Cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

cam-nhan-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-cua-thanh-hai

Cảm nhận bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

  • Mở bài:

Thanh Hải là nhà thơ xứ Huế được nhiều người yêu thích từ những năm đầu của cuộc đấu tranh gìải phóng miền Nam. Thơ ông chính là tiếng nói thiết tha yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước. Ông đã để lại cảm nhận sâu sắc trong lòng người đọc qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Có thể nói đây là bài thơ cuối cùng của ông, được sáng tác vào tháng 11-1980, lúc ông đang trên giường bệnh. Bài thơ như một khúc ca xuân, thể hiện thiết tha tình yêu quê hương, đất nước đang bước vào một mùa xuân mới tràn trề sức sống và niềm tin.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ là bức tranh mùa xuân tươi đẹp với chim ca, hoa nở, với trời cao sông dài:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi, con chim chiền chiên
Hót chỉ mà vang trời!”

Mùa xuân thiên nhiên được tác giả thể hiện đơn sơ nhưng đầy màu sắc quê hương. Mùa xuân đến không rực rỡ, không bắt đầu với những cơn mưa xuân dịu êm, không hoa mai, hoa đào rực rỡ khoe sắc mà chỉ giản dị. Trên cái nền không gian rộng lớn ấy, nổi bật những hình ảnh, đường nét, màu sắc thật nên thơ và gợi cảm, êm ái, dịu dàng, đáng yêu biết bao. Một màu xanh tươi sáng trải rộng mênh mông làm nền và tôn thêm vẻ đẹp nổi bật của “bông hoa tím biếc”. Một màu “tím biếc” lung linh giữa “dòng sông xanh” lại càng thơ mộng. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên được nhà thơ phác họa bằng hai hình ảnh vói những đường nét mềm mại, thanh sơ, màu sắc hài hoà đã thể hiện cái “hồn” của Mùa Xuân: một sắc Xuân đầy sức sống và quyến rũ.

Sắc xanh trong của con sông quê hương và một bông hoa tím biếc đặc trưng cho xứ Huế đã phác họa một bức tranh xuân đơn sơ mà sắc nét. Từ “mọc đặt ở đầu câu thơ khiến ta phải chú ý. “Mọc” là vươn lên, trỗi dậy từ lòng đất. Đặt từ “mọc” ngay từ đầu câu thơ, bài thơ đã gây cho người đọc về sức sống mãnh liệt, bất ngờ đến ngạc nhiên của thiên nhiên, tạo vật. Bức tranh mùa xuân không chỉ có hình ảnh, màu sắc mà còn có cả âm thanh. Đó là âm thanh tiếng chim chiền chiên hót ngân vang, thánh thót càng làm cho buổi sớm xuân có không khí náo nức lạ thường.

Đứng trước vẻ đẹp đầy sức hấp dẫn và quyến rũ của bức tranh xuân ấy, tâm hồn nhà thơ làm sao ngăn được những xúc động mãnh liệt. Tâm hồn nhạy cảm của thi nhân và những tác động ngoại cảnh đã khơi dậy bao nguồn cảm xúc. Tình yêu thiên nhiên, lòng yêu đời, yêu cuộc sống trào dâng chan chứa, tràn đầy. Tiếng thơ là tiếng lòng tác giả thốt lên từ trái tim rung động dào dạt:

“Ơi, con chim chiền chiên
Hót chi mà vang trời!”

Tiếng chim trong vắt làm xao động một không gian yên tĩnh. Tiếng hót vút cao giữa khoảng không bao la khiến lòng người xao xuyến. Nhà thơ đã thốt lên “ơi…chi mà” thật tha thiết ,nhỏ nhẹ. Âm thanh đã ngân vào Ịòng tác giả những cung bậc dịệu kì. Hai câu thơ nhằm bộc lộ cảm xúc cao độ. Có cái gì ngọt ngào, rất Huế trong giọng thơ trìu mến, thân thương qua những từ ngữ chân quê, mộc mạc: “ơi… chi mà..”.

Phải thực sự là người sống gắn bó với Huế qua bao tháng năm, bằng tình yêu tha thiết, mới hiểu được cái giọng Huế ngọt ngào trong lời thơ Thanh Hải. “Hót chi mà vang trời” cứ ngỡ như là một lời trách nhưng là trách yêu đấy thôi; chan chứa yêu thương. Với một tâm hồn nhạy cảm và một tình yêu mãnh liệt như thế, tiếng chim đã tác động vào trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ, tạo nên những ảo giác. Tâm hồn tác giả đang ở trạng thái “tĩnh” chuyển sang trạng thái “say”. Trí tưởng tượng của nhà thơ đi từ cõi thực dần vào cõi mộng, từ thực cảnh đi sâu vào tâm cảnh, của nỗi niềm xúc động riêng tư:

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”

Hình ảnh thơ đầy sáng tạo. Nhà thơ cảm nhận mùa xuân bằng tất cả các giác quan: từ mắt thấy, tai nghe, đôi tay hứng. Giọt long lanh gợi đến giọt sương, giọt nắng hay giọt âm thanh trong trẻo đáng yêu. “Giọt” âm thanh là cách dùng biện pháp nghệ thuật chuyển đổi cảm giác thật tinh tế của tác giả. Âm thanh như hóa thành vật thể, tác giả đưa tay hứng với thái độ trân trọng, nâng niu. Khổ thơ như một bản nhạc trầm lắng, êm đềm, mộng mơ, ngây ngất trước sức sông của một đất nước tươi đẹp.

Tâm hồn nhà thơ đã bị cuốn hút mãnh liệt bởi tiếng chim. Và cái cử chỉ “Tôi đưa tay tôi hứng” là một biểu hiện cao độ của niềm say mê đó. Có cái gì náo nức, rộn rã, xao xuyến không chi thể hiện qua cử chỉ mà còn chứa đựng trong cả lời thơ, giọng thơ. Nhịp thơ dồn dập, âm hường ngân vang rất cao như một bản hoà tấu, bắt đầu thong thả, nhỏ nhẹ rồi nhanh dần, vút cao bằng một thanh trắc ở cuối đoạn: “tôi đưa tay tôi hứng”. Tiếng hót của loài chim trong thiên nhiên đã khơi dậy tiếng hát trong lòng tác già. Dường như, tự trong lòng mình, nhà thơ đã cất cao tiếng hát. Tiếng hát của niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha. Nhà thơ đã hát cùng thế hệ, hát mãi một niềm khát vọng, một lẽ sống tốt đẹp: khát vọng cống hiển phần nhỏ bé của bản thân mình để làm cho cuộc đời chung ngày một tươi đẹp.

Hiểu như vậy có lẽ cũng chưa thấu tận được nỗi lòng nhà thơ đã cố công kí thác trong câu chữ. Hãy trở lạo đầu bài thơ để bắt lại mạch thơ, bắt lại tiếng lòng của tác giả. Bông hoa tím biếc nở giữa dòng sông xanh gây cho ta ấn tượng mạnh mẽ. Nó gợi lên sự đơn độc, nỗi đìu hiu, tuy đẹp nhưng đượm buồn. Rồi đến tiếng chim rộn rã hót trên bầu trời cao. Nó hót mê say quên mất thời gian đang trôi đi. Nó hót bằng tất cả sinh lực của nó, dâng hết cho bầu trời cái thứ âm thanh lảnh lót, dễ chịu, mến thương.

Đến đây, nhà thơ bất ngờ viết: “Từng giọt long lanh rơi”. Giọt long lanh ấy không thể là giọt sương vì nhà thơ đang đứng ở giữa không gian rộng rãi, bầu trời thoáng đãng. Giọt long lanh ấy không thể là giọt mưa bởi trời lúc ấy không mưa. Nếu hiểu giọt long lanh ấy là gọt âm thanh tiếng chim, giọt ánh sáng có phần khiên cưỡng, chưa thực sự thanh thoát. Nên hiểu giọt long lanh ấy là hi vọng, là khát vọng hòa nhập, là tình yêu cuộc sống kết tinh trong lòng tác giả. Niềm vui quá lớn trước vẻ đẹp non tươi của đất trời trong khi sự sống bên trong đang dần khô kiệt khiến nhà thơ xúc động nhận ra cuộc đời vốn vĩnh hằng, còn đời người ngắn ngủi, bởi thế, cần phải sống như thế nào cho thật ý nghĩa ,thật hữu ích.

Từ mùa xuân của đất trời và những hân hoan trong lòng, nhà thơ nghĩa đến mùa xuân của đất nước:

“Mùa xuân người câm súng
Lộc giắt đay trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”

Từ một giọng điệu nhẹ nhàng, nhịp thơ bỗng vui hơn, dồn dập hơn, với sự lặp lại hình ảnh mùa xuân, lộc non làm biểu tượng, sức sống càng trở nên mạnh mẽ và tươi đẹp. “Lộc” là chồi non; lá nõn, biểu tượng cho sự may mắn, hạnh phúc. Mùa xuân đã đến với người cầm súng, người làm ruộng đang ngày đêm lao động xây dựng và bảo vệ đắt nước. Từ đôi tay họ, mùa xuân đã đến với cuộc sống. Lời thơ như reo lên với niềm kiêu hãnh.

Một lần nữa, cách dùng từ của nhà thơ khiến ta phải suy nghĩ. Rõ ràng, lộc dắt đầy quanh lưng kia hiểu một cách đơn giản đó chính là những chùm lá xanh mà người chiến sĩ ngụy trang. Thế nhưng, có một cách hiểu khác toàn diện hơn. Đối với con người Việt Nam không gì quan trong hơn ba ngày tết. Ngày tết, được sum vầy bên gia đình là hạnh phúc. Thế nhưng, các chiến sĩ vì nhiệm vụ đã không thể có được niềm vui ấy. Không để các chiến sĩ buồn lòng, nhân dân đã mang biếu họ những món quà tết đơn sơ nhưng thấm đượm nghĩa tình. Đó có thể là đôi bánh chưng, nắm xôi vò, thịt mỡ, dưa hành,… Chính những hành động ấy gắn kết tình nghĩa quân dân, sướng cùng sướng, khổ cùng khổ, đâu đâu cũng là nhà, ai ai cũng là anh em.

Dẫu mùa xuân mới có tràn về trên khắp đất nước nhưng con người vẫn không quên nhiệm vụ. Người nông dân vãn chăm sóc cánh đồng, người chiến sĩ vẫn cầm súng canh giữ bầu trời. Tất cả hừng hực khí thế:

“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”

Âm vang từ hai từ láy “hối hả”, “xôn xao” làm rộn lên không khí khẩn trương, náo nức, hồ  hởi. Cuộc sống mạnh mẽ của sức sống dâng trào. Câu thơ là tiếng nói tự hào ngợi ca về đất nước của con người Việt Nam sau bao nhiêu khó khăn gian khổ:

“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.

Hình ảnh “đất nước bốn nghìn năm” văn hiến giữ nước và dựng nước. Để có được ngày hôm nay, dân tộc ta đã trải qua bao thử thách, chông gai với những mất mát hi sinh gian khổ. Lời thơ mang âm điệu của khúc quân hành dừng lại nhìn về quá khứ đầy tự hào để tiếp bước đi tới tương lai.

Hình ảnh so sánh đất nước như vì sao rất tinh tế ý nhị. “Vì sao” là tượng trưng lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh “vì sao” lại mang một ý nghĩa tượng trưng: “Sao” là tinh tú trên bâu trời luôn tỏa sáng. Dân tộc Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng kiên cường bất khuất. Lời thơ khẳng định niềm tự hào lớn lao và lòng tin tưởng vững chắc vào tương lai đất nước:“cứ đi lên phía trước”. Với âm điệu mạnh mẽ khẳng khái đầy tự tin, lạc quan bất chấp những khó khăn trở ngại. Niềm tin của nhà thơ thật đáng trân trọng.

Tố Hữu trong bài thơ “Chào xuân 67” cũng đã từng thiết tha nghĩ về đất nước như thế:

“Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng… “

(Chào xuân 67 – Tố Hữu)

Đất nước là người mẹ vĩ đại, bao dung và hiền hậu. Đất nước trường tồn cùng thời gian, vĩnh hằng trong lòng người cũng là cảm hứng thi ca trong lòng chế Lan Viên:

“Ôi tổ quốc! ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết:
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”

(Sao chiến thắng- Chế Lan Viên) 

Không thiết tha như Tố Hữu hay mãnh liệt như Chế Lan Viên, nhà thơ Thanh Hải chọn cách biểu hiện nhẹ nhàng, sâu lắng như tiếng lòng, như lời sẻ chia, mong cầu thật hồn hậu, gần gũi biết bao.

Từ cảm xúc trước mùa xuân của dân tộc, nhà thơ thể hiện khát vọng được sống đẹp, được cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đời chung của dân tộc:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Niềm khát khao được góp mình làm một con chim, một cành hoa, một nốt trầm trong muôn vàn âm thanh hương sắc tươi đẹp của mùa xuân, một bản hòa tấu muôn lời. Một khát vọng thật khiêm tốn bình dị nhưng cũng thật đẹp. Là một nốt nhạc nhưng không phải là một ầm thanh cao vút, lảnh lót khiến người ta thán phục hay kinh ngạc mà chỉ là nốt trầm trong bản hòa ca làm “xao xuyến” lòng người:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Lời thơ lắng xuống như lời thì thầm. Tất cả những ước nguyện của nhà thơ được bộc bạch chính là ước nguyện được làm một mùa xuân nho nhỏ đơn sơ bỉnh dị, khiêm tốn, góp vào mùa xuân lớn lao của đất nước. Khát vọng cống hiến đã đẹp nhưng thái độ cống hiến lại càng đẹp hơn “Lặng lẽ dâng cho đời”. Âm thầm cống hiến không đòi hỏi mình sẽ được gì, không mong muốn mọi người biết được mình đã làm gì.

Hình ảnh mùa xuân nho nhỏ càng giàu tính thẩm mĩ, lẽ sống cao đẹp của nhà thơ như Tố Hữu đã từng viết “Sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình”. Cho đi có nghĩa là sẽ được nhận lại. Đó là lối sống bao dung, nhân ái, hướng đến chân, thiện, mĩ.

Hai câu cuối khổ thơ khẳng định thái độ cống hiến bền bỉ. Lời thơ rắn rỏi quả quyết trong cách lặp lại đầy mạnh mẽ và bất chấp thời gian tuổi tác. “Tuổi hai mươi” của một sức sống căng đầy mạnh mẽ cho đến khi “tóc bạc” sức sổng đã cạn kiệt, trải qua bao thăng trầm cùa cuộc đời. Nhà thơ vẫn muốn cống hiến những kinh nghiệm từng trải, khát vọng muốn cống hiến cả cuộc đời mình thách thức với thời gian và bệnh tật thế hiện quan niệm sống thật tích cực làm người đọc càng xúc động và trân trọng nhân cách nhà thơ.

Ở khổ cuối lời thơ trải dài chậm rãi. Trong cái ngất ngây trước mùa xuân của đất trời của quê hương, cùa dân tộc, nhả thơ đã cất tiếng hát:

“Mùa xuân, ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”.

Với làn điệu quê hương xứ Huế, với câu hát truyền thống khúc Nam ai, Nam bình. Đất nước quê hương mãi rạn rỡ và ấm áp trong tâm hồn nhà thơ, mãi mãi là tình yêu cuộc sống. Điệp ngữ “Nước non ngàn dặm” được láy lại như lời chân thành ngợi ca đất nước, ca ngợi mùa xuân của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã khép lại nhưng lời hát và tình yêu của tác giả vẫn còn vang vong mãi ngàn sau.

  • Kết bài:

“Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải nhưng đó lại là sự cống hiến hết sức lớn lao của nhà thơ dành cho cuộc đời làm cho mỗi chúng ta phải suy ngẫm khi đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Bài thơ giàu nhạc điệu khi thì nhẹ nhàng, khi tha thiết, lúc bay bổng lắng sâu, lúc mạnh mẽ khẳng khái. Cả bài thơ là bài ca về mùa xuân, về đất nước, về cuộc đời. Các điệp từ điệp khúc được láy lại làm nổi bậc tâm nguyện của nhà thơ với ước nguyên chân thành và cao đẹp. Thanh Hải giúp ta hiểu hơn về tình yêu quê hương, đất nước, về lẽ sống cao đẹp của cuộc đời.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Bài 2. Củng cố, mở rộng kiến thức (Ngữ văn 10, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn
  2. Bài 4. Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) (Ngữ văn 7, Kết nối tri thức) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.