Những cách cảm nhận mới mẻ, những phát hiện độc đáo về không gian địa lí của Đất Nước trong mối quan hệ với Nhân Dân.

Tư tưởng "Đất nước của Nhân dân

Những cách cảm nhận mới mẻ, những phát hiện độc đáo về không gian địa lí của Đất Nước trong mối quan hệ với Nhân Dân.

Trường ca Mặt đường khát vọng là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khoa Điềm và cũng là tác phẩm nổi bậc của nền thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đoạn trích Đất nước thuộc chương V của bản trường ca, Nguyễn Khoa Điềm đã có những cách cảm nhận mới mẻ, những phát hiện độc đáo về không gian địa lí của Đất Nước trong mối quan hệ với Nhân Dân.

1. Những chất liệu văn hóa dân gian:

Đoạn thơ quan sát không gian địa lí của Đất Nước qua các di tích văn hóa, lịch sử như Đền Hùng, núi Vọng Phu… các địa danh như làng Gióng, sông Cửu Long…, những thắng cảnh như hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên… hoặc đơn giản chỉ là những ruộng đồng gò bãi, núi sông…trên khắp mọi miền Tổ quốc…

Điều đáng nói là tất cả những không gian địa lí đều hiện ra qua một câu chuyện ngày xửa ngày xưa nào đó của văn hóa dân gian như sự tích núi Vọng Phu, truyền thuyết Thánh Gióng – những câu chuyện gắn liền với những huyền thoại, huyền tích hoặc sự thật về Nhân Dân trong lịch sử mấy ngàn năm qua. Chính Nhân Dân đã biến những cảnh quan bình dị của Đất Nước thành những danh thắng, những di tích văn hóa, lịch sử vừa thiêng liêng, vừa thân yêu, gần gũi trong tâm thức người Việt bởi sự gắn liền với cuộc sống của Nhân Dân, được cảm nhận qua tâm hồn Nhân Dân, được soi chiếu qua lịch sử dân tộc. Cuộc sống của Nhân Dân trong dòng chảy của lịch sử dân tộc hòa với hình hài sông núi đã trở thành chất liệu phong phú, xúc động cho những thần thoại, cổ tích, truyền thuyết trong văn hóa dân gian.

Chọn từ những chất liệu nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa dân gian. Nguyễn Khoa Điềm giúp người đọc cảm nhận xúc động và thấm thía những nỗi đau trong cuộc đời, thân phận, những vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách người Việt: sự tích hòn Vọng Phu không chỉ gợi ra nỗi xót xa cho cảnh li tán, sự đợi chờ mòn mỏi trong chiến tranh mà còn ca ngợi tình nghĩa thủy chung của những người vợ nhớ chồng; cách gọi tên hòn Trống Mái của dân gian qua cái nhìn của nhà thơ hiện đại đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp phồn thực của cuộc đời, cho sự son sắt vĩnh hằng của tình yêu đôi lứa; những quả đồi thấp bao quanh núi Hi Cương, nơi có đền thờ các vua Hùng qua cách nhìn của nhân dân đã trở thành chứng tích của đàn voi chín mươi chín con quây quần thần phục, trở thành biểu tượng của lòng dân đồng thuận hướng về một quốc gia thống nhất; tên gọi núi Bút non Nghiên gợi hình ảnh của một đất nước với nghìn năm văn hiến, với truyền thống hiếu học lâu đời, hình ảnh của một Đất Nước “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa…” ( Huy Cận).

Những câu chuyện về sự tích núi Vọng Phu, truyền thuyết về Thánh Gióng, về miền đất Tổ Hùng Vương; những cách nhìn hình sông dáng núi để đặt tên như hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên… đương nhiên chỉ là những hư cấu nghệ thuật, là những liên tưởng hoặc sâu xa, hoặc hồn nhiên, thú vị của cha ông để lý giải hình sông dáng núi, đồng thời phản ánh chân thực và cảm động những cảnh ngộ, những thân phận, những tâm nguyện, mơ ước, và nhất là những vẻ đẹp trong tâm hồn, cốt cách người Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua. Trí tuệ dân gian đã dùng hình thức hư cấu huyền ảo của nghệ thuật để lý giải những hình hài sông núi hiện hữu trong không gian Đất Nước, đồng thời phản ánh những nỗi đau, những vẻ đẹp có thật trong cuộc sống Nhân Dân.

2. Đoạn thơ bắt đầu từ những huyền thoại của văn hóa nhân gian nhưng lại bay bổng trên thế giới ấy nhờ cái nhìn mới mẻ, độc đáo của phương thức tư duy hiện đại.

 Đoạn thơ liên tiếp lập lại những cụm động từ góp cho Đất Nước… góp nên… góp mình dựng đất… góp dòng sông… góp cho Hạ Long… góp tên… Và chủ thể của những sự đóng góp ấy là những người vợ nhớ chồng, là cặp vợ chồng yêu nhau, là người học trò nghèo, là những người dân nào… tất cả đều vô danh, đó chính là Nhân Dân, qua năm tháng, lặng lẽ, bền bỉ, kiên cường, đã tạo dựng lên Đất Nước, đã đặt tên, in dấu sâu đậm trên dáng hình của quê hương xứ sở.

Vậy là nếu tác giả dân gian xưa dùng thần thoại truyền thuyết để lí giải hình hài sông núi, qua đó mà gửi gắm những ước mơ, xót thương những thân phận, ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của Nhân Dân thì Nguyễn Khoa Điềm tuy vẫn đặt hình hài Đất Nước trong thế giới huyền ảo của văn hóa dân gian nhưng nhà thơ hiện đại không dừng lại lí giải núi sông mà còn đem đến một cách nhìn mới cho núi sông. Những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái hay núi Bút non Nghiên không còn là những cảnh sắc thiên nhiên thuần túy, cũng không chỉ được nhìn thông qua những cảnh ngộ, nỗi niềm hoặc phẩm chất của Nhân Dân  mà còn được nhìn nhận như một phần tâm hồn, máu thịt của Nhân Dân, là minh chứng thiêng liêng, xúc động cho sự đóng góp của Nhân Dân  để làm ra Đất Nước.

Với cách cảm nhận ấy, mỗi ngọn núi, dòng sông, ruộng đồng, gò bãi, mỗi danh lam thắng cảnh trên khắp mọi miền Đất Nước đều không còn vô tri đều như có linh hồn, như mang tâm trạng, đều gợi một dáng hình, một ao ước, một lối sống cha ông; đều trở thành kí ức đẹp đẽ, vĩnh hằng về tâm hồn, tính cách và số phận của Nhân Dân .

Cách nhìn vừa mới mẻ vừa mang đậm sắc thái dân gian đã giúp nhà thơ khẳng định và ca ngợi công lao của Nhân Dân đối với Đất Nước. Sự đóng góp vô tận, lớn lao của Nhân Dân  đã được thể hiện qua những dòng thơ sâu sắc và tràn đầy xúc cảm:

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

  Nếu bốn nghìn năm là dòng thời gian đằng đẵng của lịch sử dựng nước và giữ nước thì cụm từ đi đâu ta cũng thấy lại gợi hình ảnh về những không gian mênh mông của Đất Nước; lặng lẽ bền bỉ cùng dòng thời gian ấy, trung hậu, kiên cường trong không gian ấy là vời vợi những cuộc đời của  Nhân Dân. Động từ hóa không chỉ gợi ra những đóng góp lớn lao bởi mồ hôi, xương máu của Nhân Dân trong quá trình dựng nước và giữ nước mà còn khẳng định, ngợi ca sức mạnh kì diệu, sự hóa thân kì diệu của những con người vô danh, thầm lặng một nắng hai sương trong thời bình, kiên cường trồng tre mà đánh giặc trong thời chiến, nhân hậu nghĩa tình trong ứng xử của cuộc sống hằng ngày… để làm nên núi sông ta.

Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân đã được thể hiện trước hết ở bình diện không gian, khi chính Nhân Dân, lớn lao và thầm lặng, bằng tình yêu và nỗi đau, bằng sự dũng cảm hay cần cù nhẫn nại, bằng cách sống và cách nghĩ nhân hậu, thủy chung, bằng những ước mơ đẹp đẽ, những khát khao bình dị đã in dấu cuộc đời lên hình sông dáng núi, đã làm nên Đất Nước muôn đời.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.