Cảm nhận chất triết lí trong Bài thơ tình số 28 của Ta-gor.

chat-triet-li-trong-bai-tho-tinh-so-28-cua-ta-gor

Cảm nhận chất triết lí trong Bài thơ tình số 28 của Ta-gor.

  • Mở bài:

Tago là một nhà thơ, nhà văn, đồng thời là một  nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho dân tộc Ấn Độ và nhân loại. Ông đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thanh sảng, thiêng liêng mà gần gũi, thân tình; biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn thi sĩ trước đất nước, quê hương, thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình yêu bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết. Thơ Tago cũng chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu. Chất trữ tình – triết lí hòa quyện khó mà phân cắt trong một bài thơ của Ta-gor.

Bài thơ số tình 28 được in trong tập Người làm vườn của Ta-gor, là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Bài thơ khẳng định: tình yêu là sự đồng điệu, hòa hợp, dâng hiến tâm hồn, tin yêu và hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng trái tim con người, thế giới tâm hồn con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao. Chính vì vậy, việc tìm tới sự đồng điệu, chan hòa vào thế giới tâm hồn của người yêu luôn là những khát khao không bao giờ vươn tới nổi. Điều đó tạo nên vẻ hấp dẫn muôn đời của tình yêu.

  • Thân bài:

Chất triết lí trong Bài thơ số tình 28 được trình bày qua những lập luận chặt chẽ với một hệ thống hình ảnh rực rỡ, sinh động. Với cách đặt vấn đề, phản đề, nghi vấn, giải thích để đi tới chân lí, bài thơ rất đặc trưng cho tư duy người Ân: tìm tới chất triết lí trong muôn vàn hiện tượng đời sống.

Những nghịch lý muôn đời của trái tim.

Nghĩa bài thơ được diễn giải theo tầng bậc từ thấp đến cao, từ cụ thể đến tưởng tượng, từ nghĩa thực đến nghĩa triết lí, và cảm xúc trong bài cũng được nâng dần theo các tầng nghĩa của bài. Sự đan chéo giữa lời lẽ của một người tình pha một triết gia làm cho ý nghĩa và cảm xúc trong bài thơ càng thêm sâu sắc, cao siêu.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh đôi mắt – “cửa sổ tâm hồn”. Đôi mắt ấy, dưới con mắt nhà thơ, như ánh sáng kì diệu của trời đất, đang muốn rọi sáng tận đáy của trái tim người yêu, như trăng kia muốn vào sâu biển cả. Đó chính là niềm khát khao hòa hợp tâm hồn, là khát vọng muôn chan hòa và thấu hiểu người mình yêu. Nhưng đôi mắt ấy cũng đu chứa một nỗi băn khoăn, u buồn vì khát khao trên là vô vọng.

Rất chân thành, chàng trai thổ lộ: “Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em, Anh không giấu em một điều gì”. Nhưng, một nghịch lí xảy ra: “Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả những điều em biết về anh đều mới chỉ là cái bề ngoài (ví như ăn mặc, hành động, lời nói…), còn cái đáy sâu thăm thẳm của tâm hồn anh, trái tim anh (ngừng suy nghĩ, cảm xúc) dễ đâu nắm bắt được.

Vần một mực chân thành, chàng trai sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho người yêu. Cả đoạn thơ là những lời nguyện ước thiêng liêng với những hình ảnh, từ ngữ đẹp đẽ, sang trọng. Nhưng cái phần cuộc đời ấy vẫn chỉ là những cái có thể nắm bắt được, dù rất quý giá, cao sang. Một phản đề được đưa ra: cái quý giá nhất của cuộc đời chàng trai lại là một trái tim – một thế giới tinh thần bí ẩn, vô biên, một vương quốc mà em là nữ hoàng, là người làm chủ nó mà cũng không thể biết được biên giới của nó xa gần, rộng hẹp đến đâu. Đây chính là một khoảng cách không bao giờ phá vỡ nối, một đỉnh cao không bao giờ bị chinh phục của tình yêu. Sự hòa hợp, đồng cảm dù đẹp đẽ đến đâu cũng không bao giờ trọn vẹn bởi đặc tính này của trái tim con người.

Một giả thuyết lại được nêu lên: Nếu trái tim chàng trai có những phút giây lạc thú, thì người yêu cũng dễ chia vui bằng nụ cười nhẹ nhõm, nếu trái tim chàng khổ đau thì người yêu cũng thông cảm bằng hàng lệ trong.

