Cảm nhận ý nghĩa đoạn thơ: Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi… (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

cam-nhan-y-nghia-doan-tho-khi-ta-lon-len-dat-nuoc-da-co-roi-mat-duong-khat-vong

Cảm nhận ý nghĩa đoạn thơ:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng
Đất  Nước có từ ngày đó…

(Đất Nước, trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)


  • Mở bài:

Đất Nước ta đã trải qua bốn nghìn năm lịch sử với nhiều cuộc kháng chiến từ thời các vua Hùng cho đến hôm nay. Đề tài Đất Nước luôn thu hút các nhà văn, nhà thơ hướng tới sáng tác và đã trở thành chủ đề xuyên suốt trong văn học nước ta. Trong kho tàng văn học đồ sộ ấy phải kể đến đoạn trích Đất Nước nằm trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm được ông viết vào thời kì kháng chiến chống Mĩ. 9 câu thơ mở đầu đoạn trích mở ra hình ảnh đất nước vừa lớn lao kì vĩ trong thời gian, vừa vô cùng bình dị trong đời sống nhân dân:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
……………………
Đất  Nước có từ ngày đó…

  • Thân bài:

Có mối tình nào cao hơn là Tổ quốc?” – Trần Mai Ninh. Bằng tình cảm yêu thương sâu nặng ấy, các nhà thơ – chiến sĩ đã có biết bao bài thơ rất hay về Tổ quốc, đất nước Việt Nam thương yêu. Nếu như các nhà thơ khác thường dùng những hình ảnh kì vĩ,  mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm lại cảm nhận về đất nước qua những gì hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị. Nguyễn Khoa Điềm tập trung thể hiện những khám phá mới mẻ về đất nước trên ba phương diện: chiều dài của thời gian lịch sử, chiều rộng của không gian địa lí và chiều sâu của truyền thống văn hóa dân gian. Khi khám phá đất nước ở chiều dài miên viễn của thời gian lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm không dựa vào sử liệu hay những khái niệm trừu tượng mà chọn những hình ảnh tự nhiên, bình dị để cảm nhận về đất nước.

Đây là đoạn thơ mang cảm hứng sâu sắc, mới mẻ, tiến bộ thể hiện cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước thông qua những điều rất bình dị, gần gũi gắn bó với cuộc sống. Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận Đất Nước từ những điều rất giản đơn.

Bằng giọng tâm tình, dịu ngọt như lời kể truyện cổ tích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm nhận, suy tưởng của mình về cội nguồn sâu xa của đất nước. Đó là những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể cho con để ru con ngủ. Trong câu chuyện đó là những ông tiên, những cô công chúa đáng yêu để đem lại cho con những giấc ngủ êm ái, dễ chịu. Rồi Đất Nước còn được cảm nhận từ những phong tục tập quán của người Việt Nam ta: ăn trầu. Người Việt Nam ta có câu: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Phong tục này đã có ngàn đời trở thành một nét văn hóa đặc biệt của người Việt.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Đất Nước có trong lịch sử hàng ngàn năm, điều mà không phải bất kì Đất Nước nào trên mặt đất này cũng có được.“Đất Nước đã có rồi” nghĩa là bất cứ con người Việt Nam khi sinh ra ngay lập tức đã được bao bọc, đã được nâng niu, chở che trong một cái nôi ấm áp, thân yêu vô cùng là Đất Nước. “Lớn lên” thì “Đất Nước đã có rồi”, ta đang có được Đất Nước từ công lao của hàng ngàn thế hệ con người, với bao nhiêu hi sinh xương máu, bao nhiêu nước mắt và mồ hôi.

Hình như nhà thơ không cố tình làm thơ. Nhà thơ như chỉ muốn nói lên điều mà bất kì ai cũng có thể nói lên. Nhà thơ nói lên cho mình mà cũng cho tất cả mọi người, cho tất cả bạn bè cùng trang lứa với mình. Lắng nghe cho kĩ, người đọc có thể nghe xôn xao trong câu thơ là cả một niềm tự hào mãnh liệt và niềm biết ơn mênh mông.

Từ cảm xúc tự hào và biết ơn của mình, nhà thơ tìm cho mình những điều khẳng định: “Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”. Giản dị và bất ngờ quá, Đất Nước bắt đầu từ “ngày xửa ngày xưa…” có nghĩa là Đất Nước được bắt nguồn từ những câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Từ chuyện Lạc Long Quân dựng nên Đất Nước, chuyện Thánh Gióng đánh giặc… Ngoài ra, hình ảnh “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể” gợi hình ảnh đất nước thanh bình trong những câu chuyện cổ tích. Có tâm hồn Việt Nam nào mà không được nuôi dưỡng từ những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” ấy.

Đất nước còn được cảm nhận trong chiều sâu tâm hồn nhân dân, văn hoá và  lịch sử :

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Trong khoảng thời gian mênh mông của Đất Nước, nhà thơ muốn tìm đến những thuở đầu tiên khi Đất Nước tượng hình. Thì cũng giản dị vô cùng: “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Phát hiện thật bất ngờ nhưng cũng thật chính xác. Không biết ngày xưa, ai là người đầu tiên ăn miếng trầu để rồi có “miếng trầu bây giờ bà ăn” . Có lẽ con người không hề nghĩ rằng với miếng trầu ấy, cũng bắt đầu một tập tục Việt Nam, một nét văn hóa Việt Nam. Bắt đầu tạo dựng văn hóa, cũng là bắt đầu tạo nên Đất Nước. Bởi nếu không có nền văn hóa thì làm sao có thể gọi là Đất Nước.

Đất Nước còn lớn lên cùng truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Nhà thơ thật sâu sắc khi nói đến việc “dân mình đánh giặc” mà nhắc đến việc “trồng tre”. Từ muôn đời nay, con người Việt Nam trồng tre là để có lũy tre bao bọc làng quê, để có bóng tre xanh mát rượi con  đường làng, để lấy cây tre làm nên nhà cửa, làm nên những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như chiếc đòn gánh tre, cái cối xay tre, cái chõng tre, chiếc nôi tre, con sáo diều tre lơ lửng lưng trời…

Không chỉ có vậy Đất Nước trong tâm thức của Nguyễn Khoa Điềm còn được cảm nhận Đất Nước trong cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể ở truyền thống quý báu của dân tộc: “trồng tre đánh giặc”.

Thật sự cây tre đã trở nên vô cùng thân thiết với người dân Việt Nam ta “tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ cánh đồng chín”. Người dân ta luôn chịu đựng sự nhòm ngó xâm lăng của kẻ thù và tre đã luôn đồng hành cùng ta, trở thành thứ vũ khí lợi hại giúp ta chiến thắng kẻ thù.  Và trong suy nghĩ của nhà thơ: Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Không chỉ có thế, Nguyễn Khoa Điềm còn cảm nhận Đất Nước qua lối sống, quan hệ đối xử giữa vợ và chồng, tình yêu chung thủy của vợ chồng: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Trong kho tàng ca dao tục ngữ có câu

Tay bưng chén muối chén gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Đất nước còn là phong tục búi tóc  thành cuộn sau gáy rất quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay:

Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng

Bắt đầu tạo dựng, rồi Đất Nước lớn lên, trong khoảng thời gian đằng đẵng mấy nghìn năm. Đất Nước đã làm nên biết bao điều, tạo nên biết bao giá trị từ vật chất cho đến tinh thần. Những chuyện ấy hôm nay vẫn còn đó. Có những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ: “Tóc mẹ thì bới sau đầu”. “Thì bới sau đầu”, hóa ra cái bới tóc sau đầu ấy là một một nét đẹp tự nhiên của người mẹ Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam, một nét đẹp cần thiết bởi “cái răng cái tóc là góc con người”.

