Cảm nhận hình tượng nhân vật các bô lão trong bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

cam-nhan-hinh-tuong-nhan-vat-cac-bo-lao-trong-bai-phu-song-bach-dang-cua-truong-han-sieu

Cảm nhận hình tượng nhân vật các bô lão trong bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu.

1. Lời các bô lão kể với “khách” về những chiến công trên sông Bạch Đằng.

– Tác giả chọn nhân vật các bô lão là người kể chuyện. Nhân vật tập thể các bô lão địa phương có thể là thật – những người dân ven sông Bạch Đằng mà tác giả gặp trên đường vãn cảnh. Cũng có thể đây là nhân vật có tính chất hư cấu.

– Các bô lão đến với khách bằng thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính “khách”. Sau lời hồi tưởng về trận “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, họ kể với “khách” về chiến tích “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”.

– Lời kể theo diễn biến tình hình. Ngay từ đầu, hai bên ta và địch đã tập trung binh lực hùng hậu cho một trận đánh quyết định. Tiếp đến trận đánh diễn ra gay go, quyết liệt “được thua chửa phân”, “bắc nam chống đối”. Đó là sự đối đầu không chỉ về lực lượng mà còn về ý chí: ta với lòng yêu nước, với sức mạnh chính nghĩa, địch “thế cường” với bao mưu ma chước quỷ. Chính vì vậy, trận chiến diễn ra ác liệt: “Ánh … sắp đổi”. Nhưng rồi cuối cùng người chính nghĩa chiến thắng, giặc “hung đồ hết lối”, chuốc nhục muôn đời.

– Nghệ thuật miêu tả trận chiến Bạch Đằng:

+ Thủ pháp đối lập ta- địch tạo tình thế đối địch gay cấn.

+ Thủ pháp khoa trương, phóng đại, những hình tượng kì vĩ, mang tầm vóc của vũ trụ báo hiệu một cuộc thủy chiến kinh thiên động địa, tạo bối cảnh chiến trường hoành tráng.

+ So sánh với những trận chiến nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

+ Thái độ, giọng điệu của các bô lão khi kể về chiến công Bạch Đằng đầy nhiệt huyết, tự hào. Đó là cảm hứng của người trong cuộc. Lời kể không dài dòng mà súc tích, cô đọng, khái quát, nhưng gợi lại diễn biến, không khí của của trận đánh hết sức sinh động.

2. Suy ngẫm và bình luận của các bô lão về những chiến công xưa.

– Sau lời kể về trận chiến là lời suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Lời bình luận chỉ ra nguyên nhân ta thắng, địch thua: Trời cho ta thế hiểm, nhưng điều quyết định là ta có “nhân tài giữ cuộc điện an”:

– Khẳng định vai trò, vị trí của con người, tác giả đã gợi lại hình ảnh Trần Hưng Đạo với câu nói lưu cùng sử sách “Năm nay thế giặc nhàn”.

– Theo binh pháp cổ, muốn thắng trong chiến tranh cần ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Bài phú cũng nói tới ba yếu tố đó. Tuy nhiên, thắng giặc không cốt ở đất hiểm mà chủ yếu là đức lớn, là sức mạnh của con người, bài phú thể hiện cảm hứng mang giá trị nhân văn và có tầm triết lí sâu sắc.

3. Lời ca của các bô lão và khách.

– Lời ca của các bô lão mang ý nghĩa tổng kết, có giá trị như một tuyên ngôn về chân lí: kẻ bất nghĩa thì tiêu vong, người có nhân nghĩa thì lưu danh thiên cổ. Đồng thời, tác giả khẳng định sự vĩnh hằng của chân lí đó giống như sông Bạch Đằng kia ngày đêm vẫn cuồn cuộn “dồn về biển đông” theo quy luật tự nhiên muôn đời.

– Lời ca của nhân vật khách.

+ Lời ca của khách tiếp nối lời của các vị bô lão ca ngợi sự anh minh của “hai vị thánh quân” (Trần Thánh Tông – Trần Nhân Tông).

+ Ở hai câu cuối lời ca, khách vừa biện luận vừa khẳng định chân lí: trong mối quan hệ giữa địa linh và nhân kiệt thì nhân kiệt là yếu tố quyết định. Ta thắng giặc không chỉ ở đất hiểm, mà quan trọng hơn là bởi nhân tài có “đức cao”, “đức lành”. Khẳng định địa linh bởi nhân kiệt, nêu cao vai trò, vị trí của con người, lời ca kết thúc bài phú vừa mang niềm tự hào dân tộc, vừa thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp.

3. Đánh giá:

Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam: cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động, vừa gợi hình sắc trực tiếp, vừa mang ý nghĩa khái quát, tâm lí, ngôn từ vừa trang trọng, hào sảng, vừa lắng đọng, gợi cảm.

Bài phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng thể hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.

Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.