Nội dung:
Chủ nghĩa lãng mạn.
1. Khái niệm chủ nghĩa lãng mạn.
Chủ nghĩa lãng mạn vừa là trào lưu văn học, vừa là phương pháp sáng tác, mang một nội dung lịch sử xã hội cụ thể, được hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 (cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX), có ảnh hưởng và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của văn học toàn thế giới. Chủ nghĩa lãng mạn chia làm hai khuynh hướng: lãng mạn tích cực và lãng mạn tiêu cực, nhưng giữa chúng vẫn có mối liên hệ qua lại khá phức tạp.
Lãng mạn được hiểu theo nghĩa chiết tự là sóng tràn bờ, chỉ một sự phóng khoáng, tự do, vượt lên trên mọi ràng buộc. Xung quanh từ lãng mạn có rất nhiều thuật ngữ khác nhau mà chủ nghĩa lãng mạn chỉ là một trong số đó như: “phương thức lãng mạn”, “hình thái lãng mạn”, “tính chất lãng mạn”…
Phương thức lãng mạn là kiểu sáng tác tái tạo, là một trong hai kiểu sáng tác chính của lịch sử văn học bên cạnh kiểu sáng tác tái hiện theo cách gọi của Friedrich Engels.
Hình thái lãng mạn là khái niệm đặc thù được Georg Wilhelm Friedrich Hegel dùng để đối lập với hình thái tượng trưng trong lịch sử phát triển nghệ thuật.
Tính chất lãng mạn là một thuộc tính thẩm mỹ biểu hiện chủ yếu ở chỗ vươn lên trên thực tại và đã hình thành trong lịch sử sáng tác văn học. Lãng mạn cùng với trữ tình là hai phạm trù nghệ thuật nằm trên những bình diện khác nhau: đối lập với lãng mạn là hiện thực, đối lập với trữ tình là tự sự. Trữ tình là kết quả của việc biểu hiện cảm xúc, tâm trạng chủ quan của con người, do phản ánh ước mơ và khát vọng của con người nên thường vươn lên trên thực tại. Vì vậy, trữ tình và lãng mạn dù khác nhau nhưng thường đi đôi với nhau.
2. Lịch sử hình thành chủ nghĩa lãng mạn.
a. Cơ sở xã hội.
Thời đại của chủ nghĩa lãng mạn là một thời đại đặc biệt giàu biến động (riêng nước Pháp, một trung tâm quan trọng của nền văn học châu Âu, vào đầu thế kỉ đã trả qua hai mươi lăm năm liền cách mạng và chiến tranh liên tiếp). Cuộc đại cách mạng tư sản năm 1789 . Sự sụp đổ của chế độ phong kiến, và sự kiến tạo những quan hệ xã hội mới đã tác động sâu xa đến tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp xã hội. Một mặt, cách mạng tư sản đã làm dấy lên sự bất mãn của những người đại biểu cho ý thức hệ quý tộc, bất bình trước trật tự xã hội mới, lo sợ trước phong trào quần chúng, hoang mang dao động vì tương lai mờ mịt, luyến tiếc thời oanh liệt nay không còn nữa. Tâm lý thời đại dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn .Chủ nghĩa lãng mạn khi không bằng lòng với thực tại, đã khát khao vươn tới một xã hội lý tưởng trong mơ ước.
Tóm lại: Sự sụp đổ của thể chế phong kiến, sự thắng lợi của quan hệ xã hội tư sản và lòng bất bình của nhiều tầng lớp, giai cấp đối với trật tự xã hội mới là tiền đề lịch sử của nền văn học lãng mạn châu Âu. Pha-ghê, một nhà nghiên cứu văn học Pháp đã viết rằng: “Cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn là sự ghê tởm đối với thực tại và nguyện vọng mãnh liệt muốn thoát ra khỏi thực tại đó.”
b. Cơ sở ý thức.