Đất nước Việt Nam còn mang vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam: tình nghĩa  đậm đà, thuỷ chung son sắt của cha mẹ: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Gừng bao giờ cũng cay, muối bao giờ cũng mặn. Đó là một giá trị, một đạo lí của gia đình Việt Nam. Ý thơ nhằm ca ngợi lối sống giàu tình nghĩa và tấm lòng thuỷ chung son sắt của người Việt Nam.

Tiếp tục suy nghĩ về những giá trị mà các thế hệ cha anh đã tạo dựng nên, đến đây nhà thơ lại có một phát hiện bất ngờ mà thú vị: “Cái kèo, cái cột thành tên”. “Cái kèo, cái cột thành tên”, bởi đó là những tên gọi quen thuộc mà người Việt Nam ngày trước đã dùng để đặt tên cho con cái mình, những tên gọi hồn nhiên lấy từ những sự vật quen thuộc, như tên Cột, Kèo, Chanh, Khế, Nụ, Búp, Khoai, Sắn… Đó là những tên gọi không thể viết bằng chữ Hán, những tên gọi hoàn toàn Việt Nam.

Như thế là từ mấy nghìn năm trước, không đợi tới người Hán đến đây, dân tộc ta đã có tiếng nói riêng mà bây giờ ta gọi là tiếng mẹ đẻ. Tạo nơi ăn chốn ở, tạo nên tiếng nói, tạo nên Đất Nước, tổ tiên ta còn tạo nên một điều vô cùng quan trọng: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”.

Nguyễn Khoa Điềm đã mượn câu ca dao để nói về tình cảm chung thủy, sự gắn bó keo sơn của vợ và chồng để làm nên một gia đình chan chứa hạnh phúc, yêu thương. Đó cũng là một truyền thống rất quý báu của nhân dân ta. Ngoài ra, tác giả còn cảm nhận Đất Nước từ cách đặt tên giản dị: lấy những đồ vật gần gũi quen thuộc “cái kèo, cái cột” để gọi cho con cái. Vì người Việt Nam ta từ xa xưa đã quan niệm đặt tên cho con càng xấu thi càng dễ nuôi. Hơn thế, đó là cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về truyền thống của con người Việt Nam cần cù, chịu khó: Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng.

Với người Việt Nam vốn gắn  bó  lâu  đời với nền  văn  minh  lúa  nước, hạt gạo trở thành gia bảo vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Cho nên ngay khi còn là đứa trẻ mới lớn, cảm nhận về vật chất đầu tiên phải là hạt gạo trải qua một quá  trình lam lũ, vất vả kết tinh mồ hôi, nước mắt của người lao động.

Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm như gói gọn cả quy trình lao động vất vả của con người Việt Nam để làm nên hạt gạo qua nghìn đời nay. Để từ đất mà làm nên hạt lúa, phải “một nắng hai sương”, bao nhiêu khó nhọc. Rồi từ hạt lúa mà có được hạt gạo để có bát cơm ăn, còn bao nhiêu công việc phải đổ mồ hôi: “xay, giã, giần, sàng…”, phải suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, “dầm mưa dãi nắng”.

Như vậy thì rõ ràng là từ mấy nghìn năm trước, con người ở đây đã biết tự mình làm nên hạt gạo để có miếng ăn hàng ngày cho mình, để cho các thế hệ con cháu vững vàng mà làm nên Đất Nước, để tạo dựng cho mình một nền văn minh riêng mà các nhà nghiên cứu ngày nay gọi là “nền văn minh sông Hồng”!

Kết lại đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: “Đất Nước có từ ngày đó”. Đất Nước của bây giờ là “Đất Nước có từ ngày đó”, thuở đó. Trong đoạn thơ trên, tác giả  sử dụng khéo léo các kiểu cấu trúc thơ  “Đất nước đã có…”, “Đất nước bắt đầu…”, “Đất nước lớn lên…”, “Đất nước có từ…” đã giúp cho ta hình dung được cả  quá trình hình thành và phát triển  của  đất nước trong trường kì lịch sử nằm sâu trong tâm thức của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Trường từ vựng: ông, bà, cha, mẹ gợi về  tình cảm gia đình ruột thịt thân thương.

