Cảm nhận chất thơ trong Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo.

chat-tho-trong-dan-ghi-ta-cua-lorca-cua-thanh-thao

Chất thơ trong Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo.

Dàn ý:

  • Mở bài:

– Thanh Thảo là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học kháng Mĩ cứu nước.

– Với Thanh Thảo, Đàn ghi-ta của Lorca là khoảnh khắc bắt đầu từ những ám ảnh khi đọc thơ Lorca vào năm 1979, bài thơ ấy tiếp tục nằm trong sổ tay của nhà thơ cho tới năm 1985, sau đó được in “Khối vuông ru-bích”.

– Chất thơ trong Đàn ghi ta của Lorca được thể hiện đa dạng, đặc sắc.

  • Thân bài:

Thanh Thảo có một mảng thơ về đề tài cuộc đời các nhà nghệ sỹ. Ông đã có các bài thơ viết về Cao Bá Quát , Nguyễn Đình Chiểu, A-Ra- Gông, Pa-xtec-nac, Ga-xi-a Lorca….. Văn hóa Tây Ban Nha được nhân loại biết đến với những phạm vi ngỡ như có phần tương phản nhau. Đó là đàn ghi ta, điệu nhảy Flamenco và đấu bò. Những biểu tượng này vừa sôi động, hào hùng vừa đắm đuối mê say mang trong nó cả cuộc sống cuồng nhiệt lẫn bóng dáng tử thần đã hình thành nên một phong cách Tây Ban Nha đặc thù. .

– Thanh Thảo không chỉ am hiểu văn hóa Tây Ban Nha mà còn gắn kết nền văn hóa phương Tây xa xôi đó với văn hóa phương Đông…Viết về một nhân sĩ bên trời Tây, Thanh Thảo một mặt vẫn giữ được nét văn hóa đặc thù của xứ sở sinh ra người anh hùng, mặt khác ông đã kéo nền văn hóa đó lại gần với truyền thống văn hóa Việt Nam. Nói đúng hơn là đã đặt liền kề những giá trị văn hóa để cốt sao cái sự xa lạ kia không còn lạ lẫm, mà trở thành một phần nữa trong tâm thức người đọc Việt. Vậy nên mới có chuyện “vầng trăng”, “đáy giếng”, mới có chuyện Lorca sang sông gợi liên tưởng đến cách đức Bồ Đề Đạt Ma sang sông với một chiếc giày…

– Đặc điểm thơ Thanh Thảo ở thời kì đổi mới thể hiện qua hệ thống hình ảnh giàu tính tượng trưng siêu thực cũng như khả năng gợi liên tưởng phong phú, qua cái tôi công dân nhiệt huyết thiên về suy tư – triết luận trong bài thơ, qua tính nhạc trong bài thơ. Nghệ thuật tượng trưng, siêu thực tạo sự lan tỏa, gợi mở với lối diễn đạt độc đáo. Một bài thơ tiêu biểu cho thơ Việt sau năm 1975.

Chất thơ là gì?

Chất thơ hay còn gọi là “thi vị” tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ. “Chất thơ” có thể hiểu là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mĩ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất thơ” cũng có thể tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như: Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa…

Chất thơ chính là sự khám phá cuộc sống bằng nghệ thuật đa dạng, độc đáo đem lại vẻ đẹp và xúc động tâm hồn cho người đọc. Thông thường người ta cho rằng chất thơ là một thuộc tính chỉ riêng thơ mới có. Nhưng thực ra chất thơ có thể tìm thấy trong cả những thể loại văn học khác như văn xuôi ( tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn….), kịch…

Chất thơ được tạo nên từ những hình ảnh đẹp, giàu sức biểu cảm, từ những ngôn từ giàu nhạc điệu, bay bổng thanh thoát….Vậy là “cái chất trữ tình bay bổng, diệu kì của hình ảnh, âm điệu, ngôn ngữ…vốn là của thơ ca, đến một lúc nào đó lại có thể tìm thấy trong hầu hết các thể loại”.

Biểu hiện của chất thơ trong “Đàn ghi ta của Lorca”.

Chất thơ thể hiện trong một thế giới hình tượng, hình ảnh đa sắc màu văn hóa trong tư duy thơ Thanh Thảo.

