Chủ nghĩa siêu thực.

chu-nghia-sieu-thuc

Chủ nghĩa siêu thực.

I. Khái niệm.

Chủ nghĩa siêu thực là một trào lưu nghệ thuật và văn học có nguồn gốc từ Pháp, được đặc trưng bởi sự thể hiện tư tưởng theo cách tự phát và tự động, chỉ được cai trị bởi sự thúc đẩy của tiềm thức, coi thường logic và phủ nhận các tiêu chuẩn đạo đức và xã hội đã thiết lập. Chủ nghĩa siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật lớn bao trùm nhiều loại hình của nghệ thuật. Bắt đầu từ thơ, siêu thực lan tới hội họa rồi tiếp đến điện ảnh, tiểu thuyết.

– Chủ nghĩa siêu thực trước hết là tiếng nói phản kháng của lịch sử. Khoảng năm 1922, ở châu Âu, các giá trị đạo đức và tinh thần truỳên thống đang đứng trước nguy cơ tan vỡ và sụp đổ, giới văn nghệ sĩ bị đặt trước một thực tế phũ  phàng. Họ không còn con đường nào khác ngoài cách chạy trốn vào giấc mơ, đi tìm hiện thực khác, cao hơn.  Siêu thực nghĩa là nằm ngoài, nằm bên trên cái hiện thực đang tồn tại.

II. Nguồn gốc.

Nguồn gốc của thuật ngữ “siêu thực” xảy ra vào năm 1917, thông qua G. Apollinaire, là một từ có nghĩa là “những gì ở trên chủ nghĩa hiện thực”. Tuy nhiên, như một phong trào nghệ thuật và văn học, nó chỉ xuất hiện ở Pháp vào những năm 1920, bắt đầu ở Paris và được nhà thơ người Pháp André Breton viết tuyên ngôn vào năm 1924. Chủ nghĩa siêu thực cố gắng diễn tả tiềm thức bằng cách trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ.

Siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật lớn bao trùm nhiều loại hình của nghệ thuật. Bắt đầu từ thơ, siêu thực lan tới hội họa rồi tiếp đến điện ảnh, tiểu thuyết. Thuật ngữ Chủ nghĩa siêu thực (Surréalisme) được nhà thơ Guillaume Apollinaire dùng trong tác phẩm của mình vào năm 1917. Sau tuyên ngôn năm 1924, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong văn học và nghệ thuật.

Sự ra đời của chủ nghĩa siêu thực về thực chất là một sự nổi loạn đối với văn minh tư sản và sự khủng hoảng tinh thần của một bộ phận thanh niên trí thức trước thực trạng xã hội hỗn độn và sự bất lực của mình về mặt nghệ thuật. Trường phái này chống lại chủ nghĩa hiện thực và mang tính chất suy đồi. Vì thế nhiều nhà văn tài năng như L.Aragon và P. Éluard dần dần rời bỏ trường phái này và chuyển sang chủ nghĩa hiện thực vào cuối những năm 30 của thế kỉ XX đồng thời cũng trở thành những nhà thơ nổi tiếng.

Chủ nghĩa siêu thực dự định vượt ra khỏi giới hạn của trí tưởng tượng được tạo ra bởi tư tưởng tư sản và truyền thống logic của nó và bởi những ý tưởng nghệ thuật đã có hiệu lực từ thời Phục hưng. Phong trào siêu thực phát triển mặc dù có nguy cơ bị tiêu diệt, bởi vì những biểu hiện trái ngược phát sinh dựa trên chủ nghĩa vô chính phủ. Nhiều nhà tư tưởng của phong trào đã trao đổi những lời buộc tội, nói rằng họ không tuân theo mục đích của chủ nghĩa siêu thực. Bất chấp bầu không khí căng thẳng này, chủ nghĩa siêu thực phát triển mạnh và ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người, bởi vì nó tạo ra một quan niệm mới về thế giới và con người, nhưng cũng là một sự thay đổi có liên quan trong quá trình nghệ thuật.

Với sự khởi đầu của Thế chiến II, những người theo chủ nghĩa siêu thực lan rộng và ngay sau đó phong trào đã bị giải thể ở châu Âu vì có sự khác biệt về ý kiến giữa các thành viên và các vị trí chính trị khác nhau. Trước khi phát xít Đức chiếm đóng đất Pháp, chủ nghĩa siêu thực chính thức kết thúc lịch sử của nó.

Quan điểm và thi pháp của chủ nghĩa siêu thực chống lại sự sùng bái các trào lưu văn học hiện thực và lãng mạn thế kỷ 19, đưa ra một phương pháp sáng tác mà họ gọi là “lối viết tự động”, tức là ghi lại những ảo giác tự phát theo “trạng thái của những người bị thôi miên”… nói tóm lại, là theo chủ quan của người nghệ sĩ thoát ly mọi liên hệ với thực tế xã hội.

Trong bản tuyên ngôn của các nhà chủ nghĩa siêu thực viết năm 1924. André Breton đã viết như sau: “Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào của lý trí, hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ” .

III. Một vài đặc điểm về chủ nghĩa siêu thực.

1. Nguyên tắc sáng tác:

– Các nhà siêu thực không ngần ngại gạt bỏ mọi quy tắc ngữ pháp, không tuân thủ các quy tắc về cú pháp, không sử dụng các dấu chấm câu, gạt bỏ những quy tắc lôgic của lí tính trong ngữ pháp và thi pháp, mọi nguyên tắc logic trong tư duy, giành lấy sự tự do tuyệt đối cho cảm xúc tuôn trào. Sáng tác của họ do đó thường được cấu thành bằng những dòng tiềm thức rời rạc, gián cách, không thể khắc họa được bức tranh thực tại toàn vẹn.

– Hướng về thế giới vô thức của con người mà họ cho là một lĩnh vực vô hạn đối với sự khám phá sang tạo nghệ thuật.

–  Đề cao các ngẫu hứng, chú trọng ghi những cái xuất hiện lướt qua trong đầu, không qua sự kiểm soát của lý trí.

– Vứt bỏ sự phân tích logic, xóa bỏ các gông cùm của lý trí, đạo đức, tôn giáo và chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, ở những linh cảm bản năng và sự tiên tri.

– Dựa theo thuyết “tự động tâm linh” của Bréton họ kêu gọi hướng tới sự hồn nhiên không suy nghĩ của trẻ thơ, tới trạng thái mê sảng, tới những ảo giác.

Vì thế chủ nghĩa siêu thực chủ trương thơ ca phải được tuôn trào tự do, không cần sử dụng các dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự ngữ pháp, đề cao sự liên tưởng tự do của cá nhân.

2. Phong cách và đề tài.

Chủ nghĩa siêu thực chủ trương giải phóng thơ khỏi những qui cách lề lối gò bó trước đó mà họ cho là khuôn sáo, hàn lâm, chủ trương dùng những từ ngữ kiểu cách, kỳ lạ, âm luật và cú pháp bất thường.

Đề tài của chủ nghĩa siêu thực là những mơ tưởng huyền ảo quái dị, là sự đau khổ nhớ nhung quá khứ, là tình yêu. Họ cho rằng chỉ với lối sáng tác ấy người ta mới đạt đến một hiện thực cao hơn hiện thực tầm thường hằng ngày, một “siêu hiện thực”, chữ mà A.Breton đặt ra. (Bách khoa toàn thư Việt Nam).

3. Về quan điểm chính trị.

Các tác giả chủ nghĩa siêu thực nói chung đều là những người phản kháng lại trật tự xã hội tư bản. Họ đấu tranh cho nhân quyền, chống chủ nghĩa thực dân lúc đầu rơi vào tinh thần nổi loạn vô chính phủ và những cá nhân tư bản cực đoan. Có người ngay từ đầu đã tán thành chính sách chống đế quốc và thực dân của những người cộng sản.

4. Về nghệ thuật.

Loại trừ những bài thơ điên loạn, vô nghĩa, chơi chữ, cần thừa nhận những cải cách của các nhà thơ siêu thực về mặt thi pháp như: từ ngữ và hình tượng thơ, thơ tự do và thơ văn xuôi. Các nhà siêu thực xây dựng tác phẩm hoàn toàn dựa trên những thủ pháp như sự tương tự, cái nghịch lý, sự bất ngờ, sự thống nhất những cái không thể thống nhất được. Từ đó ở tác phẩm xuất hiện một bầu không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, phi lý…

5. Các tác giả tiêu biểu.

Thủ lĩnh và phát ngôn nhân đầu tiên của trào lưu thơ siêu thực là André Breton. Nhân vật quan trọng bên cạnh Bréton là nhà thơ, tiểu thuyết gia rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam: Louis Aragon. Mặc dù có vị thế quan trọng như vậy, nhưng sau Aragon lại từ bỏ chủ nghĩa siêu thực trở về với văn chương truyền thống kiểu Balzac. Những ngôi sao nổi tiếng khác như Tristan Tzara, Philippe Soupault, Jacques Prévert…

Ngoài ra có những người theo chủ nghĩa siêu thực nhưng không hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc của nó, nhưng cũng rất nổi tiếng như Federico Garcia Lorca (Tây Ban Nha), Anais Nin, Henry Miller, Charles Henry Ford (Mỹ), Hugh Sykes Davies, Dylan Thomas (Anh), St.J.Perse, Paul Eluard (Pháp)…

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đặc điểm khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực sau 1975 - Theki.vn
  2. Tác giả Hàn Mặc Tử - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.