Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên qua khổ 2 và 6 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

cam-nhan-ve-buc-tranh-thien-nhien-qua-kho-2-va-6-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung

Trong bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã miêu tả con đường hành quân của người lính:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Và:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD Việt Nam 2016, tr 88&89)

Cảm nhận của anh/chị về bức tranh thiên nhiên ở hai đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ Tây Tiến.


Hướng dẫn làm bài:

  • Giới thiệu:

–  Quang Dũng là một gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Bài thơ Tây Tiến được sáng tác cuối 1948 tại Phù Lưu Chanh khi tác giả đã rời xa đơn vị Tây Tiến chưa được bao lâu. Bài thơ được in trong tập Mây đầu ô (1986). Hai đoạn thơ là bức họa ngôn từ, thể hiện vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội vừa thơ mộng, trữ tình…

  • Phân tích:

1. Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên miền Tây qua hai đoạn thơ.

– Hai đoạn thơ là kỉ niệm của người lính Tây Tiến trên con đường hành quân. Trên cung đường đó có khó khăn, thử thách nhưng cũng có những vẻ đẹp mới lạ.

* Đoạn thơ thứ nhất:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

+ Thiên nhiên miền Tây Bắc được miêu tả hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều được khắc họa đồng thời cả sự hiểm trở lẫn vẻ đẹp hùng vĩ, kì thú; mưa rừng cho thấy cả thung lũng mờ mịt như tan loãng trong biển mưa, không gian bỗng như mênh mang, xa vời hơn…

+ Bức tranh thiên nhiên cho thấy sự khó khăn, gian khổ và lòng dũng cảm, can trường của người lính trên những chặng đường hành quân.

+ Bức tranh thiên nhiên trở nên ấn tượng bởi được thể hiện qua những câu thơ được viết bằng thanh trắc, các từ láy, hình ảnh độc đáo phép tiểu đối…

* Đoạn thơ thứ hai:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

+ Chiều sương mơ hồ, bảng lảng; hồn lau như biết sẻ chia nỗi niềm với con người; hoa đong đưa như muốn làm duyên làm dáng… Cảnh buồn song chứa chan thi vị.

+ Thiên nhiên hé mở tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn, giàu mộng mơ của người lính Tây Tiến.

+ Bức tranh thiên nhiên thơ mộng trữ tình được hiện lên qua lớp từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi tả, biểu cảm; chất nhạc và chất thơ hòa quyện; nét vẽ mềm mại, tinh tế…

2. So sánh nét tương đồng và khác biệt:

– Cả hai đoạn thơ đều miêu tả thiên nhiên Tây Bắc trên chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến. Thiên nhiên đều được diễn tả thành niềm thương, nỗi nhớ; là phông nền để tôn vinh vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. Hai đoạn thơ cũng là dòng cảm xúc chan chứa, tiếc nuối về vẻ đẹp của thiên nhiên trong hoài niệm.

– Nếu bức tranh núi rừng Tây Bắc ở đoạn thơ thứ nhất là những nét vẽ rắn rỏi, cứng cỏi khắc họa không gian hùng vĩ, dữ dội như thử thách lòng người thì ở đoạn thơ thứ hai lại là những nét vẽ mềm mại, mơ hồ, huyền ảo bởi sương khói và sông nước. Đoạn thơ đầu chủ yếu tác giả sử dụng thanh trắc kết hợp với từ láy khắc họa ấn tượng về độ cao độ và độ sâu của địa hình miền Tây thì đoạn thơ thứ hai lại dàn trải đều đều theo những thanh bằng góp phần tô rõ hơn những phẳng lặng, bình yên của sông nước nơi đây. Bút pháp đối lập tương phản đã giúp nhà thơ vẽ bức tranh thiên nhiên miền Tây với vẻ đẹp đa chiều.

3. Nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ:

– Qua hai đoạn thơ hiện lên một “cái tôi” hào hoa, thanh lịch giàu chất lãng mạn, với khả năng cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người, đồng thời lại rất mực hồn nhiên, bình dị, chân thật. Tây Tiến như một thứ quả trái mùa lạ lẫm.

– Vẻ đẹp lãng mạn đã chi phối bài thơ Tây Tiến, từ ngôn ngữ, giọng điệu đến hình tượng người lính. Điều dó cũng góp phần khẳng định Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa. Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật không chỉ không lặp lại người khác mà còn không lặp lại chính mình.

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.