Chủ nghĩa lãng mạn và trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam

Chủ nghĩa lãng mạn và trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam

I. Chủ nghĩa lãng mạn

1. Lịch sử hình thành:

Chủ nghĩa lãng mạn là một khái niệm mang tính lịch sử. Từ rất lâu nó đã được sử dụng với tư cách là một trào lưu tư tưởng, thủ pháp biểu hiện và loại hình văn học. Nhưng chủ nghĩa lãng mạn với tư cách là một trào lưu thì phải chờ tới cuối thế kỉ 18 đến những năm 30, 40 của thế kỉ 19, đầu tiên hình thành ở Đức, sau đó lan sang Anh, Pháp, Nga… nhanh chóng phát triển thành phong trào văn học rộng khắp châu Âu, tạo ra rất nhiều tác giả, tác phẩm có ảnh hưởng lớn. Chủ nghĩa lãng mạn với tư cách là loại hình văn học chủ yếu chỉ chủ nghĩa lãng mạn ở thời kì này.

Thời kì hưng thịnh nhất của chủ nghĩa lãng mạn là vào trước sau cuộc đại cách mạng tư sản Pháp, tức là vào khoảng những năm 90 của thế kỉ 18 đến những năm 30 của thế kỉ 19. Sự phát triển rực rỡ của chủ nghĩa lãng mạn trong thời kì này hiển nhiên là do điều kiện chính trị xã hội lúc đó quyết định. Năm 1789 giai cấp tư sản Pháp lật đổ chính quyền phong kiến chuyên chế, lập nên sự thống trị của giai cấp tư sản, điều này làm dâng lên phong trào cách mạng dân chủ tư sản và phong trào giải phóng dân tộc ở khắp châu Âu.

Đi liền với phong trào này là sự bấp bênh, hỗn loạn của hiện thực xã hội, lí tưởng của chủ nghĩa Khai sáng bị hủy diệt, sự thất vọng ăn sâu lan rộng trong xã hội. Cùng với nó, mong ước về một xã hội lí tưởng chân chính cũng trở thành tâm lí xã hội phổ biến, những điều này dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Ngoài ra, mặc dù lí luận chủ nghĩa xã hội không tưởng với đại biểu là Xanh Ximong và Owen tuy không phải là lí luận khoa học, hoàn thiện nhưng tư tưởng xã hội tiêu biểu của nó là mong ước không tưởng về một xã hội giải phóng chân chính, cũng trở thành cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn.

Sự hình thành của chủ nghĩa lãng mạn cũng có cội nguồn từ kinh nghiệm lịch sử và đấu tranh trong bản thân văn học. Văn học cảm thương chủ nghĩa Anh thế kỉ 18, yêu cầu giải phóng cá tính, chủ trương tự do tình cảm, quay trở lại tự nhiên thuần phác của Rousseau, nhấn mạnh cá tính, sắc thái tình cảm mãnh liệt trong phong trào cách tân với đại biểu là Goethe, nghiên cứu về tính bi kịch, ngợi ca, vẻ đẹp đăng đối của Kant, Schiele; sự thưởng thức nghệ thuật bắt đầu bằng việc đặt nghệ thuật trong dòng phát triển lịch sử của Herder, Hegel… Tất cả đã kích hoạt tư tưởng của con người, làm cho cảm nhận, lí giải của con người đối với nghệ thuật trở nên sâu sắc hơn. Từ đó yêu cầu nghệ thuật biểu hiện tinh thần vĩ đại và tư tưởng tình cảm một cách sâu sắc…Tất cả những điều này đều có vai trò quan trọng đối với sự hình thành chủ nghĩa lãng mạn.

Ngoài ra, chủ nghĩa cổ điển trước đó có khuynh hướng giáo điều lí tính khô cứng, tạo thành những giới luật hà khắc đối với tự do biểu hiện tư tưởng của nhà văn, dẫn đến sự phản đối mãnh mẽ của một số nhà văn, điều này cũng thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn.