Chủ nghĩa lãng mạn ra đời còn do sự tác động của chủ nghĩa xã hội không tưởng, mơ ước mang đến một tương lai hạnh phúc, tốt đẹp cho con người. Tài sản chung của tất cả các dân tộc” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Sự thực thì chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức, tự bản thân nó cũng là một trào lưu lãng mạn trong triết học. Đặc biệt chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Căng đã nâng tâm linh con người lên địa vị làm chủ sáng tạo thế giới, nhấn mạnh thiên tài, linh cảm, tính năng động chủ quan. Chủ nghĩa duy tâm khách quan của Hêghen lại khẳng định con người là tuyệt đối vô hạn, là đỉnh cao của sự phát triển của tinh thần thế giới. Gớt lại rất nhấn mạnh đặc trưng của cá tính… Những quan điểm triết học và mĩ học đề cao con người này đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội tư sản cận đại. Mặt tích cực của nó là nâng cao sự tôn nghiêm, khẳng định ý thức tự chủ ở con người. Tuy vậy, triết học và mĩ học duy tâm cổ điển Đức lại đề cao con người tách khỏi thực tế xã hội và lịch sử. Những tư tưởng triết học ấy có ảnh hưởng nhất định tới các nhà văn lãng mạn tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nhiều khuynh hướng, nhiều trào lưu nghệ thuật, trong đó có chủ nghĩa lãng mạn, có mặt trong lĩnh vực văn chương, hội họa, âm nhạc…
3. Ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học.
Từ lãng mạn (romanticism, romantisme) xuất phát từ tình ca (romances) của thời trung cổ, để chỉ những bài thơ dài nói về những chàng kỵ sĩ, những anh hùng, về những vùng đất xa xôi và những cuộc tình lỡ làng…. Biêlinxki trong bài Văn học Nga, năm 1841, định nghĩa: “Chủ nghĩa lãng mạn, đó là thế giới nội tâm của con người, thế giới của tâm hồn và trái tim”.
Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện vào cuối thế kỉ XVIII, nghĩa ban đầu là những cái không có thực, chỉ tồn tại trong sách vở, trong trí tưởng tượng. Sang thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn không chỉ dừng lại ở đó, mà trở thành thế giới quan của thời đại: cách nhìn, cách đánh giá, thẩm định thế giới. Đó là sự phản ứng mang tính tích cực chống lại sự thống trị của tư sản. Chủ nghĩa lãng mạn là tiếng nói của những con người có văn hóa, có lương tri, của những trí thức tiến bộ. Họ căm ghét sự thống trị tư sản, vì giai cấp tư sản đã biến những lời hứa tốt đẹp của những nhà triết học ánh sáng thành những bức tranh châm biếm, biến xã hội mơ ước thành hiện thực đau thương, đẫm máu.
Chủ nghĩa lãng mạn như là sự tiếp nối của chủ nghĩa tình cảm. Đặc biệt là Rút-xô, thể hiện tình yêu thương con người một cách hào hiệp. Nên các nhà văn lãng mạn đã thể hiện thái độ chống lại thực tại tư sản, tạo ra một xã hội mới, tìm lối thoát cho nhân loại bằng cách: Tìm về với quá khứ, với ánh hào quang của xã hội nguyên thủy, với những đấng mình quân của xã hội phong kiến; hoặc tìm đến một tương lai mới, mà ở đó chưa có giai cấp tư sản. Tuy nhiên cả hai lối thoát này đều không có thực. Chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành thế giới quan của châu Âu, đem đến một luồng sinh khí, tạo nên sức mạnh cho nhân loại.
4. Những nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa lãng mạn.
a. Đề cao tình cảm của cá nhân con người.
“Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Văn học là hình thái ý thức xã hội luôn phản ánh tồn tại xã hội, mà trung tâm là hình tượng con người. Con người trong xã hội tư bản bị o ép, bị bóc lột trên mọi phương diện, họ chìm trong đau khổ và không tìm thấy cứu cánh cho cuộc đời. Vì vậy, họ đã chạy trốn thực tại, rúc sâu vào trong tâm hồn, trong bản ngã, tìm về cái tôi của mình và sống với thế giới tâm hồn riêng. Con người đã phát hiện ra thế giới tâm hồn của mình vô cùng phong phú đa dạng như cây đàn muôn điệu, và thể hiện nó một cách ám ảnh và xúc động trên trang giấy. Nếu như chủ nghĩa hiện thực phản ánh cuộc sống một cách khách quan, thì chủ nghĩa lãng mạn lại phản ánh cuộc sống một cách chủ quan thông qua tình cảm, cảm xúc của người nghệ sỹ. Nhà lãng mạn thời kỳ đầu của Pháp Lamactin đã nói: “Tôi là người đầu tiên làm cho thơ ca rời khỏi núi Pacnatxo (núi thơ). Tôi đã tặng cho nàng thơ không phải là cây đàn Lia bảy dây quy ước, mà là những thớ của con tim đang thổn thức.” Đó là cơ sở cho sự phát triển của một thể loại đặc sắc trong văn học, đó là thơ, đặc biệt là thơ trữ tình.
Nếu chủ nghĩa cổ điển đề cao cái ta lỗi thời thì chủ nghĩa lãng mạn đề cao cái tôi cá nhân. Con người có điều kiện bộc lộ vẻ đẹp của riêng mình. Đó chính là một hình thức đề cao con người. Nhưng cái tôi ở đây không phải là cá nhân riêng tư của một người nào, mà là tiếng lòng của cả một thời đại. Cái tôi mang một phẩm chất mới, cái tôi cộng đồng, tập thể. Bởi vậy, tiếng nói của trái tim mới đến được với trái tim và văn học lãng mạn đã trở thành món ăn tinh thần của cả thời đại. V. Huy-gô đã nói: “Ôi, con người khờ khạo. Anh không biết rằng tôi đang nói về tôi, chính là đang nói về anh đó”.
Trong văn xuôi lãng mạn, ta cũng bắt gặp cảm hứng ra đi trong những trang văn của Nguyễn Tuân về đề tài “xê dịch”. Trước Cách mạng tháng Tám, cái tôi Nguyễn Tuân về cơ bản là cái tôi cá nhân chủ nghĩa đối lập với xã hội, thể hiện tâm trạng tù túng của một thanh niên giàu sức sống, đầy khát vọng tự khẳng định mình, nhưng lại bị vây riết giữa môi trường sống quẩn quanh, trì trệ, buồn tẻ của xã hội thực dân nửa phong kiến. Ảnh hưởng tư tưởng của Nitsơ, Gitđơ ở phương Tây, giang hồ, xê dịch với ông nhiều khi chỉ là để tìm mình, để thực hiện cái cá nhân mình cho đến kì cùng: “Rồi tôi vẫn vênh váo đi giữa cuộc đời như một viễn khách không có quê hương nhất định, cái gì cũng ngờ hết, duy chỉ có tin chắc ở cái kho, cái vốn tình cảm và cảm giác của mình”. Nhưng cái tôi Nguyễn Tuân vẫn không hoàn toàn đóng kín với cuộc đời. Ta tìm thấy bóng dáng của ông hóa thân vào nhân vật Bạch trong “Thiếu quê hương”. Với Bạch nhiều khi đi là lẽ sống, để tìm “thực đơn” mới mẻ cho tâm hồn, đi là “hạnh phúc”. Nhưng đôi khi chính anh ta lại mâu thuẫn: “Ta đi để mà đau khổ cả lúc đi lẫn lúc nghỉ, ơi ta ơi là ta ơi”. Ảnh hưởng thuyết siêu nhân của Nitsơ: siêu nhân là phải biết tàn nhẫn, phải biết vượt lên thứ luân lý của tình thương, Bạch thích lên giọng khinh bỉ tình cảm gia đình, những kẻ lên đường bịn rịn, những cuộc tiễn đưa sụt sùi nước mắt. Nhưng thực tế anh ta vẫn rất nặng lòng với gia đình. Đối với cha, anh ta phải thú nhận: “Lòng thương cha, ai mà không nặng”. Còn đối với vợ, anh ta tìm cách bới móc mọi khuyết điểm của vợ để có thể li dị, nhưng rồi anh ta lại nhận ra điều đó “thật không xứng đáng một tí nào với cái vẻ ngây thơ, thành thực của vợ chàng”.
