Cảm nhận ước nguyện cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Mở bài:
Thanh Hải là một trong những cây bút có đóng góp quan trọng nền văn học kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Mùa xuân nho nhỏ là sáng tác tiêu biểu nhất của Thanh Hải. Qua những biểu tượng đẹp đẽ, giàu sức gợi, bài thơ bộc lộ cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn làm một “mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho đời.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ, nhà thơ vẽ nen cảnh sắc bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn trào sức sống. Trên cái nền ấy, nhà thơ tiếp tục bày tỏ niềm tự hào về vẻ đẹp mùa xuân của đất nước, nguồn sống dạt dào trong lòng người. Từ tư thế con người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời, nhà thơ nhẹ nhàng bày tỏ ước nguyện cao đẹp của mình, muốn hòa nhập, làm những việc hữu ích, dâng hiến cho cuộc đời này tinh hoa sự sống bất diệt:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên và giàu ý nghĩa vì nhà thơ đã lấy cái đẹp tinh tuý của thiên nhiên để diễn tả vẻ đẹp của tâm hồn.
- Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải)
- Cảm nhận khổ thơ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải)
Nếu ở đầu bài thơ, tác giả xưng “tôi” thì đến đây, tác giả đã chuyển hóa thành “ta”. Điệp từ “ta” được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha. Động từ “làm”,“nhập” ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ – hoá thân để sống đẹp, sống có ích. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên,của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ!Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời. Đó là một lời khẳng định đinh ninh và chắc chắn. Nó không chỉ là lời tâm niệm thiết tha, chân thành của nhà thơ mà nó còn đề cập đến một vấn đề lớn là khát vọng chung của nhiều người.
Làm “con chim hót” giữa muôn ngàn tiếng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, làm “một cành hoa” giữa vườn hoa xuân rực rỡ vô tư cống hiến hương sắc cho đời, làm “một nốt trầm” giữa bản hoà tấu muôn điệu, làm “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Ở phần đầu bài thơ, tác giả đã phác hoạ hình ảnh mùa xuân bằng các chi tiết bông hoa và tiếng chim hót. Cấu tứ lặp đi lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Hình ảnh chọn lọc ấy trở lại đã mang một ý nghĩa mới: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Ước nguyện hoá thân đó vô cùng thiết tha, cháy bỏng, được tác giả âm thầm “lặng lẽ dâng cho đời”. “Nho nhỏ”, “lặng lẽ” là cách nói khiêm tốn, chân thành, giản dị, không phô trương, thể hiện một cách sống khiêm nhường, một lý tưởng cao dẹp. Tác giả muốn mỗi người là một mùa xuân nhỏ hòa vào cuộc sống, là sống có ích cho mọi người, được cống hiến cho đời.
Nhà thơ Tố Hữu trong “Một khúc ca xuân” cũng từng tha thiết:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
“Con chim”, “chiếc lá” một lần nữa được dùng như biểu tượng của cái nhỏ bé, mong manh nhưng hữu ích. Với Tố Hữu hay Thanh Hải, không có cái gì là nhỏ bé, không có cuộc đời nào là nhỏ bé. Cuộc đời nào cũng đáng trân trọng miễn nó hữu ích, nó góp phần thúc đẩy sự phát triển của thế giới xung quanh. Là “con chim” biết dâng cho dời tiếng hát, là “chiếc lá” biết dâng cho đời màu xanh tươi là làm đúng bổn phận, là cống hiến rồi.
Hay như Viễn Phương trong bài “Viếng lăng Bác” cũng đã từng mong ước:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
Xúc động khi được đến viếng lăng Bác sau bao tháng ngày mong mỏi, nhà thơ Viễn Phương muốn hóa thân thành một phần tươi đẹp tô thắm lăng Bác. Mong ước nhỏ nhưng ý nguyện lớn.
“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, cũng là cách thể hiện thiết tha, cảm động. Nó đã khắc sâu ý tưởng: “Mỗi cuộc đời đã hoá núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Đó không phải mong muốn trong một lúc mà là cả một cuộc đời lao động: “Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc”.
Điệp từ “dù là” lặp lại khiến âm điệu câu thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được nhấn mạnh làm cho người đọc không chỉ xúc động trước một giọng thơ ấm áp, mà còn xúc động trước lời tâm sự thiết tha của một con người đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng vẫn tha thiết được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung.
- Kết bài:
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước; góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Chỉ “lặng lẽ” mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. Đây không phải là câu khẩu hiệu của một thanh niên vào đời mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng. Điều đó càng làm tăng thêm giá trị tư tưởng của bài thơ.