Cảm thức chiều tàn trong thi ca

cam-thuc-chieu-tan-trong-thi-ca

Cảm thức “chiều tàn” trong thi ca.

Chiều tàn hay chiều tà là khoảnh khắc xảy ra trước hoàng hôn. Đó là lúc trước khi mặt trời lặn xuống núi, vũ trụ đi vào yên nghỉ. Buổi chiều thường gây cho ta sự tàn tạ, nỗi cô đơn và ly biệt. Không hiểu vì sao, cái khoảnh khắc chậm trôi ấy lại gây cho con người ta sự u tịch huyền bí. Sự tuần hoàn của vũ trụ hiện ra rõ ràng trước mắt. Buổi chiều biểu thị sinh động nhất cái quy luật sinh diệt lạnh lùng. Càng đến gần càng mơ hồ. Càng nắm bắt càng thấy sợ hãi hơn.

Trong thi ca, khoảnh khắc chiều tàn được biểu hiện như một đối tượng nghệ thuật đặc sắc. Cái nắng gay gắt và sắc màu vàng vọt bỗng chốc tàn phai gợi cho ta sự mỏng manh, chóng vội của thời gian trôi đi, sự bé nhỏ của vạn vật trong guồng quay của vũ trụ tuần hoàn. Buổi chiều còn là khoảng thời gian ly biệt. Người trở về, kẻ ra đi vào buổi chiều xưa nay đã tạo nên biết bao điển tích, điển cố có sức biểu đạt mạnh mẽ.

Vương Bột đời Đường trong một lần đối ẩm ở Đằng Vương Cát, đã viết nên câu thơ bất hủ, còn truyền tụng cho đến ngày nay:

“Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”

(Cánh cò lặng lẽ bay trong nắng chiều
mặt nước mùa thu cùng với bầu trời một màu sắc).

(Vương Bột)

Cánh cò lặng lẽ bay trong nắng chiều về phía tây, bầu trời phản chiếu trong mặt nước mùa thu trong vắt. nhưng để thâu tóm cái thần của nó trong một câu thơ, làm toát lên vẻ cô đơn trong bất tận của không gian, thời gian chỉ có Vương Bột làm được. Cánh chim nhỏ bé, cô đơn, lặng lẽ bay về cuối chiều là cuộc chạy đua với thời gian. Ráng vàng của tròi chiều trở thành yếu tố kết nối bầu trời, mặt đất vạn vật và thẳm sâu của ảo ảnh, làm cho ta có cảm giác rợn ngợp trước đất trời bao la và dòng thời gian trôi chảy.

Thôi Hộ trong bài “Hoàng hạc lâu”, một lần nữa cũng biểu đạt tài tình cái khoảnh khắc này:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.

(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!).

(“Hoàng hạc lâu” – Thôi Hiệu) 

Buổi chiều được biểu đạt trong cảm thức ly biệt. Buổi chiều về trên đất khách quê người. Nhất là trên dòng sông mờ mịt khói sóng sao khỏi nao lòng. Nắng vàng hạ xuống, đất trời tĩnh mịch, vạn vật tìm nơi trở về yên nghỉ khiến cho nhà thơ nhớ nhà tha thiết. Quê hương là nguồn cội chở che, là nơi ta gửi gắm biết bao tâm tư, là nơi đoàn tụ. Trước cảnh vạn vật hòa đồng, quấn quýt, gợi cho nhà thơ khát vọng được trở về. Nhìn đường về xa thẳm mà tấm lòng người tha hương còn nặng tình cố xứ, cảnh thấm vào hồn, hồn tràn trong cảnh. Người và cảnh hòa nhập trong bóng chiều man man bất tận. Câu thơ xuất thần dội vào lòng ta niềm tâm cảm muốn được trở về.

Thời sau, Huy Cận cũng có một lần rung cảm như thế:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc…
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

(Tràng giang – Huy Cận)

Có lẽ, Huy Cận đã tiếp nhận ý thơ từ Đằng Vương Cát và cả Hoàng Hạc lâu để viết nên khổ thơ này. Và ta còn tìm thấy ý thơ “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc…” trong thơ của Đỗ Phủ : “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Sự tiếp biến cảm thức vũ trụ của  Huy Cận dựa trên ý thơ của cả ba nhà thơ trong một khổ thơ quả là tài tình. Nhưng đó không phải là một phép cộng mà là sự hòa âm của tiếng lòng cổ độ tri âm, không phải là sự lắp ghép khiên cưỡng vụng về mà là những nét vẽ thần tình trên một bức tranh trời chiều tuyệt sắc tràn đầy cảm hứng vũ trụ.

Phác họa đầu tiên trên nền cảnh trời chiều là “lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Mây đã cao mà núi cũng cao. Núi cao trùng trùng điệp điệp, mà mây cũng lớp lớp dâng cao, trải tầm nhìn trong không gian bất tận. Không gian của ảo ảnh kéo dài đến mờ mịt, không cùng. Bất chợt, nhà thơ điểm vào bầu trời vô tận ấy một cánh chim nhỏ để hạn chế tầm nhìn. Thế nhưng, cánh chim nhỏ bé quá, càng làm cho không gian ấy thêm cao lớn, gây cho ta nỗi cô đơn đến rợn ngợp.

Cuối cùng, điểm nhìn cũng được trả về với mặt đất trong nỗi nhớ nhà thăm thẳm. Từng con sóng dợn đẩy đưa tít mù xa. Mặt nước trải một màu chiều bất tận. “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” như là một lời thổ lộ cùng có nhân, là niềm đồng cảm xa xôi trước đất trời đang trong thời khắc chuyển mình vĩ đại.

Bài thơ “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan lại có một cách cảm nhận trời chiều trong một độ sâu khác nữa. Đối diện buổi chiều nơi đèo hoang vắng vẻ, con người cảm thấy cô độc trước không gian và thời gian vĩnh hằng.

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”.

(Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Dừng chân trên đèo cao (một điểm nhìn lý tưởng), nhìn đất trời chuyển động. Cái nhỏ bé đặt bên cạnh cái to lớn làm cho ta một cảm giác bất an vô cùng. Không gian mở ra đến bất tận. Đâu chỉ là xa hết tầm mắt mà còn xa mãi trong hoài niệm cố xứ.

Không chỉ riêng bà Huyện Thanh Quan mới nói đến điều đó, Vương Bột, Thôi Hộ và cả Huy Cận cũng đã làm rồi. Nhưng ở đây, ở một vị trí thuận lợi, những mặt đối lập của cảnh vật được thi nhân biểu hiện một cách chân thực, sinh động hơn cả.

Người đốn củi trở về, những túp lều chợ xác xơ ở nơi xa xa đối lập với sông dài trời rộng. Tiếng chim cuốc cuốc, tiếng con gia gia gọi bầy tha thiết chưa kịp vang vọng đã mất hút trong trời chiều. Dưới tầm nhìn, cảnh vật vô cùng sinh động nhưng cuối cùng cũng chỉ còn lại “ta với ta” trong nỗi buồn vũ trụ miên trung.

Hình ảnh cánh chim trong thi ca

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hình ảnh con đò trong thi ca - Thế Kỉ
  2. Hình ảnh dòng sông trong thi ca - Theki.vn
  3. Hình ảnh bóng hoàng hôn trong thi ca - Theki.vn
  4. Vẻ đẹp của ngôn ngữ thi ca - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.