Cảm nhận về đoạn thơ: Xiên ngang mặt đất rêu từng đắm… (Tự Tình – Hồ Xuân Hương)

cam-nhan-ve-doan-tho-xien-ngang-mat-dat-reu-tung-dam-tu-tinh

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con ’’

(trích Tự Tình – Hồ Xuân Hương)

Cảm nhận của anh/chị về bốn câu thơ trên. Qua đó nêu những chuyển biến tích cực về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong trong xã hội hiện nay.

  • Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

  • Thân bài:

Tự tình 2 nằm trong chùm ba bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương. Được xem là tác phẩm trữ tình khá tiêu biểu cho tư tưởng và nghệ thuật của bà, cũng như cho văn học Việt Nam cuối thời trung đại. Bốn câu thơ trên nằm ở phần cuối bài thơ thuộc phần luận và kết.

– Hai câu luận :

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

+ Hình ảnh thiên nhiên bỗng hiện ra với những nét vẽ khác thường : cựa quậy, sôi sục, hoạt động một cách mạnh mẽ dữ dội. nhà thơ đã sử dụng biện pháp đảo ngữ để làm nổi bật tâm trạng phẫn uất của thiên nhiên và cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Các động từ mạnh “ xiên, đâm” kết hợp với các bổ ngữ “ ngang,toạc” thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của thi sĩ. Cảnh vật đã được tâm trạng hóa thể hiện sự dồn nén, bức bối muốn được giải thoát khỏi sự cô đơn chán chường.

+ Đó cũng là cách miêu tả thiên nhiên của Hồ Xuân Hương: bao giờ cũng cựa quậy, căng đầy sức sống ngay cả trong những tình huống bi thương nhất.

– Hai câu kết:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con ’’

+ Bài thơ khép lại bằng tiếng thở hắt não ruột. “Xuân” vừa là mùa xuân vừa là tuổi xuân. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Từ “lại” thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ “lại” thứ hai nghĩa la trở lại. vì vậy, hai từ giống nhau về âm nhưng khác nhua về nghĩa, về cấp độ nghĩa

+ Câu cuối sử dụng nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh về sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn. “Mảnh tình” (chút tình nhỏ bé) lại phải “san sẻ” cái không thể san sẻ được là hạnh phúc để rồi chỉ còn “tí con con”, thật xót xa, tội nghiệp. Đó là tâm trạng của kẻ làm lẽ nhưng cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi hạnh phúc với họ luôn là chiếc chăn quá hẹp.

– Đánh giá:

Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã sử dụng chủ yếu các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét với sắc thái đặc tả mạnh, bằng những động từ chỉ tình thái để diễn tả tâm trạng bất mãn với cuộc đời và số phận qua đó thể hiện khát vọng chính đáng được sống trong hạnh phúc tròn đầy của người phụ nữ trong xã hội xưa.

• Liên hệ: những chuyển biến tích cực về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện nay:

+ Nếu như tiếng nói đòi quyền bình đẳng trong thơ Hồ Xuân Hương còn là tiếng nói đơn lẻ và yếu ớt thì ngày nay tiếng nói đó đã trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiểu trong đời sống. Vai trò và vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ được yêu thương, trân trọng, được thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đã có nhiều phụ nữ thành danh, hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống riêng và quyết tâm để hạnh phúc đó ngày càng trọn vẹn hơn.

  • Kết bài:

Tự tình II hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng lòng đau buồn, phẫn uất trước duyên phận hẩm hiu,là gắng gượng vẫy vùng vươn lên nhưng rốt cuộc vẫn không thoát khỏi bi kịch của nữ sĩ. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt và tài năng độc đáo của “Bà chúa thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Bài thơ Tự tình II là nỗi thương mình của người phụ nữ trong cô đơn lẽ mọn, khao khát hạnh phúc, tuổi xuân. Đồng thời thể hiện thái độ bứt phá, vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ, muốn vươn lên giành hạnh phúc nhưng vẫn rơi vào bi kịch. 4 câu thơ cuối diễn tả chân thực và sinh động nỗi lòng ấy.

  • Thân bài:

Đêm đã tàn canh. Vầng trăng lạnh đã “bóng xế” non đoài. Người còn ngồi đó trong tình trạng “say lại tỉnh”, đúng là “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Hai câu thực đã triển khai ý chủ đạo được mở ra hai câu đề. Thực cảnh cũng là thực tình. Hình tượng “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” đang đồng nhất với thân phận của nữ sĩ. Hình tượng thơ hết sức gợi: tuổi xuân của ngươi phụ nữ trôi mau như “vầng trăng bóng xế” mà nhân duyên không trọn vẹn như vầng trăng chưa bao giờ là trăng rằm tròn đầy, tỏa sáng.

Trong không gian ngột ngạt, u ám ấy, người phụ nữ muốn thoát khỏi những ràng buộc, sống cuộc đời tự do của mình:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Hai câu thơ gợi cảnh thiên nhiên và cảnh được cảm nhận qua tâm trạng như cũng mang nỗi niềm phẫn uất của con người. Nỗi niềm phẫn uất dồn nén đã nhiều, không còn ở yên trong lòng được nữa, nó trào ra, thấm vào cảnh vật, tiếp cho mọi vật sức công phá. Nỗi rung động trong lòng mà có sức rung như một cơn động đất.

Những động từ kết hợp kết hợp với những bổ ngữ rất mạnh và rất gợi(: “xiên ngang”, “đâm toạc”) mang ý nghĩa phản kháng, nó làm cho những câu thơ của Hồ Xuân Hương như nổi loạn. Nỗi buồn trong thơ Hồ Xuân Hương không làm lòng người mềm yếu, trái lại, có sức mạnh cổ vũ con người, nhất là người phụ nữ, đứng dậy ngay trong bi kịch của đời mình.

Các động từ mạnh: xiên, đâm kết hợp với những bổ ngữ: ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, phẫn uất, một tâm trạng khác thường, khác người. Những sinh vật nhỏ bé, hèn mọn như đám rêu kia mà cũng không chịu mềm yếu, nó phải mọc xiên, lại xiên ngang mặt đất. Đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt lên để “đâm toạc chân mây”.

Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của thân phận đất đá, cỏ cây mà cũng chính là sự phẫn uất của tâm trạng con người. Các đt mạnh: xiên, đâm kết hợp với bổ ngữ: ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, phẫn uất, rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây như vạch đất, trời mà hờn oán, không chỉ là phẫn uất mà còn là phản kháng…

Cố giãy giụa, vươt thoát nhưng cuối cùng, người phụ nữ biết rằng mình không thể nào có được điều mình mong muốn. Tất cả chỉ là mộng tưởng, dù rất mong manh nhưng cũng đủ khơi bừng bao ước vọng để tiế tục sống:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Giọng điệu câu thơ có ý vị của tiếng cười khẩy mỉa mai chua chát nhiều hơn là buồn tủi. Từ “xuân” trong cau thơ của Hồ Xuân Hương thật đa nghĩa. “Xuân” là mùa xuân của đất trơi, mùa xuân của tuần hoàn. “Xuân” là tuổi xuân của một đời người, xuân ấy một đi không bao giờ trở lại. Nói như thi sĩ Xuân Diệu: “Nói làm chi xuân vẫn tuần hoàn/Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!” (Vội vàng). Đó là một tâm sự rất buồn, một nỗi sầu nhân thế vạn cổ, nó xuyên suốt từ thơ ca trung đại sang thơ ca hiện đại.

Hai từ “lại” xếp cạnh nhau một câu thơ nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau: từ “lại” thứ nhất mang nghĩa “thêm lần nữa”; từ “lại” tiếp theo mang ý nghĩa của “sự tuần hoàn”, “sự trở lại”. Mùa xuân của đất trời trở lại thì ngày xanh của tuổi xuân lần lượt ra đi.

Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn: Mảnh tình – san sẻ – tí – con con. Mảnh tình đã là bé, lại bị “san sẻ” trở nên nhỏ bé hơn, cuối cùng chỉ còn “tí con con”, thật là tội nghiệp! Người phụ nữ trong bài thơ sau những vật vã gắng gượng vươn lên, vẫn không tránh khỏi bi kịch bởi vì thời đại ấy chưa thể chỉ ra lối thoát cho họ.

Hồ Xuân Hương đã quá ngán ngẩm nỗi đời éo le, bạc bẽo. Mùa xuân đi rồi mùa xuân trở lại với thiên nhiên, nhưng với con người thì mùa xuân qua không bao giở trở lại. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Đó cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, với họ, hạnh phúc luôn là chiếc chăn quá hẹp.

  • Kết bài:

Qua lời tự tình, bài thơ nói lên cả bi kịch và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Trong buồn tủi, người phụ nữ gắng vượtt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.