Cái Đẹp và cái Thiện trong văn chương nghệ thuật

cai-dep-va-cai-thien-trong-van-chuong-nghe-thuat

Cái “Đẹp” và cái “Thiện” trong văn chương nghệ thuật.

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Cái đẹp trong văn học của mỗi tác phẩm lại không giống nhau, điều đó phụ thuộc vào quan niệm riêng của mỗi tác giả. Văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện. Cái đẹp trong văn học thông thường là nhân vật đẹp: phẩm chất đẹp và hành động đẹp, thiên nhiên đẹp, ý nghĩa tác phẩm…

Cái đẹp trong thiên nhiên chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống, cũng như trong văn học, nó luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho con người:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp.
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông”

(Cảm tưởng đọc thiên gia thi – Hồ Chí Minh).

Vẻ đẹp trong thiên nhiênthước đo đầu tiên của vẻ đẹp trong đời sống con người. Thế giới do con người sáng tạo nên chỉ là thiên nhiên thứ hai. Thứ hai bởi vì nó là sự mô phỏng của thiên nhiên thứ nhất, khi sáng tạo theo qui luật của cái đẹp, con người đã mượn thiên nhiên như một khuôn mẫu, một thước đo. Chẳng hạn, màu sắc, âm thanh trong hội họa, trong âm nhạc, trong đời sống của con người là sự mô phỏng những màu sắc, âm thanh trong tự nhiên.

Thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận, niềm say mê của con người, là đối tượng của nhiều ngành nghệ thuật: hội họa có tranh phong cảnh, nhiều họa sĩ dành cả đời mình để vẻ tranh phong cảnh như Lêvitan (Nga); Monet (Pháp), Tecner… Trong văn học, đặc biệt là trong thơ, thiên nhiên được miêu tả hết sức phong phú và đa dạng. Nguyễn Du đã từng khẳng định trong truyện Kiều bất hủ của mình:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Thiên nhiên cảnh vật xung quanh ta vốn là khách quan nhưng khi đi vào văn học thì nó chịu sự chi phối của nhà văn. Bức tranh thiên nhiên trong “Truyện Kiều” được Nguyễn Du khắc họa với nhiều sắc thái khác nhau. Hầu hết các cảnh vật đều là những bức tranh được khoác màu tâm trạng. Tả cảnh để gợi tình, thông qua bức tranh thiên nhiên Nguyễn Du gửi 10 bức tranh tâm trạng, nội tâm của con người. Đây là cảnh chiều tà Kim, Kiều gặp nhau, cảnh của một ngày sắp tàn, vậy mà vẫn rất nên thơ và tươi sáng:

“Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cây dao”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Vẫn là cảnh chiều tà nhưng khi Thúy Kiều nhỏ giọt nước mắt xuống ngôi mộ Đạm Tiên thì cảnh vật bỗng dưng trở nên thê lương và tàn úa: “Sè sè nấm mộ bên đường / Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Ngọn cỏ mùa xuân nhẽ ra phải xanh non mơn mởn nhưng do mối thương cảm của Thúy Kiều dành cho cô kĩ hồng nhan bạc mệnh nên nó đã bị nhuốm màu ảm đạm hẩm hiu. Trong đêm Kim, Kiều thề thốt, thiên nhiên cũng rực sáng trong như mối tình trong trắng thánh thiện của họ:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Và đây là cảnh Kiều từ giã gia đình để dấn thân vào cuộc đời gió bụi :

“Đùng đùng gió đục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay”.

Ngoài thiên nhiên tâm trạng Nguyễn Du còn dành những câu thơ đẹp nhất để miêu tả thiên nhiên theo bốn mùa. Đó là cảnh ngày xuân:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Màu xanh của cỏ làm nền cho bức tranh màu trắng của hoa lê tô điểm cho bức tranh thêm trong sáng tinh khôi, nhẹ nhàng mà quyến rũ. Hay là một đêm hè:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”

Một cảnh chiều thu:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”.

Cảnh một ngày đông:

“Trời hôm mây kéo tối sầm
Dầu dầu ngọn cỏ đầm đầm cành sương”.

Và chỉ một câu thơ thôi mà Nguyễn Du tả đủ cả bốn mùa trong năm:

“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”

Nguyễn Du đã chỉ ra đặc trưng của từng mùa trong năm và kết hợp các mùa ấy trong một câu thơ. Để thấy được sự luân chuyển của quy luật tự nhiên về các mùa. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc họa rấ thành công vẻ đẹp của thiên nhiên.

Trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu, đó là một thiên đàng nơi hạ giới, một người tình quyến rũ, thanh tân:

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”

Với phép điệp “của”… “của”… và phép liệt kê “này đây”… “ này đây”… nhà thơ phơi bày ra trước mắt ta những cảnh sắc mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng: Rạo rực như tuần tháng mật của bướm ong, tươi như hoa đồng nội, nõn như lá cành tơ, bổng trầm như khúc hoan ca của anh yến, rực rỡ như ánh sáng mặt trời và quyến rũ như mùa vào năm mới. Có lẽ, trước Xuân Diệu, thơ Việt Nam chưa có được cảm giác về tháng Giêng táo bạo, mới mẻ và ngọt ngào như thế “ngon như một cặp môi gần”!, một vẻ đẹp rất trần gian nhưng chỉ có tạo hóa toàn năng mới làm được, nó gần gũi, có tính nhục thể nhưng rất đỗi cao vời, một cái gì vô cùng tinh khôi, trinh trắng.

Hay trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu thì nhân vật Phùng vô cùng xúc động khi bắt gặp cảnh mặt trời mọc trên biển lúc bình minh “mũi thuyền in một nét lòe nhòe vào bầu sương trắng như pha sữa có đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào… toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật toàn bích…” đó chính là thiên nhiên đẹp, thiên nhiên mang lại sự rung cảm cho con người. Thiên nhiên là nguồn cảm hứng, say mê của con người.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, trong giới tự nhiên vô cùng phong phú có rất nhiều cái đẹp không phải hoàn toàn do những phẩm chất tự nhiên của chúng mà là do những giá trị mà chúng đã có trong mối quan hệ của chúng với con người. Chẳng hạn như: vàng, bạc, bầu trời đầy trăng sao, cánh đồng lúa chín… Trong quá trình lao động thực tiễn, nhiều sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên chuyển dần từ cái có ích sang cái đẹp, tạo thêm cho sự vật những ý nghĩa mới. Thông thường, ý nghĩa này có được là do cảnh vật gắn bó mật thiết với con người, ban đầu là cái có ích, sau trở thành cái đẹp.

Ngoài cái đẹp của thiên nhiên, trong văn chương, đặc biệt và quan trọng hơn cả, là Cái đẹp của con người. Con người là sản phẩm cao nhất và hoàn thiện nhất của tự nhiên, xã hội. Shakespeare ca ngợi con người “Kì diệu thay là con người! Con người cao quí làm sao về lí trí, vô tận làm sao về năng khiếu. Về hình dung và vóc dáng, nó đẹp tựa thiên thần, về trí tuệ nó có thể sánh tài thượng đế. Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài”.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, có rất nhiều quan niệm khác nhau về sự hình thành của con 13 người và cái đẹp của con người (Quan điểm của Thiên chúa giáo, quan điểm Ấn độ giáo, quan điểm của Empédocle…). Chúng ta cho rằng để trở thành con người như ngày hôm nay, nhân loại đã phải trải qua một quá trình lao động và cái đẹp của con người cũng không thể tách rời khỏi quá trình lao động. Cái đẹp của con người thường gắn liền với những vấn đề đạo đức và những hoàn cảnh xã hội. Nếu người đàn bà đẹp trong quan niệm của phương Ðông nói chung là công, dung, ngôn, hạnh thì Tsêkhôp cũng có ý kiến tương tự về con người nói chung: “Tất cả mọi thứ trong con người đều phải đẹp, từ mặt mũi áo quần đến tâm hồn, tư tưởng”.

Ðánh giá, nhìn nhận cái đẹp của con người thật khó có thể tách rời với những vấn đề đạo đức, chính trị và hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể. Con người là sản phẩm của tự nhiên, vì vậy cái đẹp của con người trước hết phải mang tính vật chất. Có thể coi đó là vẻ đẹp, cái đẹp bên ngoài được thể hiện qua dung nhan, sự cân đối của cơ thể…Không nên coi nhẹ vẻ đẹp này vì cái răng, cái tóc là góc con người.

Nguyễn Du đã ca tụng vẻ đẹp của chị em Kiều:

“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”

Bên cạnh vẻ đẹp bên ngoài này còn có một cái đẹp cũng được biểu hiện một cách cụ thể, cảm tính từ hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ …  Trong ca dao, người ta chú trọng đến lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động của con người: Ðây là cái đẹp của lời nói:

“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

“Chim khôn kêu tiếng rãnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời…”

“Ðất rắn trồng cây ngẳng nghiu
Những người thô tục nói điều phàm phu…”

“Những người chưa nói đã cười
Chưa đi đã chạy là người vô duyên.”

Những người được coi là đẹp trong văn học từ xưa đến nay cũng được miêu tả lời nói dịu dàng, nụ cười duyên dáng:

“Hoa cười ngọc thốt đoan trang”

“Lặng nghe lời nói như ru
Chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngần.”

Chính cái đẹp của hình thức này mới biểu hiện được vẻ đẹp bên trong, mới là sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Trong tiếng Việt, từ “có duyên” lột tả được một phần nào đó cái đẹp bên trong được biểu hiện qua cái đẹp bên ngoài. Trong quan niệm dân gian Việt Nam từ rất xa xưa, cái đẹp lí tưởng của con người bao giờ cũng có sự hài hòa, thống nhất giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa nội dung và hình thức (Truyện Tấm Cám, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga…).

Có nhiều trường hợp khuyên chúng ta không nên đánh giá vội vàng cái vẻ bên ngoài mà kết luận về bản chất bên trong của một con người mà phải cần có thời gian và sự gần gũi (Hoàng tử cóc, Sọ dừa…). Lev Tolstoi miêu tả Hélène có vẻ đẹp bên ngoài nhưng tâm hồn hoàn toàn trống rỗng. Pie thì cục mịch nhưng lại có một tâm hồn vĩ đại. V. Hugo trong tác phẩm Nhà thờ đức bà Paris miêu tả Quazimodo xấu xí nhưng tâm hồn rực sáng hoàn toàn khác với vẻ ngoài đẹp trai, phong lưu nhưng đàng điếm của Fébus de Satopé.

Nếu phải chọn lựa giữa cái đẹp bên trong và vẻ đẹp bên ngoài, hầu như người ta ưu tiên chú trọng cái đẹp bên trong. Có thể nêu lên một số ý kiến về vấn đề này: Krassovki cho rằng: “Nhan sắc người phụ nữ quyến rũ tình yêu nhưng chỉ cái đẹp tâm hồn mới khiến tình yêu bền vững”. Voltaire: “Sắc đẹp làm vui mắt, sự dịu hiền thu hút lòng người”. Ðô-rơ -vin-li: “Ðẹp mà được yêu, đó mới chỉ là người đàn bà. Xấu mà biết làm cho người ta yêu, đó là một nữ hoàng”. Ngạn ngữ Nga: “Sắc đẹp chỉ cần trong lễ cưới còn tình yêu ta cần nó suốt đời”.

Ở Việt Nam cũng như ở phương Ðông, người ta cũng luôn đánh giá cao cái đẹp bên trong so với cái đẹp bên ngoài:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”

Hay: “Giai nhân hà tất kiều như ngọc” (Người đẹp hà tất phải có vẻ đẹp như ngọc).

Nhạc sỹ tài danh Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Mục đích đầu tiên và sau cùng của nghệ thuật và văn học theo tôi là mang đến cái hay cái đẹp cho đời người. Tự thân nó không có mầm mống của một sự mưu toan nào cả. Hãy cho nó thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện của cái đẹp”. Nhà văn tạo ra cái Đẹp. Anh ta có thiên chức trân trọng, ngợi ca cái Đẹp, đi tìm cái Đẹp trong cuộc sống xã hội, thiên nhiên và tâm hồn. Cái Đẹp trong văn chương cổ là cái đẹp hài hoà, cái đẹp của sự hoàn thiện, mực thước và thuần khiết, cái đẹp gắn với sự phụ thuộc và ổn định, cái đẹp thuộc về thời quá khứ, hô ứng nhịp nhàng với thiên nhiên vũ trụ.

Nghệ thuật cổ điển xem cái Đẹp của con người biểu hiện ở trí tuệ. Chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lãng mạn coi cái Đẹp ở sự thành thực của trái tim, xúc cảm. Cái Đẹp trong văn chương đi từ cái đẹp thiêng đến cái đẹp phàm tục trần thế, cái đẹp lí tưởng của thời đại tới cái đẹp của cá nhân, cá tính; từ cái đẹp con người không thể với tới, đạt được (cái đẹp viển vông) đến cái đẹp con người có khả năng chiếm lĩnh trong đời sống này, từ cái đẹp ý niệm đến cái đẹp khách quan. Lưu Hiệp nói: “Việc thấy được cái đẹp, gốc ở tình cảm và tư tưởng nhà văn”. Xuân Diệu ngỡ ngàng sung sướng khi nhận ra thiên đường trên mặt đất, thi sĩ cho rằng cuộc sống đương mơn mởn xanh non, tràn đầy hương sắc âm thanh rạo rực xuân tình là đẹp. Hồ Dzếnh thấy “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Còn Thế Lữ xem cái Đẹp ở chốn bồng lai tiên cảnh. Nguyễn Tuân quan niệm người giữ vững thiên lương là đẹp. Thạch Lam coi cái Đẹp ở khao khát thay đổi cuộc sống ao tù, bằng phẳng, tăm tối. Với Nam Cao, con người đẹp phải biết giữ vững nhân cách trước cái đói miếng ăn, môi trường sống đẹp là môi trường phải vun đắp cho tài năng nảy nở, nâng đỡ ước mơ cao đẹp của con người, hoặc ít ra đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho con người được sống đời lương thiện.

Trong cảm quan của nghệ sĩ này “cái đẹp cứu vớt nhân loại”, nhưng trong nhãn quan của nhà văn kia thì người đẹp, người tài thường gặp cảnh khốn cùng. Số khác thì miêu tả cái Đẹp thường mang tới tai hoạ “khuynh quốc khuynh thành”. Không ít nhà văn qua cái bi, cái hùng đã chỉ ra cái Đẹp nhân văn. Theo Nguyễn Đình Thi: “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn cách miêu tả phải cao cả”. Còn Sê-khốp thì cho rằng: “Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái đẹp cái nhân đạo của lòng” .

Đọc Nam Cao, ta lại hình dung đến không khí ngột ngạt của những năm 1930– 1945 với những con người từng bước chông chênh trên con đường đi tìm nhân cách. Chí Phèo đắm mình trong một chuỗi cơn say triền miên để phút cuối cùng tự đốt cháy mình lên với những câu hỏi nhức nhối Ai cho ta lương thiện? Ai làm cho tao lương thiện”; một anh Hộ luôn đề cao nguyên tắc tình thương nhưng lại khốn khổ vì cuộc sống chật hẹp với một vòng tròn cơm-áo-gạo-tiền khắc nghiệt.

Mỗi tác phẩm văn học là một lát cắt của đời sống phản ánh một nội dung rất cụ thể, một số phận rất rõ nét buộc người đọc phải suy ngẫm, băn khoăn. Vô số những lát cắt của rất nhiều thời đại ấy cuối cùng đều hướng tới một mục tiêu tốt đẹp, dẫn dắt con người đi đến cõi hoàn thiện. Có vươn tới mục tiêu đó, tác phẩm văn học mới thật sự là tác phẩm chân chính và tồn tại vượt qua sức công phá mãnh liệt của thời gian. Rõ ràng, “cái đẹp đã cứu vớt con người” (Đôxtôiepki).

Một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ là kết quả cao của sự hòa quyện nhuần nhuyễn ba yếu tố cơ bản: phản ánh chân thực cuộc sống xã hội, độc đáo, đặc sắc trong sáng tạo nghệ thuật cộng với tình cảm nhân đạo và ý thức xã hội tiên tiến. Nhu cầu hướng tới cái đẹp của con người luôn luôn mang tính khẳng định: “Con người cần phải đẹp cả khuôn mặt, quần áo và cả tư tưởng” (Sêkhốp), toàn bộ các quan hệ xã hội với những hoạt động cụ thể của chúng cũng cần phải “theo quy luật của cái đẹp” (Mac). Vì vậy, cái đẹp có quyền tuyệt đối tồn tại và phát triển.

Lê-nin đã nói: “Nếu tách rời, cô lập cái mới, cái đẹp ra khỏi mối liên hệ môi trường khách quan thì chúng chỉ là một cái xác không hồn thậm chí một quà tặng vô duyên với công chúng”. Có thể nói “cái đẹp xã hội” vô cùng quan trọng bởi vì cái đẹp xã hội chính là sự trình bày trực tiếp của bản chất cái đẹp. Sự căm phẫn xót xa thể hiện qua việc diễn tả một cuộc đời ngang trái. Hay như lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”. Bao giờ cũng thế, văn học – cuộc sống – con người là những yếu tố không thể tách rời nhau để tồn tại riêng biệt.

Dường như có một sợi dây vô hình buộc chặt văn học và cuộc sống, tạo nên mối quan hệ vô cùng mật thiết và sâu sắc như lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Văn học bao giờ cũng gắn liền với cuộc sống – con người để có sức sống trụ lại với thời gian, để thực hiện chức năng cao cả không một bộ môn khoa học nào thay thế được, hướng con người đến cái tận thiện – tận mỹ, gột rửa bớt những xấu xa của cuộc đời phức tạp, góp phần “thanh lọc” tâm hồn và lương tâm con người để cuộc sống tốt đẹp hơn. Văn học và cuộc sống mãi mãi không thể tách rời nhau và cả hai đều xuất phát, đều hướng về tâm điểm duy nhất: Con người. Văn học là chiếc gương phản ánh và chiêm nghiệm về đời sống nên văn học cũng lấy con người làm tâm điểm trên những trang thơ, trên những dòng truyện ngắn hay trang tiểu thuyết đồ sộ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.