Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

cam-nhan-ve-ve-dep-cua-bai-tho-song

Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

  • Mở bài:

Tình yêu là một trong những đề tài muôn thuở của thơ ca. Từ xưa đến nay thơ yêu phụ nữ thì nhiều nhưng thơ phụ nữ yêu thì quả là ít ỏi. Xuân Quỳnh là một trong số trường hợp ít ỏi đó. Tình yêu trong thơ chị thường đặt ra nhiều trăn trở, suy tư. Những suy nghĩ của nhà thơ tưởng chừng như tản mạn không theo một lô-gíc cụ thể nào. Thế nhưng, nó lại thực sự khêu gợi trí tưởng tượng, tạo ra những bất ngờ thú vị. Bài thơ Sóng là một minh chứng cho điều đó.

  • Thân bài

1. Hình tượng “sóng” và tình yêu tuổi trẻ:

Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử. Và để truyền tải cái đẹp ấy đến với độc giả, người nghệ sĩ vừa phải có tài năng, tâm huyết. Một bài thơ hay là hay cả phần hồn lẫn phần xác. Và vẻ đẹp của một bài thơ được làm nên cũng chính bởi sự hòa quyện giữa nội dung và hình thức. Nội dung sâu sắc cần tới một nghệ thuật chân chính để chuyên chở và nghệ thuật sắc sảo sẽ có khả năng truyền tải nội dung cao nhất.

“Sóng” là bài thơ tình đặc sắc được Xuân Quỳnh sáng tác nhân chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thuỷ, vượt lên mọi giới hạn của đời người nhưng cũng chất chứa nhiều day dứt, lo âu.

Tứ thơ toàn bài xoay quanh một hình tượng sáng tạo có giá trị thẩm mĩ – hình tượng sóng. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại chọn Sóng để giãi bày tình cảm của mình mà chắc chắn phải có nguyên do của nó. Chính bản thân Sóng đã mang nét gợi cảm và quyến rũ muôn đời đối với những tâm hồn lãng mạn luôn say đắm cảnh đẹp thiên nhiên. Chính vì thế mà các thi nhân thường mượn sóng để diễn tả cảm xúc của mình:

“Sóng không phải là roi mà vách đá phải mòn. Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến  tím. Sóng có nghĩa gì đâu nếu chiều nay em chẳng đến. Vì sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em….” (Hữu Thỉnh)

Hay Xuân Diệu lại ước mơ :

“Anh xin làm sóng biếc.
Hôn bãi cát vàng em.
Hôn thật khẽ thật êm.
Hôn êm đềm mãi mãi..”

Xuân Quỳnh cũng không ngoại lệ. Chị cũng mượn sóng để gửi niềm tâm sự. “Và gió thổi và mây bay về núi / Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói / nhưng bây giờ chỉ có sóng và em.” Nhưng nét hấp dẫn riêng của “Sóng” chính là ở việc xây dựng hình tượng. Trong bài thơ, sóng không chỉ là hình ảnh ẩn dụ nữa mà có lúc cả sóng và em đã hòa thành một; sóng chính là em mà em cũng chính là sóng.

2. Vẻ đẹp bài thơ “Sóng”.

– Trước hết nằm ở những phát hiện và khám phá về tình yêu của Xuân Quỳnh từ sóng:

+ Sóng có những đặc tính trái ngược giống như tình yêu có nhiều cung bậc, trạng thái, như tâm hồn, tính khí của người con gái khi yêu.

+ Hành trình của sóng cũng là hành trình tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc một cách đầy chủ động của người con gái. Cũng giống như sóng, tình yêu muôn đời bí ẩn, khó lí giải, nắm bắt.

+ Sóng luôn vận động, trăn trở, thao thức giống như người phụ nữ khi yêu luôn nhớ nhung, khao khát, một lòng hướng về người mình yêu.

+ Khát vọng của “Sóng” cũng chính là khát vọng tình yêu hướng tới sự vĩnh hằng, bất tử.

–  Vẻ đẹp của “Sóng” còn là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu:

+ Yêu chân thành, mãnh liệt, thủy chung, có đức hi sinh cao cả, bất chấp những trở ngại khó khăn, luôn vững tin vào tình yêu, hạnh phúc.

+ Biết hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn. Cái tôi Xuân Quỳnh ở “Sóng” vừa đằm thắm, dịu dàng, nữ tính, vừa mãnh liệt, táo bạo.

+ Thể thơ 5 chữ cắt khổ đều đặn giống như những con sóng cứ xô đuổi nhau. Hình tượng thơ đa dạng (“sóng” và “em”) giàu ý nghĩa.

+ Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc như chính tấm lòng tác giả. Biện pháp tu từ: lặp, nhân hóa…

  • Kết bài:

Vẻ đẹp của bài thơ không những được làm nên từ sự hài hòa giữa nội dung và hình thức mà nó còn là những rung cảm sâu kín trong trái tim người phụ nữ. Bài thơ là tiếng lòng riêng của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nó vừa là những cung bậc cảm xúc, vừa là những trăn trở, những khát khao bỏng cháy trong tình yêu của chị. Tiếng nói riêng của một người phụ nữ nhưng đã đem đến cho văn học Việt Nam một tư tưởng mới mẻ, hiện đại về tình yêu chân chính.


Bài tham khảo:

Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

  • Mở bài:

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ với nhiều tập thơ có giá trị lâu bền như Hoa dọc chiến hào (1968), Gió lào cát trắng (1974)… Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm, nhiều âu lo và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác tại cửa biển Diêm Điền – Thái Bình ngày 29/12/1967, khi Xuân Quỳnh đã trải qua những đau đớn, mất mát, đổ vỡ trong tình yêu. Bài thơ in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968).

  • Thân bài:

Bản chất, tính khí muôn đời của sóng, của tâm hồn người phụ nữ, của tình yêu được Xuân Quỳnh cảm nhận và thổ lộ chân thành qua hình tượng sóng. Khi “dữ dội”, lúc “dịu êm”, khi “ồn ào”, lúc “lặng lẽ”… Sóng là một thực thể mang trong mình nhiều đối cực, mềm mại mà cứng cỏi:

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”

Đó là bản tính muôn đời của sóng; mà cũng là của “em”, của người phụ nữ; là bản chất muôn đời của khát vọng tình yêu.

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế”

Cuộc hành trình quyết liệt, kì công và khát vọng lớn lao của sóng, của tâm hồn người phụ nữ, của tình yêu. Sóng mang trong mình những khát vọng lớn lao: luôn khao khát giã từ thế giới nhỏ hẹp, không hiểu mình để tìm đến một thế giới lớn lao, khoáng đạt, hiểu mình hơn. Đó là con sóng có cá tính và đầy bản lĩnh:

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.”

Hành trình của sóng từ sông ra biển lớn cũng là khát vọng tâm hồn của người phụ nữ. Trái tim người phụ nữ đang yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, vị kỷ mà khát khao vươn tới một thế giới lớn lao, cao rộng có thể đồng cảm, đồng điệu với mình. Hành trình ấy cũng là khát vọng muôn đời của tình yêu: Tình yêu chân chính không chấp nhận những gì nhỏ hẹp tầm thường, luôn khao khát vươn tới những gì lớn lao, cao cả và hoàn thiện:

“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.”

Tính chất bí ẩn trong cội nguồn của tình yêu, của thời điểm bắt đầu tình yêu. Với Xuân Quỳnh, sóng là hình tượng để suy tư về nguồn cội của tình yêu: Con sóng đến từ nơi nào? Tình yêu đến từ đâu? Khi nào ta yêu nhau? Những câu hỏi về khởi nguồn của sóng, về thời điểm bắt đầu của một tình yêu cứ vang lên đầy khắc khoải, đầy trăn trở. Không thể nào giải đáp được.

Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để truy tìm khởi nguồn của tình yêu nhưng nguồn gốc của sóng cũng như tình yêu đều bất ngờ, đầy bí ẩn, không thể lí giải. Vì vậy người phụ nữ này đã nói lên quy luật sâu xa của tình yêu bằng trực cảm, mà trực cảm thì im lặng là hơn: “Em cũng không biết nữa…”. Trong cái lắc đầu khe khẽ rất đáng yêu và hồn nhiên ấy có cách cắt nghĩa về tình yêu đầy nữ tính và rất Xuân Quỳnh. Tình yêu ấy thành thực đến tội nghiệp trong từng suy nghĩ.

Những câu nghi vấn, câu phủ định vừa chứa đựng sự ngây thơ, bối rối, vừa như thú nhận sự bất lực của nhà thơ trước điều kì ảo của tình yêu. Càng khát khao khám phá ngọn nguồn của tình yêu, càng nhận thấy tình yêu luôn là ẩn số, chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim và tâm hồn, không thể giải thích bằng lí trí.

Không dễ gì tìm ra cội nguồn của sóng, cũng như không dễ lí giải tình yêu bắt nguồn từ đâu, càng không thể dùng lí trí tỉnh táo để xác định chính xác thời điểm bắt đầu của một tình yêu. Tình yêu đích thực khó lí giải được nguyên nhân. Tình cảm có lý lẽ riêng mà lý trí không thể giải thích được. Tình yêu là một hiện tượng tâm lý khác thường, bí ẩn, không thể giải thích bằng lý lẽ thông thường và mãi mãi là điều bí ẩn, là điều kì diệu của trái tim.

“Sóng” là nỗi nhớ thương, niềm lo nghĩ và tình yêu chung thủy, thiết tha. Mượn hình tượng sóng xa bờ nhớ bờ, Xuân Quỳnh muốn diễn tả nỗi lòng “em” xa anh nhớ “anh”, diễn tả những cung bậc của một tình yêu trong xa cách.

“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.”

Dù ở đâu “sóng” cũng thiết tha thương nhớ bờ xa: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ thương của “sóng” đối với “bờ” như trải ra dằng dặc khắp không gian, triền miên trong thời gian, một nỗi nhớ đã hóa thành niềm thao thức lớn. “Sóng” nhớ “bờ” đã thiết tha mãnh liệt, “em” nhớ “anh” càng say đắm gấp nồng
nàn:

“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”

Đó là một nỗi nhớ đã ăn sâu vào trong tiềm thức, thường trực cả trong mơ, một nỗi nhớ cồn cào, da diết không thể nào yên, cứ nối tiếp nhau vô hạn, vô hồi như sóng. Không chỉ nhớ thương mà còn lo nghĩ: Người phụ nữ này luôn hướng về người mình yêu bằng cả trái tim và cả khối óc, bằng cả tâm hồn. Nơi nào em cũng nghĩ “Hướng về anh – một phương”. Dù xuôi ngược ở phương trời nào, người phụ nữ ấy cũng luôn hướng về người mình yêu như hướng về bến bờ nhớ thương duy nhất. Đó là tình yêu chung thủy, thiết tha. Dám chủ động bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ của lòng mình một cách táo bạo, hiện đại: “Xuân Quỳnh viết bài này “bợm” thật!” (Vũ Cao)

Niềm tin mãnh liệt vào khả năng “tới bờ” của sóng; vào bản thân, vào sức mạnh của một tình yêu lớn. Yêu tha thiết, say đắm, chân thành nhưng Xuân Quỳnh vẫn luôn tỉnh táo khi nhận thấy đại dương, biển đời và tình yêu luôn có nhiều khó khăn, xa cách, có “muôn vời cách trở”. Luôn vững tin vào một tình yêu lớn, như tin những con sóng nhỏ nhất định sẽ đến được với bờ xa, dù phải trải qua muôn vời cách trở:

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”.

Những suy tư xa rộng về thời gian, về năm tháng, về quy luật vĩnh hằng của tình yêu. Sau những lớp sóng đan xen tới lui không dứt, biển lặng dần đi nhường chỗ cho những suy tư xa rộng về thời gian, về năm tháng, về quy luật vĩnh hằng của tình yêu:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”

Mượn quy luật tự nhiên (sóng biển, mây trời) để nhấn mạnh quy luật tình yêu. Xuân Quỳnh luôn tin Tình yêu có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Đó là một tình yêu sánh ngang với những quy luật vĩnh hằng, muôn thuở của thiên nhiên, trở nên lớn lao, cao cả, vĩnh hằng.

Niềm khát khao được sống vĩnh viễn trong tình yêu, bằng tình yêu và cùng với tình yêu. Niềm khát khao được hóa thân thành những con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu để muôn đời được vỗ mãi vào bờ:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

Niềm khát khao được sống vĩnh viễn trong tình yêu, bằng tình yêu và cùng với tình yêu. Đó cũng là niềm khát khao hòa nhập tình yêu cá nhân riêng tư vào trong tình yêu chung rộng lớn. Khát vọng tình yêu cao cả, không nhỏ hẹp, tầm thường. Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.

  • Kết bài:

Sóng chính là bản tính và khát vọng tình yêu của Xuân Quỳnh, của người phụ nữ – một khát vọng vừa có vẻ đẹp truyền thống, vừa táo bạo, mới mẻ, hiện đại. Khát vọng ấy là hiện thân cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, tiêu biểu cho quan niệm mới mẻ, sâu sắc của Xuân Quỳnh về người phụ nữ. Bài thơ sử dụng nhiều cách nói, cách nghĩ theo lối ẩn dụ, nhân hoá, so sánh giàu ý nghĩa biểu tượng. Xuân Quỳnh cũng sử dụng thành công thể thơ 5 chữ với lối ngắt nhịp đều đặn, hài hoà cùng với giọng điệu sôi nổi, tha thiết, chân thành và cách kết cấu đan xen hình tượng Sóng- Bờ, Em – Anh… Lời thơ là âm điệu của sóng, cũng là âm điệu của một cõi lòng đang bị con sóng tình yêu khuấy động.

16 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  2. So sánh khát vọng tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh và Vội vàng của Xuân Diệu - Theki.vn
  3. Phân tích vẻ đẹp tình yêu truyền thống và hiện đại trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  4. Qua bài thơ Sóng, hãy chứng minh Xuân Quỳnh đã thể hiện được một tình yêu có tính chất truyền thống như tình yêu muôn đời nhưng vẫn mang tính chất hiện đại như tình yêu hôm nay - Theki.vn
  5. Dàn bài cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  6. Cảm nhận 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  7. Cảm nhận về cái tôi của nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng - Theki.vn
  8. Quan niệm mới mẻ trong tình yêu tuổi trẻ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  9. Đặc điểm cái tôi trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  10. Dàn bài: So sánh khát vọng sống mãnh liệt quả khổ thơ cuối bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) và Vội vàng (Xuân Diệu) - Theki.vn
  11. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện khát vọng được hóa thân trong tình yêu vĩnh hằng - Theki.vn
  12. Nghị luận: Bài thơ Sóng là một tình yêu đằm thắm, sâu lắng, thủy chung - Theki.vn
  13. Qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ ý kiến: Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả - Theki.vn
  14. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh - Theki.vn
  15. Dàn bài phân tích bài thơ SÓNG của nhà thơ Xuân Quỳnh - Theki.vn
  16. Dàn bài cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.