Cảm nhận những âm vang từ truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

cam-nhan-nhung-am-vang-tu-lang-le-sa-pa-cua-nguyen-thanh-long

Cảm nhận những âm vang từ truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long

  • Mở bài:

Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Văn Nguyễn Thành Long nhẹ nhàng, tình cảm, thường pha chất kí và giàu chất thơ, thấm đẫm chất trữ tình và thường ánh lên vẻ đẹp của con người nên có khả năng thanh lọc làm trong sáng tâm hồn, khiến chúng ta thêm yêu cuộc sống. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Từ cuộc sống và công việc thầm lặng của anh thanh niên (và biết bao con người khác), tác phẩm để lại trong lòng người những âm vang nhẹ nhàng, kín đáo mà bền bỉ, dài lâu.

  • Thân bài:

Trước hết, cần hiểu, âm vang của tác phẩm văn học là những tác động sâu sắc của tác phẩm đến tâm hồn và nhận thức của người đọc, thôi thúc họ suy nghĩ, ước mơ, khao khát và hành động. Để tạo ra những âm vang chân thực, tác phẩm văn học phải chứa đựng cuộc sống, bằng sức mạnh của nghệ thuật biểu hiện, tác phẩm lan tỏa vào lòng người đọc và ở lại trong đó. Sự tác động ấy có thể tạo được hiệu quả tức thời, khiến người đọc phấn khởi, hào hứng; cũng có thể là tác động lâu bền, âm ỉ nuôi dưỡng những khát khao, ước, mơ, hoài vọng. Âm vang của tác phẩm văn học góp phần làm đẹp tâm hồn người đọc, khiến họ thêm tin tưởng vào cuộc sống, đồng thời khẳng định sức sống của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long thực sự đã tạo nên được âm vang kì diệu đó. Trước hết là âm vang từ bức tranh Sa Pa xinh đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa động lại trong lòng người cảm xúc lâng lâng, đầy thi vị. Sau đó là âm vang từ công việc thầm lặng mà cao cả của những con người ngày đêm đóng góp sức lao động của mình dựng

1. Những âm vang từ vẻ đẹp bức tranh Sa Pa thơ mộng, trữ tình.

Sa Pa hiện lên trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long với ngôn ngữ điêu luyện đã trở thành một bức tranh đẹp, sống động, và đầy chất thơ. Đọc truyện của ông, người đọc không còn thấy Sa Pa có vẻ đẹp hoang dã, bí ẩn mà ngược lại, thiên nhiên nơi đây đi vào truyện của Nguyễn Thành Long với một cái nhìn dịu dàng, trong trẻo như một bức tranh thủy mặc làm cho người đọc không khỏi bâng khuâng, xao xuyến.

Theo bước chân của nhà văn, ta không khỏi ngỡ ngàng trước bầu trời xanh bao la. Mây ở đây hiện ra mang một vẻ đẹp kì thú: “mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe làm cho không gian ở đây trở nên mát lạnh, mờ ảo”. Có một Sa Pa của những rặng đào, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ, khung cảnh chỉ có thể thấy ở rừng núi. Có một Sa Pa của nắng, nắng đem lại cho Sa Pa một vẻ đẹp mới: rực rỡ và bất ngờ. Ánh nắng dường như sáng dần lên trong khung cảnh thiên nhiên. Cái nắng chói chang được Nguyễn Thành Long miêu tả “đốt cháy rừng cây” và cái nắng vào cuối buổi trưa lại gay gắt hơn “ánh nắng như phủ khắp, mạ bạc cả con đèo”. Ngòi bút miêu tả đặc sắc của Nguyễn Thành Long đã tôn lên vẻ đẹp rực rỡ của nắng Sa Pa: “nắng bây giờ bắt đầu lên tới đốt cháy rừng cây, hừng hực như một bó đuốc lớn”.

Qua sự miêu tả của nhà văn, hình ảnh những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nàng, những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng đã làm nổi vật lên vẻ đẹp rực rỡ của Sa Pa. Hoa ở Sa Pa thì muôn màu rực rỡ. Khi đọc đến đây, với cảnh đẹp như vậy, người đọc mang theo cảm nhận khao khát được đến với Sa Pa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nơi này. Có thể nói, thiên nhiên Sa Pa hiện lên đẹp thơ mộng, hư ảo và phải là người có con mắt nhìn tinh tế và chính xác, ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất thơ mới có thể vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp như vậy.

Khung cảnh rất nên thơ và câu văn cũng đầy chất thơ. Khung cảnh mang vẻ đẹp bình yên, êm ả như không hề biết đến bom đạn, khói thuốc của chiên tranh. Dường như những thay đổi của cuộc sống không chạm được đến nơi đây. Nhan đề của truyện, thiên nhiên trong truyện cũng rất êm đềm, nhưng lặng lẽ mà không phẳng lặng, bình yên mà rất sống động.

Chỉ với vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh, tác giả đã khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng, hữu tình. Miêu tả bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ trong sáng, mỗi chữ, mỗi câu như có đường nét,hình khối, sắc màu. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu mang âm hưởng một bài thơ về thiên nhiên đất nước.

Đọc “Lặng lẽ Sa Pa”, mấy ai không yêu, không nhớ cái cảnh sắc vừa gần vừa xa, vừa thực vừa mơ, vừa mang cái vẻ thâm trầm của ngàn xưa cổ tích vừa rực rỡ, trẻ trung bởi sắc màu của muôn hoa, nghìn lá. Nhắc đến Sa Pa, chẳng mấy ai mà không muốn được một lần dạo bước non cao, ngắm nhìn trăm phương nghìn hướng cho thỏa đôi mắt và và tâm hồn. Những câu văn miêu tả theo tầng bậc, chân thực và gợi cảm của Nguyễn Thành Long quả thực đã khiến người ta thêm say mê và không ngừng thôi thúc con người lên đường khám phá.

2. Những âm vang từ vẻ đẹp con người.

Trên nền bức tranh thiên nhiên kì ảo ấy, Sa Pa còn đẹp thêm biết bao với những con người ngày đêm âm thầm làm việc quên mình vì đất nước. Qua “bức chân dung” (cả cuộc sống và những suy nghĩ) của người thanh niên, qua sự cảm nhận của các nhân vật khác (chủ yếu là ông họa sĩ) về anh và những người như anh, tác giả đã khẳng định trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên núi cao Sa Pa, nơi mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm việc miệt mài, say mê cho đất nước.

Trước hết là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao hơn hai ngàn sáu trăm mét, quanh năm suốt tháng, giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Đó là một con người đầy trách nhiệm, say mê với công việc và ân tình với mọi người. Anh hiểu công việc của mình tuy nhỏ bé nhưng liên quan đến công việc chung của đất nước, của mọi người. Bởi thế, công việc trở thành niềm vui, là nguồn sống của anh. Anh đã tìm được hạnh phúc chân thực và quý báu ngay trong công việc hằng ngày.

Anh quan niệm công việc là người bạn đồng hành với mình, chính vì thế cuộc sống của anh không bao giờ tẻ nhạt và buồn chán. Anh tâm sự: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia”. Con người đó cũng có quan niệm về hạnh phúc thật giản dị nhưng hết sức cao đẹp – đó là được lao động, được cống hiến sức mình cho đất nước. Vì thế, khi biết tin nhờ mình phát hiện đám mây khô mà không quân ta hạ được nhiều máy bay Mĩ, anh thấy mình thật hạnh phúc. Rõ ràng, được cống hiến cho khoa học là lí tưởng sống của anh.

