Nội dung:
Chủ nghĩa hiện thực và trào lưu hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam.
I. Chủ nghĩa hiện thực.
1. Lịch sử hình thành:
Chủ nghĩa hiện thực phê phán có ở Anh, Nga và cả ở phương Đông sau này, nhưng hình thành một cách tiêu biểu và đầu tiên trong văn học Pháp vào khoảng năm 1830. Lịch sử nước Pháp nửa đầu thế kỉ XIX là lịch sử hình thành và phát triển mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là hai lực lương cơ bản trong xã hội lúc bấy giờ.
Trước đó, được chi phối bởi chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa lãng mạn (tích cực) tuy cũng kết tinh những phản ứng của tầng lớp dân chủ cấp tiến đối với những bất công của xã hội tư bản, nhưng họ còn đặt hi vọng vào những nhà tư sản tốt bụng. Giờ đây, các nhà văn chân chính hoàn toàn thất vọng với chế độ tư bản, quay về nhìn thẳng vào hiện thực để vạch trần những tội ác của chúng. Đây là nguyên nhân sâu xa nhưng căn bản giải thích quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực trong văn học Pháp thời kì ấy.
Nhà văn hiện thực thế kỉ XIX nhờ có “một trình độ tri thức nhất định về thế giới”, kết tinh từ những thành tựu của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên lúc bấy giờ. Khác với chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn thường bị chi phối bởi một vài nguồn ý thức tư tưởng, chủ nghĩa hiện thực có tham vọng phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, cho nên nó phải khơi nguồn ở nhiều phương diện khác nhau – tất nhiên cuối cùng phải được kết tinh lại thành một nguyên tắc nhất quán.
Về mặt xã hội học, các nhà xã hội không tưởng như Xanh Ximông, Sáclơ Phuriê, Rôbe Owen đã chỉ ra một cách đúng đắn về mâu thuẫn và áp bức giai cấp trong xã hội tư bản.
Về mặt sử học, các tác phẩm của Ghido, Minhe, Chieri đã chứng minh rõ ràng sự thắng lợi của giai cấp tư sản đối với giai cấp phong kiến quý tộc là một tất yếu lịch sử. Họ đã vạch ra quy luật đấu tranh giai cấp như một phương diện quan trọng trong động lực phát triển lịch sử.
Tất cả những đặc điểm về tình trạng xã hội và những thành tựu về các ngành khoa học nói trên đã kết tinh thành nguyên tắc lịch sử- cụ thể. Nguyên tắc lịch sử – cụ thể này đã thay thế cho nguyên tắc lí tính đã ngự trị trong khoa học và cả trong văn học nghệ thuật của bao thế kỉ trước đó.
2. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa hiện thực.
Chủ nghĩa hiện thực phê phán không phải là không có những nhân vật chính diện, qua đó bộc lộ cảm hứng ca ngợi khẳng định của mình. Đó là những con người, vốn xuất thân từ những thành phần khác nhau (quý tộc, tiểu tư sản…), vốn có những thái độ khác nhau với chế độ tư bản nhưng một khi đã lăn mình vào xã hội đó đều thấm nhuần đạo đức và triết lý tôn thờ “con bê vàng” như trong các sáng tác của Bandắc.
Những nhân vật trung tâm phản diện này quyết định cảm hứng chủ đạo phải là phê phán, và chính vì thế chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX được mệnh danh là chủ nghĩa hiện thực phê phán. Điều đó cũng hợp với một quy luật phát triển của văn học, bởi vì: “Văn học của tất cả các thời đại, nhất là trong thời đại càng gần với thế hệ chúng ta, thì thái độ phê phán, bóc trần và phủ nhận thực tại càng mạnh thêm” (M.Goocki). Điều này cũng là một đặc điểm khác nhau quan trọng giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán với những nhân vật trung tâm phản diện, nhưng vai trò và tỉ lệ của cảm hứng ca ngợi qua các nhân vật chính diện lí tưởng là khác nhau.
Các nhà văn hiện thực phê phán quan niệm được “con người xã hội”. Có nghĩa là khi có được tư duy lịch sử – cụ thể, họ sẽ đặt con người trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể rồi triển khai sự phát triển tính cách của nó theo sự diễn biến của hoàn cảnh đó. Nguyên tắc lịch sử- cụ thể được phát huy cao độ với chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Tính cách điển hình là sự thống nhất hài hòa cao độ giữa tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao, là “người lạ mà quen” như ý kiến của Bêlinxki. Nó không chỉ có sự thống nhất giữa tính riêng và tính chung, vì đó vốn là tính chất thông thường của bất kì sự vật hay hiện tượng nào. Chỉ khi nào cái riêng thật sắc nét, cái chug lại phải thật khái quát cao, nhưng không phải kéo dài theo hai cực đối lập nhau, mà phải thống nhất nhau, hơn nữa lại phải hài hòa cao độ thì lúc đó mới có điển hình. Nó là kết quả sự xuyên thấm thật nhuần nhuyễn của cả hai mặt cá thể hóa và khái quát hóa đều ở mức độ cao.
