Chủ nghĩa hiện sinh.

Chủ nghĩa hiện sinh.

Chủ nghĩa hiện sinh (tiếng Pháp: L’existentialisme) vốn ra đời ở Đức cuối chiến tranh thế giới thứ nhất. Hai đại biểu lớn là Martin Heidegger (1889-1976) và Karl Jasper (1883 – 1969) đã từng nhiều lần vận dụng tư tưởng này trong tác phẩm của mình. Sau khi lan nhanh sang Pháp tạo nên các tên tuổi như Jean Paul Sartre (1905-1980), Garbie Marcel (1889 -1978), Albert Camus (1913-1960), Merleau Ponty (1908-1961).

Lúc đầu, khi Marcel sử dụng thuật ngữ này trong một hội thảo năm 1945, Jean-Paul Sartre đã không công nhận nó. Sartre sau đó đã nghĩ lại và vào ngày 29 tháng 10 năm 1945, ông công khai sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa hiện sinh trong một bài giảng cho Club Maintenant tại Paris. Bài giảng sau đó đã được xuất bản với tên Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (L’existentialisme est un humanisme), một cuốn sách ngắn có vai trò quan trọng trong việc phổ biến tư tưởng hiện sinh. Marcel sau đó đã từ bỏ chính tên gọi này để ủng hộ thuật ngữ Chủ nghĩa Socrate mới (Neo-Socratic), nhằm vinh danh bài tiểu luận “On The Concept of Irony của Kierkegaard”.

Thuật ngữ “Existentialism” (Chủ nghĩa hiện sinh), có gốc từ “Existence”có nghĩa là sự tồn tại hay hiện hữu, nhưng không phải là sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng vật lý hay sự tồn tại của sinh vật mà là sự tồn tại của con người.

Ban đầu, chủ nghĩa hiện sinh là một trào lưu văn học phản ánh triết lý sống tự nhiên, tự tại, tự do bằng các hình thức tiểu thuyết, truyện, kịch, thi ca, nhật ký, tiểu luận, v.v… Theo dòng thời gian, triết lý sống đó được đa số người chấp nhận và lý luận hóa, trừu tượng hóa trở thành một trường phái triết học, một phong trào xã hội, ảnh hưởng sâu rộng trong lối sống giới trẻ.

Sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh là hiện tượng xã hội tất yếu phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý thời đại chống lại bản thể luận và nhận thức luận trong siêu hình học truyền thống, theo đó các triết gia mải mê tìm kiếm nguồn gốc vũ trụ, lý giải quá trình nhận thức mà bỏ quên thân phận và kiếp sống con người, không lý giải mối quan hệ phụ thuộc giữa cá nhân và xã hội, giữa tự do và tất yếu. Tuy khoa học kỹ thuật có mặt để giảm nhẹ sức lao động, nhưng rồi chẳng mấy chốc máy móc đã ép con người theo guồng quay và trở thành nô lệ của nó. Trong cuộc sống hiện đại, để tồn tại con người nhiều lúc phải tự đánh mất mình, bị đổi ngôi từ “nhân vị” thành “đại từ”, từ “chủ thể” thành “đối tượng”, từ “tôi” thành “nó”. Chung quy là buộc phải tha hóa đúng như nhận định của triết gia Nitschez: “Con người đã chết”.

Chủ nghĩa hiện sinh đồng thời là sự đáp trả tư tưởng tư biện trừu tượng triết học Hegel trong quá trình đi tìm các khái niệm phổ biến mà không quan tâm đến đời sống hiện thực của con người và chủ nghĩa lãng mạn trong văn học cổ điển đã lý tưởng hóa tình yêu và cuộc sống, dẫn dắt con người ngày càng xa rời hiện thực. Triết học truyền thống quá lý thuyết, chủ nghĩa lãng mạn văn học cổ điển lún sâu miêu tả những chuyện tình lâm ly bi tráng, trong khi đó con người sống càng ngày càng tự do và thực dụng, giao tiếp giữa người và người trở nên cởi mở, thẳng thắn, đời sống con người đòi hỏi mọi vấn đề phải cụ thể hơn, sát thực hơn, dấn thân hay “hiện sinh hơn”.

Nhìn chung, sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh như một liệu pháp tâm lý giải tỏa những ức chế của đời sống xã hội đã bị giam hãm một thời gian dài, bị cầm tù bởi những cấm kỵ của chế độ phong kiến, lên án thói đạo đức giả và sự tha hóa con người trong xã hội biến động về khoa học công nghệ, mong ước cứu vớt con người trước thảm họa chiến tranh, đưa con người trở về ngôi vị làm người chân chính.

Trong khi nổi tiếng là một học thuyết về tự do, tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu của chủ nghĩa hiện sinh là tính đích thực (authenticity). Trong viễn tượng (perpectives) của các nhà hiện sinh, xuất phát điểm của con người cá nhân được đặc tả bởi “thái độ hiện sinh” (the existential attitude), hay một tình trạng mất định hướng, bối rối hoặc kinh sợ khi đối diện với một thế giới có vẻ như vô nghĩa hay phi lý (absurd). Nhiều nhà hiện sinh cho rằng triết học hàn lâm hay triết học mang tính hệ thống truyền thống, về hình thức cũng như về nội dung, quá ư trừu tượng và tách biệt với trải nghiệm cụ thể của con người.

Søren Kierkegaard thường được coi là ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, mặc dù ông không sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh”. Ông cho rằng mỗi con người cá nhân – chứ không phải xã hội hay tôn giáo – chịu trách nhiệm tự mình mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và sống nó một cách say mê và chân thành, hay “đích thực” (authentically).

Chủ nghĩa hiện sinh trở nên phổ biến vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai và bên cạnh triết học, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác như thần học, kịch nghệ, nghệ thuật, văn học và tâm lý học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang