Cảm nhận hình ảnh đất nước trong đoạn trích Đất nước (trích Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)

cam-nhan-hinh-anh-dat-nuoc-trong-doan-trich-dat-nuoc-trich-mat-duong-khat-vong-cua-nguyen-khoa-diem

Cảm nhận hình ảnh đất nước trong đoạn trích “Đất nước” (trích Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)

  • Mở bài:

Đoạn trích Đất Nước (Trích chương V từ Trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm chứa đựng hình ảnh đất nước đã được mã hóa trong không gian và thời gian. Cái bề thế của một nền văn hiến bốn nghìn năm mà nhà thơ tiếp nhận được đã biến thành một dòng chảy tâm hồn. Dòng chảy ấy có tiếng róc rách của con suối khởi nguyên, có xôn xao của một dòng sông, có cả cái ào ạt của những con sóng biển dâng trào. Khúc giao hưởng ấy, vẫn mãi ngân nga trong tâm hồn người đọc như mạch nước ngầm thấm sâu vào từng kẽ đất bởi vẻ đẹp muôn màu của không gian văn hóa đất nước.

  • Thân bài:

Đất Nước mang tính trữ tình – chính luận vừa dồi dào cảm xúc, vừa sâu lắng, suy tư. Chương V cũng tạo ra được một giọng điệu, một không gian nghệ thuật riêng đầy màu sắc sử thi, có tác dụng đưa người đọc vào một thế giới hấp dẫn bởi những phong tục tập quán, những mĩ tục thuần phong vừa đậm đà tính dân tộc, lại vừa rất mới mẻ và hiện đại trong cách cảm nhận, cũng như trong hình thức thể hiện bằng thể thơ tự do tuôn chảy tự nhiên như hơi thở của cuộc sống đang thuận buồm xuôi gió vậy. Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn thấu suốt chiều dài của lịch sử văn hoá dân tộc, mượn vẻ đẹp đa dạng của nó ở chiều sâu và bề dày để tắm lên lời thơ của mình những hình ảnh duyên dáng, mượt mà.

Đất nước hiện hình trong chiều dài của lịch sử văn hoá bốn ngàn năm:

Không gian của Đất Nước không thông qua những sử liệu, những khái niệm khô khan, trừu tượng mà được dệt bằng những điều thật cụ thể, thân thuộc, bình dị:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”… mẹ thường hay kể.”

Đó là niềm tự hào về bề dày lịch sử mà không phải đất nước nào cũng có được. Nhà thơ nói về ngày khai sinh ra Đất Nước theo huyền thoại, gắn với những câu chuyện cổ tích hấp dẫn, sinh động:

“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Đất Nước lớn lên cùng với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Theo Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước cũng như một thực thể sống có quá trình sinh ra và lớn lên. Sinh ra từ những điều giản dị, thân quen; lớn lên bằng tinh thần quật cường mạnh mẽ để sinh tồn và trưởng thành. Trong Thời gian đằng đẵng ấy là lịch sử nối tiếp của biết bao thế hệ cha anh:

“Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.”

Thế hệ đi trước có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa tinh thần, đặc biệt phải cùng nhau biết hướng đến nguồn cội bằng lòng biết ơn và thành kính sâu sắc. Khi nhắc đến ngày giỗTổ là nhắc đến cội nguồn và trách nhiệm của biết bao thế hệ, giọng thơ bỗng trở nên trang nghiêm, tha thiết. Đó là bà, cha mẹ, anh em… lớp lớp người nối tiếp nhau. Cho nên, đất nước luôn tiềm tàng mối quan hệ máu thịt giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả đoàn kết thành một khối cùng vun đắp và phát triển cho Đất Nước vẹn tròn, to lớn.

Đất nước hiện hình trong bề dày văn hoá mênh mông:

Văn hoá của một dân tộc thể hiện rõ nét ở phong tục tập quán, lối sống và nếp sinh hoạt của người dân. Nguyễn Khoa Điềm đã không quên khai thác phương diện này để xây dựng những hình ảnh thơ và những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa:

“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Hay: Tóc mẹ thì bới sau đầu
Và: Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

Không gian văn hoá của đất nước không ở đâu xa lạ mà có ngay trong bản thân đời sống nhân dân, từ cái kèo, cái cột, từ những vật dụng đơn sơ tạo nên cuộc sống, từ cả chỗ đất làm nhà, trồng lúa, trồng tre…Tất cả những sự vật thân quen, bình dị ấy, cùng với những phong tục tập quán của nhân dân như ăn trầu, trồng tre, búi tóc sau đầu…đều làm nên khuôn mặt dân tộc – một dân tộc sống trong lam lũ nhưng người với người sống để yêu nhau chan chứa nghĩa tình đằm thắm, keo sơn. Đặc biệt, miếng trầu trở thành biểu tượng rất quen thuộc. Trong ca dao, trầu cau là biểu tượng của đôi trai gái yêu nhau, biểu tượng của tình yêu, của sự gắn bó lứa đôi bền chặt. Trầu – cau trở thành biểu tượng cho sự gắn bó, hòa hợp nồng thắm. Chất cay thơm của lá trầu cộng với chất chát của miếng cau và độ nồng của vôi tạo nên một thứ “Hạnh phúc màu đỏ”. Một miếng trầu trao nhau tạo nên nghĩa, nên tình:

“Miếng trầu ăn kết làm đôi
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng
Trầu xanh, cau trắng, cay nồng
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.”

Trầu cau cũng là biểu tượng cho tình nghĩa con người Việt Nam. Trong tình yêu, tình nghĩa này biểu hiện ở lòng chung thủy, ở ước mơ đôi lứa được sống trăm năm. Tình yêu trong ca dao luôn hướng về hôn nhân, hướng về tình nghĩa vững bền. Nó thể hiện một quan niệm rất đúng đắn của con người bình dân trước vấn đề luyến ái. Miếng trầu gắn chặt với phong tục, tập quán, miếng trầu biểu trưng cho tính cách con người Việt Nam thủy chung, nhân nghĩa. Miếng trầu đã góp phần làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa của đất nước.

“Đất nước còn gắn với không gian huy hoàng, tráng lệ:
Đất là nơi “ con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi””

Chim phượng hoàng, cá ngư ông còn là những biểu tượng về đất nước trong ca dao:

“Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Những câu ca dao miền Trung giản dị như người dân quê lam lũ mà nặng tình nơi đây đã giúp nhà thơ cụ thể hoá một cách thật sinh động hình tượng đất nước. Nó gợi được không gian quá khứ xa xăm và lấp lánh sắc màu huyền thoại khiến cho hình tượng đất nước càng trở nên thiêng liêng, cao đẹp. Mặt khác, hai hình ảnh chim phượng hoàng, cá ngư ông còn gợi lên một niềm tin, một khát vọng về chủ quyền đất nước. Cảm nhận được điều này, Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng bài ca dao ấy vào trong thơ mình và nâng nó lên một tầm giá trị mới: Đất nước Việt Nam không chỉ là một đất nước thiêng liêng mà còn là một đất nước giàu đẹp với những sản vật quý hiếm. Tác giả đã dùng biện pháp điệp ngữ và sử dụng kiểu câu khẳng định Đất là nơi…, Nước là nơi… như để khẳng định một lần nữa đất nước Việt Nam là một đất nước có chủ quyền, có độc lập dân tộc, dân chủ. Đất nước ấy không thể bị chia cắt, không thể chịu sự cai trị của kẻ ngoại bang.

Đất nước hiện hình trong không gian riêng tư của tình yêu đôi lứa:

Màu sắc văn hoá dân gian còn tắm lên không gian riêng tư của tình yêu đôi lứa đầy thi vị và nên thơ:

“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm”

Tác giả đã dùng biện pháp tách từ rồi ghép từ để định nghĩa, giảng giải về khái niệm Đất Nước. Một định nghĩa không khô khan mà giàu liên tưởng đem đến bao nhiêu điều bất ngờ thú vị. Không gian đất nước thật cụ thể, thân thương, gắn với mỗi con người và những sinh hoạt trong đời sống, là nơi anh đến trường, là nơi em tắm, là không gian tuyệt diệu của tình yêu đôi lứa. Đất mở ra cho anh một chân trời kiến thức, nước gột rửa tâm hồn em trong sáng, dịu hiền. Cùng với thời gian lớn lên, đất nước trở thành nơi anh và em hò hẹn. Không những thế, đất nước còn là người bạn chia sẻ những tình cảm nhớ mong của người đang yêu. Cách sử dụng từ ngữ thật khéo léo của nhà thơ đã gợi lên sự hài hoà, nồng thắm của anh và em, của đất nước mình. Đất nước là hình ảnh thân quen nhất:

“Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.”