Từ lãng mạn (romanticism, romantisme) xuất phát từ tình ca (romances) của thời trung cổ, để chỉ những bài thơ dài nói về những chàng kỵ sĩ, những anh hùng, về những vùng đất xa xôi và những cuộc tình lỡ làng… hoặc những bài ca mà người hát rong (trabadour) thường sử dụng trong ca diễn của mình. Nó xuất hiện sớm nhất ở Đức. Vậy lãng mạn là gì? Biélinski trong bài Văn học Nga, năm 1841, định nghĩa: “Chủ nghĩa lãng mạn, đó là thế giới nội tâm của con người, thế giới của tâm hồn và trái tim”. Có thể nhìn qua những nét chính thể hiện trong những tác phẩm lãng mạn để nhận ra rằng chủ nghĩa lãng mạn là thứ nghệ thuật ở đó nổi trội chất trữ tình.

Đối lập với hiện thực là lãng mạn, đối lập với tự sự là trữ tình. Trữ tình là kết quả của việc biểu hiện cảm xúc, tâm trạng chủ quan của con người, do phản ánh ước mơ và khát vọng của con người nên thường vươn lên trên thực tại. Hai phạm trù nghệ thuật này tuy khác nhau nhưng thường đi đôi với nhau. Trữ tình chính là sự mở rộng chủ nghĩa cá nhân, hệ tại ở những hiện tượng cảm tính như tình cảm, cảm xúc về tình yêu, hi vọng, tuyệt vọng, hận thù, thiện cảm, ưu phiền… Georges Duhamel nhận xét: “Phát xuất từ tâm hồn cá nhân, thơ trữ tình tỏa ra khắp thế giới và làm nó thay hình đổi dạng. Trữ tình không chỉ là đặc tính của một loại thơ, đối với tính nhạy cảm của con người hiện đại, nó là thực chất, là điều kiện cần và đủ của thơ ca”. Nói như V. Hugo, lãng mạn là chủ nghĩa tự do trong văn chương.

Chính vì sự đòi hỏi tự do mà phong trào lãng mạn đề cao cá nhân, phá bỏ những ràng buộc, qui luật chặt chẽ trong nghệ thuật, thoát khỏi những khuôn mẫu câu thúc. Bút pháp phóng khoáng, vần điệu đa dạng, từ ngữ được chọn lựa tùy theo mức cảm hứng, hành xử theo con tim dễ nhạy cảm và đam mê với giọng điệu thiết tha, đôi khi đạt đến tính nhân bản sâu sắc…

2. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn

Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn là tinh thần hướng về lí tưởng. Rất khác so với tinh thần chú trọng hiện thực, nhìn thẳng vào sự thật, trung thành với hiện thực của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn luôn hướng về và truy tìm lí tưởng với tinh thần vượt lên trên hiện thực, dùng lí tưởng chủ quan thay thế hiện thực khách quan, dốc toàn lực để biểu hiện một viễn cảnh cuộc sống mà con người nên có. Schiller nói sáng tác của mình là “lấy lí tưởng đẹp đẽ để thay thế hiện thực thiếu thốn”( Schiller bình truyện. Nxb Nhà văn, 1955, tr55).

George Sand nói sáng tác của mình là “cảm thấy tất yếu phải dựa theo hi vọng của tôi đối với nhân loại, dựa vào cái mà tôi tin là nhân loại nên có để viết về nó”( George Brandes: Nhà văn Pháp bình truyện. Nxb Phụ vụ văn hóa quốc tế, 1951, tr2). Nhà tiểu thuyết người Đức Jean Paul nói: “Nếu như nói thơ là lời dự đoán, thì thơ lãng mạn chủ nghĩa chính là dự cảm tương lai, vĩ đại hơn sự bao dung của thế gian con người. Hoa của chủ nghĩa lãng mạn đã từng trôi dạt quanh chúng ta, giống như trước khi một đại lục mới được tìm thấy, giống như một loại hạt mà tất cả chúng ta chưa từng nhìn thấy sớm được nước biển đưa từ châu Mĩ đến bờ biển Na Uy” ( Jean Paul: Nhập môn mĩ học. Xem: Nhà văn cổ điển Âu Mĩ bàn về Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. tập 2, Nxb KHXH Trung Quốc,1981, tr354).

Chủ nghĩa lãng mạn không truy tìm chân thực cuộc sống, chân thực chi tiết, mà dốc toàn lực biểu hiện lí tưởng. Như Michael trong tác phẩm Nữ hoàng Mab đã miêu tả một thế giới tuyệt đẹp với sự hòa thuận, thân ái, bình đẳng…, điều mà tác giả muốn biểu hiện chính là một thế giới lí tưởng. Trên một ý nghĩa nào đó, chủ nghĩa lãng mạn phù hợp hơn với bản chất của văn học, thỏa mãn hơn nhu cầu tranh đấu tự do, hướng tới hạnh phúc, truy tìm lí tưởng của con người.

Vì hướng tới biểu hiện hiện thực xã hội lí tưởng nên hình tượng nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn cũng là hình tượng nhân vật lí tưởng. Ví dụ như Quasimodo lương thiện, cao thượng dưới ngòi bút của V.Hugo; Jean Valjean vì lương tâm nhân tính mà bao lần không quản hiểm nguy cứu người, bao lần sáng tạo nên kì tích biến nguy thành an; Tôn Ngộ Không dưới ngòi bút của Ngô Thừa Ân có thể lên trời xuống biển, nhìn thấu ma quỷ, đối đầu với thần, truy đuổi yêu tinh, hô mưa gọi gió, làm theo ý mình, thượng đế long vương không biết phải làm như thế nào…

Tất cả đều là những hình tượng nhân vật lí tưởng. Van Tieghem nói về hình tượng nhân vật lí tưởng của chủ nghĩa lãng mạn như sau: “không nắm bắt tình huống nhiều hơn, đem so sánh loại hình tượng văn học này với hình tượng văn học xưa kia và đương thời trên vũ đài văn học là không chính xác…. Nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn và những điều nó nói là một điển phạm nhưng không như nói là một điển hình; nó hướng tới thức dậy sự tán thành, hứng thú của độc giả chứ không phải là đưa ra đối tượng cần mô phỏng”( Lucien Levy-Bruhl: Lịch sử văn học Pháp thế kỉ 19. Nxb Nhân dân Thượng Hải, 1997, tr 26).

Cuộc sống lí tưởng mà chủ nghĩa lãng mạn hướng đến, truy tìm và nhân vật lí tưởng trong hiện thực cuộc sống đương thời là không tồn tại, nó đều xuất phát từ tâm hồn chủ quan của nhà văn. Bielinxki đã nói: “Trên ý nghĩa bản chất nhất, hẹp nhất, chủ nghĩa lãng mạn chính là thế giới nội tâm chủ quan của con người, là cuộc sống bí mật của tâm hồn anh ta. Trong trái tim và tâm lí con người tiềm ẩn ngọn nguồn bí mật của chủ nghĩa lãng mạn” (Bielinxki bàn về văn học. Nxb Văn nghệ mới 1958, tr153).

Marilyn Butler – nhà lịch sử văn học người Anh nói: “nghệ thuật nhìn từ trường phái lãng mạn chủ nghĩa là một ngọn đèn, hình tượng mà nó phát sáng không phải có nguồn gốc từ thế giới mà có nguồn gốc từ nhà thơ. Nghệ thuật trở thành nghệ thuật của chủ quan phi khác quan, xuất phát từ cảm ứng trực giác chứ không phải là từ quy hoạch lí tính”( Marilyn Butler: Trường phái lãng mạn, kẻ phản nghịch và phái phản động. Nxb Nxb Giáo dục Liêu Ninh, 1958, tr153).

Người mở đầu cho thơ ca trường phái hiện đại Pháp Baudelare nói: “Chủ nghĩa lãng mạn vừa không phải là đề tài tuyển chọn vừa không phải là chân thực chuẩn xác mà là phương thức cảm nhận”. “Họ tìm kiếm ở bên ngoài, nhưng thực chất chỉ có ở trong mới có thể tìm kiếm được” (Sharon 1846. xem Nhà văn cổ điển Âu Mĩ bàn về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. tập 2, Nxb KHXH Trung Quốc, 1981, tr184). Vì thế, giống như Chu Quang Tiềm chỉ ra: “cái nổi bật nhất, đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa lãng mạn là tính chủ quan” (Lịch sử mĩ học phương Tây. Quyển hạ, Nxb Văn học nhân dân, 1964, tr 727).

Chủ nghĩa lãng mạn mang sắc thái chủ quan sâu sắc, tập trung vào lí tưởng của chủ thể, chú trọng truyền đạt cảm nhận chủ quan, biểu hiện tâm hồn chủ quan, thể hiện tình cảm chủ quan của cá nhân. Nhà viết lịch sử văn học người Pháp Ranson nói: “Chân lí phổ biến về trật tự lí tính và trí tuệ của tài năng suy lí, suy tư sâu sắc là hai thứ mà chủ nghĩa lãng mạn không quan tâm. Tâm lí học và khoa học, nghệ thuật suy sét, nghệ thuật suy lí, phương pháp chính xác, logic chặt chẽ đều không phải là cái mà chủ nghĩa lãng mạn quan tâm” ( Ranson: Lịch sử văn học Pháp. Xem Nhà văn cổ điển Âu Mĩ bàn về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. tập 2, Nxb KHXH Trung Quốc, 1981, tr240).

Bielinxki khi bàn về Cường đạo của Schiller đã chỉ ra Cường đạo giống như “tụng ca thô kệch về ngọn lửa dung nham phun ra từ tâm hồn đầy sinh lực của thanh niên” “trong câu nói này không phải là nhân vật mà là tác giả; trong toàn bộ tác phẩm không hề có sự chân thực của cuộc sống, nhưng lại có sự chân thực của cảm nhận, không có hiện thực, không có kịch nhưng lại có thơ vô tận, tình thế là không có thật, tình tiết là không tự nhiên, nhưng tình cảm là chân thực, tư tưởng là sâu sắc; tóm lại, vấn đề nằm ở: chúng ta tất yếu không coi Cường đạo của Schiller là kịch, là sự biểu hiện cuộc sống, mà là thơ trữ tình trường thiên mang hình thức kịch, là thơ trường thiên hừng hực, sục sôi” (Tuyển tập Bielinxki, tập 1, Nxb Dịch văn Thượng Hải, 1979, tr156-157).

Vì nhấn mạnh tính chủ quan nên chủ nghĩa lãng mạn khi miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật thường vượt lên trên sự phản ánh thế giới khách quan, sự dồi dào tình cảm trở thành hạt nhân, chủ thể của một tác phẩm, sự kiện, nhân vật và hành động nhân vật, ngôn ngữ và kết cấu tác phẩm… đều có thể tổ chức, sắp xếp vì sự biểu hiện tình cảm, tình điệu cảm thương, sầu muộn, kích động, vội vã thậm chí bao phủ toàn bộ câu chữ của tác phẩm.

Hết sức ca ngợi đại tự nhiên cũng là một đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn. Trong lịch sử phát triển, cảm tình của con người đối với tự nhiên là sản phẩm của thời kì văn minh, nó muộn hơn cảm tình đối với nghệ thuật. Văn học Hi Lạp phong phú và có giá trị, nghệ thuật Athens cũng hết sức huy hoàng, nhưng trong những tác phẩm của những dân tộc mà nghệ thuật kịch và điêu khắc đạt đến đỉnh cao thì cảm tình đối với tự nhiên cũng không thực sự phát triển, cho nên trong sử thi Homer cũng rất ít miêu tả tự nhiên, tự nhiên rất ít đi vào kịch Hi Lạp. “Trời đất tự nhiên này phải đợi đến chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ 19 mới có được sự khai thác phong phú và chi tiết. Byron, William Wordsworth, Goethe là những người đầu tiên đưa biển lớn, sông dài, núi cao vào trong tác phẩm của mình” (Listowel: Bình thuật lịch sử mĩ học cận đại. Nxb Dịch văn Thượng Hải, 1980, tr186).

Các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa đề xuất khẩu hiệu “quay trở lại với tự nhiên”, dùng nó để thể hiện sự bi phẫn đối với việc hình thành văn hóa thành thị và văn hóa công nghiệp của xã hội tư bản chủ nghĩa và ước muốn trở về với tự nhiên thuần phác.

Chủ nghĩa lãng mạn đề cao cảnh sắc tráng lệ của đại tự nhiên, lấy đại tự nhiên làm đối tượng biểu hiện chủ yếu, miêu tả và ca ngợi vẻ đẹp của đại tự nhiên, núi cao hùng vĩ, biển rộng mênh mông, phong cảnh điền viên thuần phác, yên tĩnh, tình điệu riêng biệt ở đất khách quê người, tất cả đều xuất hiện dưới ngòi bút của nhà văn lãng mạn chủ nghĩa, hơn nữa, vẻ đẹp tự nhiên này đều đối chiếu rõ rệt với sự độc ác của hiện thực.

Trong Just. Harold của Byron tràn ngập phong cảnh tự nhiên mềm mại ở phía nam địa trung hải, cảnh sắc rực rỡ ở Tây Ban Nha, di tích lịch sử hùng vĩ ở Hi lạp La mã, tạo nên sự khác biệt một trời một vực với hoàn cảnh đầy tội ác của chủ nghĩa tư bản.