Nhưng chàng trai tự biết mình có một trái tim phức tạp hơn nhiều: trái tim anh lại là tình yêu. Một trái tim đâu chỉ có những vui sướng, khổ đau dễ chia sẻ, cảm thông, mà bao gồm nhiều nỗi đối lập, mâu thuẫn: vừa sung sướng – vừa khổ đau, vừa thiếu thốn – vừa giàu sang, mà tất cả đều vô biển, trường cửu, một thế giới bí ẩn, không giới hạn, không ai có thể đo đếm được (ca dao Việt Nam cũng từng có một câu mang ý nghĩa tương tự: “Sông sâu còn có kẻ dò, Lòng người ai dễ mà do cho tường”).

Bài thơ được kết cấu theo tầng bậc. Ý một: anh xin dâng hiến trọn vẹn cuộc đời anh cho em. Ý hai: nhưng không bao giờ em có thể chiếm lĩnh trọn vẹn trái tim anh. Hai ý này ngày càng được bổ sung ở mức độ cao hơn trong những lập luận của toàn bài.

Sự đối lập giữa khát vọng giãi bày, dâng hiến, chan hòa vào tâm hồn người yêu và cái bí ẩn không gì khám phá nổi của trái tim là những đối lập tồn tại mãi mãi trong tình yêu. Sự hòa hợp trọn vẹn trong tình yêu là điều không thể đến, nhưng tình yêu luôn là niềm khao khát cái trọn vẹn ấy.

Nếu mỗi người tình đều biết hướng về cái trọn vẹn để nắm bắt, dựng xây, điều đó sẽ đem đến hạnh phúc trong tình yêu. Phải chăng đây là triết lý tiềm ẩn của thơ tình R. Tagore?

Sức mê hoặc, quyến rũ của chất triết lí trong Bài thơ số tình 28.

Bài thơ là một hệ thông tầng tầng lớp lớp những hình ảnh tượng trưng và so sánh: đôi mắt em muốn nhìn… như trăng kia muốn vào sâu biển cả (sự khao khát hòa hợp, thấu hiểu tâm hồn), đời anh là viên ngọc, đóa hoa (những gì đẹp đẽ nhất, quý giá nhất của đời anh), em là nữ hoàng của vương quốc đó (em là người làm chủ trái tim anh), em có biết gì biên giới của nó đâu (cái bí ẩn vô biên của trái tim anh)… Hệ thống những hình ảnh tượng trưng, so sánh này làm cho những hình ảnh của tình yêu, của tâm hồn, của trái tim người đang yêu được mĩ lệ hóa, lung linh những sắc màu huyền diệu. Bài thơ mang tính chất mê hoặc vì lẽ đó.

Đây là một bài thơ trữ tình giàu chất triết lí. Chất triết lí trong Bài thơ số tình 28 thể hiện trên nhiều bình diện: Đó là những lập luận, đưa ra giả thuyết rồi phản bác lại với những mẫu câu lặp lại: Nếu… chỉ là… nhưng. Sự vật của đời sống không chỉ được nhìn nhận theo một chiều mà luôn đặt trong sự nghi vấn để tìm sự thật cuối cùng. Nhà thơ hướng về cái vô hạn của vũ trụ (.biển cả, vương quốc} để xác định giới hạn, bản chất của thế giới tâm linh – phần bí ẩn, sâu xa nhất của tâm hồn con người và nêu lên những đối lập, mâu thuẫn muôn đời như là những quy luật vĩnh cửu của tình yêu.

Tago muốn nói điều gì về tình yêu? Có lẽ ông muốn nói lên một chân lý: tình yêu là một cuộc dâng hiến trọn vẹn và khám phá, đi tìm. Nhưng trái tim tình yêu mãi mãi vẫn là những điều bí ẩn. Chiếm lĩnh cái bí ẩn, vô bờ, không giới hạn của tâm hồn người yêu sẽ luôn là những khát khao vĩnh cửu của con người.

  • Kết bài:

Bài thơ số tình 28 toát lên âm hưởng của giọng điệu thơ tình, qua cách thức giãi bày, bộc lộ quan niệm về tình yêu mà .Ở đây có thể liên tưởng tới tình yêu lứa đôi. Song bằng hình thức cấu trúc câu thơ theo lối giả định – phủ định – khẳng định, tác giả đã chỉ ra những nghịch lí của tình yêu. Từ đấy tác giả trình bày một quan niệm tình yêu khác, rộng hơn nhiều so với các quan niệm của các nhà thơ khác. Bài thơ diễn tả một nội dung triết lí về tình yêu-ftừ đó mở rộng ra ý nghĩa của cuộc đời, cho tình yêu nói chung và rộng hơn, cho mọi tình cảm của con người. Âm hưởng trữ tình thiết tha tạo ra sự trầm lắng, suy tư đầy chất triết lí vừa gợi mở cho độc giả niềm vui hướng tới tình yêu thiêng liêng, vừa tạo ra cảm giác kì diệu, bí ẩn của tình yêu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.