Cảm xúc thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương.

Cảm xúc thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương.

Cảm xúc thẩm mĩ là cảm xúc mang tính nhân văn, là dạng xúc cảm cao cấp chỉ có ở con người.Chúng là những rung cảm của con người trước cái đẹp.Tác phẩm văn chương là sản phẩm tinh thần của con người.Chúng là sản phẩm nghệ thuật độc đáo bằng ngôn từ, chúng kết tinh tư tưởng, tình cảm, cách nhìn nhận khám phá đời sống  của nhà văn. Vì thế trong tác phẩm văn chương cảm xúc thẩm mĩ được thể hiện tập trung nhất, cô đọng, sâu sắc và mãnh liệt nhất. Và vì thế cảm xúc thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương có khả năng tác động mạnh đến cảm xúc  của người tiếp nhận.

Tác phẩm văn chương là nơi kết tinh, hội tụ cái đẹp trong đời sống, trong thế giới tự nhiên. Bên cạnh đó trong quá trình sáng tác nghệ thuật các nhà văn không chỉ sáng tạo, không chỉ thể hiện tài năng, sự nhạy cảm của bản thân trong tác phẩm mà hơn ai hết họ đem đến cho tác phẩm của mình một tâm hồn giàu cảm xúc, một trực giác nhạy bén. Bằng những rung động và cảm xúc mãnh liệt trước cuộc sống người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm văn chương, xây dựng hình tượng văn học, tạo nên mỗi dòng thơ, trang viết day dứt, xúc động lòng người. Điều ấy tạo nên sự lôi cuốn hấp dẫn cho tác phẩm, khiến cho tác phẩm văn chương nhanh chóng có được tiếng nói đồng cảm, đồng tình, đồng điệu với người đọc. Nếu nhà văn có tư tưởng mới lạ,có cánh khám phá đời sống tinh tế, sâu sắc nhưng tác phẩm ấy không được viết bằng cảm xúc chân thành mãnh liệt của người nghệ sĩ thì tác phẩm ấy sẽ thật khô khan, nhạt nhẽo khó đến được với đông đảo người tiếp nhận, khó lay động được những cảm xúc sâu sa trong lòng người đọc.

Chính vì thế tác phẩm văn chương có thể khơi dậy ở người đọc những cảm xúc xã hội tích cực, thỏa mãn ở người đọc cái nhu cầu nếm trải sự sống. Chúng có khả năng tác động, khơi gợi cảm xúc thẩm mĩ ở con người. Tác phẩm văn chương không chỉ phản ánh cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống theo một quy tắc nhất định mà chúng còn sáng tạo ra cái đẹp mới. Bên cạnh việc thõa mãn nhu cầu về cái đẹp, tác phẩm văn học còn là trường học của những năng lực sáng tạo thẩm mĩ, là nơi bồi dưỡng cảm xúc, thị hiếu thẩm mĩ của con người. Trong quá trình rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật thị giác và thính giác cùng các giác quan thẩm mĩ của con người ngày càng tinh tế nhạy bén. Các năng lực quan sát, cảm nhận, khái quát ngày càng phát triển.

Tác phẩm văn học cũng như nghệ thuật nói chung là nơi nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ của con người, nơi giữ gìn và phát triển chất nghệ sĩ vốn có trong tâm hồn, khơi dậy và tiếp sức cho những rung động về cái đẹp, nơi giữ cho tâm hồn con người không chai sạn đi mà luôn mới mẻ, nhạy cảm với cái đẹp. Do đó mà cũng không bao giờ nguội lạnh, thờ ơ với số phận con người, luôn căm phẫn, đau đớn, xót xa vì cái xấu cái ác, tha thiết yêu thương hướng về cái tốt cái đẹp. Tác phẩm văn học chân chính trong khi bồi đắp cảm xúc thẩm mĩ của con người thêm phong phú, đồng thời cũng làm cho nó trở lên lành mạnh và cao đẹp. Nó có khả năng cải tao, nâng cao lí tưởng thẩm mĩ và thị hiếu thẩm mĩ cho con người.

Cái đẹp trong tác phẩm văn chương là một khách thể thẩm mĩ hoàn hảo, cảm xúc thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương mãnh liệt, sâu sắc vì thế tác phẩm văn chương có thể thỏa mãn nhu cầu thẫm mĩ, phát triển cảm xúc thẩm mĩ, nâng cao năng lực thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ cho con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang