khắc họa sinh động hình tượng nhân vật của các nhà văn lãng mạn.

d. Tương phản trong nghệ thuật dựng cảnh.

– Nguyễn Tuân không chỉ nổi tiếng với sự tài hoa trong việc dựng chân dung, mà ông còn có biệt tài dựng cảnh. Cảnh cho chữ được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ở đó nghệ thuật tương phản được phát huy tận độ: sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng: giữa bóng đêm ken kịt, dày đặc của trại giam tỉnh Sơn với ánh sáng rừng rực của bó đuốc tẩm dầu, ánh sáng lấp lánh của tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, và ánh sáng trắng tinh khiết của tâm hồn con người. Đó còn là sự tương phản giữa cái thiện, cái cao cả và cái thấp hèn; giữa cái đẹp và cái xấu xa, tầm thường. “Đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

– Cho chữ thường diễn ra ở nơi thư phòng, thư sảnh sạch sẽ, trang nghiêm, trong hương trầm nghi ngút và giữa những tao nhân mặc khách. Nhưng ở đây, cảnh cho chữ lại diễn ra trong lao tù ẩm ướt, chật hẹp, bẩn thỉu. Nơi bóng tối, cái xấu và cái ác ngự trị – những thứ thù địch với cái đẹp, lại trở thành nơi cái đẹp sinh thành và tỏa sáng. Trong cảnh tượng này đã diễn ra một sự đảo lộn tư thế của các nhân vật: Người nghệ sĩ tài hoa, say mê tô từng nét chữ không phải là người được tự do, mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng, và chỉ sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào trong kinh chịu án tử hình. Huấn Cao hiện lên như một nghệ sĩ đang say mê sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo những con chữ nói lên hoài bão tung hoành của cả một đời người. Giây phút cuối cùng của cuộc đời tử tù không than thân trách phận. Trong khoảnh khắc thiêng liêng nhất, Huấn Cao vẫn dành trọn cho cái đẹp. Hình ảnh uy nghi của Huấn Cao đối lập với hình ảnh thầy thơ lại so ro, “run run bưng chậu mực”, và viên quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”. Thái độ “khúm núm” không phải là sự run sợ, mà là sự cẩn trọng đến mức tôn kính trước cái đẹp phi phàm giữa chốn ngục tù bẩn thỉu.

– Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn: Quản ngục, kẻ có quyền hành thì không có quyền uy. Uy quyền đã thuộc về người tù – kẻ đã bị tước đoạt hết mọi quyền hành, kể cả quyền sống. Kẻ đại diện cho chính quyền thì “khúm núm”, sợ sệt, vái lạy tù nhân; tù nhân thì ung dung, đường bệ. Kẻ có nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục tội phạm, giờ đây lại đang được chính tội phạm răn dạy, cảm hóa. Ngục quan cung kính, lĩnh nhận từng lời của tử tù như những lời di huấn thiêng liêng về nhân cách. Người được an ủi, động viên ở đây không phải là người sắp bị chết chém, mà là người đại diện cho quyền lực tự do. Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ, mà là người tù làm chủ. Như vậy nghệ thuật tương phản đã có ý nghĩa to lớn, thể hiện được tư tưởng, chủ đề của của tác phẩm: Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác. Đó là cái đẹp của nhân cách, của tài hoa, của khí phách và thiên lương con người.

e. Tương phản giữa các chi tiết.

– Nếu như chủ nghĩa hiện thực đề cao tính chân thực của các chi tiết, thì trong những tác phẩm lãng mạn, nhà văn cũng dồn nén tư tưởng trong những chi tiết đặc sắc được kiến tạo bởi bút pháp tương phản. Không chỉ trong tiểu thuyết, mà với truyện ngắn lãng mạn, các nhà văn luôn rất dụng công khi xây dựng những chi tiết “cô đúc”, “mang nhiều ẩn ý”.

* Nhận xét: Cách xây dựng nhân vật của tác giả thật độc đáo. Huấn Cao là nhân vật trung tâm nhưng số trang tác giả trực tiếp miêu tả nhân vật này không nhiều (so với các nhân vật Chí Phèo, Tràng, Mị). Tác giả không chú ý xây dựng nhân vật theo kiểu miêu tả chi tiết ngoại hình hay xuất thân. Chỉ một vài nét đủ gợi lên chân dung một con người. Nhà văn chủ yếu tập trung khắc họa những phẩm chất của một con người lí tưởng. Mở đầu tác phẩm Huấn Cao tuy không được miêu tả trực tiếp nhưng vẫn cứ hiện ra đầy ấn tượng qua đối thoại giữa quản ngục và thầy thơ lại, qua sự trằn trọc trong đêm của viên quan coi ngục. Đó là bút pháp “vẽ mây nẩy trăng”. Đến lúc xuất hiện, Huấn Cao in đậm nét phong cách của một đấng tài hoa, một hào kiệt, một tráng sĩ. Chân dung Huấn Cao được khắc họa theo lối lí tưởng hóa của ngòi bút lãng mạn ngợi ca, trở thành hình tượng đẹp đẽ trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân và trong lòng đọc giả.

  • Kết bài:

Huấn Cao là hình tượng mang vẻ đẹp lãng mạn, kết tinh của những phẩm chất phi thường, cao đẹp, vẻ đẹp hài hòa của nhân – trí – dũng. Khác với các nhân vật trong “Vang bóng một thời” Huấn Cao có trách nhiệm với thời cuộc. Qua đó tác giả bộc lộ quan niệm về cái đẹp: cái tài phải đi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau.

Phân tích Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.