Hình tượng nhân vật trong chủ nghĩa cổ điển nặng về cái chung mà nhẹ về cái riêng. Chủ nghĩa lãng mạn thì lại nhấn mạnh cái riêng đến chỗ phi thường ngoại lệ, nhưng nhẹ về mặt tiêu biểu khái quát. Loại hai chỗ yếu- cũng có nghĩa đồng thời đã kế thừa hai chỗ mạnh của chủ nghĩa hiện thực phê phán đã đem lại sự kết tinh mới. Trong thư gửi cho Mina Caoxki, Ăngghen lại nhấn mạnh: “Mỗi nhân vật là một điển hình, nhưng đồng thời lại là một cá nhân hoàn toàn cụ thể”.
Trong chủ nghĩa hiện thực phê phán, cá nhân tự nó là đối tượng trực tiếp của sự miêu tả; cái điển hình toát ra từ tính cách của con người cụ thể. Cá tính cao độ của nhân vật sẽ làm cho nó trở lên sinh động. Nhân vật trong tác phẩm mỗi người một vẻ, không ai giống một ai. Họ đều hiện ra với những cá tính sinh động, từ lí lịch, dáng vẻ, tác phong, tâm tư, hành động, ngôn ngữ, làm cho người đọc như đang tiếp xúc được với những con người cụ thể ở ngoài đời.
Quan hệ giữa tính chung và tính giai cấp của điển hình phải được hiểu một cách biện chứng, chúng có mối liên hệ hữu cơ không tách rời nhau- tính chung phải có tính giai cấp nhưng không đồng nhất với tính giai cấp – tùy theo đề tài, ý đồ và trình độ khái quát của nhà văn mà tính chung sẽ có thể “nhỏ hơn” hoặc “lớn hơn” tính giai cấp.
Với nguyên tắc lịch sử – cụ thể, với quan niệm “con người xã hội”, chủ nghĩa hiện thực phê phán xây dựng được những hoàn cảnh điển hình. Đó là những hoàn cảnh của nhân vật được tái hiện vào trong tác phẩm, phản ánh được bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất trong những tình thế xã hội với một quan hệ giai cấp nhất định.
Cũng như tính cách điển hình, ý nghĩa tiêu biểu khái quát của hoàn cảnh điển hình phải thông qua tính chất cụ thể riêng biệt của nó. Cái hiện lên trước mắt người đọc chính là những hoàn cảnh cụ thể riêng biệt này. Có điều qua những nét cụ thể riêng biệt đó, người đọc cảm thấy được những vấn đề xã hội rộng lớn. Hoàn cảnh điển hình phải bao gồm những sự kiện, những quan hệ do chính những tính cách tạo nên.
Khi đã xây dựng được hoàn cảnh như vậy, thì tính cách chính là con đẻ của hoàn cảnh, được giải thích bởi hoàn cảnh. Chính vì thế mà những tính cách trong chủ nghĩa hiện thực, cho dù có li kì, nhưng hoàn toàn có thể có thể giải thích được. Là con đẻ của hoàn cảnh điển hình, tính cách điển hình trở nên rất phong phú và đa dạng. Số lượng tính cách mà chủ nghĩa hiện thực tái hiện được nhiều chưa từng có, lấy nguyên mẫu trong cuộc sống để tái hiện.
Mặt khác, khi đặt nhân vật vào hoàn cảnh, mà hoàn cảnh xã hội bao giờ cũng phức tạp, cho nên tính cách nhân vật, mặc dù bao giờ cũng có thể nổi lên vài ba nét chủ đạo, nhưng châu tuần chung quanh đó còn có những biểu hiện đa dạng gần như chính con người thật ngoài cuộc đời. Bên cạnh đó, hoàn cảnh cuộc sống đứng yên chỉ là tạm thời, còn luôn luôn tiệm tiến và đột biến, cho nên tính cách của nhân vật luôn luôn phát triển. Các nhân vật của chủ nghĩa hiện thực phê phán đều có quá trình phát triển cũng như cuộc sống vậy.
Với việc “tái hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” mà một hệ quả trực tiếp của nó là tính cách trở thành con đẻ của hoàn cảnh, lần đầu tiên trong lịch sử văn học, chủ nghĩa hiện thực phê phán có được khái niệm “lôgic nội tại của tính cách”. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn phải tuân theo quy luật khách quan của nó. Tính cách nhân vật giờ đây phụ thuộc vào hoàn cảnh điển hình, nó vẫn chịu sự chi phối của chủ quan nghệ sĩ nhưng là một thứ chủ quan đã nắm bắt được chân lí khách quan.
Bất kì nhân vật cụ thể nào của chủ nghĩa hiện thực, mặc dù có nguyên mẫu hoặc do hư cấu, có thể vốn có hoặc vốn không có ở ngoài đời, nhưng kiểu loại nhân vật đó dứt khoát đã tồn tại ở ngoài đời trong một hoàn cảnh nhất định với tính cách và vận mệnh khách quan của nó. Muốn tái hiện chân thật nó, không có con đường nào khác, trước hết nhà văn phải tuân theo lôgic khách quan của nó.
Một hệ quả nữa của tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hoàn cảnh điển hình là hiện tượng “nhân vật nổi loạn” trong chủ nghĩa hiện thực. Nói đến “nhân vật nổi loạn” có nghĩa là hướng đi về sau của nó mâu thuẫn với dự kiến chủ quan ban đầu, chứ vẫn hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi về sau trong nhận thức của nhà văn. Có điều này là do khi sáng tác nhà văn có dự kiến ban đầu là kết quả của sự thai nghén ấp ủ lâu ngày, nhưng khi tiếp xúc với cuộc sống, nhà văn phát hiện thêm những khía cạnh mới buộc phải thay đổi nhưng vẫn sẽ còn lưu giữ lại những ấn tượng da diết nào đó.
Nếu có đối lập giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán với chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, thì cũng có sự gần gũi giữa nó với chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Có lúc cả hai cùng đứng trên một trận tuyến để chống lại tàn dư của chủ nghĩa cổ điển đương thời; chủ nghĩa hiện thực phê phán tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn tích cực về một vài phương diện thi pháp là điều dễ hiểu.
Trước hết là việc mở rộng thêm đề tài. Với cảm hứng chủ đạo là phê phán, chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX đã mở rộng, đưa toàn bộ những cái hàng ngày, kể cả mọi cái hèn kém, xấu xa vào nghệ thuật. Bên cạnh đó, chủ nghĩa hiện thực cũng chú trọng khai thác đề tài trong lịch sử dân tộc mình.
Chủ nghĩa hiện thực hướng về những vấn đề xã hội rộng lớn nhưng cũng rất đề cao chất trữ tình trong văn học nghệ thuật. Bởi vì nói cho cùng, lòng người, nhân tâm cũng chính là một phương diện khác của cuộc đời, của thế sự.
Nếu khoa học chủ yếu là biện luận qua những luận điểm, luận cứ, luận chứng thì trong văn học chủ yếu là mô tả, đan dệt bằng những chi tiết. Chi tiết là đơn vị nhỏ nhất có thể chia ra được tùy theo những tương quan và yêu cầu nhất định. Nó có thể là một dáng hình, một lời nói, một cử chỉ, một nét sinh hoạt, một khâu quan hệ. Chi tiết chân thực là những cái có thật hoặc có thể có thật về người. Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan cho nên bất kì phương pháp sáng tác nào cũng đều ít nhiều có chi tiết chân thực.
Chủ nghĩa hiện thực tuân theo nguyên tắc khách quan, phát huy đến cao độ kiểu sáng tác tái hiện. Nghệ thuật như một tấm gương xê dịch trên một con đường lớn mà nhà văn coi mình là người thư kí trung thành, tái hiện hiện thực cuộc sống. Chính vì thế mà chi tiết chân thực dồi dào chưa từng có ở chủ nghĩa hiện thực. Sứ mệnh chủ yếu của chi tiết chân thực trong chủ nghĩa hiện thực là ở chỗ góp phần tái hiện chân thực tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, chính bởi vậy bản thân chi tiết cũng phải được điển hình hóa.
Sự dồi dào về chi tiết chân thực nói trên chỉ có thể thực hiện tối đa ở thể loại tự sự mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết. Ở đây có sự giao tiếp giữa thể loại và phương pháp sáng tác. Nếu chủ nghĩa cổ điển thích hợp với thể loại kịch, chủ nghĩa lãng mạn với thơ trữ tình thì chủ nghĩa hiện thực với tiểu thuyết. Chủ nghĩa hiện thực có tham vọng phản ánh cuộc đời này một cách toàn diện, sẽ không hoàn thành sứ mệnh đó nếu chủ yếu chỉ sử dụng những thể loại quy mô nhỏ hoặc vừa; và tiểu thuyết là thể loại thích hợp nhất để nhà văn hiện thực lựa chọn.
Tiểu thuyết vốn là thể loại đã có từ trước nhưng khi nó đã trở thành thể loại chính của chủ nghĩa hiện thực thì biến thành thể loại tiểu thuyết xã hội. Tiểu thuyết xã hội dễ thấy là quy mô rộng lớn của nó, phản ánh nội dung xã hội rộng lớn, toàn diện và tỉ mỉ, sâu sắc. Xét về mặt nào đó, tiểu thuyết hiện thực là một thể loại tổng hợp, trong đó có chứa đựng những yếu tố của trữ tình, tự sự, kịch và kí.
