Cảm nhận vẻ đẹp trong văn bản Một thứ quà của lúa non: Cốm của Thạch Lam

cam-nhan-van-ban-mot-thu-qua-cua-lua-non-cua-thach-lam

“Một thứ quà của lúa non: Cốm”

  • Mở bài:

“Một thứ quà của lúa non: Cốm” được sáng tác trong hoàn cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ. Là một trí thức tiểu tư sản với lòng yêu nước thầm kín nhưng sâu nặng, Thạch Lam đã viết thiên tùy bút này để khẳng định giá trị vĩnh hằng của những sản vật bình dị quê hương hay sâu xa hon nữa là của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Văn bản rút từ tập tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (tùy bút – bút kí, năm 1943)

  • Thân bài:

Thạch Lam (lúc còn sống) đã từng mong ước cùng với bạn mình chít khăn nhiễu tam giang, mặc áo the ba chỉ, đi guốc kinh rồi chống gậy trúc lang thang hết làng này đến thôn mạc khác trong nước, xem ngắm được hết cảnh đẹp của mọi vùng, thụ hưởng hết của ngon vật lạ của từng miền đất thì mới thực là thỏa thích. Thạch Lam yêu sự sống, lúc nào ông cũng tiếp nhận được thế giới xung quanh vẻ đẹp vi diệu khiến ta thấy cuộc đời đáng quý, đáng yêu hơn.

“Một thứ quà của lúa non: cốm” chính là vẻ đẹp vi diệu của cuộc sống này. Bài tùy bút đã thể hiện được những nét đặc sắc của thể tùy bút và tài năng của nhà văn Thạch Lam với chất trữ tình nhẹ nhàng, trong sáng, cảm giác tinh tế và những suy nghĩ sâu sắc, lời văn giàu hình ảnh, nhịp điệu.

Một thứ quà của lúa non: Cốm viết về một thứ quà dân dã, giản dị, mộc mạc nhưng giàu giá trị văn hoá của dân tộc. Qua đó, thể hiện ngòi bút tài hoa, tinh tế và cái nhìn trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của nhà văn.

Đầu tiên, nhà văn đã khái quát lên sự hình thành của cốm Vòng – một thứ quà tinh tuý của thiên nhiên hoà quyện bàn tay khéo léo của người dân làng Vòng.

Đoạn văn mở đầu đẹp như một bài thơ nhỏ. Nó xâm chiếm hồn ta bằng giai điêu nhè nhẹ, man mác của cơn gió mùa thu. Nó mang cách điệu thanh thản, chầm chậm, lắng sâu của hồn văn Thạch Lam: “Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cài hương thơm cùa lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết”.

Nếu những nhà văn khác khi viết về cốm chỉ khơi gợi lại dấu hiệu báo mùa của cốm thì ngòi bút Thạch Lam lại tỉ mỉ, chi tiết miêu tả lại sự hình thành cốm chưng cất từ nguyên liêu thiên nhiên. Với khuynh hướng nghiêng về duy cảm, Thạch Lam đã vận dụng các giác quan của mình mà chủ yếu là khứu giác để cảm nhận nguồn cội của cốm.

Cốm – một thức quà thơm vì nó hội tụ được tất cả những hương thơm tinh túy của đất trời: nhuần thấm hương sen, mùi thơm mát của bông lúa non, giọt sữa trắng thơm, phàng phất hương vị của ngàn hoa cỏ. Bởi thế, nhà văn đã khái quát lên hai phẩm chất của cốm là thanh nhã và tinh khiết. Bằng tất cả tấm lòng nâng niu, trân trọng, nhẹ nhàng, khẽ khàng nhất, Thạch Lam đã lắng lòng cảm nhận được và ghi lại sự hình thành của sự sống một cách tinh vi nhất. Đằng sau những cảm nhận ban đầu bằng khứu giác là những ấn tượng thị giác: “trong vỏ xanh kia có một giọt sữa trắng thơm, dần dần đông lại dưới ánh nắng. Bông lúa ngày càng cong xuống chất quý trong sạch của đất trời”.

Bản thân hạt thóc nếp làm nên cốm đã kết tinh được tất cả chất quý trong sạch của Trời. Cốm trở thành quà tặng mà thiên nhiên trao cho con người. Những cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế của người viết thấm đẫm trong những trang văn. Thạch Lam muốn khơi gợi sự đồng điệu cảm nhận của người đọc thông qua cách dẫn nhập tự nhiên mà gợi cảm: “các bạn có ngửi thấy, khi di qua ‘những cánh đồng xanh không?”. Những câu văn giàu chất thơ cứ nhẹ nhàng lan chiếm hồn ta bằng nhịp điệu chậm rãi, khẽ khàng, bằng những tính từ động từ được dùng rất tài hoa.

Cốm không chi là quà tặng của thiên nhiên mà cốm còn là công trình của con người. Làm cốm là một nghề thiêng liêng mà trang trọng mang đậm giá trị cổ truyền bởi nó đòi hỏi “những người chuyên môn, cách chế biến là một sự bi mật trân trọng và khe khắt truyền tự đời này sang đời khác”.

Sự am hiểu văn hóa truyền thống khiến tác giả khẳng định được: “tuy nhiều nơi biết cách thức làm cốm nhưng không có đâu làm được hạt cốm dẻo, thơm, ngon được bằng làng Vòng”. Con người làm nên cốm và cốm tạo nên vẻ đẹp cho con người: “cổ hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng”. Cách so sánh giàu hình ảnh đã tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng của những cô gái làng Vòng, đã ngợi ca những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống.

Bàn luận về giá trị của cốm, nhà văn chú trọng đến hai phương diện vãn hóa của sản vật. Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đổng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Cốm là thức quà trong sạch được dùng làm đồ sêu Tết.

Việc dùng cốm làm đồ sêu Tết thật có ý nghĩa sâu xa bởi cốm là thức dâng của đất trời mang trong mình hương vị vừa đậm đà vừa thanh nhã của đồng quê nội cỏ. Nó thích hợp với lễ nghi của xứ sở nông nghiệp lúa nước như nước ta. Thứ lễ vật ấy sánh với quả hồng – thể hiện sự hòa hợp, tốt đôi biểu tượng cho sự gắn bó nhân duyên đối lứa.

Tác giả đã phân tích sự hòa hợp ấy trên hai phương diện: màu sắc (màu ngọc lựu già của hồng và màu ngọc thạch của cốm), hương vị (một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc). Đó cũng là sự hòa hợp theo triết lí âm dương: xanh (âm) – đỏ (dương), thanh đạm (âm) – ngọt sắc (dương), bánh cốm vuông (âm) – hồng tròn (dương). Âm dương hòa hợp, hạnh phúc lâu bền, nhiều con lắm cháu (triết lí phồn thực và sùng bái con người của văn hóa nông nghiệp). Từ đó, nhà văn dã bình luận, phê phán thói chuộng ngoại bắt chước người ngoài của những kẻ vô học không biết thưởng thức và trân trọng những sản vật cao quý và kín đáo, nhũn nhặn của truyền thống dân tộc. Phê phán để khẳng định và ngợi ca giá trị vững bền của văn hóa truyền thống.

Với những giá tri đã nêu, tác giả bàn về cách thưởng thức cốm. Theo Thạch Lam, thưởng thức cốm là thưởng thức những giá trị kết tinh ở đó.

Thưởng thức bằng cảm nhận tinh tế: “Cốm không phải thức quà của người ăn vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ”. Hãy mở hồn mình mà cảm nhận bằng tất cả các giác quan, mà thu vào mình những hương thơm mùi vị của cốm: “Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, cùa hoa cỏ dại ven bờ, trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịụ dàng, thanh đạm của loài thảo mộc”.

Thưởng thức cốm là thưởng thức bằng suy nghĩ sâu sắc: “Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thẩn tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve. Phải kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người và sự cố sức tiềm tàng, nhẫn nại của thân Lúa”. Giá trị của cốm đã dược đề cao thêm một ý nghĩa mới: đó là sự kết tinh nét đẹp nhất trong trời đất của trời – người – đất (thiên- địa – nhân).

Lời đề nghị của tác giả về sự thưởng thức một cách thẳng thắn, chí lí chí tình thông qua những câu mệnh lệnh “hỡi, chớ, hãy”. Ăn cốm đã trở thành một nghệ thuật trong văn hoá ẩm thực, mang nét riêng độc đáo của dân tộc Việt Nam. Và mỗi chúng ta phải xây dựng cho mình một văn hóa ẩm thực riêng.

Viết về cốm, Thạch Lam không chỉ trang trải lòng mình, hổn mình, “cái tôi duy cảm” của mình để người đọc hiểu. Ông còn viết với thái độ bảo vệ, trân trọng, ngợi ca, hướng dẫn mọi người hãy biết coi trọng và thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống bởi đó là linh hồn dân tộc, là bản sắc dân tộc.

Tác giả sử dụng nhiều tính từ, từ láy, ngôn ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Các so sánh, liên tưởng được vận dụng rất khéo léo, độc đáo. Sự kết hợp các phương thức biểu đạt miêu tả, tự sự, biểu cảm song phương thức biểu cảm là chủ yếu, làm cho tác phẩm nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, mang đậm dấu ấn cá nhãn của tác giả. Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt trở nên gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra và tươi đậm thêm. Thạch Lam đem sinh sắc vào tiếng nói của ta. Ông đem thơ vào văn xuôi. Đó là những đóng góp tài hoa mà tinh tế của ông.

  • Kết bài:

Chỉ qua một thứ quả giản dị, quen thuộc, Thạch Lam đã gợi ra được cả hương vị, cả linh hồn của quê hương làng mạc Việt Nam, cả vẻ đẹp của tâm hồn và lối sống của con người Việt Nam. Điều đó khiến cho văn Thạch Lam ở đây thấm đượm một chất thơ, nhiều câu vàn xuôi mà giống như thơ. Có thể nói, ở tác phẩm này, tâm hồn và tài năng văn chương của Thạch Lam đã hoà hợp đẹp đẽ với sự thanh tao và luôn đứng ờ vị trí một trong những tác phẩm đặc sắc nhất về Hà Nội.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Giới thiệu sự nghiệp văn học nhà văn Thạch Lam - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.