Tưởng tượng mãnh liệt, khoa trương đặc biệt là thủ pháp biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa lãng mạn. Để làm nổi bật lí tưởng và biểu hiện tình cảm chủ quan, chủ nghĩa lãng mạn cũng có nét đặc sắc trên thủ pháp biểu hiện nghệ thuật và hình thức nghệ thuật, nó vận dụng thủ pháp biểu hiện nghệ thuật khoa trương khác thường và trí tưởng tượng mãnh liệt, lấy tình tiết vượt lên hiện thực, sắc thái đậm đà, ngôn ngữ mĩ lệ, đem truyền thuyết lịch sử, cổ tích thần thoại, kì quan tự nhiên, phong cảnh ở nơi xa lạ…kết hợp lại, tổ chức nên một thế giới lí tưởng phi thường, nhân gian, tiên cảnh, thiên đường địa ngục, thần tiên ma quỷ, mưa gió sấm chớp, thảo mộc hoa lá muông thú côn trùng…đều có thể mặc sức để nhà văn lãng mạn điều khiển, bối cảnh có thể không ngừng thay đổi, không gian có thể thoải mái kéo dài.

Trong Faust của Geothe, bối cảnh câu chuyện từ thư phòng chật hẹp đến thành quách sáng láng, lại đến cửa quan huy hoàng, tình tiết của nó cũng là thời gian nghiên cứu học vấn, thời gian giao kèo với quỷ, thời gian nói chuyện tình ái với cô nương thành thị, thời gian nhận được nhiều hủ bại của vương triều, thời gian đến bờ biển dự định cải tạo tự nhiên, cuối cùng là các thiên sứ cùng nâng đỡ linh hồn Faust bay lên không trung.

Như vậy,văn học lãng mạn là một khuynh hướng thẩm mĩ lấy việc khẳng định cái tôi cá nhân cá thể làm nguồn cảm hứng chủ đạo. Một cái tôi không thỏa mãn với thực tại, tìm cách tự giải thoát khỏi thực tại bằng mộng tưởng và bằng đắm mình vào đời sống nội tâm tràn đầy tình cảm, cảm xúc. Giải phóng trí tưởng tượng và tình cảm, cảm xúc ra khỏi sự trói buộc của lí trí, của chủ nghĩa duy lí, là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn. Nó yêu tự do, thích sự độc đáo phi thường, có hứng thú giãi bày những cảm xúc mãnh liệt, đặc biệt là nỗi buồn đau, lòng sầu xứ, tình yêu say đắm , sự ngưỡng mộ tạo hóa và thượng đế. Chủ nghĩa lãng mạn rất gần gũi với tuổi trẻ vì tuổi trẻ giàu tình cảm , dễ đắm say, đặc biệt trong tình yêu. Tuổi trẻ luôn hướng về cái mới lạ. họ thích táo bạo , độc đáo , khác thường.

II. Trào lưu lãng mạn trong văn học Việt Nam:

Sau ngày 17/06/1930, khi cuộc nổi dậy của Nguyễn Thái Học thất bại ở Yên Bái, Pháp đẩy mạnh việc đàn áp, khủng bố, bắt bớ, tù đày các nhà ái quốc nhằm dập tắt các cuộc khởi nghĩa từ trong trứng nước để củng cố nền đô hộ. Các phong trào tạm thời lắng xuống, các tổ chức ái quốc bị dao động mạnh buộc phải tạm ngưng các hoạt động rút vào bóng tối nhằm bảo toàn tổ chức và nhân sự. Cuộc khủng bố qui mô toàn quốc những năm 1930 đã gây một không khí hoang mang, lo sợ trong tầng lớp thanh niên và trí thức.

Chỉ trong hai năm 1930 và 1931 riêng ở Bắc Kỳ, chính phủ bảo hộ Pháp đã mở 21 phiên tòa đặc biệt gọi là Hội Đồng Đề Hình xét xử tất cả 1094 vụ án chính trị, trong đó có 164 bản án tử hình, 114 khổ sai chung thân, 420 lưu đày biệt xứ. Đây là thời kỳ thoái trào của các hoạt động cách mạng chống Pháp dành độc lập cho đất nước.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 từ Pháp tràn về Đông Dương thuộc địa như một thiên tai khiến cuộc sống xã hội trở nên khó khăn. Hàng hoá rẻ mạt nhưng lại không kiếm ra tiền, các xí nghiệp kinh doanh thi nhau phá sản, sa thải nhân công. Ngân quỹ nhà nước bảo hộ thất thâu không đủ khả năng tuyển dụng thêm công chức, nạn trí thức thất nghiệp là mối lo âu chung của những người được Pháp đào tạo. Trộm cướp, thuốc phiện, bài bạc, đĩ điếm trở thành những vấn đề nan giải. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới càng tăng thêm bi quan cho bàu không khí u ám, buồn thảm vốn đang căng thẳng, ngột ngạt.

Trong khung cảnh đó những người trí thức ấp ủ tinh thần dân tộc mang tâm trạng tiêu cực muốn thoát ly khỏi những vấn đề bức xúc của cuộc tranh đấu dành độc lập. Họ có thái độ chán nản, xa lánh chính trị. Thái độ này được củng cố trên cơ sở mối bất hòa tuyệt vọng giữa họ và hoàn cảnh xã hội đương thời. Sự ra đời của trào lưu văn chương lãng mạn giải quyết được bế tắc, đáp ứng được nhu cầu cho giới trí thức trong bối cảnh xã hội bi quan đó. Con đường làm văn học nghệ thuật bằng chủ nghĩa lãng mạn là lốt thoát trong sạch, nơi trú ẩn tinh thần tương đối an toàn có thể gửi gấm tâm sự, và cũng là phương cách bày tỏ lòng yêu nước.

Chủ nghĩa lãng mạn đề cao tự do cá nhân đã đáp ứng được khát vọng giải phóng bản ngã, khát vọng tự do yêu đương cho hạnh phúc cá nhân, cho quyền sống cá nhân. Điều này giải thích được quan điểm mỹ học nghệ thuật vị nghệ thuật của những người trong trào lưu văn chương lãng mạn thuộc giai đoạn 1932-1945 của văn học Việt Nam.

Tất nhiên để có một trào lưu văn học thì bao giờ cũng cần có một hay nhiều người khởi xướng với sự tham gia tích cực của văn giới, và được đón nhận đông đảo của độc giả. Từ 1932 đến 1935 đã nổ ra hàng loạt các cuộc tranh luận văn học sôi nổi được tham gia của nhiều tờ báo và các nhà văn, nhà thơ: tranh luận về thơ mới thơ cũ, tranh luận về bỏ cũ theo mới, tranh luận về hôn nhân và gia đình, tranh luận về nghệ thuật phục vụ cái gì.

Các cuộc tranh luận này phản ảnh cuộc đấu tranh giữa lễ giáo phong kiến với tự do cá nhân, giữa khuôn sáo và tư tưởng gò bó với cảm xúc cá nhân được tự do bày tỏ. Hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay do Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương là cơ quan ngôn luận cổ võ mạnh mẽ cho sự thay cũ đổi mới và là nơi qui tụ văn chương của các nhà văn, nhà thơ trong trào lưu văn học lãng mạn gồm có Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Huy Cận, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ.

Sự thành công của trào lưu văn chương lãng mạn cũng phải kể đến các tờ Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Tao Đàn, Thanh Nghị với sự tham gia của các tác giả như Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Phạm Huy Thông, Bích Khê, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Sanh, v.v. Sự toàn thắng của phong trào thơ mới cũng là tiếng trống khải hoàn cho trào lưu văn học lãng mạn, chấm dứt hoàn toàn lối thơ văn cũ từ thời Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong trở về trước.

Như vậy, trào lưu lãng mạn trong văn học Việt nam đầu thế kỷ XX có một số đặc điểm như sau:

+ Hình thành và phát triển trong hoàn cảnh thuộc địa, nhà văn bị hạn chế về nhiều mặt: tự do tư tưởng , tầm văn hóa – tri thức, điều kiện vật chất,…

+ Một số nhà văn nhà thơ cũng có tuyên ngôn này khác (Thế Lữ, Xuân Diệu, Nhóm thơ Bình Định, Xuân thu nhã tập, Tự lực văn đoàn,..) nhưng nói chung không lí thuyết nhiều, không đẩy lên thành chủ nghĩa này, trường phái khác một cách cực đoan.

+ Thành tựu có tính kết tinh nhất và có giá trị thẩm mĩ lâu dài hơn cả là thơ trữ tình, truyện ngắn, một số thể kí.

