Cảm nhận vẻ đẹp của người lính thời kháng chiến chống Pháp qua đoạn cuối bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu

cam-nhan-ve-dep-cua-nguoi-linh-thoi-khang-chien-chong-phap-qua-doan-cuoi-bai-tho-dong-chi-9566-2

Vẻ đẹp của người lính thời kháng chiến chống Pháp qua đoạn cuối bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu

  • Mở bài:

Đọc thơ Chính Hữu, ta thấy thơ ông hầu như chỉ viết về đề tài người lính và chiến tranh và một ngôn ngữ cô đọng hàm súc, hình ảnh chọn lọc, cảm xúc dồn nén. Có lẽ một trong những, tác phẩm được xem là thành công nhất, tiêu biểu cho phong cách viết của thi sĩ Chính Hữu được độc giả biết đến nhiều nhất đó chính là bài “Đồng chí” được viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính Hữu đã dành những ngôn ngữ chân thực và cảm động nhất khắc họa đậm nét hình ảnh cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh của người lính và sức mạnh đồng đội, đồng chí trong cuộc chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù hung bạo.

  • Thân bài:

Trong nền văn học cách mạng, bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là một trong những bông hoa đầu mùa trong vườn thơ kháng chiến viết về những người chiến sĩ vệ quốc ở những năm tháng đầy gian nan, thử thách. Bài thơ ra đời năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông. Bao trùm bài thơ là hình ảnh người chiến sĩ vệ quốc cùng với tình cảm đồng chí, đồng đội cao đẹp của họ.

Thơ ca thời kháng chiến chống Pháp đã từng đề cập đến những khó khăn gian khổ trong buổi đầu. Viết về những gian khổ của ngời lính, mỗi nhà thơ sử dụng một giọng điệu khác nhau. Nếu Quang Dũng thì xây dựng nên hình tượng người lính với vẻ đẹp bi tráng, hào hùng:

“Rãi rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Quang Dũng – Tây Tiến)

Tố Hữu ngọt ngào da diết trong Cá nước:

“giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi!
Sao mà yêu anh thế”

(Tố Hữu – Cá nước)

Còn Hồng Nguyên mộc mạc sâu lắng với nỗi Nhớ:

“Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh”

(Hồng Nguyên – Nhớ)

Giang Nam hồi tưởng theo bước chân hành quân của Những chuyến ra đi:

“Hai mươi năm trước – giữa cực nam – chân đất đầu trần
Mắt ướt nghe lời bác Hồ: kháng chiến
Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…
Và những đoàn quân vệ quốc lên đường”…

(Giang Nam – Những chuyến ra đi)

Còn Chính Hữu với bài thơ Đồng chí đã dựng nên một bức tượng đài người lính vừa mộc mạc, giản dị vừa lãng mạn, kiêu hùng. Những chàng trai trẻ từ biệt miền quê yêu dấu lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Họ gặp nhau nơi chiến khu. Họ cùng chung cuộc sống, cùng chung nhiệm vụ chiến đấu. Lý tưởng yêu nước đã gắn kết họ lại với nhau. Nơi rừng núi đầy hiểm nguy, chưa lúc nào họ lùi bước.

Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến thế, người lính vẫn kề vai sát cách, không khi nào rời khỏi nhiệm vụ chiến đấu. Trong những giây phút đối mặt với kẻ thù, tình đồng chí của họ trở nên đẹp nhất, thiêng liêng nhất:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng canh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

(Chính Hữu, Đồng chí)

Giữa một cánh rừng hoang, một màn sương lạnh có hai người sát cánh bên nhau trong tư thế hiên ngang, chủ động “chờ giặc tới”. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng học giữa cảnh rừng hoang mùa đông dày đặc sương muối. Tình đồng chí giờ đây không chỉ đơn thuần là “đêm rét chung chăn” là sự gắn bó động viên vượt qua gian khổ “tay nắm lấy bàn tay” mà ngay chính ranh giới giữa cái sống và cái chết, họ vẫn bên nhau. Thật đúng là:

Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Là nấm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau nụ cười, chia nhau cái chết.

(Chính Hữu, Đồng đội)

Trong đoạn kết này có lẽ hình ảnh đẹp và thơ mộng nhất đó là cảnh tượng: “Đầu súng trăng treo”. Đó là hình ảnh có thật được nhận ra từ những đêm hành quân phục kích như lời của chính tác giả. Hình ảnh ấy không chỉ đẹp và thơ mộng trong cuộc sống hiện thực mà nó còn đẹp bởi ý nghĩa tượng trưng mà độc giả đã từng nghĩ về nó. Nếu “súng” tượng trưng cho người lính, cho sự chiến đấu, cho chất liệu hiện thực khốc liệt thì hình ảnh “ánh trăng” tượng trưng cho tâm hồn của thi si, là cuộc sống thanh bình, yên ả và là yếu tố lãng mạn trong văn chương, là lý tưởng cách mạng cao đẹp, tỏa sáng, là khát vọng hòa bình.

Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” đã toát lên tâm hồn trong sáng, hay bay bổng của người chiến sĩ, khẳng định vẻ đẹp chân chính của cuộc chiến tranh vệ quốc, đồng thời còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của thơ ca thời kháng chiến chống Pháp?

Nhìn lại toàn bài ta nhận thấy tác giả đã xây dựng câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau để diễn tả sự gắn bó, sẻ chia, sự tương đồng về cảnh ngộ: “quê hương – làng tôi”,“súng bên súng – đầu sát bên đầu”, “áo anh – quần tôi”, “đầu súng – trăng treo”…  Sự gắn kết, cưu mang, đùm bọc giữa họ thật đẹp. Thật cao cả và không gì có thể chia cắt được sợi dây tình cảm đó…

Qua việc vận dụng giọng điệu trữ tình trầm lắng, ngôn ngữ cô đọng hàm súc kết hợp với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, tác giả giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp chân chất, bình dị mà cao đẹp của những anh “bộ đội Cụ Hồ” trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp và tình đồng chí, đồng đội của họ.

  • Kết bài:

Chiến tranh và những tháng ngày gian khổ đã đi qua, nhưng những năm tháng lịch sử ấy là những giây phút không thể nào quên. Cảm ơn nhà thơ Chính Hữu cùng với bài thơ “Đồng chí” đã góp thêm vào trang sử hào hùng của dân tộc một hình tượng văn học: hình tượng anh bộ đội cụ Hồ…

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận sức mạnh vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng kẻ thù của người lính trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.