Cảm nhận đức hi sinh cao cả của nhân vật ông Sáu (Chiếc lược ngà) và anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa)

cam-nhan-duc-hi-sinh-cao-ca-cua-ong-sau-chiec-luoc-nga-va-anh-thanh-nien-lang-le-sa-pa

Cảm nhận đức hi sinh cao cả của nhân vật ông Sáu (Chiếc lược ngà) và anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa)

Rất “thèm” người nhưng nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long) lại xung phong lên làm việc trên đỉnh Yên Sơn Cao hai nghìn sáu trăm mét không một bóng người. Để rồi từng ngày vẫn luôn khao khát được gặp người.

Rất yêu thương con nhưng nhân vật anh Sáu trong tác phẩm Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) lại dứt khoát từ giã gia đình đi chiến đấu. Để rồi nơi chiến khu khôn nguôi thương nhớ con.

Qua cảm nhận về những hành động nghịch lí của hai nhân vật trên, em hãy chỉ ra những thông điệp mà các tác giả đã gửi gắm.


* Gợi ý làm bài:

  • Mở bài:

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long) và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) là hai tác phẩm xuất sắc của nền văn học kháng chiến. Tuy viết về hai đối tượng trong những tình thế khác nhau nhưng hai nhà văn gặp nhau ở một điểm chung: phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp con người sau những hành động tưởng chừng như là nghịch lí nhưng lại hết sức hợp lí. Từ đó gửi gắm đến người đọc những thông điệp sâu sắc.

  • Thân bài:

Cảm nhận chung về 2 nhân vật.

Nhân vật chính là linh hồn của tác phầm. Nhân vật cũng là đối tượng chuyển tải mọi thông điệp của tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Để xây dựng nhân vật, nhà văn phải dụng công trong việc lựa chọn các tình tiết nhằm khắc họa lời nói, hành động, suy nghĩ,… Nhờ đó, các nhân vật mới hiện lên sinh động, cụ thể, vừa có hình vừa có hồn.

Hành động nghịch lí có thể hiểu là những hành động nhìn có vẻ như không logic nhưng thật ra là đúng đắn và chân thực. Thế nên, theo cách nghĩ thông thường, “thèm” người thì phải chọn chốn đông người mà đến và làm việc. Yêu gia đình thì phải luôn ở bên gia đình, được trong nhìn và nói chuyền, yêu thương từng ngày.

Ấy thế mà nhân vật anh thanh niên và ông Sáu đã có những lựa chọn kì lạ. Anh thanh niên xung phong lên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét không một bóng người. Nơi ấy quanh năm vắng vẻ. Anh một mình trên đỉnh cao, làm bạn với mây gió và chim rừng. Ông Sáu tình nguyện từ giã gia đình đi chiến đấu lúc con gái  đầu lòng chưa đầy một tuổi. Đến khi con gái anh lên tám tuổi anh mới có dịp trở về.

Thông qua việc xây dựng những chuỗi suy nghĩ, hành động nghịch lí ấy, tác giả đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về nhân vật. Đó cũng là cách gửi gắm thông điệp thầm lặng của người sáng tác.

Vẻ đẹp đức hi sinh cao cả:

Đức hi sinh thầm lặng anh thanh niên:

Hình ảnh anh thanh niên trên đỉnh cao mây mù, lộng gió ngày đêm một mình với công việc cho ta thấy anh là một người rất yêu nghề. Anh nhận rõ được ý nghĩa công việc mình đang làm và luôn gắn bó, có trách nhiệm với công việc. Anh nhận ra công việc ấy tuy thầm lặng nhưng cần thiết, đống góp nhiều cho đất nước.

Ngày đầu xung phong lên miền cao ấy, có lẽ anh cũng đã hình dung về nơi mình sẽ đến, việc mình sẽ làm rất khó khăn vất vả. Nhưng với tấm lòng yêu nước thiết tha, tuổi trẻ sôi nổi và niềm say mê công việc, anh đã dũng cảm lên đường.

Xét cho cùng, biểu hiện cao nhất của lòng yêu cuộc sống và con người chính là khao khát được cống hiến. Việc “thèm” người, yêu quý con người của anh thanh niên chính là lí do thôi thúc anh lựa chọn làm việc trên đỉnh cao cô độc. Qua đó thể hiện rõ thông điệ của tác giả: hãy sống hăng say, hãy biến tình yêu cuộc sống và con người thành ý thức đóng góp, thành nhiệt huyết với công việc xây dựng tổ quốc.

Đức hi sinh vì con của ông Sáu:

Lựa chọn của ông Sáu một lần nữa khẳng định sâu sắc điều đó. Chiến tranh là nguyên nhân bắt ông Sáu phải có lựa chọn nghiệt ngã. Ông phải rời xa gia đình đi chiến đấu lúc bé Thu – con gái của ông – chưa đầy một tuổi. Chiến tranh chia cắt gia đình. Chiến tranh cũng gây ra những mất mát đau thương không thể bù đắp nổi và những hoài nghi thật khó lí giải.

Ông Sáu ra đi vì tổ quốc. Nhưng ẩn sau đó là tình yêu gia đình thiết tha. Việc đi chiến đấu cũng là gìn giữ đất nước. Đó cũng là để được đoàn tụ, chung sống hạnh phúc cùng vợ và con trong khung cảnh thanh bình. Tình yêu gia đình chính là động lực lớn lao để người chiến sĩ tiến về phía trước. Đó cũng chính là thông điệp mà Nguyễn Quang sáng đã khéo léo gửi đến người đọc: tình yêu nhà và tình yêu đất nước là hai khái niệm không thể tách rời, hướng người ta vươn đến những đều tốt đẹp nhất.

Đằng sau những hành động có vẻ nghịch lí của nhân vật là những điều hết sức hợp lí. Yêu thương, gắn kết với ai đó hoặc cái gì đó không có nghĩa là phải kề cận gần bên. Tình yêu cao cả là phải sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để có thể mang lại những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu quý.

Thông qua tình yêu với con người và gia đình, cả hai tác giả đều hướng người đọc đến một tình yêu lớn lao hơn. Đó là tình yêu tổ quốc. Tình cảm thiêng liêng ấy thể hiện qua công việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây là thông điệp hết sức ý nghĩa.

  • Kết bài:

Việc lựa chọn những hành động tưởng chừng nghịch lí ấy đã cho thấy tài năng của hai tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp đức hi sinh cao cả của nhân vật và tư tưởng của tác phẩm. Tài năng ấy bắt người từ tấm lòng tha thiết đối với cuộc đời.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.