Quả thực đức tính chịu thương, chịu khó đã ăn sâu vào mỗi con người Việt cho đến ngày hôm nay. Bởi thế người Việt Nam ta luôn được bạn bè quốc tế khen ngợi ở sự chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Đất Nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm hiện hình từ những câu chuyện cổ tích, từ những phong tục, tập quán, từ truyền thông yêu nước, sẵn sàng đấu tranh vì sự tự do của Đất Nước mình. Đất nước ẩn mình trong cách đặt tên giản dị, là đức tính chăm chỉ, cần cù. Tất cả đã góp phần làm nên một Đất Nước. Đất Nước không phải là cái gì đó to tát lắm, xa lạ lắm mà thực chất là những thứ luôn tồn tại, hiện hữu xung quanh mỗi người.

Có thể khẳng định ràng đoạn trích là sự cảm nhận mới mẻ tiến bộ của nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước mà trước đó chưa nhà thơ, nhà văn nào có được. Đoạn trích đã khẳng định Đất nước xuất hiện, lớn lên từ Nhân dân, từ những điều rất đỗi bình dị của cuộc sống, của lao động. Đoạn trích đã góp phần làm sáng tỏ cho “chân lý” của Nguyễn Khoa Điềm nêu trong phần sau đó là:

Đất nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Ở đoạn trích tác giả đã thành công khi sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Cách dùng điệp từ “Đất Nước”  và vận dụng ca dao nhuần nhuyễn. Ngoài ra ngôn ngữ rất giản dị mộc mạc quen thuộc với cuộc sống hàng ngày. Giọng thơ tha thiết như lời tâm tình, lời hát ru vậy.

Người phụ nữ Việt nổi tiếng là những con người tần tảo chịu thương, chịu khó. Hơn nữa, các chị lại hay để tóc dài, vì vậy việc bới tóc đã trở nên rất phổ biến, điều đó trở thành thói quen rất đỗi bình dị.

Như vậy, lịch sử lâu đời của đất nước được kết tinh trong từng câu chuyện kể, trong miếng trầu bà ăn thường ngày, trong “cây tre đánh giặc” thân quen quanh ta. Với cái nhìn độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước đã  nằm sâu trong tiềm thức mỗi chúng ta, mỗi người dân; trong đời sống tâm hồn của nhân dân từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Với lời lẽ giản dị, cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng, qua những hình ảnh gợi nhắc tới tục ngữ, ca dao, thần thoại, cổ tích… nhà thơ đã đưa người đọc đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc, thấm thía: đất nước có một lịch sử lâu đời, đất nước không hề xa lạ hay trừu tượng, đất nước là những gì gần gũi thân yêu vô cùng, luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đất nước làm nên hình hài, vóc dáng, đất nước làm nên tâm hồn, cốt cách, lối sống, lối nghĩ của mỗi con người, đất nước làm nên cuộc sống nhân dân.

Qua đoạn trích, Nguyễn Khoa Điềm đã gián tiếp bày tỏ tình yêu của mình dành cho Đất Nước rất chân thành sâu sắc. Ông cũng làm cho chúng ta nhận ra rằng Đất Nước luôn tồn tại, hiện hữu xung quanh mỗi chúng ta, giúp chúng ta thấy Đất Nước sao mà gần gũi, thân quen, đáng yêu đến thế. Từ đó ta thêm yêu và gắn bó với quê hương, đất nước mình, thêm yêu những điều giản dị, nho nhỏ mà cuộc sống đem đến cho mình, yêu những con người lao động tần tảo sớm khuya, yêu cha mẹ ta, ông bà ta.

