Cảm nhận hình ảnh nhân vật bé Hồng qua đoạn trích Trong lòng mẹ

cam-nhan-hinh-anh-nhan-vat-be-hong-qua-doan-trich-trong-long-me.jpg

Cảm nhận hình ảnh nhân vật bé Hồng qua đoạn trích “Trong lòng mẹ”.

  • Mở bài:

Đoạn trích “Trong lòng mẹ” trích trong “Những ngày thơ ấu”, một cuốn truyện kí nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng. Đoạn trích thể hiện sâu sắc và cảm động tình yêu thương lớn lao của chú bé Hồng dành cho người mẹ kính yêu của mình, bất chấp những lời gièm pha, miệt thị của bà cô cay nghiệt.

  • Thân bài:

1. Cảnh ngộ của bé Hồng.

– Gia cảnh sa sút, cha nghiện ngập mất sớm.

– Mẹ Hồng : Một người phụ nữ trẻ, khao khát yêu đương phải chôn vùi tuổi xuân của mình trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi chồng mất 1 năm, mẹ bé Hồng đã có con với người đàn ông khác => Cùng túng quá phải bỏ con đi tha phương cầu thực.

– Hồng trở thành đứa trẻ côi cút, sống lang thang, thiếu tình thương ấp ủ, bị ghẻ lạnh hắt hủi của những người họ hàng bên nội.

→ Tuổi thơ của Nguyên Hồng có quá ít những kỉ niệm êm đềm ngọt ngào. Chủ yếu là những kỉ niệm đau buồn, tủi cực của một đứa trẻ côi cút, cùng khổ.

2. Tâm trạng của bé Hồng khi đối thoại với bà cô.

– Kìm nén khi bà cô hỏi: “Có muốn vào Thanh Hoá chơi với mợ mày không”: Bé Hồng đã kìm nén xúc động, kìm nén nỗi đau, nhẫn nhục chịu đựng (cúi đầu không đáp, lòng thắt lại, khoé mắt cay cay).

– Khi bà cô nhắc dến em bé: nước mắt ròng ròng, chan hoà, đầm đìa ở cằm và ở cổ, hai tiếng em bé “xoắn chặt lấy tâm can em” và bé Hồng đã đau đớn: “cười dài trong tiếng khóc”. Nỗi đau đớn, sự phẫn uất không kìm nén lại được khiến Hồng : cười dài trong tiếng khóc.

– Khi nghe kể về tình cảnh của mẹ : ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi… : cổ họng nghẹn ứ, khóc không ra tiếng.

→ Diễn tả tình yêu thương mẹ, sự nhạy cảm và lòng tự trọng cao độ của chú bé Hồng, sự uất ức, căm giận với hủ tục phong kiến.

3. Tâm trạng của bé Hồng khi ở trong lòng mẹ.

– Khi thoáng thấy bòng người ngồi tren xe giống mẹ: vội vã, đuổi theo, gọi rối rít. Lòng khắc khoải mong chờ, sự khao khát được gặp mẹ: “khác gì cái ảo ảnh….sa mạc .

– Khi ngồi trên xe: oà khóc nức nở, khóc vì hờn dỗi, vì sung sướng, hạnh phúc, vì mãn nguyện.

– Khi trong lòng mẹ: Được ngắm gương mặt mẹ, được cảm nhận hơi thở thơm tho phả ra từ khuôn miẹng xinh xắn nhai trầu của mẹ. Hồng vô cùng sung sướng hạnh phúc, bé đã cảm nhận được: những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng mơn man khắp da thịt.

→ Những rung động cực điểm của tâm hồn cực kì đa cảm, cảm xúc chân thành của 1 chú bé khao khát tình mẫu tử : phải bé lại……… mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

  • Kết bài:

–  Với nghệ thuật miêu tả tâm lý tinh tế, sâu sắc, kết hợp với chất trữ tình trong văn bản thế hiện, nhà văn đã khắc họa thành công diễn biến tâm lí của nhận vật bé Hồng với biết bao cay đắng, tủi cực cùng tình thương yêu cháy bỏng đối với người mẹ bất hạnh của bé Hồng và cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động giữa cậu bé Hồng và người mẹ ở cuối văn bản. Ngôn ngữ thể hiện rất chân thực và thấm đẫm chất trữ tình, giọng văn tuôn trào cảm xúc.


* Tham khảo:

  • Mở bài:

Đoạn trích “Trong lòng mẹ” phơi bày cuộc sống đắng cay của nhận vật bé Hồng, lúc mẹ Hồng đi làm ăn xa, Hồng ở nhà một mình chống chọi lại với nghịch cảnh của mình. Bé Hồng là hình ảnh một tuổi thơ nhiều bất hạnh nhưng vẫn tỏa sáng một trái tim thương yêu sâu sắc, để lại ấn tượng xúc động trong lòng người đọc.

  • Thân bài:

Chú bé Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, không hạnh phúc. Sau ngày cha mất, mẹ chú vì cùng túng quá đã bỏ đi tha phương cầu thực, bỏ chú sống đơn độc trong sự ghẻ lạnh của họ hàng. Giữa những con người vô tâm, tàn nhẫn, chú bé Hồng đã gắng gượng sống và chờ đợi mẹ trở về. Người cô ích kỷ, với sự thù ghét cố hữu đối với mẹ hồng, đã luôn tìm cơ hội gièm pha, cạnh khóe, cố tình làm cho cạu phải đau khổ, tủi nhục, căm phẫn và ruồng rẫy mẹ mình.

Tàn nhẫn hơn, người cô luôn giấu ý đồ đó sau vỏ bọc quan tâm, niềm nở đối với chú bé tội nghiệp, đáng thương. Người cô chẳng khác gì một con sói gian ác đang đùa giỡn với cảm xúc của con cừu non bé bỏng, ngây thơ và yếu đuối. Hồng nhận ra tất cả sự giả dối ấy nhưng cậu đã phải gắng sức chịu đựng, kìm nén. Song nỗi đau thương cho mình và cho mẹ vượt quá sự chịu đựng của đứa trẻ,chú đã phải khóc rất nhiều, nước mắt ngậm ngùi của đứa trẻ thầm vụng tủi cực “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa, đầm đìa ở cằm và ở cổ”.

Sự xúc phạm hình ảnh người mẹ, tình yêu thương và lòng kính trọng mẹ của chú bé Hồng cứ tăng dần lên. Đúng ở vai bề trên, người cô đã tỏ ra thắng thế và thực hiện mưu đồ của mình một cách dễ dàng. Hồng cứ thế mà chịu trận, chẳng thể nào thoát ra được. Tâm trạng đau đớn, uất ức của chú bé dâng đến cực điểm khi nghe người cô cứ tươi cười kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ mình. Nghĩ về nỗi vất vả, cơ cực và khổ nhục của mẹ khiến chú không thể nào kìm nén nổi cảm xúc.

Nỗi căm hận những cổ tục đã đày đoạn người mẹ khiến lòng bé Hồng sôi sục nhưng cũng phải cố dằn lại trước mưu đồ độc ác của người cô: “Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh,đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn,mà nhai,mà nghiền cho kì nát vụn mới thôi”. Điều đó thể hiện sự phản kháng quyết liệt và cũng rất hồn nhiên, trẻ con của chú bé Hồng. Sự căm tức dữ dội ấy chính là biểu hiện đầy đủ của tình yêu thương mẹ tha thiết.

Khi người mẹ trở về, mọi công sức của bé Hồng được đền đáp. Chỉ thoáng thấy bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ mình thôi, bé Hồng đã cuống quýt đuổi theo và bối rối “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!….”. Hình ảnh người mẹ và nỗi khao khát được gặp lại mẹ luôn luôn thường trực trái tim chú bé. Chú bé lúc nào cũng nhớ mong và yêu thương mẹ vô cùng. Dường như bao nhiêu sầu khổ dồn nén trong suốt thời gian xa mẹ dài đằng đẵng lúc này bỗng vỡ oà. Tiếng khóc của chú bé là tiếng khóc dỗi hờn và hạnh phúc, tức tưởi và mãn nguyện của xa cách, mong nhớ.

Khi ngồi trong lòng mẹ, chú hạnh phúc đắm mình trong tình mẫu tử. Chú thấy mẹ vẫn đẹp như thuở nào “vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Chú cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc bên con của người mẹ. Chú bé cảm thấy ngây ngất sung sướng khi được sà vào lòng mẹ,cảm giác mà chú đã mất từ lâu. Cậu còn cảm nhận thấm thía hơi thở vô cùng thân thiết, thơm tho lại thường.

Kỉ niệm ngọt ngào làm chú sung sướng đến nghẹn ngào. Lúc ấy, bé Hồng như quên đi tất cả những cay độc, buồn tủi mà người cô đã cố chì chiết xúc phạm mẹ mình. Hạnh phúc lớn lao, choáng ngập niềm sung sướng được ở bên mẹ tràn ngập trong bé Hồng, không một rắp tâm tanh bẩn nào xâm phạm được, nó cũng như một liều thuốc hữu hiệu đã nhanh chóng chữa lành mọi tổn thương trong em bấy lâu nay, đó chính là hanh phúc lớn lao của tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả.

  • Kết bài:

Đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp đậm chất trữ tình của văn Nguyên Hồng. Nhà văn tỏ ra sâu sắc và tinh tế trong việc diễn tả tâm lí nhân vật, kết hợp khéo léo giữa kể, tả, bộc lộ cảm xúc chân thực và cảm động.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận hình ảnh nhân vật người cô độc ác trong đoạn trích Trong lòng mẹ - Theki.vn
  2. Đọc hiểu văn bản: Trong lòng mẹ (trích Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.