Cảm nhận vẻ đẹp tình bạn mộc mạc, chân thành trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.

cam-nhan-ve-dep-tinh-ban-moc-mac-chan-thanh-trong-bai-tho-ban-den-choi-nha-cua-nguyen-khuyen

Cảm nhận vẻ đẹp tình bạn mộc mạc, chân thành trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.

  • Mở bài:

Nguyễn Khuyến (1835- 1909) là bậc đại Nho, một nhà thơ lớn giàu lòng yêu nước, có phẩm chất cao quý, bảo trọng khí tiết mà cam chịu sống nghèo, rất cận nhân tình và là nhà thơ của dân tình. Ông để lại cho đời sau một kho tàng thơ ca phong phú, được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là sáng tác nổi bậc của Nguyễn Khuyến trong thời gian ở ẩn tại quê nhà.

  • Thân bài:

Tình bạn là một đề tài nổi bật trong thơ Nguyễn Khuyến.Ông có nhiều bài thơ hay viết về tình bạn (bạn cùng quê,bạn đồng môn,đồng khoa…) như: Khóc Dương Khuê, Lụt hỏi thăm bạn, Bạn đến chơi nhà. Điều làm nên nét đặc sắc, độc đáo trong mảng thơ này chính là chất nhân hậu, thấm tình thấm đẫm trong từng câu, từng bài.Người đọc cảm nhận thấy sự ngưng đọng của thời gian, thậm chí là nét huyền ảo của không gian, hoàn cảnh, chỉ có những tình cảm gần gũi, thân thiết, không chút khách khí có thực, là cảm động.

Ở bài thơ “Bạn đến chơi nhà”, mở đầu bài thơ, tác giả thể hiện niềm vui khi bạn đến chơi nhà:

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà”

Câu thơ vang lên như một tiếng reo vui thể hiện niềm vui hồ hởi khi có bạn đến chơi nhà. Thời  gian “đã bấy lâu” không định rõ, nhưng có lẽ đã rất lâu nhà thơ mới được gặp bạn. Trạng ngữ chỉ thời gian đứng ở đầu câu diễn tả sự xa cách nhớ mong, làm nổi bật nỗi niềm xúc động và vui sướng vô hạn của nhà thơ khi gặp lại người bạn.

Cách xưng hô: “Bác” hết sức thân mật, kính trọng. Đặt câu thơ trong hoàn cảnh Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn chốn hương thôn, ít bạn bè giao du, có lẽ bạn đến chơi nhà là niềm mong mỏi, là nỗi đợi chờ người khác khoải trong lòng nhà thơ. Đằng sau câu thơ ta cảm thấy những bước chân lập cập như ríu lại, những giọt ứa nơi khóe mắt đôi người bạn già.

“Muốn đi lại tuổi bạn già thêm nhác
Trước ba năm gặp bác một lần
Cầm tay hỏi hết xa gần
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”.

(Khóc Dương Khuê)

Cách nhập đề tự nhiên, thể hiện niềm vui chân thành của nhà thơ khi bạn đến chơi nhà.

Tiếp đến, nhà thơ kể rõ hoàn cảnh tiếp bạn. Thông thường,bạn đến chơi nhà là mừng, là quý. Người Việt Nam vốn có phong tục bạn mới quen thì trầu nước, bạn thân từ nơi xa đến thì nhất thiết phải mời cơm chu đáo. Dân gian ta cũng có câu: “Khách đến nhà không gà cũng vịt”. Vậy mà, nhà thơ lại lâm vào hoàn cảnh thật trớ trêu: Những thức ăn ngon không có, rau dưa chưa đến kì thu hoạch, đến miếng trầu đầu câu chuyện cũng không có nốt:

“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,”

Hoàn cảnh éo le được diễn đạt theo chiều hướng tăng tiến: Những thứ không có được sắp xếp theo trình tự không gian: từ xa → gần (chợ → vườn → nhà); từ  thấp → cao (ao sâu → cải → cà → bầu → mướp). Tất cả đều không.sự thiếu thốn về vật chất ở đây được đẩy đến mức khó tin.

Thực ra khi cáo quan về ở ẩn, cuộc sống của Nguyễn Khuyến có đạm bạc nhưng với cơ ngơi “năm gan nhà có thấp le te” và:

“Chín sào tư thổ là nơi ở
Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà”.

(Ngày xuân dạy các con)

Hơn nữa trong một bài tự trào,nhà thơ có viết: “Đi đâu cũng giở cối cùng chày” thì không đến nỗi ông không lo nổi bữa cơm mời bạn,cũng không đến nỗi “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Vậy đây ắt hẳn là cách nói phóng đại, cường điệu chỉ cối đùa vui như tính tình vốn hóm hỉnh của cụ Tam nguyên Yên Đổ.

Giọng điệu của những câu thơ toát lên sự hóm hỉnh.Những hư từ (thời, phó từ chửa, mới, đương…),những tính từ (sâu, cả, rộng, thưa) được sử dụng khéo léo, tự nhiên góp phần tạo ra một miếng cười kín đáo, vui vui. Đằng sau mỗi câu thơ, ta như thấy một đôi mắt rất vui, hấp háy tinh nghịch của cụ Tam Nguyên.

Điều thú vị của đoạn thơ này đó là tác giả nói không có cá, không có gà, không có rau dưa… nhưng đoạn thơ vẫn gợi nên một bức tranh thôn quê dân dã, thân thuộc mà sinh động. Hình ảnh Nguyễn Khuyến trong bức tranh thôn quê dân dã, thân thuộc mà sinh động. Hình ảnh Nguyễn Khuyến trong bức tranh quê ấy thật hồn hậu. Ông sống chan hòa với thiên nhiên vườn Bùi chốn cũ, ông hăng hái dẫn người bạn của mình đi thăm thú điền viên. Làng cảnh vùng chiêm trũng này cũng chính là nơi ông giữ trọn khí tiết thanh cao của mình. Do đó, bài thơ không chỉ gợi nên một bức tranh quê mộc mạc mà còn gợi cả tình quê ấm áp, hồn hậu.

Tóm lại, qua lời thơ hóm hỉnh trào lộng vui vui, nhà thơ bày tỏ cuộc sống thanh bạch, tâm hồn thanh cao của một nhà Nho khước từ mọi bổng lộc của thực dân Pháp, lui về ở ẩn nơi quên nhà.

Tưởng rằng nhà thơ hững hờ với bạn. Nhưng không, nhà thơ lấy cái không để nói cái có. Câu thơ cuối thể hiện trọn vẹn tấm lòng chân thành quý mến bạn của tác giả:

“Bác đến chơi đây ta với ta”.

Một lần nữa, từ “bác” lại xuất hiện cuối bài, thân mật mà trân trọng. Cụm từ “ta với ta” không hề gợi nên sự quanh vắng, cô đơn và buồn man mác như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan mà gợi nên sự chan hòa quấn quýt:

“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”.

“Ta” là Nguyễn Khuyến, “ta” cũng là người bạn. Nguyễn Khuyến tiếp bạn không bằng cao lương mĩ vị mà bằng cả tấm lòng chân thành. Nguyễn Khuyến đãi bạn bằng cả tấm lòng, tình bạn đậm đà, thắm thiết. Với Nguyễn Khuyến, tình bạn đẹp là tình bạn có tình cảm chân thành, không câu nệ vật chất tầm thường. Tình bạn của Nguyễn Khuyến cũng giúp ta nhận thấy nhân cách cao đẹp, tâm hồn trong sáng của vị Tam Nguyên Yên Đổ.

Đặt quan niệm về tình bạn của Nguyễn Khuyến trong hoàn cảnh xã hội, trong nhân tình thế thái bấy giờ:

“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”

(Thói đời – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Ta mới thấy trân trọng lối sống thanh cao và tình bạn đẹp đẽ của nhà thơ.

Câu thơ thứ tám sáng bừng. Câu thơ đã đúc kết lại giá trị của toàn bài thơ, bộc lộ tình cảm sâu sắc của nhà thơ đối với bạn, khẳng định một tình bạn đậm đà thắm thiết, trọn vẹn mà trong sáng, vượt qua mọi thử thách tầm thường. Đến giờ người ta không còn bán tín bán nghi mà thực sự hiểu cái hoàn cảnh trớ trêu ở sáu câu thơ trên là cái cớ để nhà thơ thể hiện quan điểm tư tưởng, tình cảm của mình. Câu thơ thứ tám lấy lại thế cân bằng cho cả bài thơ.

  • Kết bài:

Với cách tạo tình huống bất ngờ, thú vị, giọng thơ chất phác, hồn nhiên, ẩn sau câu chữ là ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười hồn hậu, ấm áp, chân tình của nhà thơ; sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ bác học, bài thơ ca ngợi tình bạn chân thành thắm thiết, đậm đà, mộc mạc và tràn đầy niềm vui dân dã của tác giả.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Bài 10. Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến) (Ngữ văn 8, tập 2, Chân Trời Sáng Tạo) - Theki.vn
  2. Đọc hiểu văn bản Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến) (Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.