Cảm nhận bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-bai-tho-dem-nay-bac-khong-ngu-cua-minh-hue-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ dưới góc độ thi pháp

Tiếp cận từ thi pháp học, bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ trước hết nổi bật ở cái nhìn nghệ thuật về nhân vật Bác Hồ, từ đó tạo cho bài thơ những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ độc đáo. Cho đến những năm cuối thập kỷ 40 và đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, việc viết về Bác Hồ trong văn học Việt Nam, chưa nhiều. Lý do là vì không phải văn nghệ sỹ nào cũng may mắn có dịp được gặp hoặc hiểu biết về Bác Hồ để có thể sáng tác. Do vậy, bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ là một trong số ít những tác phẩm nghệ thuật viết về Bác khá sớm, và thành công. Cho đến nay, bài thơ vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Trong cái nhìn nghệ thuật của tác giả bài thơ, hai đối tượng được hướng tới để quan sát, miêu tả là Bác Hồ và anh đội viên. Ở hình tượng Bác Hồ, có sự phối kết nhuần nhị, tự nhiên của những điểm nhìn về các phẩm chất khác nhau nhưng thống nhất, làm nên sự toàn vẹn của hình tượng đẹp đẽ này: Bình dị, gần gũi, thân mật với sâu sắc, cao cả, vĩ đại. Điều đặc biệt này thể hiện trong cái nhìn là từ những biểu hiện thân mật, gần gũi toát lên sự cao cả vĩ đại. Hay nói cách khác, chính cái sâu sắc, cao cả và vĩ đại nằm ngay trong sự gần gũi, thân mật và bình dị được bộc lộ một cách tự nhiên không hề gượng ép hay cố tình:

“Ngưới Cha mái tóc bạc,
Đốt lửa cho anh nằm.
Rồi Bác đi dém chăn,
Từng người từng người một.
Sợ cháu mình giật thột,
Bác nhón chân nhẹ nhàng…”

Từ những tình tiết cụ thể, xác thực đó, cái nhìn chuyển sang miêu tả gắn với triết luận:

“Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng”

Cái nhìn nghệ thuật không đứng im hay dừng lại ở một điểm nhìn, mà di chuyển theo chiều hướng tăng tiến về các vùng thuộc đối tượng thẩm mỹ. Từ miêu tả chân dung: Trời đã khuya nhưng Bác vẫn không ngủ, ngồi bên bếp lửa, vẻ mặt trầm ngâm, đốt lửa cho bộ đội ngủ ấm, đi dém chăn…, chuyển sang miêu tả tâm trạng; từ hành vi sang ngôn từ của nhân vật trung tâm: Bác giải thích lý do không thể ngủ là do Bác không an lòng vì thương đoàn dân công trong đêm mưa lâm thâm phải ngủ ngoài rừng Trải lá cây làm chiếu,/ Manh áo phủ làm chăn …

Ở hình tượng anh đội viên, có sự phát triển trong nhận thức về Bác Hồ: Từ chỗ ngạc nhiên vì đêm đã khuya, mà sao Bác vẫn ngồi, và không ngủ; nhìn Bác với xúc cảm Càng nhìn lại càng thương; không hiểu lý do Bác chưa ngủ, nên đã hỏi: Bác ơi! Bác chưa ngủ?/ Bác có lạnh lắm không?… đến lo âu, bồn chồn: Vâng lời anh nhắm mắt,/ Nhưng bụng vẫn bồn chồn;/ Anh nằm lo Bác ốm. Khi lần thứ ba thức dậy thấy Bác vẫn chưa ngủ, anh đã nằng nặc khuyên Bác ngủ… Và cuối cùng là trong anh vỡ òa một sự tỉnh thức mới mẻ, lớn lao về Bác khi biết rõ lý do Bác không thể ngủ. Do vậy, xúc cảm chuyển từ thương, lo, bồn chồn, hoảng hốt vì Bác chưa ngủ, không ngủ thành xúc cảm sung sướng, tự hào khi biết được lý do Bác không ngủ.

Cái đẹp, cái thi vị của sự phối kết các điểm nhìn thể hiện ở chỗ: Hai đối tượng thẩm mỹ song hành và để đến điểm cuối của lộ trình cảm xúc thì có sự gặp gỡ khi anh đội viên ngộ ra phẩm chất tuyệt vời nơi lòng thương cao cả của Bác Hồ dành cho những người dân công giữa đêm rừng mưa lạnh, nên: Lòng vui sướng mênh mông,/ Anh thức luôn cùng Bác!