Nội dung tư tưởng: Chủ nghĩa lãng mạn nói chung là sự thể hiện trên lĩnh vực mĩ học thái độ bất hòa bất mãn với xã hội, với thực tại. Khao khát dân chủ tự do, văn minh, tiến bộ, tỏ thái độ bất hòa bất mãn với chủ nghĩa thực dân tàn bạo, hống hách và với những tập tục phong kiến hủ bại. Vì thế tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn học Pháp – đất nước của kẻ xâm lược – văn học lãng mạn Việt Nam vẫn cắm rễ rất sâu vào cội nguồn dân tộc. Nó đã đi tiên phong và có đóng góp quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc trên cơ sở truyền thống văn học Việt Nam.

Hoài Thanh hiểu sâu sắc tấm lòng của những cây bút lãng mạn ấy họ yêu vô cùng tiếng mẹ đẻ. Họ viết văn , làm thơ để mong đóng góp được chút gì trong hoàn cảnh mất nước, vào việc giữ gìn và phát triển tiếng nói và văn chương dân tộc. Họ khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam từ hình thức đến tâm hồn. Họ nói dùm nỗi buồn đau của người dân Việt Nam “ Thiếu quê hương” ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình.

Nếu như những tâm hồn lãng mạn phương Tây, chủ yếu tỏ thái độ khinh bạc đối với lối sống gọi là buôcgioa ( tư sản) phàm tục trên quan điểm thẩm mĩ thì những cây bút lãng mạn Việt Nam, bên cạnh thái độ ấy, còn đối lập trên tinh thần dân tộc, đối với lối sống nô lệ, bằng lòng, thậm chí thoả mãn đối với thực tại của xã hội thực dân. Lòng yêu nước ấy, sau này sẽ đưa họ hầu hết đến với cách mạng và giúp họ theo đuổi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đến cùng.

Các chặng đường phát triển: văn học lãng mạn Việt Nam phát triển từ đầu thế kỉ XX đến 1945 qua hai bước, phù hợp với quá trình hiện đại hóa văn học:

Bước thứ nhất diễn ra từ đầu thế kỉ đến khoảng năm 1930:

+ Thơ: Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Trần Tuấn Khải.

+ Văn xuôi: Đông Hồ ( Linh Phượng kí), Tương Phố ( giọt lệ thu), nhất là Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm).

Bước thứ hai: diễn ra khoảng từ 1930- 1945. Thành tựu của văn học LMVN ở bước này rất phong phú

+ Phong trào thơ Mới: mà tác giả là những cây bút rất trẻ , đầy tài năng, thấm nhuần tư tưởng và văn hóa của phương Tây hiện đại. Họ đã sáng tạo ra các thể thơ mới, hoặc làm mói các thể thơ truyền thống. Dặc biệt cái mới không ở hình xác câu thơ mà là ở tinh thần của nó. Ấy là cái tôi cá nhân cá thể được giải phóng về tình cảm, cảm xúc và trí tưởng tượng. Nó phá bỏ hệ thống ước lệ có tính chất phi ngã của thơ cũ để trực tiếp quan sát hoặc diễn tả thế giới (bao gồm cả ngoại cảnh và nội tâm) bằng con mắt tươi mới, xanh non của mình. Nó có nhiều khám phá mới lạ, tinh tế và đầy tài hoa về thiên nhiên về tình yêu. Nó đêm đến cho thơ một chất trẻ trung hấp dẫn không có trong thơ cổ.

Tác giả tiêu biểu: Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu , Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên , Nguyễn Bính

+ Về văn xuôi:

Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn: Nhất Linh , Khái Hưng, Hoàng Đạo với mô hình tiểu thuyết ái tình mà nhân vật lí tưởng là đôi thanh niên nam nữ Âu hóa từ y phục đến tâm hồn. Đó là những nhân vật trí thức Tây học thuộc những gia đình giàu có và sang trọng trong xã hội cũ. Họ đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân, cho luyến ái tự do và cho một phong trào Âu hóa. Những tác phẩm tiêu biểu ủa các nhà văn này thường là những tiểu thuyết luận đề: chống lễ giáo phong kiến (Nửa chừng xuân. Đoạn tuyệt, Lạnh lùng,..); những cải cách xã hội có tính chất không tưởng (Con đường sáng, Gia đình,…); sự khủng hoảng sâu sắc về tinh thần (Đẹp, Bướm trắng, Thanh Đức)

Truyện ngắn: Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh,…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang