Cảm nhận cái tâm và cái tài của Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

cam-nhan-cai-tam-va-cai-tai-cua-nguyen-du-qua-doan-trich-kieu-o-lau-ngung-bich

Cảm nhận cái tâm và cái tài của Nguyễn Du qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

1. Giải thích “cái tâm” và “cái tài”:

– Tâm: là tấm lòng, tình cảm, trái tim giàu cảm xúc, cảm thông, rung động trước cuộc đời trước mỗi số phận con người, yêu thương tha thiết, thái độ trân trọng, bênh vực che chở con người.

– Tài: là tài năng, tài hoa, uyên bác, đó là sự thăng hoa, bay bổng trong sáng tạo và sự công phu mài rũa phi thường của người nghệ sĩ. Tài năng ấy chính là sự diễn đạt đúng cảnh, đúng tình, đúng người, đúng tâm trạng ; ở ngôn ngữ chọn lọc công phu mài rũa…

Nguyễn Du thường nói đến tâm và tài và thường đề cao cái tâm “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhưng ở trong các tác phẩm của Nguyễn Du người ta thấy sự cân xứng hài hoà của một trái tim lớn (tâm), một nghệ sĩ lớn (tài) . Tâm lớn mà tài cũng lớn. Đọc Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều thể hiện sự sáng tạo, một bút lực phi thường “Lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” và tất cả những lời vàng ngọc ấy đều được viết ra từ một tấm lòng đau đớn cho thân phận loài người, cho thời thế và cho nhân thế.

2. Tâm và tài Nguyễn Du thể hiện qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.

a. Cái tâm của Nguyễn Du:

– Nguyễn Du như hóa thân vào Thúy Kiều để tạo dựng cảnh ngộ, tâm trạng của nàng.

– Cảnh thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích có đủ núi xa trăng gần nhưng cả ba chiều đều gợi về hoang vắng, xa lạ, cách biệt. Nó tô đậm cảnh ngộ cô đơn góp phần bộc lộ tâm trạng cô đơn buồn tủi của Thúy Kiều. Cảnh vật càng rộng lớn bát ngát thì con người Kiều ở đây càng nhỏ nhoi, cô đơn, càng buồn tủi, ngổn ngang…Bẽ bàng vì buồn tủi bởi chỉ có mây làm bạn sớm và đèn trong làm bạn đêm khuya “Bẽ bàng mây sớm  đèn khuya”…làm tấm lòng Kiều như bị cắt ra đau đớn.

– Tấm lòng thi sĩ như thấu hiểu nỗi nhớ niềm thương của Kiều. Trong tâm trạng cô đơn, Kiều nghĩ về quá khứ, người thân đó là Kim Trọng, đó là cha mẹ…nhưng càng nghĩ , càng nhớ thì càng đau xót. Nhớ chàng Kim thì  “Vầng trăng vằng vặc… song song” rồi quay lại mình “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai » càng thêm đau đớn…nhớ cha mẹ thì “Xót người tựa cửa…gốc tử đã vừa người ôm”

– Cực tả nỗi nhớ niềm thương, Nguyễn Du thêm một lần đề cao vẻ đẹp đức hạnh của Kiều. Trái tim Nguyễn Du xúc động đau đớn, thấu hiểu cảm thông lạ lùng với Kiều mới có thể hiểu hết những tình cảm xót xa, tội nghiệp của người con gái xa nhà thương cha mẹ, tình yêu tan vỡ, mới viết được dòng thơ miêu tả tâm trạng đặc sắc ấy.

– Tâm trạng cô đơn trước cửa biển chiều hôm. Đây chính là bức tranh tâm trạng đăc sắc nhất, chỉ với câu lục bát chia thành bốn cặp, những câu lục bát được diễn đạt bắt đầu bằng “buồn trông”. Bốn lần buồn trông từ xa tới gần, từ cao xuống thấp từ hình ảnh , màu sắc đến âm thanh…tạo nên sự điệp nhịp, như nỗi buồn đang dâng lên lớp lớp. Đoạn thơ đã diễn tả được diễn biến tâm trạng nàng Kiều từ nhìn đơn côi – cánh buồm xa xa, nhìn băn khoăn – hoa trôi man mác biết là về đâu, nhìn nhòa nhạt – không thấy người đi, không thấy hy vọng gì chỉ một màu xanh xanh. Nhìn biển – nhìn nước – nhìn cỏ – nhìn gió vẫn là một kiểu “buồn trông”. Nhưng đến lần thứ tư, tiếng sóng biển đã ập vào tâm trạng nàng, bao bọc lấy nàng bằng tiếng kêu dữ dội « ầm ầm tiếng sóng »

– Nguyễn Du rất hiểu tâm trạng cô đơn lẻ loi của Kiều và đã miêu tả thiên nhiên và miêu tả tâm trạng thật tinh tế, thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng, bộc lộ tâm trạng theo qui luật tâm lý “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

b. Cái tài của Nguyễn Du:

– Miêu tả thiên nhiên chân thực sống động, từ xa đến gần , từ nhạt đến đậm. Thiên nhiên đẹp nhưng buồn, hợp với qui luật tâm lý.

– Qua thiên nhiên để gợi tả tâm trạng của Kiều, một thành công của tả cảnh ngụ tình :

– Dùng thành ngữ điển cố nhuần nhuyễn. Kết hợp từ thuần nôm với Hán Việt.

– Dùng điệp ngữ, từ láy, ẩn dụ vừa gợi tả vừa gợi cảm

– Qua độc thoại nội tâm để bộc lộ tâm trạng Kiều vừa hợp lý vừa sâu sắc.

Bút pháp tả cảnh ngụ tình làm cho đoạn trích không chỉ là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.