Về thi pháp kết cấu, bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ với 16 khổ thơ, mỗi khổ có 4 câu. Mạch kết cấu được xây dựng theo trình tự sự việc diễn ra của một câu chuyện có sự diễn tiến và phát triển của tình tiết, kể về việc một đêm Bác không ngủ trên đường đi chiến dịch. Bài thơ được viết từ một sự thật về Hồ Chí Minh mà Minh Huệ nghe được qua lời kể của một anh bộ đội từ Việt Bắc trở về đầu năm 1951. Nội dung câu chuyện là việc chiến sỹ quân đội ấy được gặp Bác trong một đêm Bác không ngủ khi Người trên đường ra chiến trường chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950. Do vậy, tính chân xác của sự kiện làm cho bài thơ có sức hấp dẫn, tác động lớn và gây nên nỗi xúc động sâu sắc cho nhiều thế hệ độc giả. Dù câu chuyện và hình tượng Hồ Chí Minh được tái hiện qua một không gian và thời gian nghệ thuật chỉ trong một đêm từ cái nhìn và cảm nghĩ của anh đội viên, nhưng giá trị tư tưởng, tinh thần và tấm lòng bình dị mà cao cả của Hồ Chí Minh vượt qua cái khoảnh khắc đó, không gian đó và trở thành bất tử.

Bài thơ có sự phối kết nhuần nhị giữa chất tự sự và trữ tình. Cái khung là tự sự, nhân vật trữ tình thuật lại câu chuyện mang kịch tính về Bác Hồ với anh đội viên trong một đêm gặp gỡ nơi vùng rừng núi phía Bắc trong Chiến dịch Biên giới 1950. Chính chất kịch làm tăng sự thu hút và hấp dẫn cho bài thơ: Từ thắt nút là Bác chưa ngủ, nhưng anh đội viên không rõ lý do, sự việc tiếp tục phát triển cho đến khi lần thứ ba anh đội viên thức dậy nhưng thấy Bác vẫn chưa ngủ thì tình huống lên đến đỉnh điểm. Tình tiết mở nút là khi Bác nói rõ lý do vì sao Bác ngủ không an lòng. Đan cài theo lộ trình sự kiện và tình tiết này là xúc cảm anh đội viên dành cho Bác và Bác hướng trọn nỗi lo, tình thương về đoàn dân công đang giữa đêm rừng mưa lạnh. Sự phối kết này làm bừng sáng những giá trị đẹp đẽ, cao cả nhưng cũng rất đỗi bình dị, là lẽ thường tình nơi con người Hồ Chí Minh kính
yêu.

Về không gian và thời gian nghệ thuật: Bài thơ có hai không gian, không gian thứ nhất là không gian sinh hoạt, đó là không gian của một căn lán trại nơi Bác Hồ và những người đội viên dừng chân nghỉ đêm trên đường đi chiến dịch. Không gian thứ hai là không gian tâm cảm, mỹ cảm – không gian mênh mông, sâu thẳm tràn đầy ánh sáng của lòng bao dung và vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn và tình thương Hồ Chí Minh. Đó là không gian lồng lộng: Bóng Bác cao lồng lộng, ấm áp: Ấm hơn ngọn lửa hồng. Chính không gian đó tác động, khơi tỏa và bừng thức tâm trạng người đội viên, mở rộng năng giới trong anh: Từ nỗi lo cho Bác vì Bác chưa ngủ, không ngủ đến Lòng vui sướng mênh mông không giới hạn.

Không gian nghệ thuật đó đi liền với thời gian là một đêm, chỉ một đêm nhưng thời gian có nhiều sắc thái mỹ cảm. Với anh đội viên thì thời gian có hai chặng: Một là thời gian trước khi câu chuyện được mở nút là thời gian của nhịp đếm (các lần anh đội viên thức dậy), thời gian của âu lo, căng thẳng, hoảng hốt trong cảm nhận của người đội viên. Hai là thời gian sau khi mở nút: thời gian vui sướng, hạnh phúc… Với Bác Hồ thì đó là thời gian kéo dài, thời gian đằng đẵng…vì nỗi lo, lòng thương cảm đối với những người dân công, nên Người Mong trời sáng mau mau. Theo qui luật tâm lý, trong tâm trạng và hoàn cảnh như thế thì thời gian bị kéo dài.

Chính từ cái nhìn nghệ thuật, sự phối kết các điểm nhìn cũng như sự đan cài của tính kịch và chất trữ tình đã tạo nên chân dung Hồ Chí Minh đẹp đẽ trong sự hài phối giữa cái mộc mạc của khoảnh khắc đời thường với lung linh của trái tim nhân văn cao cả, rạng ngời.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.