  • Kết bài:

Bằng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc thường ngày, bằng chất liệu văn hoá dân gian, truyền thuyết, cổ tích, chỉ qua một đoạn thơ ngắn, Nguyễn Khoa Điềm đã trình bày được một ý niệm về  đất  nước thật  độc đáo,  hấp dẫn; vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều  sâu  văn  hoá  lịch sử , vừa bình dị thân quen với cuộc sống nhân dân hàng ngày. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm ý niệm về đất nước của nhân dân cho thơ ca hiện đại.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Đất Nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận rất riêng về Đất Nước, bởi thế Đất Nước, Tổ quốc hiện lên muôn màu muôn vẻ. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hững về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua 9 câu thơ đầu đoạn trích:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
…………….
Đất Nước có từ ngày đó…”

  • Thân bài:

Đất nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca. Ở bài thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn điểm nhìn gần gũi để miêu tả một đất nước tự nhiên, bình dị mà không kém phần thiêng liêng, tươi đẹp. Hình ảnh đất nước trong đoạn thơ đầu hiện lên muôn màu muôn vẻ, sinh động lạ thường, lắng đọng trong tâm tưởng ta qua những nét đẹp về phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống mang đậm dấu ấn con người Việt.

Câu thơ mở đầu được viết theo thể câu khẳng định “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Với cách vào đầu rất tự nhiên ấy, nhà thơ khẳng định: Đất Nước đã có từ rất lâu, có trước khi ta sinh ra vì thế khi ta lớn lên thì ta đã thấy Đất Nước. Bốn chữ cuối của câu thơ vang lên đầy tự hào “Đất Nước đã có rồi”. Đó là lời khẳng định chắc nịch về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Hai câu thơ tiếp theo nhà thơ diễn tả cụ thể về sự ra đời của đất nước:

“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”

Câu thơ thứ nhất, tác giả cho rằng Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa”. Nghĩa là Đất Nước có từ rất lâu đời, có tự ngày xưa. Đất Nước có từ trước khi những câu truyện cổ ra đời rồi khi những câu truyện cổ có mặt trong đời sống tinh thần của ta, ta lại thấy Đất Nước hiện diện trong truyện cổ. Đó là Đất Nước của một nền văn học dân gian đặc sắc với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Chính những câu chuyện cổ và những bài hát ru thuở ta còn nằm nôi là nguồn sữa ngọt lành chăm bẫm cho ta cái chân thiện mĩ và lớn lên ta biết yêu đất nước con người. Về ý nghĩa của truyện cổ với đời sống tinh thần con người, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xúc động mà viết nên:

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần”

(Truyện cổ nước mình)

Câu thơ thứ hai, nhà thơ diễn tả Đất Nước có trong “miếng trầu bây giờ bà ăn”. Gợi nhắc phong tục ăn trầu của người Việt. Câu thơ gợi nhớ về câu truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” được xem là xưa nhất trong những câu truyện cổ. Tục ăn trầu cũng từ câu truyện này mà nên. Như vậy là thẩm thấu vào trong miếng trầu dung dị ấy là 4000 năm phong tục, 4000 năm dân ta gìn giữ phong tục ăn trầu. Miếng trầu là biểu tượng của tình yêu, vật chứng cho lứa đôi cũng là biểu tượng tâm linh của người Việt. Từ phong tục ăn trầu, tục nhuộm răng đen cũng ra đời:

“Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng”

(Hoàng Cầm)

Câu thơ thứ tư, nhà thơ diễn tả sự trưởng thành của Đất Nước. Đó là sự trưởng thành từ truyền thống đánh giặc giữ nước qua hình tượng Thánh Gióng và cây tre: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Câu thơ gợi nhắc cho ta nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng, chàng trai Phù Đổng Thiên Vương nhổ tre làng Ngà đánh giặc, gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất:

“Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt
Chí căm thù ta rèn thép thành roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi”

(Tố Hữu)

Truyền thống vẻ vang ấy đã theo suốt chặng đường dài của lịch sử dân tộc mãi đến hôm nay trong thời đại chống Mỹ bao tấm gương tuổi trẻ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ giống nòi. Phải chăng, đó chính là vẻ đẹp của các chị, các anh đã tạc vào lịch sử Việt Nam dáng đứng kiêu hùng bất khuất: Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi… Vẻ đẹp ấy song hành với hình ảnh cây tre Việt Nam. Cây tre hiền hậu trên mỗi làng quê. Nó như là sự đồng hiện những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: thật thà chất phác, đôn hậu thuỷ chung, yêu chuộng hoà bình nhưng cũng kiên cường bất khuất trong tranh đấu. Tre đứng thẳng hiên ngang bất khuất cùng chia lửa với dân tộc “Một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ “, bởi:

“Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”.

Bốn câu thơ tiếp theo nhà thơ mang đến cho người đọc vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của con người Việt:

“Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam. Không ai khác là những người mẹ với phong tục “búi tóc sau đầu” (tóc cuộn thành búi sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu rất riêng). Nét đẹp ấy gợi nhớ ca dao:

“Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài cho rối lòng anh”

Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục gắn dòng suy tưởng đến con người ngàn đời cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất Việt để giữ gìn tôn tạo mảnh đất thân yêu. Ở đó đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp:

“Tay bưng đĩa muối chén gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được vận dụng một cách đặc sắc trong câu thơ nhẹ nhàng mà thấm đượm biết bao ân tình. Nó gợi lên được ân nghĩa thủy chung ở đời: gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau lâu năm thì tình nghĩa càng đong đầy. Có lẽ chính vì vậy mà Đất Nước còn ghi dấu ấn của cha của mẹ bằng Hòn trống mái, núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái… đi vào năm tháng.

Câu thơ “Cái kèo cái cột thành tên”, gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Đó cũng là ngôi nhà tổ ấm cho mọi gia đình đoàn tụ bên nhau; siêng năng tích góp mỡ màu dồn thành sự sống. Từ đó, tục đặt tên con “cái Kèo, cái Cột” cũng ra đời.

Đâu chỉ có những vẻ đẹp trên, dân tộc ta còn có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng”. Thành ngữ “Một nắng hai sương” gợi nên sự cần cù chăm chỉ của cha ông ta những ngày long đong, lận đận trong đời sống nông nghiệp lạc hậu. Đó là truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó. Các động từ “Xay – giã – dần – sang” là quy trình sản xuất ra hạt gạo. Để làm ra hạt gạo ta ăn hằng ngày, người nông dân phải trải qua bao nắng sương vất vả gieo cấy, xay giã, giần sàng. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là mồ hôi vị mặn nhọc nhằn của giai cấp nông dân. Bởi vậy, ăn hạt gạo dẻo thơm ta phải nhớ công ơn người đã làm ra nó:

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Câu thơ cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào: “Đất Nước có từ ngày đó”. “Ngày đó” là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn “ngày đó” là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có đất nước. Đúng như lời Bác dặn trước lúc đi xa “Rằng muốn yêu tổ quốc mình, phải yêu những câu hát dân ca”. Dân ca, ca dao là đặc trưng văn hóa của Việt Nam, muốn yêu Đất Nước trước hết phải yêu và quý trọng văn hóa nước nhà. Bởi văn hóa chính là Đất Nước. Thật đáng yêu đáng quý, đáng tự hào biết bao lời thơ dung dị, ngọt ngào của Nguyễn Khoa Điềm.

Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, truyền thống nông nghiệp. Nhà thơ sáng tạo thành ngữ dân gian, ca dao tục ngữ, thành ngữ…Điệp ngữ Đất Nước được nhắc lại nhiều lần. Nhà thơ luôn viết hoa hai từ Đất Nước tạo nên sự thành kính, thiêng liêng… Tất cả làm nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng đúng giọng thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí.

  • Kết bài:

9 câu thơ đầu là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ Đất Nước. Qua đoạn thơ, nhà thơ đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của một Đất Nước giàu văn hóa cổ truyền. Đất Nước của truyền thống, phong tục tươi đẹp mang đậm dấu ấn của tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. "Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại" trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.