Như vậy, khác với nhân vật trong văn học phương Tây, họ sẵn sàng thoát ly gia đình để được sống phiêu lưu, mạo hiểm, để khẳng định cái tôi. Nhân vật của Nguyễn Tuân vẫn mang nặng tình cảm của con người Việt Nam, thoát ly gia đình nhưng vẫn nặng lòng với người thân. Đáng trân trọng hơn, họ xê dịch quẩn quanh, lẫn vào thú giang hồ lãng tử, nhưng trong lòng vẫn “yêu thương mà ngợi ca đất nước muôn vẻ muôn màu của mình”, và ghi lại những phong cảnh tuyệt đẹp của giang sơn Tổ quốc, trên mỗi bước đường đi qua đều đặt cả tâm hồn mình vào cỏ cây sông nước. Nhân vật của Nguyễn Tuân chính là hình bóng của nhà văn. “Con người luôn cảm thấy “thiếu quê hương” ấy, thực sự lại gắn bó tha thiết với quê hương mình bằng biết bao sợi dây tình cảm tế nhị. Mà chính vì tha thiết với quê hương nên mới cảm thấy bơ vơ trong hoàn cảnh mất nước và mới có tâm trạng khắc khoải day dứt “thiếu quê hương… Đó là một tấm lòng An Nam hoàn toàn” (Nguyễn Đăng Mạnh). Sức hấp dẫn, giá trị muôn đời của những trang văn Nguyễn Tuân là ở đó.
Qua sự phân tích một số ví dụ ở trên đã cho chúng ta thêm căn cứ để hiểu sâu sắc hơn đặc trưng đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn, đó là đề cao tình cảm của cá nhân con người, hiểu con người là một “tiểu vũ trụ” với sự phong phú, vô bờ bến của tâm hồn và trí tuệ.
4. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm lãng mạn.
Nhân vật là hình ảnh con người được miêu tả cụ thể trong tác phẩm. Nhân vật luôn là phương tiện để nhà văn phản ánh hiện thực và ký thác tư tưởng tình cảm của mình. Mỗi phương pháp sáng tác lại có kiểu nhân vật đặc trưng. Nếu như chủ nghĩa hiện thực phê phán xây dựng được những nhân vật điển hình sắc nét, thì nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn lại có vẻ đẹp phi thường, độc đáo.
a. Kiểu nhân vật cô độc.
Kiểu nhân vật đặc trưng của văn học lãng mạn được thai nghén từ sự đấu tranh giữa cá nhân và xã hội. Đó là những người bất mãn với thực tại thối nát của xã hội tư sản. Họ không chấp nhận và chối bỏ xã hội. Ngược lại, xã hội cũng chối từ những con người ấy. Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội là mâu thuẫn không thể giải quyết. Nhưng họ chỉ là những con người đấu tranh đơn độc, những con người cô độc. Trong cuộc đấu tranh ấy, phần thắng không thuộc về cá nhân. Nhưng những người anh hùng đơn độc ấy vẫn kiên quyết không từ bỏ lý tưởng của mình. Vì vậy họ thường mang vẻ mặt u buồn, không cười.
Tiêu biểu cho kiểu nhân vật này là Ăng-giôn-rax trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của V.Huygô. Vẻ đẹp của anh đã được nhà văn lý tưởng hóa cao độ. Theo quan điểm của Huygô, Ăng-giôn-rax là biểu tượng trọn vẹn cho cái cao cả, là lý tưởng của cách mạng. Và để hiển minh điều đó, nhà văn đã thể hiện nhân vật với những nét tuyệt đối và đặc biệt: “Vừa là đao phủ, vừa là thánh tăng, vừa là ánh sáng, vừa là pha lê”, lại “cứng như tảng đá”. Anh mang vẻ đẹp trẻ trung, thần thánh, là mẫu người anh hùng lý tưởng nhưng luôn mang “vẻ buồn trang nghiêm” của những người anh hùng đơn độc, khao khát đấu tranh với xã hội tư sản tàn ác để đem lại ấm no cho “những người khốn khổ”. Ăng-giôn-rax là người hy sinh cuối cùng trên chiến lũy với tám phát đạn. Chi tiết đó gợi cho ta liên tưởng đến hình tượng Chúa đóng đinh trên cây thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ. Ăng-giôn-rax là biểu tượng cho những con người sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của mọi người.
Điều đặc biệt, những nhân vật này vẫn tự hào và đầy kiêu hãnh, ở họ toát lên vẻ đẹp kiêu kỳ. Nhân vật lãng mạn gắn liền với chữ “KIÊU”.
b. Kiểu nhân vật tướng cướp – nhân vật nổi loạn.
Trong những tác phẩm văn học lãng mạn còn xuất hiện kiểu nhân vật tướng cướp – nhân vật nổi loạn, nhưng là những tên cướp cao thượng, mang tính lý tưởng: lấy hành động của mình để cưu mang, cứu vớt đời. Đó là những con người thừa “đầu thai nhầm thế kỉ”.
Các nhà văn lãng mạn tích cực đều mang thái độ bất mãn sâu sắc với xã hội tư sản. Họ nhận thức được rõ ràng cái xã hội mới đáng lẽ cho phép từng người biểu lộ tài năng của mình và “tham gia vào sự thay đổi thế giới”, thì về thực chất lại là “một xã hội đã bị chắn ngang do sự tàn bạo của đồng tiền, sự tàn bạo này còn khắc nghiệt hơn cả sự tàn bạo của đẳng cấp và của giống nòi xưa kia”. Nhận thức sáng suốt đó về thực tại không hề thủ tiêu ý chí của nhân vật trung tâm trong chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Gắn bó với ước vọng của nhân dân về một xã hội tốt đẹp hơn, hầu hết các nhà lãng mạn tích cực đều đã thể hiện trong tác phẩm của mình “giấc mơ về hành động thực tế của cá nhân, về chỗ cá nhân có thể thâm nhập vào thế giới và làm thay đổi được nó”.
Nhân vật của họ thường là nhân vật phi thường, con người nổi loạn. Họ nổi loạn để tạo ra chỗ đứng của mình, nổi loạn để thế giới phải chú ý tới họ, nổi loạn để chống lại bất công, tiêu diệt cái ác, cho dù là đơn độc. Những con người này thường sống ngoài rìa pháp luật, sống ngoài xã hội, vì vậy đã buồn họ lại càng buồn hơn.
5. Mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh.
Nếu như các nhà văn hiện thực phê phán phản ánh chân thực đời sống thông qua những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, thì các cây bút lãng mạn gửi gắm triết lý nhân sinh của mình qua những tính cách phi thường trong những hoàn cảnh phi thường. V.Huygô – chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn Pháp cho rằng: “Cái tầm thường là cái chết của nghệ thuật”. Và đây cũng là nguyên tắc chung của các nhà văn lãng mạn, luôn ưa thích cái vĩ đại, cái phi thường, cái “quá khổ”. Dưới ngòi bút của họ, nhân vật trung tâm đều trở nên phi thường, kì vĩ, gắn liền với hoàn cảnh phi thường