Hình tượng cây đàn trong thơ Lorca và trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”: Hình tượng đàn ghi ta là một biểu tượng đặc biệt trong thơ Lorca “người mê dân ca, chàng hát rong thời trung cổ” “con sơn ca xứ An-đa-lu-xi-a”. Cây đàn từ chỗ mang hàm nghĩa nói về một định hướng sáng tạo gắn thơ với dòng nhạc dân gian, rộng ra nói về một tình yêu vô bờ và khắc khoải đối với quê hương của Lorca

Đến Thanh Thảo, hình tượng tiếng đàn ghi ta cất lên tiếng lòng của Lorca trước cuộc sống, trước thời đại. Nó là tinh thần thơ Lorca, là linh hồn và cao hơn là cả số phận của nhà thơ vĩ đại này, cho sáng tạo nghệ thuật. Theo đó, tiếng đàn không còn là tiếng đàn cụ thể nữa, nó là sự sống muôn màu hiện hình trong thơ Lorca và là sinh quyển văn hóa, sinh quyển chính trị xã hội bao quanh cuộc đời, sự nghiệp Lorca.

Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt”: Một hình ảnh mang đậm bản sắc của Tây Ban Nha chính là hình ảnh “áo choàng đỏ”. Hình ảnh “áo choàng đỏ” nhắc nhở môn đấu bò tót, một hoạt động văn hóa khiến Tây Ban Nha nổi tiếng thế giới.

Hình ảnh “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” trong thơ Thanh Thảo không phải đấu trường giữa đấu sĩ với bò tót mà là đấu trường đặc biệt giữa khát vọng đấu tranh dân chủ của công dân Lorca với nền chính trị độc tài của khát vọng cách tân nghệ thuật trong chàng nghệ sĩ Lorca với nền nghệ thuật già nua.

Hình ảnh“Vầng trăng”, “yên ngựa”, “cô gái Di-gan”: Ngoài ra các hình ảnh: “Vầng trăng”, “yên ngựa”, “cô gái Di-gan” và âm thanh “li-la” cũng gợi một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Tây Ban Nha. Cùng một cách nhìn như vậy, độc giả sẽ thấy những thi liệu của thơ Lorca (mà truy nguyên, một phần không nhỏ vốn là thi liệu của những bài dân ca An-đu- lu-xi-a) như hình ảnh người kĩ sĩ lang thang, yên ngựa, vầng trăng đã thực sự tái sinh lần nữa trong một hình hài mới và gây được những ấn tượng mới.

Hình tượng Lorca – người chiến sĩ kiên cường, người nghệ sỹ cách tân: Trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha và hình tượng Lorca trong cảm xúc của Thanh Thảo Lấy cảm hứng từ cuộc đời thật của nhà cách mạng- nhà nghệ sỹ Lorca. Với tính cách trung thực yêu tự do, yêu cái đẹp và một tâm hồn tràn đầy khát vọng về cuộc sống tươi sáng cho nhân dân mình. Lorca đã trở thành một biểu tượng cho khát vọng tự do khát vọng cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ dưới chế độ độc tài

Thanh Thảo muốn phục sinh thời khắc bi tráng trong cuộc đời Lorca để tỏ sự ngưỡng mộ đau xót bằng hình ảnh biểu tượng nghệ thuật Lorca. Đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với thế lực tàn ác của bọn phát xít. Đối lập giữa tiếng đàn, tiếng hát yêu đời vô tư, với hiện thực phũ phàng đến kinh hoàng, hiện thực đẫm máu.Trong bài thơ của mình Thanh Thảo đã xây dựng nên hình tượng Lorca hiện lên hào hùng, bi tráng với tư cách một người chiến sĩ, một người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ. Chất thơ của hình tượng Lorca có lẽ được thể hiện sâu sắc nhất ở phương diện ông không chỉ là người chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho công lí mà còn là người nghệ sĩ thiên tài.

Chất thơ thể hiện qua sự đồng điệu về tâm hồn giữa cái tôi trữ tình và đối tượng trữ tình.

Đàn ghi ta của Lorca không chỉ là bức tranh văn hóa đa sắc màu của thế giới hình tượng, hình ảnh thơ mà còn là bản hòa tấu tuyệt vời của hai tâm hồn đồng điệu. Ta bắt gặp ở đây, trong con người của hai nghệ sĩ lớn chất lãng mạn của tâm hồn, nỗi lo âu, ám ảnh, dự cảm về nghệ thuật, về số phận của người nghệ sĩ trong thời đại bão táp nhưng vượt lên trên tất cả là khát vọng cách tân nghệ thuật. Lorca là người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn với tình yêu quê hương xứ sở sâu nặng. Hình ảnh một người nghệ sĩ Lorca lãng mạn của xứ sở Tây Ban Cầm đi vào thơ Thanh Thảo như một “kỵ sĩ văn chương đơn độc”, một “ca sĩ dân gian tự do”.

Lorca và Thanh Thảo không chỉ là những người nghệ sĩ bẩm sinh với tâm hồn lãng mạn, với khát vọng cách tân mà còn là “dũng sĩ” giàu khát vọng đấu tranh cho tự do.

Chất thơ thể hiện ở lớp ngôn ngữ giàu nhạc cảm.

Thanh Thảo từng nói: Tôi rất sợ bài thơ của mình được liên tưởng với hình ảnh một ca sĩ (hay hát rong) ôm đàn ghi-ta hát vang lên trong nhà hát hay giữa phố đông người. Đúng như Verlaine nói, thơ trước hết là nhạc, nhưng đó là “nhạc của thơ” chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm.

Nhạc tính trong thơ Thanh Thảo không chỉ bắt nguồn từ thể thơ tự do, cách ngắt nhịp khoáng đạt với những trường đoạn và câu thơ ngắn dài linh hoạt mà còn bởi cách sắp xếp các hình ảnh Nhạc tính là một trong những yếu tố làm nên chất thơ của thi phẩm. Ở thi phẩm Đàn ghi ta của Lorca, Thanh Thảo làm xao động lòng người bởi lối phối hợp hài hòa các đơn vị âm thanh và cách phát huy ý nghĩa ấn tượng của những từ láy “lang thang”, “đơn độc”, “chếnh choáng”, “mỏi mòn” “long lanh”, kết hợp với cách sử dụng hình thức trùng điệp cấu trúc tạo nên khúc biến tấu trầm bổng. Đặc biệt, tính nhạc trong thơ không chỉ là hình thức mà còn là nhịp điệu ngầm qua từng câu chữ.Nhịp điệu trong thơ Thanh Thảo thiên về nhạc điệu của tâm hồn.

* Nhận xét.

– Sự đồng cảm sâu sắc giữa Thanh Thảo và G. Lorca được thể hiện qua việc khắc họa thành công hình tượng người nghệ sĩ tự do mà cô đơn; tài năng mà phải chịu oan khuất, bi phẫn, bị thủ tiêu, sát hại nhưng tâm hồn thì bất diệt, khát vọng lớn không thành

– Sự đánh giá cao và niềm tin mãnh liệt của Thanh Thảo vào sự bất tử của người nghệ sĩ tài hoa qua việc khắc họa thành công hình tượng tiếng đàn ghi ta như một biểu tượng nghệ thuật độc đáo.

– Đàn ghi ta là một bài thơ thuần Việt nhưng lại đậm đà bản sắc Tây Ban Nha, sóng sánh vẻ đẹp thơ Lorca. Có thể nhận ra một thế giới hình tượng, hình ảnh đa sắc màu văn hóa trong tư duy thơ của Thanh Thảo.

  • Kết bài:

“Thơ không chấp nhận trạng thái bàng quan” cho thấy không thể chỉ làm thơ bằng óc, thuần túy bằng sự tỉnh táo của lí trí phán đoán và phân tích mà thơ đòi hỏi phải đưa vào đó toàn bộ con người cảm xúc. Muốn cảm thơ và hiểu thơ tất yếu cũng không thể chỉ nhìn thấy phần tư tưởng mà phải chạm đến phần gợi cảm nhất của thơ đó là chất thơ. Nói như vậy để một lần nữa khẳng định rằng: một giờ dạy tác phẩm văn chương nói chung và một giờ giảng thơ nói riêng muốn thành công cần đặc biệt chú ý đến việc khơi gợi chất thơ của ngôn ngữ nghệ thuật – con đường dẫn nhập vào “địa hạt” không cùng của trí tưởng tượng và sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ.

