Cảm nhận về sự những thay đổi của nhân vật Tràng và nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

tu-sau-su-kien-nhat-vo-cua-trang-truyen-ngan-vo-nhat-cua-kim-lan-nguoi-doc-nhu-duoc-tiep-xuc-voi-mot-anh-trang-va-mot-nguoi-vo-nhat-hoan-toan-khac-truoc-cam-nhan-cua-anh-chi

Từ sau sự kiện “nhặt” vợ của Tràng (truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân), người đọc như được tiếp xúc với một anh Tràng và một người vợ nhặt hoàn toàn khác trước. Cảm nhận của anh (chị) về sự thay đổi ấy của hai nhân vật Tràng và nhân vật vợ nhặt (truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân). Từ đó, đánh giá về tư tưởng nhân đạo của Kim Lân.


  • Mở bài:

Kim Lân là nhà văn rất am hiểu nông thôn và đời sống của nhân dân. Truyện Vợ nhặt rút từ tập “Con chó xấu xí”, được coi là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Tác phẩm mang dấu ấn của cả một quá trình nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và chiêm nghiệm kĩ lưỡng về nghệ thuật. Qua truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai. Ấn tượng đặc biệt nhất của nhân vật Tràng và người vợ nhặt trong cảm nhận của độc giả đó là sự thay đổi, chuyển biến tâm lí, tính cách một cách rõ rệt từ khi ở chợ huyện đến khi về nhà anh Tràng.

  • Thân bài:

1. Nhân vật Tràng.

a. Hoàn cảnh tối tăm của nhân vật Tràng trước khi có vợ.

– Trước khi “nhặt” vợ, ta chỉ biết Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, sống với một người mẹ già nua. Càng đáng buồn hơn khi ta thấy Tràng có vẻ không được như người bình thường: có lớn mà chẳng có khôn theo quan niệm của dân gian. Một nhân vật như thế không khỏi gây cho người đọc sự thất vọng.

– Hoàn cảnh khốn khó, mẹ Tràng đã già lại yếu “đôi mắt nhòe”, “đôi tai nghễnh đãng, dáng đi lỏng thỏng, cử chỉ lập cập, lóng ngóng”. Nói cách khác,  bà trụ lại với đời như thể đang chờ đợi tử thần đến rước đi.

– Trong cái đói khủng khiếp năm Ất Dậu -1945, mẹ con Tràng lê lết cầm hơi, tồn tại từng ngày nhờ vào công việc  kéo xe của Tràng. Tính tình của Tràng ngay cả trẻ con cũng bỡn cợt, trêu chọc chứng tỏ anh có lớn mà trí khôn không lớn. Trong mắt mọi người Tràng luôn luôn có thể bị khinh thường, giễu cợt.

– Từ cái hoàn cảnh ấy, có thể khẳng định: Tràng sẽ không bao giờ mơ đến chuyện lấy vợ. Ấy thế mà, việc đời chẳng ai có thể ngời được, trong cái đói quay quát, khốn khổ cùng cực ấy, Tràng lại lấy được vợ.

b. Sự thay đổi của Tràng từ khi đưa vợ về nhà.

– Nhưng từ khi nhặt người đàn bà đói rách về làm vợ, Tràng như đổi khác: cười rất nhiều, có những cảm giác mới mẻ, trỗi dậy tình nghĩa khi đi bên vợ, nhận thấy những nét u buồn và sự thay đổi ở vợ mình, muốn sống cho nên người để lo cho gia đình.

– Khi Tràng tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau, một cảm giác lạ đang ngập tràn trong anh. Tràng thấy “trong người êm ái như từ giấc mơ đi ra”. Việc có vợ vẫn hình như không phải. Hạnh phúc như một thứ men say làm anh lâng lâng hạnh phúc!

– Tràng bước ra sân và nhận thấy xung quanh mình có cái gì đổi mới. Nhà cửa, sân vườn, lối đi được quét dọn sạch sẽ. Thấy bà mẹ rẫy cỏ, vợ mình quét tước nấu nướng, cảnh tượng diễn ra thật bình thường nhưng đổi với Tràng nó thật cảm động thấm thía biết bao. Sự thay đổi về quang cảnh ngôi nhà làm Tràng có sự trưởng thành hơn về nhận thức:

+ Tràng bỗng thấy thương yêu, gắn bó với gia đình lạ lùng: ngôi nhà dù nghèo khó nhưng nó vẫn là tổ ấm che mưa che nang cho cả gia đình anh. Hai chữ tổ ẩm ấn chứa niềm hạnh phúc lớn lao mà bấy lâu. nay anh nông dân nghèo khổ dẫu mong ước nhưng chưa bao giờ chạm tay đến được.

+ Không chỉ thấy thương yêu, gắn bó, Tràng còn ý thức được trách nhiệm với gia đình của mình: Hẳn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây, Tràng xăm xăm chạy ra giữa sân, hẳn cũng muốn làm một việc gì để dự phẩn tu sửa lại căn nhà. Bước chân xầm xầm thật khỏe khoắn, tự tin, khác hẳn bước đi ngật ngưỡng mở đầu tác phẩm. Tu sửa ngôi nhà nghĩa là Tràng và gia đình mình không chấp nhận cuộc sống tạm bợ nữa, là chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài. Họ bướng bỉnh tuyên chiến với nạn đói.

– Tràng thấy cuộc đời mình bỗng nhiên thay đổi hẳn, hắn thấy mình trưởng thành (“nên người”) và cần có trách nhiệm với gia đình của mình: “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Bởi vì Tràng đã có một gia đình, và trong cái buổi sáng đầu tiên ấy, hắn đã được tắm mình trong không khí ấm áp, hạnh phúc của tổ ấm gia đình.

– Trong bữa cơm ngày đói, nghe lời người vợ kể chuyện Tràng nhớ đến “lả cờ đô ” của đoàn người đói kéo nhau đi cướp kho thóc Nhật, Tràng hỏi vợ như để xác minh điều mình đã biết “Việt Minh phải không”.

– Một tương lai gần đang vẫy gọi Tràng: Trong một ngày không xa chắc chắn Tràng, vợ Tràng, bà cụ Tứ sẽ hòa vào đoàn người cùng khổ kia đi đòi quyền sống, Sự đổi đời chưa thực sự diễn ra nhưng ánh hồng của cuộc đời mới đã thấp thoáng. Đó là hình ảnh của một nông thôn Việt Nam đã thức tỉnh với những cuộc chống thuế, phá kho thóc Nhật.

→ Vậy là, cái nạn đói khủng khiếp như một cơn lũ lớn cuốn đi biết bao sinh mạng nhưng nó cũng đã đem đến cho Tràng một người vợ, một mái ấm gia đình, Tình người đã đưa người con gái ấy về nhà Tràng nhưng tình người cũng đã đưa Tràng về bến lành của cõi nhân sinh.

2. Nhân vật người vợ nhặt.

a. Hoàn cảnh bi đát của người vợ nhặt.

– Trước khi theo Tràng, tình cảnh người đàn bà này rất thê thảm. Thị rách nát, xanh xao, héo hắt đến đáng thương.  Hình ảnh nạn đói in hình rõ rệt lên thân xác gầy guộc của thị. Không những thế, thị còn ăn nói chỏng lỏn, táo bạo và liều lĩnh, thái độ thì sừng sộ, chẳng kể gì đến thể diện, phẩm giá; gạ ăn một cách trơ trẽn, được mời ăn thì ăn uống rất tham, rất thô.

– Lần gặp đầu tiên, thị chủ động làm quen ra đẩy xe bò cho Tràng và “liếc mắt cười tít” với Tràng. Lần gặp thứ hai, thị “sầm sập chạy tới”, “sưng sỉa nói” và lại còn “đứng cong cớn” trước mặt Tràng. Đã vậy, thị còn chủ động đòi ăn. Khi được Tràng mời ăn bánh đúc, thị đã cúi gằm ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng và khen ngon… Trước lời bông lơn của một người đàn ông chưa hề quen biết, chị ta lập tức bám theo, liều lĩnh đến mức đáng sợ.

b. Sự thay đổi của người vợ nhặt.

– Từ khi cất bước theo Tràng, chị ta như trở thành một con người khác. Đi với Tràng mà bước chân có vẻ rón rén, ngượng nghịu, e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ.

– Khi đã ở nhà Tràng, chị càng bối rối, bần thần nghĩ ngợi. Dẫu vẫn còn cảm giác xa lạ, nhưng chị có những lời nói, cử chỉ biểu hiện thiên chức làm vợ. Sau một ngày làm vợ, thị dậy sớm, quét tước, dọn dẹp cho căn nhà khang trang, sạch sẽ. Đó là hình ảnh của một người vợ biết lo toan, thu vén cho cuộc sống gia đình – hình ảnh của một người vợ hiền, một cô dâu thảo.

– Trong bữa cơm cưới giữa ngày đói, thị tỏ ra là một phụ nữ am hiểu về thời sự khi kể cho mẹ và chồng về câu chuyện ở Bắc Giang người ta đi phá kho thóc của Nhật. Chính thị đã làm cho niềm hy vọng của mẹ và chồng thêm niềm hy vọng vào sự đổi đời trong tương lai.

– Sự vô duyên chỏng lỏn lúc trước có lẽ cũng chỉ là lớp ngụy trang bên ngoài như cách để Thị phản kháng với hoàn cảnh sống khắc nghiệt, về bản chất chị ta là một con người hiền hậu, biết điều rất đúng mực.

3.Tư tưởng nhân đạo của tác giả.

Qua nhân vật Tràng và nhân vật vợ nhặt, Kim Lân đã thể hiện niềm tin sâu sắc, mạnh mẽ đối với con người. Trong ý thức của ông, những người nghèo khổ có thể bị biến dạng về nhân hình, nhân tính vì đói khát, nhưng không gì tước đoạt được của họ cái chất người quý giá. Nhà văn cũng bộc lộ cái nhìn yêu thương, nhân hậu qua những dòng văn miêu tả vẻ đẹp của tình người và khát vọng hạnh phúc bền bỉ của những kẻ đang đối mặt với tử thần.

  • Kết bài:

Miêu tả sự thay đổi của hai nhân vật đã thể hiện được sự trân trọng và niềm tin của nhà văn Kim lân vào những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người. Trong đói khát, chết chóc, con người luôn tìm cách vươn đến sự sống. Đó là những vẻ đẹp mà nạn đói không thể nào hủy diệt được.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích tình huống "nhặt" vợ trong truyện "Vợ nhặt" của Kim Lân, từ đó nhận xét về thái độ của nhà văn đối với con người và thực trạng xã hội đương thời - Theki.vn % %
  2. Dàn bài phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng và người "vợ nhặt" trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.