Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong cuộc chiến với con sông hung dữ trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

cam-nhan-ve-dep-hinh-tuong-nguoi-lai-do-trong-cuoc-chien-voi-con-song-hung-du-trong-tuy-but-nguoi-lai-do-song-da-cua-nguyen-tuan

Anh/chị hãy phân tích hình tượng người lái đò trong cuộc chiến với con sông hung dữ trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Từ đó, hãy cắt nghĩa vì sao, trong con mắt của tác giả, thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta.

  • Mở bài:

– Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tuỳ bút “Sông Đà” (1960). Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.

– Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vĩ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc” qua cuộc chiến với con sông hung dữ của người lái đò, một nghệ sĩ tài hoa trên sông nước.

  • Thân bài:

Vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong cuộc chiến với con sông hung dữ.

– Thoạt nhìn đó là cuộc đấu không cân sức. Bởi đó là trận đấu mà ở bên này là một thiên nhiên lớn lao, dữ dội và hiểm độc, với sức mạnh được nâng lên hàng thần thánh, có sóng nước hò reo quyết vật ngửa mình thuyền, có thạch trận với ba lớp trùng vi vây bủa, được trấn giữ bởi những hòn đá ngỗ ngược, hỗn hào và nham hiểm; còn bên kia là con người bé nhỏ, không hề có phép màu, vũ khí trên tay chỉ là chiếc cán chèo – những chiếc que thật mỏng manh trước nguy nga sóng thác – trên một con đò đơn độc hết chỗ lùi.

– Vậy mà thác dữ không chặn bắt được con thuyền. Cuối cùng vẫn là con người chiến thắng sức mạnh thần thánh của tự nhiên, vẫn là con người cưỡi lên thác ghềnh, xé toang hết lớp này đến lớp kia của trùng vi thạch trận, để những thằng đá tướng phải lộ sự tiu nghỉu, thất vọng qua bộ mặt xanh lè. Người lái đò đã đè sấn được sóng gió, nắm chặt cái bờm sóng mà thuần phục sự hung hãn của dòng sông.

– Nguyễn Tuân cho thấy, nguyên nhân làm nên chiến thắng của con người không hề bí ẩn. Đó chính là sự ngoan cường, chí quyết tâm, và nhất là kinh nghiệm đò giang sông nước, lên thác xuống ghềnh đã giúp cho con người nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, để từ đó khuất phục dòng thác hồng hộc hơi thở của hùm beo.

– Để miêu tả cho thật hùng tráng và hấp dẫn cuộc ác chiến giữa ông lái đò với thác dữ sông Đà, Nguyễn Tuân đã tung ra đạo binh ngôn từ hùng hậu cùng tất cả sự tài hoa, uyên bác trong ngòi bút của mình.

Thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là “vàng mười” của đất nước ta.

– Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vỹ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”

– Từ việc làm rõ sức mạnh, sự ngoan cường, chí quyết tâm, kinh nghiệm đò giang của người lái đò – một người lao động bình thường trên mảnh đất Tây Bắc nước ta, qua cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chúng ta hiểu rằng, chẳng phải tình cờ khi, để nói về màu sắc của núi sông, Nguyễn Tuân chỉ dùng một chữ vàng. Để rồi sau đó, ông sẽ dùng chữ vàng mười để gọi tên vẻ đẹp và giá trị quý báu của con người lao động. Điều đó chứng tỏ, trong cảm xúc thẩm mĩ của tác giả Người lái đò sông Đà, con người đẹp hơn tất cả và quý giá hơn tất cả.

– Người lái đò sông Đà chính là khúc hùng ca ca ngợi con người, ca ngợi ý chí của con người, ca ngợi lao động vinh quang đã đưa con người tới thắng lợi huy hoàng trước sức mạnh tựa thánh thần của dòng sông hung dữ. Đấy chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc và của những người lao động nói chung.

  • Kết bài:

Qua tùy bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc hoạ những nét thơ mộng, hùng vỹ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới : chất vàng mười của đất nước trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội qua hình ảnh người lái đò sông Đà. Từ đó nhà văn ca ngợi sông Đà, núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đồng bào Tây Bắc cần cù, dũng cảm, rất tài tử, tài hoa.

Ôn tập kiến thức văn bản: Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận vẻ đẹp hình ảnh ông lái đò khi vượt thác và sau khi vượt thác trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.