6. Nghệ thuật tương phản.
Theo nhận xét của các nhà phê bình, thì nghệ thuật lãng mạn có khả năng dung nạp rộng rãi các thủ pháp nghệ thuật đặc thù như tương phản, cường điệu, trữ tình ngoại đề, sự đối lập giữa cái trác việt (sublime) và cái thô kệch (grotesque)… Trong đó, một trong những thủ pháp đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất cho những tác phẩm văn học lãng mạn chính là nghệ thuật tương phản với những cấp độ đa dạng. “Tinh thần lãng mạn chính là sự nối kết liên tục các yếu tố đối kháng nhau: Tự nhiên và nghệ thuât, thơ ca và văn xuôi, sự nghiêm túc và thú vui, kỷ niệm và dự cảm, tư tưởng trừu tượng và những cảm giác sống động, sự sống và cái chết… hòa lẫn với nhau một cách mật thiết trong thể loại lãng mạn” (A.W Sleigel).
a. Tương phản trong xây dựng hình tượng nhân vật.
– Tương phản trong một nhân vật:
Dưới ngòi bút của các tác giả lãng mạn, nhân vật nhiều khi là sự thống nhất hài hòa của nhiều mặt đối lập: giữa ngoại hình và phẩm chất, giữa quá khứ và hiện tại,… Chúng ta không thể không kể đến nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, đó là sự kết hợp giữa một nghệ sĩ tài hoa và một anh hùng “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Hay Ka-di-mô-đô trong “Nhà thờ đức bà Pari” có vẻ bề ngoài vô cùng xấu xí, nhưng tâm hồn lại cao đẹp, thánh thiện…
Trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, V.Huy-gô đã triệt để khai thác vẻ đẹp của nghệ thuật tương phản. Với bút pháp này, nhà văn đã tạo ra kiểu nhân vật đặc trưng – nhân vật kép, nhân vật phức hợp. Giăng-Văn-Giăng vừa là một người tù khổ sai, vừa là một vị thánh, điều này đã biến “Những người khốn khổ”trở thành bản anh hùng ca của lương tâm con người. Bởi tác phẩm đã bộc lộ quá trình con người đi từ bóng tối ra ánh sáng, đấu tranh với chính mình để vươn tới sự hoàn thiện. Qua đó, V. Huy-gô đã nhắn gửi tới người đọc triết lý nhân sinh sâu sắc: muốn cứu đời, cứu người trước hết phải vượt qua được cái ác trong chính bản thân mình.
– Tương phản giữa hai nhân vật.
Trong nhiều tác phẩm lãng mạn, luôn có sự song hành của hai nhân vật đối lập nhau, qua đó tư tưởng của tác giả được bộc lộ sắc nét. Chắc hẳn chúng ta không thể quên cặp nhân vật xung đột nhau gay gắt là Giăng-Văn-Giăng và Gia-ve trong “Những người khốn khổ”, một người tiêu biểu cho những con người khốn cùng, còn người kia đại diện cho quyền lực của xã hội tư bản. Một người là thánh nhân luôn tìm cách bênh vực bao kiếp đời bé nhỏ, còn kẻ kia là tên mật thám chó săn luôn rình rập để bắt bớ, hành hạ những mảnh đời yếu đuối…
– Tương phản giữa nhân vật và hoàn cảnh.
Trong các tác phẩm văn học, con người không chỉ là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, mà chân dung nhân vật còn hiện lên sinh động trong mối quan hệ với môi trường xung quanh. Đến với văn xuôi lãng mạn, hẳn chúng ta đều đặc biệt ấn tượng với sự thù địch giữa nhân vật và hoàn cảnh.
b. Tương phản trong nghệ thuật dựng cảnh.
Trong tác phẩm, hình tượng con người luôn hiện lên sinh động trên một nền cảnh nào đó. Vì vậy, việc xây dựng bối cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn và thành công cho tác phẩm. Các nhà văn lãng mạn đã phát huy được tối đa hiệu quả của nghệ thuật tương phản trong việc tạo dựng khung cảnh.
c. Tương phản giữa các chi tiết.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, chi tiết nghệ thuật là: “Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”. Cũng theo nhóm tác giả này thì: “Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định.”