Lưu ý:

Đàn ghi ta của Lorca được viết theo lối cấu trúc ru-bich, tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ Thanh Thảo, mang dáng dấp thơ tượng trưng, siêu thực còn xa lạ với HS nên HS chiếm lĩnh bài thơ này không dễ dàng. Trên cơ sở lí luận , luận văn đã tiến hành tìm hiểu chất thơ trong “Đàn ghi ta của Lorca” , vận dụng chất thơ để dạy học bài thơ trong quá trình dạy học nhằm bồi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và định hướng nhận thức về giá trị đích thực của tác phẩm.


Tham khảo:

Chất thơ trong “Đàn ghi ta của Lorca”.

  • Mở bài:

“Đàn ghi ta của Lorca” là một bài thơ hay, khó, mới mẻ, vẫn đang là một thách thức với cả người học và người dạy. Đi tìm chất thơ của thi phẩm là công việc cần thiết để phát hiện và cảm nhận được nguồn cảm hứng thẩm mĩ thi ca của một nhà thơ tài hoa về một người nghệ sĩ bậc thầy. Chất thơ trong Đàn ghi ta của Lorca cũng là chiếc chìa khóa giúp người dạy và người học bài thơ này mở ra cánh cửa bí mật đến gần hơn với đời sống riêng “vạm vỡ”“tươi xanh” của tác phẩm trên thi đàn thơ hiện đại Việt Nam.

  • Thân bài:

“Đàn ghi ta của Lorca” là một thế giới hình tượng, hình ảnh đa sắc màu văn hóa trong tư duy thơ của Thanh Thảo. Bài thơ là một sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo, một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lorca, một suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp. Lor ca là một nhà thơ nổi tiếng, ông còn là tiếng nói, là niềm vui nỗi buồn của đất nước mình. Nhờ những vần thơ tài hoa của ông mang đậm chất dân gian, mà người ta nghe thấy tiếng hoàng hôn than khóc ánh bình minh, tiếng đôi thằn lằn thì thầm bên tảng đá ven sông, tiếng cát lạo xạo dưới chân cặp người yêu bên nhau. Cũng nhờ tiếng thơ của ông, đất nước Tây Ban Nha hiện lên với chiều dài lịch sử với những sắc màu độc đáo nồng nhiệt. Nhưng vẫn phảng phất đâu đó những nỗi buồn. Nhân cách cao đẹp và số phận oan khốc của Lorca đã khiến Thanh Thảo ngưỡng mộ và xúc động sâu sắc, tạo được sự đồng cảm giữa người sáng tác và người đọc, gợi được những nét đặc trưng của văn hóa Tây Ban Nha, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của Lorca.

a. Chất thơ trong hình tượng cây đàn trong thơ Lorca và trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”

Hình tượng trung tâm của tác phẩm là hình tượng đàn ghi ta và Lorca.Vì đàn ghi ta chính là thơ Lorca, là bản mệnh của Lorca. Đọc thơ Lorca ta thương bắt gặp hình tượng một chàng kĩ sĩ đi mải miết, vô định dưới vầng trăng khi đỏ, khi rạng ngời, khi u tối, khi nồng nàn, khi buốt lạnh… Ta cũng thường ngập mình trong phong vị, hương sắc riêng không thể nào quên được của miền quê Gra-na đa thuộc xứ Anđa-lu-xi-a, ở đó có những chàng hiệp sĩ đấu bò tót khoác trên mình tấm áo choàng đỏ, có những cô gái Digan nước da nâu gợi tình tràn trề sức sống, có những vườn cam, những rặng ôliu xanh màu xanh huyền hoặc. Đặc biệt ở đó luôn vang vọng tiếng đàn ghi ta âm thanh nức nở, thở than làm vỡ toang cốc rượu bình minh, tựa tiếng hát của một con tim bị tử thương bởi năm đầu kiếm sắc, không gì có thể bắt nó im tiếng (ý thơ trong bài Đàn ghi ta….) Thanh Thảo quả đã nhập thần vào thế giới thơ Lorca để lẩy ra và đưa vào bài thơ của mình những biểu tượng ám ảnh bồn chồn của chính thi hào Tây Ban Nha. Nhưng vấn đề không đơn giản chỉ là sự trích dẫn tất cả những biểu tượng kia đã được tổ chức lại xung quang biểu tượng trung tâm là cây đàn mà xét theo “nguồn gốc”, vốn cũng là một biểu tượng đặc biệt trong thơ Lorca “người mê dân ca, chàng hát rong thời trung cổ” “con sơn ca xứ An-đa-lu-xi-a”.

Cây đàn từ chỗ mang hàm nghĩa nói về một định hướng sáng tạo gắn thơ với dòng nhạc dân gian, rộng ra nói về một tình yêu vô bờ và khắc khoải đối với quê hương. Đến Thanh Thảo nó đã nhập vào làm một với hình tượng Lorca, hay nói cách khác nó đã trở thành hình tượng “song trùng” với hình tượng Lorca. Cây đàn cất lên tiếng lòng của Lorca trước cuộc sống, trước thời đại. Nó là tinh thần thơ Lorca, là linh hồn và cao hơn là cả số phận của nhà thơ vĩ đại này, cho sáng tạo nghệ thuật.Bởi thế có một sự hòa điệu “song trùng” giữa thế giới nghệ thuật của Lorca với thế giới nghệ thuật thơ thanh Thảo. Tác giả muốn làm sống dậy hình tượng người con của một đất nước, một dân tộc yêu nghệ thuật, ưa chuộng cuộc sống tự do, phóng khoáng.

Những hình ảnh biểu tượng vốn có trong thơ Lorca được làm mới để chuyên chở những cảm nhận về chính thơ Lorca và về thân phận của các nhà thơ trong thời hoành hành của bạo lực.Có thể khẳng định có một thế giới đa sắc màu văn hóa trong Đàn ghi ta của Lorca. Câu thơ “những tiếng đàn bọt nước” đem lại sự cảm thụ vừa bằng thính giác, vừa bằng thị giác, mà sáng tạo các hình ảnh thị giác là điều mà các nhà siêu thực thường quan tâm. Khác với quan niệm thông thường khi cảm nhận thơ thường chỉ nhấn mạnh âm vận, nhạc điệu, nhạc tính với bút pháp quen thuộc là tả và tự sự trữ tình, Thanh Thảo sử dụng các hình tượng nghệ thuật mang tính tượng trưng và siêu thực. Tiếng đàn thì ai cũng có lần được nghe, cũng như bọt nước được tạo ra qua các cơn mưa thì ai cũng từng thấy nhưng kết hợp lại thành “tiếng đàn bọt nước” thì lại tạo ra một cách nhìn khác lạ. Trong cái quen thuộc hiện ra cái xa lạ. Nếu kết nối câu thơ “những tiếng đàn bọt nước với những câu thơ khác về tiếng đàn trong bài thơ “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” “tiếng ghi ròng ròng máu chảy” thì tiếng đàn với những âm thanh tuôn trào sôi động không chỉ là âm thanh mà còn là tiếng kêu cứu của con người, của cái đẹp trong thời khắc bị đẩy tới chỗ tuyệt diệt. Không có gì khó hiểu khi dưới ngòi bút Thanh Thảo, tiếng đàn cũng có màu (nâu, xanh), có hình thù (tròn), có sinh mệnh (ròng ròng máu chảy), bởi tiếng đàn chính là sự cảm nhận của nhà thơ nay về tiếng đàn xưa. Theo đó, tiếng đàn không còn là tiếng đàn cụ thể nữa, nó là sự sống muôn màu hiện hình trong thơ Lorca và là sinh quyển văn hóa, sinh quyển chính trị xã hội bao quanh cuộc đời, sự nghiệp Lorca.

b. Chất thơ trong hình ảnh “áo choàng đỏ gắt”.