Tình yêu đôi lứa qua sự chờ đợi cũng là một yếu tố tạo thành đất nước. Hình ảnh chiếc khăn trong câu thơ chính là nhà thơ đã chắt lọc ra từ nhiều bài ca dao khác nhau:

“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai…”

Khi muốn tránh sự sỗ sàng, nhân dân thường gởi tâm sự vào những vật xung quanh, tránh nói đến cái “tôi” của mình. Ở đây, để biểu lộ sự nhớ nhung da diết đến người yêu của cô gái, nhân dân đã dùng hình tượng đằm thắm của chiếc khăn để rồi nhân cách hóa nó như một con người thực thụ. Khăn cũng biết thương yêu nên khăn rơi xuống đất, khăn biết nhớ nên khăn vắt lên vai, khăn biết bùi ngùi, đau khổ khi xa vắng bạn tình nên khăn chùi nước mắt… Nỗi nhớ ở đây không chỉ lắng đọng mà cồn cào, bần thần, không chỉ là lặng lẽ mà còn ồ ạt, dữ dội… Tất cả nỗi sầu tư ấy gói gọn trong chiếc khăn được nhân cách hóa lên thành một vật có linh hồn, rung động như nhịp trái tim thổn thức của người đang ưu tư, sầu cảm. Điều này cũng được thể hiện trong những câu ca dao như:

“Em về anh mượn khăn tay
Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên”

Hay:

“Nhớ khi khăn mở trầu trao
Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình”

Nguyễn Khoa Điềm đã bắt trúng mạch và nắm đúng hồn của bài ca dao Khăn thương nhớ ai để rút ra hai chữ Nhớ thầm. Do đó, mặc dù ngắn gọn nhưng ý thơ rất tinh tế. Bài ca dao Khăn thương nhớ ai đã vượt được chặng đường thời gian, hóa thân vào trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm để đến với chúng ta trong ngày hôm nay khi con người vẫn đang rất cần tình yêu, cần nỗi thương nhớ ngọt ngào và sâu lắng như thế! Chính đất nước là nơi khắc ghi những kỷ niệm mơ mộng tuyệt vời ấy!

Hãy lắng tâm hồn mình lại đọc câu thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm:

“Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Ta thấy thấp thoáng bóng dáng câu ca dao:
Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”

Từ đó, ta càng thấm thía cái nghĩa tình sâu sắc ẩn giấu đằng sau những câu ca dao kia. Con người Việt Nam ta là vậy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác đã truyền lại cho nhau, đã “dạy” con, “dạy” cháu biết mở rộng vòng tay yêu thương đối với mọi người dù đó chỉ mới là em bé nằm trong nôi. Chính điều đó đã làm nên truyền thống nhân văn bền vững và dày lên theo năm tháng của dân tộc Việt Nam ta. Nguyễn Khoa Điềm như khẳng định lại một lần nữa đất nước Việt Nam, đất nước của truyền thống nhân văn cao cả.

Đất nước trong không gian sinh tồn của dân tộc:

Đất nước còn tồn tại trong không gian sinh tồn của cả dân tộc:

“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Nhắc đến Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhắc đến giỗ Tổ Hùng Vương, tác giả muốn nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn văn hoá của dân tộc. Dù bôn ba ở tận chốn nào, người Việt Nam cũng hướng về đất Tổ, nhớ đến dòng giống Rồng Tiên của mình. Đất nước Việt Nam còn là đất nước có truyền thống Uống nước nhớ nguồn. Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận đất nước qua độ dài vô tận của thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông và không gian không chỉ có chiều rộng mà điều quan trọng trên nền thời gian ấy đã có biết bao nhiêu biến thiên lịch sử vừa chân thật, vừa phảng phất chất huyền thoại. Không gian vừa là núi cao, sông rộng lại vừa là nơi sinh sống của bao nhiêu người Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác chim có tổ, người có tông ( tục ngữ). Nguyễn Khoa Điềm viết :

“Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”

Đất nước Việt Nam là nơi đất thiêng, là bình địa yên lành, nhân hậu để cho sự cao quý thanh khiết hội tụ: Đất là nơi chim về phải chăng là một lời giải thích cho câu tục ngữ Đất lành chim đậu?. Tuy ngắn gọn những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm rất súc tích, hàm chứa những ý tưởng lớn lao. Chứng tỏ, tác giả vận dụng vốn hiểu biết văn hóa dân gian rất linh hoạt và sáng tạo.

Đất nước hiện hình trong không gian địa lí gắn với vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh:

Cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về gương mặt đất nước qua những miền không gian địa lí, những danh lam thắng cảnh:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mười chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con Rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Dày đặc các từ ngữ chỉ địa danh trải dài theo bản đồ cong cong hình chữ S để tạo nên tấm bản đồ văn hoá. Thế nhưng, nhà thơ đã không dùng phép liệt kê đơn thuần của một nhà địa lí, bởi thấp thoáng trên những không gian ấy là những huyền thoại, truyền thuyết biểu hiện cho tính cách Việt, tâm hồn Việt. Từ rất lâu, ông cha ta đã kể những câu chuyện, những sự tích về núi Vọng Phu, hòn Trống Mái…để cảm nhận hình ảnh thiên nhiên hay cùng chính là để gửi gắm, kí thác tâm hồn mình. Vì vậy, ta còn thấy trên mỗi ngọn núi, dòng sông đều có sự hoá thân của một nét đẹp tính cách dân tộc, một lẽ sống của con người Việt Nam. Có thể nói, chính những con người bình dị, những sự vật nhỏ bé bình thường ấy đã làm nên vẻ đẹp của bức chân dung tâm hồn dân tộc, làm nên chiều sâu văn hoá và sức sống bất tử của đất nước xinh đẹp này.

  • Kết bài:

Toàn bộ chương “Đất Nước” như một sợi dây: đất nước trường tồn trong chiều dài thời gian, trong chiều rộng không gian, trong phong tục tập quán, trong tâm hồn và tính cách người Việt. Bằng sợi dây dẻo dai ấy, những hạt cườm trữ tình óng ánh, lung linh được xâu thành chuỗi cườm Đất Nước muôn đời. Chuỗi cườm ấy chính là màu sắc văn hoá dân gian, hồn dân tộc sẽ là sức sống bất diệt của trường ca vì những giá trị tinh thần sẽ tồn tại bất biến, vĩnh cửu. Bởi vậy, thế giới nghệ thuật của “Đất Nước” có sự thống nhất giữa vẻ đẹp cổ điển văn hoá dân gian với cách cảm nhận mới mẻ, hiện đại của con người hôm nay. Có thể nói, đây là nét thẩm mĩ đặc sắc nhất của tác phẩm này. Nó làm cho tư tưởng Đất Nước của nhân dân đi vào lòng bạn đọc một cách thấm thía.

8 Trackbacks / Pingbacks

  1. Vẻ đẹp Kinh Bắc trong bài thơ "Bên kia sông Đuống" của nhà thơ Hoàng Cầm - Thế Kỉ
  2. Phân tích đoạn thơ “Những người vợ nhớ chồng… hóa núi sông ta” Nguyễn Khoa Điềm - Theki.vn
  3. Phân tích tư tưởng "Đất nước của Nhân dân" trong đoạn trích Đất nước (trích "Mặt đường khát vọng") của Nguyễn Khoa Điềm - Theki.vn
  4. Cảm nhận hình ảnh đất nước trong 9 dòng thơ đầu đoạn trích "Đất nước" ("Mặt đường khát vọng" - Nguyễn Khoa Điềm) - Theki.vn
  5. Cảm nhận về đoạn thơ “Trong anh và em hôm nay….làm nên Đất Nước muôn đời” ("Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm) - Theki.vn
  6. Đọc - hiểu văn bản: "Đất nước" (Nguyễn Đình Thi) - Theki.vn
  7. Phân tích đoạn trích "Đất nước" (trích trường ca "Mặt đường khát vọng") của Nguyễn Khoa Điềm - Theki.vn
  8. So sánh hình ảnh đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và đoạn trích "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm để làm nổi bật cảm hứng chung và sự sáng tạo của mỗi nhà thơ. -

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.