Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa

Nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long).

  • Mở bài:

Dù không phải là nhân vật chính nhưng nhân vật ông hoạ sĩ trong “Lặng lẽ Sa Pa” có vai trò rất quan trọng trong truyện: người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và những ý nghĩ của ông hoạ sĩ để trần thuật, để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm những suy nghĩ về con người lao động, về cuộc sống mới, về vai trò của nghệ thuật và trách nhị nhị của mỗi con người đối với đất nước.

  • Thân bài:

Ông hoạ sĩ là người nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm. Ngay từ những phút ban đầu gặp gỡ anh thanh niên, bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã xúc động và bối rối. Ông hoạ sĩ đã xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ”. Sau đó ông lại ngạc nhiên khi thấy anh thanh niên đang hái hoa, cảm động và bị cuốn hút trước sự cởi mở chân thành của anh. Rồi ông lại cảm giác “mình bối rối” khi nghe anh thanh niên kể về công việc.

Bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ sáng tạo đi tìm đối tượng của nghệ thuật. Ông biết mình đang xúc động và bối rối vì đã “bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi dù khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới dù là giá trị một chuyến đi dài”. Anh thanh niên là một con người như thế và có thể là nhân vật tương lai trong một tác phẩm của ông.

Vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa cao quý của những công việc thầm lặng trên chốn Sa Pa lặng lẽ là đối tượng nghệ thuật mới, đã thôi thúc người hoạ sĩ sáng tác. Anh thanh niên muốn dành 20 phút để nghe chuyện dưới xuôi. Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”. Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo nên chiều sâu tư tưởng.

Ông hoạ sĩ hứa mười ngày nữa trở lại, còn bây giờ ông muốn dành trọn vẹn 20 phút ngắn ngủi để hiểu thật kỹ về người thanh niên, về đối tượng mà ông đang định thể hiện trong bức tranh của mình. Ông muốn làm một bức phác hoạ chân dung về anh thanh niên nhưng làm thế nào “cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa?” Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà hoạ sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

Ông họa sĩ chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác, đã bắt cảm hứng của mình hiện lên trang giấy: “cũng may mà bằng mấy nét, hoạ sĩ đã ghi xong, lần đầu gương mặt của người thanh niên, người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ”.

Chính cái nhìn thật đẹp về cảnh vật và con người, những suy nghĩ đẹp, những khát vọng đẹp của ông họa sĩ đã làm nên chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Cảnh sắc Sa Pa hiện lên với tất cả sắc màu và tình yêu mến thiết tha dành cho nó. Cuộc sống con người cũng được bọc trong cảm xúc nâng nui, quý trọng và nể phục của ông họa sĩ càng khiến chúng ta biết trân quý và muốn giữ gìn, tôn vinh.

  • Kết bài:

Có thể xem nhân vật ông họa sĩ là nhân vật luận đề mà nhà văn đã khéo léo xây dựng. Toàn bộ vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên được nhìn nhận và ghi nhận qua ánh mắt và suy nghĩ của ông họa sĩ. Qua nhân vật ông họa sĩ, Nguyễn Thành Long bày tỏ điểm nhìn nghệ thuật về cuộc sống, lý tưởng sống của con người trong thời đại mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang