Cảm nhận bài thơ Lượm của Tố Hữu (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-bai-tho-luom-cua-to-huu-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận bài thơ Lượm của Tố Hữu dưới góc độ thi pháp

Tố Hữu đã thổi hồn thơ, dệt tình thơ vào chân dung, tính cách và hành trạng của Lượm – chú bé giao liên trên mặt trận kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược – bằng sự phối kết tài tình, nhuần nhị của cái nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, bút pháp thuật, tả và sử dụng và sáng tạo ngôn từ nghệ thuật trữ tình.

Trong thơ Tố Hữu, quan niệm nghệ thuật về con người – những tầng lớp tham gia kháng chiến – là những người dâng hiến cho cách mạng, những người đi xây tương lai, dệt nên tương lai Tổ quốc trong tư thế và phong thái Ngực dám đón những phong ba dữ dội,/ Chân đạp bùn không sợ các loài sên, mà Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành. Chính vì thế họ trở nên bất tử, vĩnh viễn song hành cùng dân tộc với những vẻ đẹp trong sáng, cao thượng. Nằm trong hệ thống cùng với những Bà má Hậu Giang, Mẹ Suốt, chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh giải phóng quân, Cu Theo…, Lượm vừa có chung những đặc điểm tư tưởng và thẩm mỹ đó vừa có những đặc thù riêng, vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng. Mặt khác, những con người ưu tú của Tổ quốc ấy luôn được nhìn trong hành trình trên con đường lớn – con đường cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Chính từ quan niệm và cái nhìn nghệ thuật như thế, Lượm được thể hiện trong sự gắn kết và hài phối của các yếu tố thuật với tả và xúc cảm. Đặc biệt, giá trị bài thơ có sự đóng góp rất lớn trong sự kết hợp nhuần nhị và tự nhiên giữa các yếu tố trực cảm với triết luận, đánh giá. Từ góc độ tường thuật, tác giả kể lại việc gặp gỡ của mình với chú bé Lượm – một giao liên trên mặt trận tại Huế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:

Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú, cháu
Gặp nhau Hàng Bè.

Với cái nhìn nghệ thuật như thế, tác giả dựng lên hình tượng nhân vật chú bé Lượm với ba điểm nhìn chính:

Một là, điểm nhìn trước khi chú bé lên đường chuyển thư, có tác dụng khắc họa chân dung, hình dáng, phong thái, ngôn từ và tình cảm của chú bé Lượm. Các nét vẽ tập trung làm nổi bật dáng điệu nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, vui vẻ, trong trẻo, tươi tắn và hạnh phúc:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…
Cháu cười híp mí
Má đỏ bồ quân…

Hai là, điểm nhìn chú bé Lượm trên đường chuyển thư và hi sinh. Trên đường chuyển thư, con chim chích hăng hái, trẻ trung và tươi tắn ấy được đặt trên cái nền của mặt trận hiểm nguy Đạn bay vèo vèo, nhưng đã vượt lên, bất chấp hiểm nguy: Thư đề “thượng khẩn”/ Sợ chi hiểm nghèo ? Chú bé Lượm hi sinh anh dũng trong một tư thế giàu ý nghĩa biểu trưng:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng…

Cách nhìn, miêu tả và triết luận bao hàm nhau: Cái chết gắn chặt với sự sống, cái chết không phải là sự kết thúc mà mở ra sự sinh tồn đầy ý nghĩa và bất tử. Bút pháp độc đáo của tác giả tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp về sự kết hợp giữa dáng nét tự nhiên với hàm ý mang tính triết luận nhân văn sâu sắc: Chú bé Lượm gắn với lúa, tay nắm chặt bông lúa như một sự quyến luyến không muốn chia rời sự sống, cũng là một sự trao gửi nhiệt tình sống. Do vậy tạo nên hương sữa lúa mà cũng là hương hồn con chim chích nhỏ bay giữa đồng thiêng.

Ba là, điểm nhìn chú bé Lượm sau sự hy sinh, nhắc lại những hình ảnh, tư thế dáng nét nhỏ bé, nhí nhảnh, vui nhộn, hăng hái, dễ thương của Lượm, nhưng mang một hàm lượng ý nghĩa mới: Khẳng định sự bất tử của Lượm. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi Lượm ơi, còn không? ngay trước đó. Giọng điệu của bài thơ là sự hài phối giữa yêu quí, đau xót với thương cảm, tự hào. Trong đó, diễn tiến và các sắc thái xúc cảm biến chuyển theo từng tình tiết của câu chuyện. Đặc biệt, xúc cảm đi cùng với triết luận nhân văn của chủ thể trữ tình trong kết cấu hình tượng thơ. Do vậy, từ đối tượng thẩm mỹ là chú bé Lượm, một con người cụ thể, mà tác giả chuyển thành một hình tượng mang tính biểu trưng cho những phẩm chất đẹp đẽ và có tính phổ quát của nhân dân Việt Nam
trong chiến tranh giữ nước; từ đau thương chuyển thành sức mạnh, từ cái chết mở ra sự sống vĩnh hằng.

Về thể thơ và nghệ thuật ngôn từ: Tác giả sử dụng thể thơ bốn chữ phù hợp với việc phản ánh đối tượng thẩm mỹ. Đối tượng nhỏ nhắn, mau lẹ nên cần cách thuật nhanh, linh hoạt, tạo nên nhạc tính cho thơ và có tính tượng hình chính xác như nhịp của con chim chích đang nhảy trên đường vàng. Thể và nhịp thơ giúp biểu đạt sự nhí nhảnh, tươi vui, hăng hái của tính cách và tâm hồn chú bé Lượm.

Thi pháp ngôn từ cũng là một phân hệ quan trọng có sự hài kết mật thiết với toàn thể hệ thống nghệ thuật thơ. Trừ một số chỗ cần dùng dấu câu để biểu đạt xúc cảm của chủ thể trữ tình, còn lại các câu thơ xuống dòng phần lớn không dùng dấu câu nhằm đẩy nhanh nhịp điệu. Đặc biệt, tác giả dùng nhiều từ láy, biểu đạt tốt xúc cảm, miêu tả thành công: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh, nhấp nhô. Những từ láy miêu tả chú bé Lượm được điệp lại trong phần cuối của bài thơ như một lời khẳng định cho vẻ đẹp của Lượm mãi còn. Trong bài thơ, hô ngữ Lượm ơi được sử dụng tới ba lần, khẳng định tình cảm thương quí và tiếc xót của tác giả đối với Lượm. Mặt khác, mỗi lần sử dụng hô ngữ này lại bao hàm một ý nghĩa mới, tạo nên sự phong phú trong xúc cảm của tác giả. Lần thứ nhất, Lượm ơi !…, là tiếng kêu thương thảng thốt bật ra khi tác giả vừa Chợt nghe tin nhà về sự hi sinh của Lượm.

Mặt khác, hô ngữ được tách ra thành một dòng thơ độc lập để thể hiện sự biểu cảm trong sự hỗ trợ của dấu câu. Đó là, ngoài dấu chấm cảm (!) còn có dấu ba chấm đi liền nhằm diễn tả trạng thái buồn thương, chơi vơi. Lần thứ hai, hô ngữ Lượm ơi ! được đặt sau tiếng kêu thôi rồi đau xót, đột ngột. Vì thế không có dấu ba chấm sau dấu chấm cảm. Lần thứ ba, hô ngữ Lượm ơi được đặt đầu câu thơ, đi liền với lời hỏi còn không ?, và dòng thơ này, với câu hỏi tu từ, được tách thành một khổ độc lập như một sự khẳng định sự bất tử của Lượm. Chính vì thế nên sau câu hỏi Lượm ơi, còn không ? là hai khổ thơ điệp lại phần mở đầu như một sự hiện hữu của Lượm, và còn hơn thế, mãi còn.

Như vậy, hô ngữ Lượm ơi được sử dụng tới ba lần, nhưng ở những vị trí khác nhau trong kết cấu bài thơ với sự hỗ trợ của dấu câu cũng khác nhau trong lộ trình diễn tiến của sự kiện và xúc cảm. Bắt đầu là sự thảng thốt khi chợt nghe tin Lượm hi sinh; tiếp theo là tiếng kêu đau xót khi sự kiện Bỗng lòe chớp đỏ diễn ra đột ngột làm cho Lượm hi sinh; cuối cùng là tiếng thầm gọi và khẳng định hình ảnh cùng giá trị của Lượm là vĩnh hằng. Chính việc sử dụng ngôn từ như vậy đã chuyển cấp trực cảm thành ý niệm, chuyển miêu tả thành triết luận nhân văn sâu sắc và phổ quát. Ngôn từ trong bài thơ chủ yếu là ngôn từ của chủ thể trữ tình ở ngôi thứ nhất, tuy nhiên cũng có cả ngôn từ của nhân vật được miêu tả – Lượm – dù không nhiều nhưng giàu ý nghĩa. Đó là lời nói của Lượm khi đi kháng chiến, rằng:

– Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà !

Lời nói mang tính khẩu ngữ tự nhiên, không triết lý cao đạo mà giản dị, trung thực ấy tương thích với dáng vẻ, phong thái, tinh thần của Lượm trong hành vi tham gia kháng chiến. Do vậy càng làm tăng vẻ đẹp và giá trị, ý nghĩa của hình tượng Lượm đối với người tiếp nhận.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.