II. Trào lưu hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam.
Trong văn học, những tác phẩm văn học có tính chất hiện thực và giá trị hiện thực đã xuất hiện từ lâu trước khi có CNHT. CNHT hết sức chú ý đến những tư liệu, dữ kiện có thật ở trong đời sống và đã dùng chúng như những chất liệu nghệ thuật để xây dựng cốt truyện, các nhân vật, các tính cách, các hiện tượng tâm lí, với nghệ thuật khái quát và điển hình hoá cao và nghệ thuật phân tích tư tưởng, tâm lí sâu sắc. Nhiều nhà văn hiện thực đã sáng tạo ra được những nhân vật điển hình mang dấu ấn rất đậm của xã hội và thời đại đương thời.
Trong văn học Việt Nam, những tác phẩm như “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, “Lục Vân Tiên”, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương đều tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Đó là những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống ở các thời đại, chứa đựng những hi vọng và ước mơ của con người trong cuộc đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, phơi bày một cách chân thật hiện thực khách quan của cuộc sống.
Khoảng 1930 cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, khuynh hướng hiện thực mà thời ấy gọi là “tả chân” hay “tả thực” mới hình thành và phát triển thành một trào lưu trong văn học. Tuy xuất hiện chậm nhưng văn học hiện thực phê phán Việt Nam cũng có mặt mạnh. Đại bộ phận các nhà văn theo trào lưu này đều có tinh thần dân tộc. Mặc dù chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp rất khắt khe, các tác phẩm của họ cũng đã vạch ra được nỗi thống khổ và nhục nhã của những người dân nghèo nông thôn và thành thị sống dưới ách bóc lột, áp bức của bọn thực dân, quan lại, cường hào, tư sản.
Những nhà văn hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Tiêu, Bùi Hiển, Vi Huyền Đắc… đã để lại những tác phẩm được ngày nay đánh giá cao. Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, Nghị Hách, chị Dậu, anh Pha… là những nhân vật nổi tiếng trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam.
1. Văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930-1945 có một số đặc điểm nổi bật.
– Hình thành và phát triển trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đặc biệt: xã hội thực dân nửa phong kiến, có những xung đột, mâu thuẫn giai cấp đòi hỏi phải được giải quyết.
– Phản ánh hiện thực một cách chân thực, cụ thể như những gì vốn có, đang diễn ra trong đời sống hàng ngày, từ những gì nhỏ nhặt, vụn vặt nhất.
– Thừa nhận giá trị của thực tế khách quan.
– Thể loại chủ yếu: truyện ngắn, tiểu thuyết.
– Xây dựng thành công những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, chú trọng các chi tiết nghệ thuật, nghệ thuật miêu tả, phân tích diễn biến tâm lý nhân vật.
2. Văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930- 1945 có thể chia ra gồm 3 thời kì phát triển.
– Thời kì 1930-1935: Xu hướng văn học phê phán có từ trước 1930 đến thời kì này phát triển hơn và xác định rõ ràng hơn về phương pháp thể tài.
– Thời kì 1936-1939: Văn học hiện thực phê phán phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc:
+ Vấn đề nông dân, nông thôn được đặt ra trong tác phẩm hiện thực phê phán: Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố…
+ Vấn đề phong kiến thực dân được nêu lên một cách gay gắt trong các tác phẩm hiện thực phê phán: Số đỏ, Giông tố của Vũ Trọng Phụng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố… Tác phẩm hiện thực phê phán không dừng lại ở truyện ngắn, phóng sự mà phát triển mạnh mẽ thể tài tiểu thuyết. Ðây chính là một thành công lớn của văn học hiện thực phê phán thời kì này.
– Thời kì 1939-1945: Văn học hiện thực phê phán có sự phân hóa:
+ Có nhà văn thì chết (Vũ Trọng Phụng);
+ Có nhà văn không viết tiểu thuyết nữa chuyển sang khảo cứu dịch thuật như Ngô Tất Tố.
+ Có nhà văn mắc phải sai lầm như Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyết Thanh Ðạm.
+ Một thế hệ nhà văn hiện thực mới ra đời: Nam Cao, Nguyễn Tuân, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Ðình Lạp, Bùi Hiển… Nhà văn hiện thực vẫn tiếp tục miêu tả cuộc sống tăm tối của người nông dân Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao; Sống nhờ của Mạnh Phú Tư. Cuộc sống bế tắc mòn mỏi của người trí thức tiểu tư sản cũng được các nhà hiện thực đề cập một cách sâu sắc Sống mòn, Ðời thừa, Trăng sáng của Nam Cao. Các nhà văn nêu lên mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị với tầng lớp nhân dân lao động.