Câu nghi vấn, Câu cầu khiến, Câu cảm thán, Câu trần thuật, Câu phủ định.

cau-nghi-van-cau-cau-khien-cau-cam-than-cau-tran-thuat-cau-phu-dinh

Câu nghi vấn, Câu cầu khiến, Câu cảm thán, Câu trần thuật, Câu phủ định.

I. Câu nghi vấn.

Câu nghi vấn là câu có những từ nghi vấn (ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)…không, (đã)…chưa,…) hoặc có từ hay (nối các vế có quan hệ lựa chọn).

– Câu nghi vấn có chức năng chính là dùng để hỏi.

– Trong nhiều trường hợp, câu nghi vấn không dùng để hỏi mà dùng để cầu khiến, khẳng định, đe doạ, bộc lộ tình cảm, cảm xúc,… và không yêu cầu người đối thoại trả lời.

– Nếu không dùng để hỏi thì trong một số trường hợp, câu nghi vấn có thể kết thúc bằng dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

– Khi viết, câu nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

Ví dụ:

– Cậu đã làm bài tập môn toán chưa? (Chức năng: hỏi)

– Bạn có thể cho mình mượn cây bút được không? (Chức năng: cầu khiến)

– Nếu chúng ta không đoàn kết lại, chúng ta có chiến thắng kẻ thù hay không? (Chức năng: khẳng định)

– Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? (Chức năng: đe dọa)

– Sao mà học giỏi quá vậy? (Chức năng: bộc lộ cảm xúc)

– Ai dám bảo cậu hát không hay? (Chức năng: khẳng định)

– Sao cậu không học bài thế? (Chức năng: phủ định)

– Cháu có thể giúp chú khiêng cái ghế này được không? (Chức năng: nhờ vả)

II. Câu cầu khiến.

– Câu cầu khiến là câu có những từ cầu khiến như: hãy, đừng, chớ,… đi, thôi, nào,hayngữ điệu cầu khiến.

– Câu cầu khiến dùng để: ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,…

– Khi viết, câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm.

Ví dụ:

– Hãy làm theo những gì cô nói! (Chức năng: ra lệnh)

– Đừng giẫm lên cỏ xanh (Chức năng: yêu cầu)

– Hãy chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật! (Chức năng: đề nghị)

– Hãy biết trân quý những điều tốt đẹp, giá trị cao đẹp xung quanh mình! (Chức năng: khuyên bảo)

III. Câu cảm thán.

– Câu cảm thán là câu có những từ ngữ cảm thán như: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi; thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào,…

– Câu cảm thán dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (người viết); xuất hiện chủ yếu trong ngôn ngữ nói hằng ngày hay ngôn ngữ văn chương.

– Khi viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than.

Ví dụ:

– Trời ơi, sao số tôi lại khổ thế! (Cảm xúc khổ đau)

– Ôi, thời tiết hôm nay thật mát mẻ làm sao! (Cảm xúc hân hoan)

– Trời ơi! Sao số tôi lại khổ thế này! (Cảm xúc khổ đau)

– Điên mất thôi! (Cảm xúc tức giận)

– Ôi, bông hoa đẹp quá! (Cảm xúc vui vẻ)

– A, mẹ về! (Cảm xúc vui mừng)

IV. Câu trần thuật.

– Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

– Câu trần thuật thường dùng để kể, thông báo, nhận định, miêu tả,…

– Ngoài những chức năng chính trên đây, câu trần thuật còn dùng để đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc,… (vốn là chức năng chính của những kiểu câu khác).

– Khi viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm, nhưng đôi khi nó có thể kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.

– Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.

Ví dụ:

– Hôm nay, bạn Nam nghỉ học. (Chức năng: kể)

– Dưới tán lá xanh, hai chú chim véo von hót vang. (Chức năng: miêu tả)

– Đó là quyển sách hay nhất mà tôi đã từng đọc. (Chức năng: nhận định)

– Nếu anh giúp tôi dọn sạch khu vườn, tôi sẽ tặng anh cây mai ấy. (Chức năng: đề nghị)

V. Câu phủ định.

Câu phủ định là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có),… hay cụm từ có ý nghĩa phủ định.

– Câu phủ định dùng để:

+ Thông báo, xác nhận sự không có mặt của sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).

+ Phản bác một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).

Ví dụ:

– Hôm nay trời không lạnh. (Chức năng: phủ định miêu tả)

– Anh ấy chưa từng đến đây như lời bác Ba kể (Chức năng: phủ định bác bỏ).

– Bài thơ ấy hay gì mà hay (Chức năng: phủ định bác bỏ).

* Lưu ý:

– Trong câu ghép có một vế câu là vế câu phủ định thì câu đó không phải là câu phủ định.

Ví du:

+ Nó đưa tiền cho tôi nhưng không nói đó là tiền gì (Câu trần thuật có một vế câu phủ định)

CÁC KIỂU CÂU CHIA THEO MỤC ĐỊCH NÓI
STT Kiểu câu Đặc điểm hình thức Chức năng chính Chức năng khác
1 Câu nghi vấn – Kết thúc bằng dấu chấm hỏi (khi viết).

– Có từ nghi vấn: ai, gì ,nào, đâu, bao nhiêu hoặc từ “hay”.

– Dùng để hỏi. – Dùng để cầu khiến, đe doạ, phủ định, khẳng định.

– Dùng để biểu lộ tình cảm, cảm xúc.

2 Câu cầu khiến – Kết thúc câu bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm (khi viết).

– Có từ cầu khiến: hãy, đùng, chớ, đi, thôi, nào…

– Ngữ điệu cầu khiến.

– Dùng để ra lệnh, yêu cầu, răn đe, khuyên bảo.
3 Câu cảm thán – Kết thúc câu bằng dấu chấm than (khi viết).

– Có từ cảm thán: than ôi, hỡi ơi, chao ôi, trời ơi, biết bao…

– Bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói.
4 Câu trần thuật – Kết thúc câu bằng dấu chấm, đôi khi kết thúc bằng dấu chấm lửng (khi viết).

– Không có đặc điểm hình thức của câu: nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

– Dùng để kể, thông báo, nhận định, trình bày, miêu tả… – Dùng để yêu cầu, đề nghị.

– Dùng để biểu lộ cảm xúc, tình cảm.

5 Câu phủ định Có từ ngữ ngữ phủ định như:  không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có),… – Dùng để thông báo, xác nhận không có sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (Phủ định miêu tả).

– Phản bác một ý kiến, một nhận định (Phủ định bác bỏ).

2 bình luận

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Bài 9. Thực hành Tiếng Việt bài 9: Câu hỏi, Câu cảm, Câu khiến, Câu khẳng định, Câu phủ định (Ngữ văn 8, tập 2, Chân Trời Sáng Tạo) - Theki.vn
  2. Kiến thức Ngữ văn bài 9 (Ngữ văn 8, tập 2, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.