Cảm nhận truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

cam-nhan-ve-dep-truyen-ngan-hai-dau-tre-cua-thach-lam

Cảm nhận truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam

  • Mở bài:

Viết về xã hội Việt Nam tiêu điều, xác xơ trước Cách mạng tháng Tám, Thạch Lam không lên gân, không đanh thép tố cáo trực diện chế độ thực dân phong kiến bóc lột dân nghèo. Bằng một giọng văn đều đều chậm rãi nhưng không hề nhàm chán, đôi chỗ buồn thương để lại những khoảng lặng trong lòng người, người con của “thị trấn văn chương” đã tái hiện lại bức tranh phố huyện từ buổi chiều muộn chuyển dần sang đêm cho đến khi chuyến tàu cuối cùng vụt ngang qua phố huyện. Cái thế giới bé nhỏ của phố huyện nghèo trước Cách mạng với hình ảnh thiên nhiên và những kiếp người tàn được cảm nhận qua sự thiên biến tinh vi trong tâm hồn nhân vật Liên – một cô gái mới lớn, tràn đầy sức sống, tràn đầy những khao khát ước mơ vì hoàn cảnh phải thu mình lại trong cái gian hàng bé xíu, tồi tàn.

  • Thân bài:

Hoàng hôn buông xuống cái chợ còm giữa những dãy đồng mịt mờ bao quanh hiện lên qua lời văn Thạch Lam đẹp như ca dao, cổ tích. Đó là “tiếng trống thu không” vang ra xa réo gọi buổi chiều, kết thúc một ngày luẩn quẩn như bao ngày, buồn bã và uể oải. Màu “đỏ rực” huy hoàng của vòm trời phương Tây xô lệch sắc màu đen kịt của dãy tre làng trong ánh tà dương chiếm lĩnh bức tranh tưởng tượng. Tiếng ếch nhái “kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” và tiếng muỗi “vo ve” trong cửa hàng của chị em Liên hòa vào nhau tạo thành một khúc nhạc đồng quê đầy thân quen mà bất cứ miền quê nào trên khắp đất nước ta cũng nghe được mỗi khi chiều buông xuống.

Trong khoảnh khắc đó, bức tranh phố huyện đẹp nhưng buồn, cái buồn của buổi chiều quê tự nhiên “thấm thía vào tâm hồn ngây thơ” của Liên, khiến Liên cũng “buồn man mác”. Phải chăng Thạch Lam đã “bỏ buồn” vào trong câu chữ? Ngay từ đầu tác phẩm, có thể khẳng định Thạch Lam là nhà văn của nỗi buồn, của những u hoài xa xôi trong quá vãng…

Trong rất nhiều hình ảnh thôn dã, Thạch Lam lại đặc tả cảnh chợ phố. Nhà văn cũng không tái hiện sinh khí ồn ã, tấp nập của chợ mà là khoảnh khắc “Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”. Là “phố” nhưng lại vắng vẻ, buồn tênh. Là “chợ” nhưng “đã vãn từ lâu”. Cảm giác như mọi thứ đang dần đi vào ngõ cụt, đang lụi tàn. Vẻ nghèo khó phô bày trên nền chợ vãn, là hình ảnh “vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía” bừa bãi, là mùi vị “âm ẩm bốc lên” – sự nghèo khó không chỉ hiển hiện bằng hình thù mà còn man mác qua dư vị. Chợ nhỏ bé, ế ẩm nhưng lại là nơi mưu sinh của bao người.

Với Liên, gian hàng thuê lại từ một bà lão móm, dán nhật trình, bán lèo tèo vài thứ là nguồn sống, là công việc của hai chị em. Với chị Tí – người phụ nữ lam lũ, bĩ cực với hàng nước đơn sơ, dẫu “chả kiếm được bao nhiêu” nhưng ngày nào cũng chăm chỉ dọn hàng, gắng gượng bám víu lấy sự sống, bám víu cuộc đời. Đồng trang lứa với An là mấy đứa trẻ em nhà nghèo, tí tuổi đầu đã vội vã lao vào đời, với nỗi lo cơm áo. Trong buổi chiều chập choạng, Liên trông thấy đám trẻ “cúi lom khom” “nhặt nhạnh” những thứ còn sót lại để kiếm sống. Dáng hình cong cong như dấu hỏi của những đứa trẻ ấy đè nặng tâm trí người đọc, giống như Liên, độc giả cũng “động lòng thương” cho thế hệ trẻ em nghèo trong câu chuyện rất đời, rất thực.

Không dừng lại ở đó, Thạch Lam đã bóc trần hết mức sự khổ nghèo, tàn tạ của phố huyện và con người. Theo chiều thời gian, “trời đã bắt đầu đêm”. Đêm mùa hạ miền Bắc tuy êm ả như nhung và mát lành ngọn gió nhưng lại tối tăm đến ngợp thở. Bóng tối tưởng chừng như nuốt chửng ánh sáng, nuốt chửng con người. Nếu ta ví đoạn văn tả cảnh đêm phố huyện như một bức tranh thì có lẽ “họa sĩ” Thạch Lam đã dùng gam màu chủ đạo là màu đen, với những nét cọ to tướng và dằn nặng. Nhưng ở đây không phải là một bức tranh với mảng màu sáng tối mà là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.

Cái hay của Thạch Lam là đã tạo được sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng. Ở đó, bóng tối chiếm ưu thế, còn ánh sáng đơn độc, nhỏ nhoi. Con đường “tối hết”, ngõ quê “chứa đầy bóng tối”, ánh sáng leo lét với những “khe”, “hột”, “chấm”, “quầng”… không biết lúc nào sẽ vụt tắt hẳn đi. Có một thời đất nước mình “tối tăm” đến vậy! Đó là bóng tối của xã hội thực dân phong kiến đày đọa, đè nén bao thế hệ con người. Nhân dân chìm đắm trong bóng tối như ánh sáng ngụp lặn giữa màn đêm, không tìm thấy hướng đi cho cuộc đời.

Trong đêm phố huyện xuất hiện hình ảnh bác phở Siêu với gánh phở ngon – thức quà hạng sang, nỗi khát thèm của trẻ con phố huyện. Chị Tí ngồi ngóng cổ đợi khách, ý thức về thời gian đã mất đi tự lúc nào trong chị qua lời đáp “sớm với muộn mà có ăn thua gì”, bởi sớm hay muộn thì chị cũng làm lụng vất vả, sớm hay muộn thì chị cũng ế ẩm cả thôi. Vợ chồng bác Xẩm hát chẳng ai nghe, “tiếng đàn bầu bật lên” như tiếng buồn của cuộc đời, cuối cùng cũng ngủ gật trên manh chiếu.

Như bao người khác sống bằng nghề mua gánh bán bưng nơi phố huyện nghèo, chị em Liên cũng ế hàng, ngồi nhìn ra phố, mở rộng lòng mình cảm nhận cuộc sống buồn bã, luẩn quẩn và tù đọng chốn này, nghĩ về tuổi thơ với bao hồi ức đến nay vẫn còn tươi rói. Nhà văn đã hạ bút viết một câu nghe thật xót xa: “Chừng ấy người trong bóng tối đang mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Ngay cả Thạch Lam, người sinh ra “chừng ấy người” cũng chẳng biết cái “tươi sáng” ấy là gì thì huống gì Liên, An, bác phở Siêu, chị Tí… ?

Đêm nào hai đứa trẻ cũng thức đến khuya. Thức không phải để bán hàng mà để đợi đoàn tàu rực rõ đi ngang qua phố huyện. Chuyến tàu Phòng đã để thương để nhớ trong lòng Liên và An, là sự đợi chờ, là hi vọng cuối cùng trước khi khép mắt. Thạch Lam không nói rõ từ khi nào hai đứa trẻ đã bắt đầu đợi tàu đêm đi ngang qua. Nhưng có lẽ là lâu lắm! Dường như là từ khi gia đình Liên dọn từ Hà Nội rực rỡ đèn hoa về phố huyện nghèo nàn, vì thầy Liên mất việc, gia đình sa sút. Xa Hà Nội, Liên và An đều canh cánh một niềm thương nỗi nhớ.

Hà Nội là cả khoảng trời kí ức tuổi thơ êm đềm và đủ đầy của Liên, là biểu tượng của một thế giới đáng sống, rực sáng. Nhớ Hà Nội, chị em Liên không còn biết làm gì ngoài việc thức khuya đợi đoàn tàu mang chút dư vị Hà thành về rót trên mảnh đất nghèo nàn, xơ xác này. Chuyến tàu đêm như nguồn nước mát lành tưới tắm tâm hồn đang dần khô cằn đi của Liên và An. Khoảnh khắc ngắm nhìn đoàn tàu chạy qua, Liên và An hân hoan mê đắm.

Giây phút tàu về là giây phút huy hoàng, tươi đẹp nhất của phố huyện nhỏ bé này. Ngắm tàu, Liên tận hưởng từng khoảnh khắc say nồng trong tâm hồn mình. Tàu lướt nhanh nhưng Liên cố ngắm nhìn thật kĩ để cảm nhận rằng “tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Nhưng không vì thế mà Liên buồn bởi từ lâu Liên và An đã quen với cái thế giới “kém sáng”, nói đúng hơn là tối tăm, tịch mịch.

Chỉ cần là đoàn tàu từ Hà Nội “xa xăm”, “sáng rực vui vẻ và huyên náo” về là Liên thấy thỏa lòng mong đợi. Chuyến tàu ấy “đem một chút thế giới khác đi qua” dù chỉ là thoáng chốc. Thế giới đó đối lập hoàn toàn với cảnh sống khổ nghèo, tù đọng nơi đây. Thế giới mà chị em Liên (và những người dân lao động nhọc nhằn khác) hằng ước ao, mong mỏi…

Thạch Lam kể chuyện thật nhẹ nhàng, từ ngữ không cầu kì, hoa mĩ. Có thế mạnh về tả cảnh, dựng cảnh, song Thạch Lam không phô diễn sở trường của mình mà biết cách tiết chế, khiến cho sự xuất hiện của nhân vật phụ hay đoàn tàu đều có những ý nghĩa riêng. Nhà văn đã phản ánh chân thật cái phố huyện nghèo nàn, xác sơ trước Cách mạng tháng Tám, với những kiếp người nghèo khổ, lam lũ, sống hôm nay không nghĩ tới ngày mai.

Truyện được xây dựng qua góc nhìn của nhân vật Liên. Đây là một lựa chọn hoàn toàn sáng suốt, nhân vật – người trong cuộc – tự cảm nhận về cuộc sống của chính mình và của mọi người, từ đó thể hiện giấc mơ về một “cái gì tươi sáng” cho mình và cho người.  Nhân vật Liên hiện lên vừa nhạy cảm, tinh tế, vừa nhân hậu, bao dung. Tuy đôi khi ta thấy cô bé này già trước tuổi, nhưng đó là sự trưởng thành trong tư tưởng của Liên.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ’ của Thạch Lam chẳng những viết về xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối mà còn đề cập đến quyền trẻ em. Trẻ em (như chị em Liên) cần được sống trong một xã hội tươi đẹp, một thế giới đáng sống, đầy mộng ước. Chúng như những mầm non xứng đáng được tưới tắm mát lành. Hai đứa trẻ trong câu chuyện khiến người đọc xót xa, thương cảm bởi chúng giống như mầm non phải vươn mình trên mảnh đất cằn cỗi, bạc màu, thiếu sức sống.

  • Kết bài:

Phố huyện nghèo tẻ nhạt, buồn bã, lẻ loi chỉ lóe lên khi có ánh sáng của đoàn tàu rọi qua năm nào giờ đã lùi xa trong trang văn. Đoàn tàu năm xưa, gió lành đầu mùa cũ và cả Thạch Lam cũng đã ngủ yên trong kí ức của bao người. Nhưng mỗi lần đọc lại truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, tôi lại thấy hình như Thạch Lam đang ngồi trên chiếc ghế đá, bên trang văn, dưới gốc nhãn trong khu vườn Tự lực văn đoàn. Thi thoảng nhà văn lại nhìn ra xa xăm, phía đó có sân ga lặng im đợi chuyến tàu Phòng, có những ngôi nhà lúp xúp giữa cánh đồng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.