Cái đẹp trong sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân

cai-dep-trong-sang-tac-nghe-thuat-cua-nguyen-tuan

Cái đẹp trong sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

“Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật” (Nguyễn Đình Thi, Điếu văn truy điệu Nguyễn Tuân). Lời khẳng định của Nguyễn Đình Thi có thể được minh chứng bằng chính hành trình sáng tạo của Nguyễn Tuân.

Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân “muốn mỗi ngày có được cái say sưa  như là men rượu tối tân hôn”, và ông mải miết đi tìm cái đẹp để thỏa mãn nhu cầu ấy. Nhưng ở xã hội Việt Nam thời bấy giờ cái đẹp chân chính thật không dễ tìm chút nào, nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi thì “Trong cuộc đời ông sống, cái đẹp và cái thật không bao giờ khớp được với nhau”. Bất mãn với xã hội, không tìm thấy cái đẹp trong hiện tại, Nguyễn Tuân phải đi tìm cái đẹp trong quá khứ một thời vang bóng.

Tập truyện “Vang bóng một thời” là sự khởi đầu cho hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn. Qua tập truyện này Nguyễn Tuân đã làm sống lại những phong tục tập quán của dân tộc, những thú chơi tao nhã – những “thanh âm trong trẻo” trong một xã hội hỗn loạn xô bồ mà Nguyễn Tuân gọi là xã hội “ối a ba phèng”. Chẳng hạn, ở truyện Những chiếc ấm đất, ông cụ Sáu mê uống trà tầu, mà nước pha trà phải là thứ nước lấy ở cái giếng tận trên chùa Đồi Mai. “Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quí nhãn tiền không bằng một ấm trà tầu”. Kể cả khi thất cơ lỡ vận, ông cụ Sáu vẫn “quen thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ”.

Truyện “Chén trà trong sương sớm” lại còn miêu tả tỉ mỉ hơn cái thú uống trà của lớp người xưa cũ ấy. Đối với gia đình cụ Ấm, việc uống trà còn gắn liền với việc bình văn, ngâm thơ buổi sớm. Cụ có thói quen uống trà từ lúc “trời còn tối đất”. Cách uống trà của cụ Ấm trở thành một thứ lễ nghi. Chưa bao giờ ông cụ dám cẩu thả trong cái “thú chơi thanh đạm” này mà đã để vào đấy bao nhiêu công phu, bởi vì theo cụ “trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một triết lí”.

Truyện “Hương cuội” khiến người đọc thích thú, thán phục bởi một kiểu tiêu khiển khác, vừa quen thuộc vừa độc đáo của cụ Kép: “Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc mặc áo lông trắng lom khom tỉa những lá úa vàng trong đám lá xanh”. Cụ “nguyện đem cả quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý”. Lòng yêu hoa của cụ Kép thật đặc biệt, “mỗi lần có người động mạnh vào giò lan đen, cụ Kép lại suýt xoa như có người châm kim vào da thịt mình”.

Nguyễn Tuân còn đặc biệt thích thú trước tục thả thơ, đánh thơ. Trong “Vang bóng một thời”, hai truyện ngắn Thả thơ và Đánh thơ đã tạo cho người đọc những “khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt” bởi vì nhà văn “đã dạy cho ta nghệ thuật sống để tận hưởng ý vị tinh túy, sâu sắc của cuộc sống”.

Vậy là, ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, để thỏa mãn nhu cầu săn tìm cái đẹp và phản kháng lại xã hội, Nguyễn Tuân đã tìm về với những phong tục văn hóa, những nét đẹp truyền thống của cha ông. Ông viết về thú uống trà, về việc thả thơ, đánh thơ, chơi chữ,… với một giọng điệu say sưa và thái độ trân trọng, ngợi ca. Nguyễn Tuân say vẻ đẹp văn hóa cổ truyền như say
men rượu tối tân hôn. Điều đó cho thấy sự tài hoa, uyên bác và tấm lòng yêu nước thiết tha, sâu sắc và kín đáo của nhà văn.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân bắt tay làm lành với xã hội. Lúc này ông không còn phải tìm về quá khứ với thái độ hoài cổ, tiếc nuối nữa, mà tìm cái đẹp ngay trong cuộc sống hiện tại. Ông nhận thấy “phong cảnh tự nhiên của ta thật là lớn đẹp, con người mình cũng phải lớn đẹp theo lên với nó. Núi sông lúc nào cũng nhắc nhở ta,… mỗi ngày trưởng thành lại đem thêm cái đẹp hình học, cái đẹp kỹ thuật, cái đẹp nhân tạo và hiện đại vào giữa cái đẹp thiên tạo đủ cả núi dựng thành, sông uốn khúc”. Nếu trước đây Nguyễn Tuân xê dịch, phiêu lưu tìm cái đẹp trong tâm trạng của một người “thiếu quê hương”, thèm khát được làm chủ giang sơn đất nước, thì sau Cách mạng ông cũng xê dịch, nhưng là xê dịch đến các chiến dịch, đến các công trường, bến cảng, đến những vùng miền xa xôi của thời kỳ đổi mới. Nếu trước đây văn Nguyễn Tuân có giọng điệu giễu nhại, thì nay chỉ thấy đặc một giọng điệu ngợi ca. Nào là “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi”, nào là ông lái đò với tay lái ra hoa như một nghệ sĩ trên mặt trận lao động, nào là con sông Đà cuộn mình như mái tóc dài của người thiếu nữ đa tình,…

Cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân gắn liền với chất tài hoa tài tử. Dưới ngòi bút của ông, cảnh vật và con người bao giờ cũng hiện lên ở với đầy đủ những vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ. Đặc điểm ấy trở thành một nét lớn, thể hiện thống nhất và xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Điều đáng nói là ở cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân thường chú ý đến chất tài hoa tài tử khi miêu tả con người và cảnh vật. Với Nguyễn Tuân, cái đẹp thường đi đôi, gắn bó với cái tài, với chất nghệ sĩ, điều này cũng thống nhất với nét tài hoa, nghệ sĩ trong con người ông.

Trong “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân tỏ lòng mến mộ, yêu quý những con người tài hoa mà thất thế hay những lãng tử giang hồ. Ví dụ ở truyện Đánh thơ, Nguyễn Tuân gọi đôi vợ chồng lãng tử bằng một cái tên trìu mến “Một lứa đôi tài tử”. Mỗi tuần trăng, cặp tài tử này ở một tỉnh và chưa bao giờ “nghĩ đến việc làm một cái tổ ở một chỗ nhất định nào”. Ngay đến cả cái chết chất lãng tử cũng được Nguyễn Tuân miêu tả hết sức đậm nét: “Đi qua Hoành Sơn quan thấy cảnh đẹp, lòng sinh tình, hai ông mụ đã yêu nhau giữa một vùng trời nước bao la… Trúng cơn gió độc, ông Phó Sứ đã hóa ra ma chết sát ngay bên đường thiên lý”.

Trong truyện “Ngôi mả cũ”, nhân vật Hồ Viễn vốn là ông tướng oai phong lẫm liệt một thời, nay vì thất thế mà trở thành một ông thầy địa lý nhưng vẫn giữ được nét tài hoa. Con người này luôn mang một phong thái ung dung, nhàn nhã đầy chất nghệ sĩ: “Những lúc việc quân thong thả, cụ mặc áo dài “sường sám”, đội mũ “sường chí” có những quả bông đỏ, cầm quạt,… trông nhàn nhã và văn vẻ lắm”. Đáng chú ý hơn là cụ Hồ Viễn có tài viết chữ rất đẹp: “Chữ thầy viết có gân cứng cỏi như lá thiếp,… nét sổ rất khỏe và rất thẳng”. Trong Một cảnh thu muộn, ông Cử Hai là “người có hoa tay” lại “thêm được chút tâm hồn lãng tử” nên “sống cuộc đời cũng như người ta chơi bời mà thôi”. Ông không chú tâm việc gì mà chỉ thích đi hội Đạp Thanh để làm thơ tức cảnh, lên núi hái lá thuốc, ngắm trăng trên đỉnh Sài Sơn.

Đặc biệt, nói đến chất tài hoa tải tử, không thể không nhắc đến nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Con người tài hoa ấy có tài “viết chữ rất nhanh và đẹp” nổi tiếng cả vùng tỉnh Sơn. Bao nhiêu người trong đó có viên quản ngục đã từng ao ước “có được chữ của ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Con người ấy quả đúng là “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Hãy nghe lời ông nói với viên quản ngục ta sẽ thấy rõ điều này: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”.

Sang giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, chất tài hoa tài tử vẫn là một đặc điểm lớn trong sáng tác của Nguyễn Tuân. Trong tùy bút “Sông Đà”, Nguyễn Tuân miêu tả ông lái đò với tay lái ra hoa, vượt qua mọi cửa tử cửa sinh của dòng sông Đà hung bạo để trở thành người nghệ sĩ trên mặt trận lao động. Dòng sông Đà dưới ngòi bút Nguyễn Tuân cũng thật lạ, đó là một nhân vật với hai nét tính cách hung bạo và trữ tình. Đặc biệt, ông miêu tả: “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân”.

Nhìn lại cuộc đời Nguyễn Tuân chúng ta có thể khẳng định: chất tài hoa tài tử trong các nhân vật của Nguyễn Tuân chính là chất người của ông tỏa vào trong nhân vật, trở thành một điểm phong cách nghệ thuật thể hiện xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân. Cảm ơn đời đã sinh ra Nguyễn Tuân – một phong cách sống và một phong cách văn độc đáo, góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người đọc, góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà. Nguyễn Tuân là môn đồ của thuyết Nghệ thuật vị nghệ thuật, cái đẹp trong tác phẩm của ông vì thế mang đậm tính duy mĩ. Ông đặt nghệ thuật lên trên mọi thứ thiện ác ở đời, đề cao cái đẹp một cách thuần túy, không vụ lợi. Cái đẹp, văn chương cũng như nghệ thuật, theo ông, không có nội dung xã hội, giai cấp và thời đại. Chính thái độ nâng niu, trân trọng cái đẹp và với cách nhìn nghiêng về
nghệ thuật của ông đã tạo nên một Nguyễn Tuân “vị nghệ thuật” trong văn chương. Ông từng phát biểu: “Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật”. Ở chỗ khác ông khẳng định: “Mĩ thuật vốn không là bà con với luân lí của thời đại”.

Quan niệm ấy thể hiện rõ nhất trong thực tiễn sáng tác của ông trước cách mạng: một thằng ăn cắp trở nên đẹp đẽ vô cùng khi hắn cắt túi người ta rất gọn, rất nhanh (Chuyến xe tình), một ngón tài bẻ khóa vượt ngục cũng góp phần làm cho Huấn Cao nổi danh trong thiên hạ (Chữ người tử tù), một tên đao phủ “có tài chém đầu người chỉ một nhát mà đầu vẫn dính vào cổ bằng lần da gáy” (Chém treo ngành), tài ném lưỡi mai chết người được miêu tả như một thứ nghệ thuật (Ném bút chì), hay tiếng đàn oan nghiệt ma quái cũng được nhà văn hết lời ca ngợi: “Người ta vừa đàn vừa khóc và người ta đàn đến mức hộc máu ra mà gục chết dưới gốc nhạc khí” (Chùa đàn). Có thể nói rằng, với Nguyễn Tuân, đã tài thì đều đáng khâm phục, không nhất thiết phải xem cái tài đó có lợi hay không.

Phong cách nghệ thuật và quan niệm văn chương của nhà văn Nguyễn Tuân

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Chủ nghĩa xê dịch và nhà văn Nguyễn Tuân - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.