Một hình ảnh mang đậm bản sắc của Tây Ban Nha chính là hình ảnh áo choàng đỏ. Hình ảnh “áo choàng đỏ” nhắc nhở môn đấu bò tót, một hoạt động văn hóa khiến Tây Ban Nha nổi tiếng thế giới. Nhưng đây không phải đấu trường giữa đấu sĩ với bò tót mà là đấu trường đặc biệt giữa khát vọng đấu tranh dân chủ của công dân Lorca với nền chính trị độc tài của khát vọng cách tân nghệ thuật trong chàng nghệ sĩ Lorca với nền nghệ thuật già nua. Màu áo đỏ gắt tráng lệ, bỗng biến thành bê bết đỏ, màu đỏ đau thương đã nhuốm máu thi nhân, đã hủy diệt cái đẹp. Màu đỏ gắt của tấm áo choàng, không nghi ngờ gì, là sáng tạo của Thanh Thảo. Đây là hình ảnh có sự kết hợp giữa cái thực là truyền thống đấu bò tót của Tây Ba Nha, mà theo đó các hiệp sĩ đấu bò bao giờ cũng mặc áo choàng đỏ để chọc tức con bò hoang, để lôi nó vào cuộc chiến. Nhưng cái khác thường là cái màu “đỏ gắt” là màu máu tươi, lại gắn với cụm từ Tây Ban Nha ở đầu câu thì sẽ thấy tình hình chính trị với những cuộc đàn áp khốc liệt của chính quyền độc tài ở đây về tinh thần đấu tranh quyết liệt của nhân dân cách mạng vùng lên. Như vậy có thể hiểu, cả Tây Ban Nha đang trở thành một đấu trường, không phải giữa người với bò mà giữa người với người, giữa dân chủ và độc tài, giữa tự do bị bóp nghẹt và thể chế chính trị hà khắc. Cả Tây Ban Nha phải đổ máu phải đổ máu để giàng lại những quyền cơ bản của con người. Cuộc đấu tranh đó đang diễn ra từng giờ, từng phút, diễn ra hàng ngày như tính chất đơn điệu của nền chính trị Tây Ban Nha.

Nhìn theo góc độ nào cũng chỉ thấy con người tự do, nhà cách tân nghệ thuật mong manh, đơn độc đi tìm cái đẹp trong thế giới bạo tàn, trong niềm cảm thông của nhà thơ Việt Nam.

c. Chất thơ trong hình ảnh“Vầng trăng”, “yên ngựa”, “cô gái Di-gan”.

Ngoài ra các hình ảnh: “Vầng trăng”, “yên ngựa”, “cô gái Di-gan” cũng gợi một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Tây Ban Nha. Hình tượng Lorca nổi bật trên cái nền văn hóa đó thật cao quý. Đó là một chàng kị sĩ lang thang đơn độc, một ca sĩ dân gian Tây Ban Nha hát nghêu ngao. Bởi Lorca không chỉ đơn độc trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn đơn độc trong mục đích đấu tranh chân chính. Đất nước Tây Ban Nha với nền chính trị độc tài, vẫn không ngừng ngêu ngao những âm thanh cùng mục đích với Lorca. Dù nỗi bất hạnh của cuộc đời ai cũng cảm thấy nhưng tất cả như muốn ngóng chờ địa vị đó ở Lorca. Vì thế Tây Ban Nha trở nên kinh hoàng khi nghe tin Lorca bị giết hại.

Hình ảnh Lorca bị điệu về bãi bắn với cây đàn, chàng đã như người mộng du. Cùng với bầu trời đồng cỏ, dòng sông tạo một ấn tượng đau xót về hình ảnh một con người chân chính đang chập chờn đi vào cõi chết. Chàng nghệ sĩ đi đến cái chết mà tâm hồn và tiếng đàn của chàng vẫn say đắm trong cái đẹp của cuộc sống và nghệ thuật. Chàng thả hồn vào tiếng ghita nâu, tiếng ghita lá xanh biết mấy. Màu nâu của vỏ đàn, màu của đất, màu xanh của tình yêu và cuộc sống. Bởi lẽ đối với người Tây Ban Nha thì loại nhạc cụ này tự nhiên như hơi thở như nỗi buồn mênh mang, mà bất cứ người Tây Ban Nha nào cũng đã hấp thụ cùng sữa mẹ, nó cũng hệt như tiếng hát ru con mà Lorca được những người phụ nữ láng giềng hát cho nghe thủa ấu thơ. Chàng đối diện với tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy, đối diện với họng súng quân thù. Mà tâm hồn còn mải miết hướng về bầu trờ cô gái ấy, hướng về tình yêu và cuộc sống dân chủ tươi đẹp không màng cái chết cận kề. Lá bùa ném trôi vào xoáy nước khép lại cuộc đời người chiến sĩ chống phát xít kiên cường. Những người yêu dấu của đất nước Tây Ban Nha như tiếng đàn với âm thanh Lila thơm sắc hoa tử đinh hương thì mãi lan tỏa trên dòng sông cuộc sống vĩnh hằng. Cùng một cách nhìn như vậy, độc giả sẽ thấy những thi liệu của thơ Lorca (mà truy nguyên, một phần không nhỏ vốn là thi liệu của những bài dân ca An-đu- lu-xi-a) như hình ảnh người kĩ sĩ lang thang, yên ngựa, vầng trăng đã thực sự tái sinh lần nữa trong một hình hài mới và gây được những ấn tượng mới.

d. Chất thơ trong hình tượng Lorca – người chiến sĩ kiên cường, người nghệ sỹ cách tân trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha và hình tượng Lorca trong cảm xúc của Thanh Thảo.

Lấy cảm hứng từ cuộc đời thật của nhà cách mạng- nhà nghệ sỹ Lorca.. Với tính cách trung thực yêu tự do, yêu cái đẹp và một tâm hồn tràn đầy khát vọng về cuộc sống tươi sáng cho nhân dân mình. Việc Lorca đến với cuộc đấu tranh chống áp bức là tất yếu.

Năm 1936, ông và một số người cùng chí hướng trong đó có cả các đảng viên cộng sản thành lập liên đoàn trí thức chống Phát xít. Ngày 16/07/1936 ông trở về quê hương, để dự hội thánh. Đó cũng là những ngày bùng lên cuộc nội chiến giữa lực lượng dân chủ Tây Ban Nha với lực lượng Phát xít phản động. Trên đường đi ông bị bọn phản động chặn bắt. Rồi bị xử bắn tại mảnh đất gần quê hương vào một sáng 8/1936 cạnh gốc cây Olive. Cái chết của Lorca là sự kiện gây chấn động lớn không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn với toàn thế giới, không chỉ lúc bấy giờ mà còn âm vang tới nhiều năm sau.

Thanh Thảo muốn phục sinh thời khắc bi tráng đó để tỏ sự ngưỡng mộ đau xót bằng hình ảnh biểu tượng nghệ thuật Lorca qua một hình ảnh quen thuộc và độc đáo đàn Ghita, khổ 2 và 3 đã tập trung khắc họa ấn tượng về cái chết bi phẫn của Lorca.

Đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với thế lực tàn ác của bọn Phát xít. Đối lập giữa tiếng đàn, tiếng hát yêu đời vô tư, với hiện thực phũ phàng đến kinh hoàng, hiện thực đẫm máu. Áo choàng bê bết đỏ, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy. Trên tất cả là sự đổi lập giữa tình yêu cái đẹp với những thế lực dã man tàn bạo.

Trong bài thơ của mình Thanh Thảo đã xây dựng nên hình tượng Lorca đậm chất thơ – người chiến hiện lên hào hùng, bi tráng với tư cách một người chiến sĩ, một người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ

Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ba Nha áo choàng đỏ gắt
li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng,
trên yên ngựa mỏi mòn…..

Lorca hiện lên trong bài thơ trong một không gian Tây Ban Nha rất đặc thù, nhất là không gian miền quê An-đa-lu-xia yêu dấu của nhà thơ với vầng trăng lạnh, với hình ảnh những đấu sĩ bò tót khoác trên mình tấm áo choàng đỏ gắt, những cô gái Digan nước da nâu tràn trề sức sống…Đi giữa không gian ấy chỉ mình chàng đơn độc trong cuộc hành trình mải miết. Nhưng không chỉ có vậy, hình ảnh giàu tính biểu tượng trong dòng thơ tượng trưng của Thanh Thảo con gợi người đọc liên tưởng đến đấu trường chính trị nóng bỏng của Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Cuộc nội chiến ở đất nước này kéo dài từ năm 1936- 1939 giũa các phe phái chính trị, Tây Ban Nha ngạt thở dưới chế độ độc tài Franco tàn bạo. Không khí chính trị và không khí thời đại ngột ngạt cản trở sự phát triển, kìm hãm tự do dân chủ của mỗi con người mà Lorca phải đối mặt.

Tác giả Thanh Thảo đã khắc họa Lorca một người chiến sĩ đơn độc trong hành trình đấu tranh cho công lý. Chàng đi lang thang vô định nơi chân trời góc bể, trên hành trình ấy chàng không che giấu khỏi nỗi buồn và sự mệt mỏi. Từ đầu đến cuối cuộc hành trình chàng vẫn cô độc không một người sẻ chia nhưng chàng vấn kiên định và mải miết với lí tưởng của mình. Sự đơn độc của người nghệ sĩ khẳng định tư tưởng tiến bộ, mới mẻ của Lorca so với những con người cùng thời đại, khẳng định lòng dũng cảm và bản lĩnh của Lorca. Trong cuộc đời thực Lorca đã ngã xuống dưới họng súng của kẻ thù, người chiến sĩ dũng cảm đã bị sát hại. Tất cả khẳng định bi kịch của Lorca, bi kịch của con người luôn khao khát tự do, công lí, tiến bộ nhưng sớm bị vùi dập, bị hủy diệt.

Chất thơ của hình tượng Lorca có lẽ được thể hiện sâu sắc nhất ở phương diện ông không chỉ là người chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho công lí mà còn là người nghệ sĩ thiên tài. Chỉ với một tập thơ “Nhà thơ ở New York” ông đã trở thành nhà thơ lớn của Tây Ban Nha hiện đại. Có thể khẳng định rằng Lorca là người nghệ sĩ thực thụ theo đúng nghĩa của từ này, bởi ông không chỉ làm thơ, mà còn thạo nhạc dân gian, một tay ghi ta cừ khôi, ông thường đi khắp xứ Tây Ban Nha như một gã Digan đơn độc mà hát lên những bài thơ của mình như những khúc Romance Ball. Bởi vậy ông như một nghệ sĩ kép: thi sĩ kiêm nhạc sĩ. Thơ Lorca đậm chất dân gian nhưng ông vẫn là nhà thơ cách tân. Thơ ông khó đọc nhưng nó lại được đón nhận bởi hàng triệu người. Trong bài thơ này tiếng đàn chính là biểu tượng cho những sáng tạo nghệ thuật của Lorca, là những cống hiến cho nghệ thuật của Lorca.

Câu thơ “không ai chôn cất tiếng đàn” có lẽ được bật ra trong tâm thức của Thanh Thảo khi ông nghĩ tới lời thỉnh cầu của Lorca trong bài Ghi nhớ- lời thỉnh cầu đã được dùng làm lời đề từ cho bài thơ Đàn ghi ta của Lorca. Ở đây có một sự đồng điệu tuyệt vời giữa ý nguyện của Lorca – một ý nguyện thể hiện chất nghệ sĩ bẩm sinh hoàn hảo của nhà thơ với liên tưởng của Thanh Thảo về sức sống của nghệ thuật. “không ai chôn cất tiếng đàn” và dù muốn chôn cũng không được ! Đây là tiếng đàn, một giá trị tinh thần, chứ không phải một cây đàn vật thể. Tiếng đàn ấy trường cửu cùng tự nhiên và hơn thế bản thân nó chính là tự nhiên.

  • Kết bài:

Thanh Thảo là một trong số những cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo bằng nhịp điệu bất thường để mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng nhằm đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại với hệ thống thi ảnh và ngôn ngữ hiện đại. Qua bài thơ “Đàn ghi ta của lorca”, tác giả thể hiện nỗi đau và sự xúc động sâu sắc trước cái chết bi thảm của nghệ sĩ Lorca – một nghệ sĩ khao khát tự do, dân chủ, luôn mong muốn sự cách tân nghệ thuật và nghệ thuật đi tới không ngừng. Tình yêu con người, tình yêu nghệ thuật và khát vọng tự do mà Lorca hằng ôm ấp là cái đẹp mà sự tàn ác không thể nào hủy diệt được.

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.