Cảm nhận truyện cổ tích Thạch Sanh (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-truyen-co-tich-thach-sanh-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận truyện cổ tích Thạch Sanh dưới góc độ thi pháp

Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện được xây dựng và triển khai ở nhiều tình huống, phản ánh nhiều phương diện cơ bản trong cuộc sống của người xưa. Về quan hệ xã hội trong cộng đồng và đời sống cá nhân là tình cảm gia đình, bè bạn, vua tôi, tình yêu đôi lứa, vợ chồng; về quan hệ xã hội với nước ngoài là chiến tranh, hôn nhân, ứng xử bang giao; về quan hệ với thiên nhiên và vũ trụ là nguồn gốc con người, số phận con người, chinh phục tự nhiên.

Về thi pháp kết cấu truyện: Cái lõi xuyên suốt, liên kết tất cả mọi bình diện khác nhau chính là các tiêu chí về chuẩn mực của đạo lý, hành vi, ứng xử và lẽ sống trong quan niệm và triết lý sống của người Việt trong xã hội bấy giờ. Đó là, tình thương, lòng vị tha, bao dung, cao thượng, dũng cảm, trung thực… Những phẩm chất tốt đẹp đó là mục tiêu, là lẽ sống của con người. Mặt khác, truyện được xây dựng theo mâu thuẫn của kịch để diễn trình một hiện thực luôn hằng thường trong xã hội, đó là sự tồn tại, đối nghịch giữa cái ác và cái thiện, cái xấu và cái tốt, thấp hèn và cao thượng với một lộ trình vận hành của xung khắc và loại trừ nhau theo một lô-gich tất yếu: Cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, cái tốt được tưởng thưởng còn cái xấu bị trừng phạt, loại trừ.

Quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện trong cái nhìn nghệ thuật về Thạch Sanh, Lý Thông ở những điểm nhìn về các đặc trưng dáng nét của con người như thể xác, tâm hồn, bản lĩnh, hành vi và đạo đức. Khi phân tích quan niệm nghệ thuật về nhân vật Thạch Sanh, cần lưu ý một số điểm sau:

Một là, Thạch Sanh là con người (con của vợ chồng người tiều phu nghèo), nhưng lại có nguồn gốc từ lực lượng siêu nhiên (do Thái tử vâng mệnh Ngọc Hoàng đầu thai).

Hai là, tiêu chí mà Ngọc Hoàng chọn từ vợ chồng người tiều phu nghèo, già mà vẫn chưa có con để sai Thái tử đầu thai làm con của họ là tốt bụng. Như vậy, vấn đề ở đây là tác giả thiên truyện đã tạo nên một mối quan hệ giữa cõi người và cõi trời. Điều này tăng chất hoang đường kỳ ảo của câu chuyện, nhưng cũng bắt nguồn từ một thực tế tâm lý, tâm linh của con người trong vấn đề đức tin ở trời, ở Ngọc Hoàng; đồng thời, tạo một sự liên hệ kết nối giữa trời với người trong cái nhìn về một tiêu chí thống nhất là đề cao đạo đức, coi đạo đức như nét tương liên và thống nhất giữa trời và người. Qua đó, tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho sự triển khai tình huống và xu thế diễn biến của câu chuyện. Mặt khác, tình tiết này tạo đầu mối cho hành trạng của Thạch Sanh về sau cũng như tạo nên cái lý nghệ thuật cho lô gic trong tính cách, hành vi, ứng xử của Thạch Sanh: Vì là con trời, được dạy đủ các môn võ nghệ nên Thạch Sanh có tài năng và phẩm chất phi phàm, chiến thắng mọi kẻ thù, trở ngại, gian lao; vì được đầu thai từ tiêu chí đạo đức nên Thạch Sanh có đạo đức tốt với các đặc trưng cơ bản như trung thực, dũng
cảm, nhân ái, tốt bụng, vị tha.

Ba là, các thử thách đối với tài nghệ, lòng dũng cảm của Thạch Sanh được thể hiện ở nhiều không gian với ý nghĩa là thuộc về tất cả mọi không gian: không gian trên trời: tiêu diệt đại bang; không gian dưới đất: vào hang truy diệt đại bàng; không gian trên mặt đất: tiêu diệt chằn tinh; không gian xã hội có ý nghĩa vượt biên giới quốc gia: tiêu diệt, cảm hóa kẻ thù xâm lược quốc gia.

Bốn là, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, Thạch Sanh được gắn liền với hai sự vật giàu tính biểu trưng là cây búa và cây đàn. Vẻ đẹp của nhân vật Thạch Sanh thể hiện ở hình thể khỏe mạnh, cường tráng; tính cách gan dạ, dũng cảm; tâm hồn cao thượng, vị tha, nhưng nếu thiếu một trong hai sự vật hoặc một cả hai sự vật là cây búa và cây đàn thì vẻ đẹp và sức hấp dẫn của hình tượng này sẽ thiếu tính hoàn mỹ. Cây búa biểu trưng cho công cụ, phương thức lao động và tinh thần lao động cần cù, siêng năng mà cũng là vũ khí chiến đấu chống kẻ thù; cây đàn
biểu trưng cho nghệ thuật, tâm hồn, nhân văn, hòa bình.

Trong văn học viết Việt Nam, biểu tượng con người Việt cũng thường được chú trọng ở hai nét cơ bản đó: Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa (Huy Cận). Chính vì thế nên khi có giặc ngoại xâm đến, Thạch Sanh không dùng vũ lực mà dùng tiếng đàn để dẹp tan giặc. Còn niêu cơm thần, bên trong cái vỏ kỳ ảo về khả năng vô tận của nó chính là hiện thực về tấm lòng bao dung vô bờ và nhân ái sâu sắc của người Việt Nam đối với kẻ thù ngoại xâm một khi họ thua trận, qui hàng. Phẩm chất ấy thể hiện rất rõ trong văn học viết, chẳng hạn trong Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi. Cần lưu ý là về chi tiết này, Sách Ngữ văn 6 – Sách Giáo viên đã giải thích một cách vòng vo, bế tắc.

Về Lý Thông, tác giả thiên truyện xây dựng nhân vật này ở phía đối lập có tính cực đoan với nhân vật Thạch Sanh. Đầu tiên, Lý Thông là kẻ hám lợi, vụ lợi: Một hôm, có người hàng rượu tên là Lý Thông đi qua đó. Thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi lớn, hắn nghĩ bụng: “Người này khỏe như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”. Tiếp theo, Lý Thông liên tục dối trá, lợi dụng lòng tốt và tin người của Thạch Sanh, đẩy Thạch Sanh vào những tình huống và hoàn cảnh hiểm nguy là thay mình như đi canh miếu thờ chằn tinh; cướp công giết chằn tinh, giết đại bàng, cứu con vua Thủy tề và cứu công chúa của Thạch Sanh, và tột đỉnh là lấp hang đại bàng với mưu mô giết hại Thạch Sanh.

Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện Thạch Sanh còn ảnh hưởng nhiều đền quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học viết Việt Nam. Chẳng hạn, Tố Hữu ví anh giải phóng quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là Thạch Sanh: Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi,/ Một dây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mỹ. (Bài ca xuân 68) .

Trong việc xây dựng không gian nghệ thuật, Thạch Sanh thuộc kiểu truyện cổ tích thần kỳ, nhưng không gian nghệ thuật mang đậm chất sinh hoạt thế sự, với những đặc trưng tiêu biểu:

Một là, không gian có ba tầng: thượng giới – trần gian – âm phủ; mỗi tầng không gian có đặc trưng riêng nhưng giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, dung lượng kể về không gian trần thế chiếm hầu hết nội dung truyện.

Hai là, không gian hoạt động của nhân vật trung tâm Thạch Sanh mang tính đời thường, gần gũi với lối sống và không gian văn hóa của người Việt xưa: lấy củi, cây đa, hang động, diệt thú dữ (trăn), bạn bè kết nghĩa, quan hệ vua tôi. Thạch Sanh không có những khả năng của thần tiên đi mây về gió, độn thổ thăng thiên nên gần với đời thường, gia tăng chất hiện thực.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.