Suy nghĩ của anh về cuộc sống cũng thật đẹp, thật sâu sắc. Không chỉ là người có suy nghĩ đẹp, anh còn là người biết hành động đẹp. Trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, một mình sống vắt vẻo trên đỉnh Yên Sơn, làm bạn với rừng xanh, mây trắng, bão tuyết, sương rơi để đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, tham gia vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Dù không ai đôn đốc, kiểm tra, nhưng anh vẫn tự nguyện tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Công việc đòi hỏi phải thực hiện vào những thời khắc khó khăn như nửa đêm giữa mùa đông giá rét, nhưng bất kì trong hoàn cảnh nào, đến đúng thời điểm ấy là anh thức giấc, xách đèn đi ốp, xách máy đi đo, không bỏ sót một ngày nào, không quên một buổi nào, âm thầm bền bỉ suốt nhiều năm trời.

Nhưng khó khăn hơn tất cả đối với anh chính là vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt, tháng không một bóng người. Và anh đã vượt qua được bằng sự miệt mài, say mê trong công việc. Anh đã dùng tất cả thời gian, nhiệt huyết, tâm trí, sức lực cho nhiệm vụ được giao, rảnh một chút là anh lại lấy sách ra để trò chuyện. Từ những công việc lặng lẽ âm thầm đó, anh đã góp phần trực tiếp vào chiến thắng chung của quân và dân miền Bắc.

Đặc biệt, Nguyễn Thành Long đã khéo léo đưa vào truyện chi tiết anh thanh niên tặng cô gái bó hoa nhiều màu sắc sặc sỡ. Bó hoa ấy không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời Sa Pa mà nó còn là vẻ đẹp của cuộc đời mà anh thanh niên đã hào phóng tặng cho mọi người. Chi tiết ấy đã toát lên một chân lí: hãy sống đẹp, hãy quan tâm đến nhau, hãy đến với nhau bằng tất cả tấm lòng và tình cảm nhân hậu.

Chỉ bằng một số chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trên miền đất của sương mù và cô đơn, còn có biết bao con người khác cũng đang ngày đêm âm thầm làm việc, cống hiến sức mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thông qua lời kể của anh thanh niên, ta còn thấy một ông kĩ sư vườn rau cần cù, say mê, chăm chỉ làm việc, ngày ngày quan sát cách lấy mật của ong, cách ong thụ phấn để tìm cách tăng năng suất cây trồng, đó là một mục đích đẹp. Còn nhà nghiên cứu khoa học thì mười một năm không xa rời cơ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng đợt sét để lập bản đồ sét Việt Nam, tìm cho ra của chìm nông, chìm sâu dưới lòng đất để làm giàu cho đất nước. Anh mặc cho tuổi xuân trôi đi, quên cả hạnh phúc riêng tư, bất chấp mọi nguy hiểm.

Dù chỉ được giới thiệu một cách gián tiếp nhưng họ đã tạo thành một thế giới những con người tương tự như anh thanh niên luôn miệt mài lao động, trong sự hi sinh âm thầm lặng lẽ. Nhan đề của truyện là “Lặng lẽ Sa Pa” nhưng Sa Pa có thật sự lặng lẽ không? Tác giả đã giải thích một cách hết sức đơn giản cho người đọc: Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ của Sa Pa, một Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người đang làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. Qua cách đặt nhan đề của truyện, tác giả muốn ca ngợi những con người sống đẹp, họ lao động một cách say mê và quên mình cho đất nước, họ đã nâng cao và mở rộng tâm hồn người đọc: hãy yêu thương nhau và sống đẹp hơn.

3. Những âm vang ngọt ngào qua những cảm nhận của ông họa sĩ.

Ông họa sĩ xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm, là người chứng kiến, cảm nhận và khẳng định vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên. Qua nhân vật ông họa sĩ, tác giả muốn gửi gắm những suy nghĩ về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật.

Ông hoạ sĩ là người nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm. Bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ sáng tạo đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông biết mình đang xúc động và bối rối vì đã “bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi dù khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới dù là giá trị một chuyến đi dài”. Anh thanh niên là một con người như thế và có thể là nhân vật tương lai trong một tác phẩm của ông.

Vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa cao quý của những công việc thầm lặng tren chốn Sa Pa lặng lẽ khơi gợi đã thôi thúc người hoạ sĩ sáng tác. Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”. Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo nên chiều sâu âm vang tư tưởng.

Ông họa sĩ hứa mười ngày nữa trở lại, còn bây giờ ông muốn dành trọn vẹn 20 phút ngắn ngủi để hiểu thật kỹ về người thanh niên, về đối tượng mà ông đang định thể hiện trong bức tranh của mình. Ông muốn làm một bức phác hoạ chân dung về anh thanh niên nhưng làm thế nào “cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà hoạ sĩ vào giữa bức tranh đó? “Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài”.

Ông họa sĩ chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác, đã bắt cảm hứng của mình hiện lên trang giấy: “cũng may mà bằng mấy nét, hoạ sĩ đã ghi xong, lần đầu gương mặt của người thanh niên, người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ”.

Chính cái nhìn thật đẹp về cảnh vật và con người, những suy nghĩ đẹp, những khát vọng đẹp của ông họa sĩ đã làm nên chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Cảnh sắc Sa Pa hiện lên với tất cả sắc màu và tình yêu mến thiết tha dành cho nó. Cuộc sống con người cũng được bọc trong cảm xúc nâng nui, quý trọng và nể phục của ông họa sĩ càng khiến chúng ta biết trân quý và muốn giữ gìn, tôn vinh.

Có thể xem nhân vật ông họa sĩ là nhân vật luận đề mà nhà văn đã khéo léo xây dựng. Toàn bộ vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên được nhìn nhận và ghi nhận qua ánh mắt và suy nghĩ của ông họa sĩ. Qua nhân vật ông họa sĩ, Nguyễn Thành Long bày tỏ điểm nhìn nghệ thuật về cuộc sống, lý tưởng sống của con người trong thời đại mới. Chính qua những cảm nhận sâu sắc và khát vọng sáng tạo nghệ thuật của ông họa sĩ đã tạo sức đẩy cho vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Sa Pa không ngừng lan rộng. Âm vang từ bức tranh thiên nhiên và con người nơi Sa Pa lặng lẽ vì càng thêm mạnh mẽ. Có thể nói, cái gì được chứa đựng trong nghệ thuật chân chính cũng đều rất đẹp, rất thơ, rất bền bỉ với thời gian và lan tỏa những âm vang ngọt ngào của cuộc sống.

  • Kết bài:

Với “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Nguyễn Thành Long đã đem đến cho chúng ta niềm cảm hứng dạt dào về vẻ đẹp thiên nhiên và con người Sa Pa. Người đọc như nghe thấy được những âm vang từ sắc hoa, sương mờ, đỉnh núi vắng lặng của Sa Pa thâm trầm; âm vang trong lời khuyên nhủ nhỏ nhẹ, tâm tình của nhà văn qua thiên truyện đầy chất thơ với cái tên độc đáo Lặng lẽ Sa Pa. Đó là hãy nhìn vào mọi người để phát hiện những điều vô cùng nhỏ nhưng đáng ca ngợi biết bao.

12 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về ý thức trách nhiệm trong công việc qua hình ảnh anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa - Thế Kỉ
  2. Phân tích vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa cao quý của những công việc thầm lặng trong "Lặng lẽ Sa Pa" - Thế Kỉ
  3. Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật cô kỹ sư trẻ trong "Lặng lẽ Sa Pa" - Thế Kỉ
  4. Phân tích vẻ đẹp truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long - Thế Kỉ
  5. Hình ảnh người lao động mới trong các tác phẩm: “Lặng lẽ Sa Pa”của Nguyễn Thành Long - Thế Kỉ
  6. Dàn ý: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" - Thế Kỉ
  7. Dàn bài: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" - Theki.vn
  8. Từ nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, hãy trình bày những điều anh thanh niên suy nghĩ và những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh - Theki.vn
  9. Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa - Theki.vn
  10. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long - Theki.vn
  11. Nghị luận: Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng….tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy
  12. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" (Nguyễn Thành Long), SGK Ngữ văn 9, tập 1 - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.