Như vậy, chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của nhà văn. Đối với người đọc khi nhận biết được các chi tiết đắt giá trong tác phẩm, chúng ta có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu rõ ý đồ sáng tạo của nhà văn.
Nếu như chủ nghĩa hiện thực đề cao tính chân thực của các chi tiết, thì trong những tác phẩm lãng mạn, nhà văn cũng dồn nén tư tưởng trong những chi tiết đặc sắc được kiến tạo bởi bút pháp tương phản. Không chỉ trong tiểu thuyết, mà với truyện ngắn lãng mạn, các nhà văn luôn rất dụng công khi xây dựng những chi tiết “cô đúc”, “mang nhiều ẩn ý
d. Tương phản giữa những tư tưởng.
Trong những tác phẩm lãng mạn, đôi khi nhà văn đã sử dụng nghệ thuật tương phản để tạo ra một cuộc tranh luận ngầm, từ đó khẳng định tư tưởng, quan điểm của mình.
Khái quát lại chúng ta thấy, với chủ nghĩa lãng mạn, văn học nhân loại đã tiến một bước rất dài với những thành tựu rực rỡ trên tất cả các thể loại. Chủ nghĩa lãng mạn đã tạo ra một thời kỳ thơ Mới, phá vỡ tất cả các khuôn khổ của thơ cũ, với hình thức thơ tự do, có khả năng lớn trong việc biểu đạt tình cảm của con người, tư duy của thời đại. học lãng mạn dâng hiến cho đời những kiệt tác bất hủ.
7. Hệ thống hình tượng.
– Chủ nghĩa lãng mạn xây dựng những tính cách phi thường trong những hoàn cảnh phi thường, tính cách không tồn tại trong những hoàn cảnh không tồn tại. Các nhà văn lãng mạn thường tìm kiếm những giá trị cao đẹp trong những cảnh đời tăm tối, tầm thường; khám phá cái cao cả trong những số phận bị ruồng bỏ, chà đạp. Trong Hai đứa trẻ, Thạch Lam xúc động, trân trọng cái khát vọng được đổi đời, được sống hạnh phúc hơn của những con người bé nhỏ bị lãng quên nơi phố huyện nghèo xưa. Nguyễn Tuân trong Chữ người tử tù tìm thấy sự tỏa sáng của nhân cách người tử tù nơi ngục thất tăm tối; sự vươn lên cái đẹp, cái thiên lương của một ngục quan, trong một nhà tù xã hội phong kiến xấu xa, suy tàn.
– Nhân vật của văn xuôi lãng mạn hành động theo sự tưởng tượng chủ quan của nhà văn và trực tiếp thể hiện tư tưởng của tác giả. Liên và An tuy còn nhỏ nhưng phải thay mẹ trông coi một quán tạp hóa nhỏ để kiếm sống. Hàng đêm các em lại cố thức để đón chuyến tàu đêm đi qua phố huyện. Con tàu với những toa sang trọng, đèn sáng trưng chiếu sáng xuống mặt đường và tiếng còi rít lên rầm rộ như mang theo cả một thế giới khác đối lập với cái phố huyện tăm tối, tĩnh lặng. Nó như thắp lên trong tâm hồn của các em một niềm khát vọng dẫu mơ hồ nhưng thật xúc động, đáng trân trọng. Nhà văn muốn qua đó thể hiện khát vọng của những con người bé nhỏ bị lãng quên trong xã hội cũ…
– Văn học lãng mạn là tự do biểu hiện tình cảm của cái tôi cá nhân, các nhà văn lãng mạn thường tuyệt đối hóa vai trò của cái tôi cá nhân, đặt chúng cao hơn thực tế khách đời sống để thể hiện tư tưởng của mình. Nhân vật trong Chữ người tử tù thể hiện quan điểm thẩm mĩ riêng của Nguyễn Tuân: Cái đẹp gắn với văn hóa dân tộc, gắn với cái thiện, có sức cảm hóa cái xấu, cái ác và cái đẹp luôn bất tử với đời.
Để lại một phản hồi