Cảm nhận vẻ đẹp của các cô gái mở đường qua đoạn thơ: Em nằm dưới đất sâu… (Khoảng trời – Hố bom của Lâm Thị Mĩ Dạ)

cam-nhan-ve-dep-cua-cac-co-gai-mo-duong-doan-tho-em-nam-duoi-dat-sau-lam-thi-mi-da-13210-2

Cảm nhận vẻ đẹp của các cô gái mở đường qua đoạn thơ: “Em nằm dưới đất sâu…” (Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mĩ Dạ)

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
– Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

(Khoảng trời-Hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ)

Từ đó liên hệ đến một tác phẩm mà em đã học hoặc những hiểu biết của em về cuộc sống và chiến đấu của các chiến sĩ qua các bài học lịch sử.


  • Mở bài:

Có thể nói, hình tượng thanh niên xung phong là đề tài nổi bậc của nền văn học kháng chiến chống mĩ cứu nước. Có thể họ không là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng công việc của họ không kém phần hiểm nguy. Biết bao con người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc thân yêu. Họ thực sự là những người anh hùng. Khi đi vào thơ ca, họ lung linh tỏa sáng như những vì sao trên trời, có sức lan tỏa mạnh mẽ:

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
– Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

(Khoảng trời-Hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ)

  • Thân bài:

Lâm Thị Mỹ Dạ viết bài thơ “Khoảng trời hố bom” tại Trường Sơn vào tháng 10 năm 1972, một trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bài thơ như một câu chuyện kể thủ thỉ trong đêm về công việc và sự hi sinh của cô gái mở đường trên chiến trường trường Sơn khói lửa. Cô gái mở đường trẻ trung – nhân vật trong bài thơ – là một trong hàng nghìn người lính Trường Sơn ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược.

Đó là câu chuyện kể một lần cô gái mở đường để cứu con đường khỏi sự cày xới của bom đạn kẻ thù, giúp đoàn xe vượt qua trận càn quét, kịp giờ ra trận, em đã lấy thân mình làm ngọn đuốc dẫn đường, đánh lạc hướng kẻ thù. Trong bóng tối đêm rừng, em là ngọn đuốc rực sáng thu hút kẻ thù. Em đã hi sinh, đoàn xe đã được cứu. Cái chết của em làm tất cả phải rung động và tự hào. Em đã hi sinh vì đồng đội, vì Tổ Quốc. Cái chết của em sáng ngời ý chí cách mạng, sáng ngời chủ nghĩa anh hừng cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, cái hay đạt độ tinh diệu của bài thơ không nằm ở đấy mà nó lung linh phát sáng bởi những so sánh, biểu tượng đầy nghệ thuật sau khúc dạo đầu trên. Mọi chuyện đã ở thì quá khứ. Giọng thơ trầm vọng như tiếng thở dài đầy thương cảm:

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh

Những cô gái trẻ đã từ bỏ làng quê gia đình chiến đấu nơi rừng thiêng núi thẳm vì độc lập tự do của tổ quốc. Dẫu biết đó là hiểm nguy, vất vả nhưng vì đất nước, họ không ngại hi sinh. Nơi em hi sinh còn in dấu tích: một hố bom nham nhở còn đọng nước mưa rừng. Em mãi mãi nằm lặng im trong đất. nhưng trong tâm hồn đồng đội, em như khoảng trời trong bình lặng. Đêm đêm, tâm hồn em là những vì sao tỏa sáng trên bầu trời và trong muôn vạn tâm hồn đồng đội đang vẫn còn tiếp tục chiến đấu.

Cách so sánh có sức mạnh thanh lọc và nâng cao tâm hồn. Ta không còn mường tượng đến cái chết hay sự hủy diệt nữa. Em đã trở thành một phần thiêng liêng của tổ quốc. Em trở thành bất tử. Bởi sau cái chết của em là một sự sống đang tiếp tục nồng ấm trong trái tim con người. Ánh sáng ngọn đuốc đêm em dẫn đường đánh lạc hướng kẻ thù trở thành ánh sáng trên bầu trời tự do. Đó là ánh sáng của lòng căm thù và ý chí chiến đấu. Đo là nguồn ánh sáng dẫn bước ta bước qua đêm trường tăm tối, hướng đến tương lai. Ánh sáng của khát vọng và niềm tin chiến thắng. Kẻ thù có thể giết chết em nhưng không thể dập tắt ánh sáng ấy.

Cái chết của cô gái “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chính là thông điệp mà tác giả gửi gắm vào bài thơ bằng những so sánh và hình ảnh đẹp trong thi phẩm. “Em…” trở thành “khoảng trời đã nằm yên trong đất”. Đấy là một khoảng trời được tỏa sáng bởi tâm hồn người con gái nên đêm đêm “Những vì sao ngời chói lung linh”. Ta hầu như không còn thấy nữa sự tan hoang, chết chóc; vượt lên tất cả, bao trùm tất cả là vẻ đẹp bao la, vĩnh hằng của thiên nhiên đất nước:

Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
– Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

Một lần nữa, gợi về cái chết nhưng cái chết ấy đã được thi vị hóa. Bao trùm lên nó là thứ ánh sáng lung linh, nhiệm màu, đẹp như khoảng trời trong, như làn mây trắng. Nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ Người con gái Vệt Nam cũng có nhưng câu thơ đẹp đẽ như thế:

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?

Có hai khoảng trời trong đoạn thơ. Khoảng trời xanh cao của vũ trụ và khoảng trời phản chiếu trong bóng nước hố bom. Ta nhìn thấu chiều cao của trời cao và ta cũng thấy được chiều sâu trong khoảng trời em. Tâm hồn em trong sáng như khoảng trời ấy. Tâm hồn em cũng cao lộng và rộng lớn như khoảng trời cao xanh kia. Em không chết mà em đi vào với vĩnh hằng. Em hóa thân thành những gì ngời sáng và đẹp đẽ nhất trên mặt đất. Em trở thành nguồn sáng chân lí soi đường cho muôn thế hệ trẻ Việt Nam bước tiếp:

Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

Những liên tưởng, so sánh nối tiếp nhau, bổ sung nhau, tôn vinh nhau làm nên vẻ đẹp và sức sống của bài thơ. Từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ hữu hạn đến vô hạn, từ cụ thể đến trừu tượng là điều ta cảm nhận được ở đoạn thơ này.

Giữa Lâm Thị Mỹ Dạ và Lê Minh Khuê đã có điểm gặp gỡ trong cách tái hiện cuộc sống chiến đấu và sự hi sinh âm thầm của các nữ thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi kể về cuộc sống gian khổ và công việc phá bom nổ chậm đầy hiểm nguy của ba nữ thành niên xung phong trên một cao điểm trong vùng trọng điểm của chiến trường Trường Sơn.

Họ sống trong một hang đá nhỏ. Đó là nơi gần như tách biệt với con người. Nhưng cô gái trẻ tuổi phải sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn và thầm lặng. Công việc của họ là hằng ngày phá những quả bom nổ chậm mà kẻ thù rải xuống khắp mặt đường và bảo vệ con đường cho xe thông tuyến.

Ở hình tượng nữ thanh niên xung phong trong cả hai tác phẩm ta nhận thấy ở họ có những phẩm chất cao đẹp của thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống mĩ cứu nước.

Ở họ có một tình yêu nước thiết tha. Khi tổ quốc gọi, họ sẵn sàng từ bỏ quê nhà lên đường đi chiến đấu ở nhưng nơi khắc nghiệt. Trong trái tim người tuổi trẻ phơi phới niềm tin và lý tưởng cách mạng, một lòng chiến đấu vì độc lập nước nhà, không quản ngại gian khổ, hi sinh.

Ba cô gái trong Những ngôi sao xa xôi từ những miền quê khác nhau đã gặp nhau trên chiến trường Trường Sơn ác liệt. Họ tuy xa lạ nhưng lại gần gũi nhau trong một đơn vị, một nhiệm vụ, một mục đích chiến đấu. Họ xem nhau như chị em, tương trợ, lo lắng và giúp đỡ nhau trong công việc, quyết sống chết có nhau, không bao giờ chịu lùi bước.

Cô gái mở đường trong Khoảng trời hố bom đến với chiến trường Trường Sơn với một lòng yêu nước thiết tha. Chính tình yêu nước giúp cô vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống và sự hiểm nguy của công việc. Cô sống giữa tình yêu của đồng đội. Công việc của cô là bảo vệ những con đường và dẫn xe vượt qua những điểm đánh phá của địch.

Họ là nhưng người gan dạ, dũng cảm, không khiếp sợ trước bom đạn của kẻ thù. kẻ thù dù có hung bạo đến mức nào cũng không thể không thể khiến họ khiếp sợ. Dưới mưa bom bão đạn, họ vẫn tiến hành công việc. Cái chết cũng không thể khiến họ lùi bước hay đầu hàng. Bản lĩnh của người lính yêu nước và khát vọng tự do là ngọn lửa soi sáng trái tim họ trong đêm trường đau khổ dân tộc.

  • Kết bài:

Đọc hai tác phẩm ta cảm nhận sâu sắc sức mạnh dân tộc chảy trào trong những trái tim trẻ. Những nữ thanh niên xung phong ấy là đại diện tiêu của tuổi trẻ anh hùng thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ở họ là tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống và quyết chiến đấu, hi sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ sự sống ấy. Từ những con người anh hùng ấy khiến cho ta thêm cảm phục những con người đã vì tổ quốc mà không tiếc máu xương, khiến ta thêm biết mình với quê hương đất nước. Nó giúp ta thanh lọc và nâng cao tâm hồn. Đúng như Hoài Thanh đã từng nói: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có.”

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.